Một số điểm mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

          Nhằm hướng tới một hệ thống pháp luật minh bạch, khả thi. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo theo đúng nội dung, quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp bổ sung, sửa đổi năm 2013). Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ra đời thay thế Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 với khá nhiều nội dung mới đáng chú ý:

          Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới bao gồm 17 chương, 173 điều. Luật mới đã thống nhất được nội dung của 02 luật: đó là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2004. Luật này không chỉ tạo sự thuận lợi trong việc áp dụng việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn tránh được mâu thuẫn xuất phát từ các quy định mà 02 văn bản trước gặp phải.

          Luật mới tiếp tục thu gọn hình thức văn bản quy phạm pháp luật, giảm 05 loại văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Chỉ thị của UBND cấp tỉnh, Chỉ thị của UBND cấp huyện, Chỉ thị của UBND cấp xã; làm rõ hơn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh HĐND cấp huyện, HĐND cấp xã ban hành Nghị quyết, UBND cấp huyện, UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được Luật giao (Điều 30).

          Luật mới năm 2015 bổ sung 01 điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 14), bao gồm các hành vi sau: (1) Ban hành văn bản QPPL trái với Hiến pháp, trái với văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; (2) Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản QPPL; (3) Ban hành văn bản QPPL khônng đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật ban hành văn bản QPPL; (4) Quy định thủ tục hành chính trong các văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt…, trừ trường hợp được giao trong luật.

          Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 không quy định về lập và thông qua chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quyết định của UBND cấp tỉnh, đồng thời bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách bạch với quy trình soạn thảo văn bản trong đó có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.

          Về xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn gồm 03 trường hợp: (1) Đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ; (2) Trường hợp cấp bách để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; (3) Trường hợp ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản QPPL trong một thời hạn nhất định. Luật mới lần này thu hẹp phạm vi áp dụng so với luật ban hành văn bản QPPL năm 2004 là chỉ được áp dụng thủ tục rút gọn đối với Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và quyết định của UBND cấp tỉnh.

          Về hiệu lực trở về trước, luật ban hành văn bản QPPL xác định rõ chỉ trường hợp thật cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, Nghị quyết của Quốc hội.. mới quy định hiệu lực trở về trước. Tuy nhiên luật quy định rõ chỉ có văn bản của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước (Khoản 1, Điều 152 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015).

          Trên đây là những điểm mới của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Dự kiến, các văn bản cấp dưới hướng dẫn thi hành Luật như Nghị định, Thông tư cũng sẽ được hoàn thiện và triển khai thực hiện trong thời gian đến./.

          Truy cập: Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 tại đây .

Lê Thị Đào