MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019

Ngày 16 tháng 04 năm 2021

Bộ luật Lao động năm 2019 (sau đây gọi là Bộ luật Lao động 2019) được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, Bộ luật gồm 17 Chương, 220 Điều và có hiệu lực vào ngày 01/01/2021, thay thế Bộ luật Lao động năm 2012 (sau đây gọi là Bộ luật Lao động 2012). Bên cạnh những nội dung kế thừa Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật Lao động 2019 có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

1. Về khái niệm

Bộ luật Lao động 2019 bổ sung, làm rõ các khái niệm: “người làm việc không có quan hệ lao động”, “phân biệt đối xử trong lao động” và “quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Từ đó quyền và nghĩa vụ của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) được bổ sung thêm, đảm bảo đầy đủ hơn và phù hợp với thực tiễn.

2. Đối tượng áp dụng

Nếu như Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định các vấn đề có liên quan đến mối quan hệ lao động NLĐ và NSDLĐ thì Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thêm một đối tượng áp dụng, đó là “người làm việc không có quan hệ lao động”. Như vậy, cho dù không có mối quan hệ lao động giữa NSDLĐ và NLĐ nhưng nếu thỏa mãn một số tiêu chí thì vẫn được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động 2019.

3. Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở

Bộ luật Lao động 2012 quy định rằng tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở.

Trong khi đó, ngoài Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung thêm “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” là tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Theo đó, công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ không còn là tổ chức đại diện tập thể lao động nữa.

4. Học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ

Bộ luật Lao động 2012 không có quy định về thời hạn học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp trước khi ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). Điều này gây bất lợi cho NLĐ khi NSDLĐ cố tình kéo dài thời hạn này. Ngoài ra, vì HĐLĐ chưa được ký kết nên NLĐ chưa được tham gia các loại bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Để bảo vệ NLĐ trong trường hợp nêu trên, Khoản 2 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “thời hạn tập nghề sẽ không được quá 3 tháng”.

5. Loại HĐLĐ

Kể từ ngày có hiệu lực của Bộ luật Lao động 2019 sẽ không còn loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Theo đó, Bộ luật Lao động 2019 chỉ quy định 2 loại HĐLĐ, gồm: HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn không quá 36 tháng.

Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định rằng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; trong thời gian chưa ký kết HĐLĐ mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết (Điểm a khoản 2 Điều 20). Trong khi đó, theo Bộ luật Lao động 2012 không rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện như thế nào trong khoảng thời gian từ khi HĐLĐ cũ hết hạn cho đến khi giao kết HĐLĐ mới.

Ngoài ra, một điểm quan trọng của Bộ luật Lao động 2019 là cho phép NSDLĐ và NLĐ nước ngoài được quyền ký kết nhiều HĐLĐ xác định thời hạn, trong đó thời hạn của HĐLĐ không vượt quá thời hạn của giấy phép lao động (Khoản 2 Điều 151).

6. Hình thức của HĐLĐ

Bộ luật Lao động 2012 quy định HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 quy định hai bên chỉ có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng. Ngoài ra, BLLĐ 2019 bổ sung thêm một hình thức của HĐLĐ, đó là HĐLĐ được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Theo đó, HĐLĐ được giao kết theo hình thức này cũng có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản.

7. Chấm dứt HĐLĐ

Ngoài các trường hợp chấm dứt HĐLĐ theo Bộ luật Lao động 2012 thì Bộ luật Lao động 2019 quy định thêm 3 trường hợp sau:

– Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

– Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

8. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ

Bộ luật Lao động 2019 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ so với Bộ luật Lao động 2012.

Theo Bộ luật Lao động 2012, NLĐ chỉ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong một số trường hợp luật định và phải đảm bảo nghĩa vụ thông báo trước cho NSDLĐ

Theo Bộ luật Lao động 2019, NLĐ không cần phải đưa ra lý do cho việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng vẫn phải đảm bảo nghĩa vụ thông báo trước ít nhất 45 ngày, 30 ngày hoặc 3 ngày làm việc tùy theo loại HĐLĐ. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt sau đây thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần thông báo trước:

–  Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;

– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;

– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

– Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc;

– Đủ tuổi nghỉ hưu;

– NSDLĐ cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.

9. Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ

Theo Bộ luật Lao động 2012, NSDLĐ chỉ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong một số trường hợp luật định, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào thì NSDLĐ cũng phải thông báo trước cho NLĐ.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm 3 trường hợp mà NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ:

– NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu;

– NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; hoặc

– NLĐ cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng NLĐ.

Đồng thời, Bộ luật Lao động 2019 cho phép NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần thông báo trước trong trường hợp NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

Ngoài ra, một điểm mới nữa của Bộ luật Lao động 2019 là nếu NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và NLĐ quay trở lại làm việc thì NLĐ phải hoàn trả cho NSDLĐ các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của NSDLĐ.

10. Tăng thời gian làm thêm giờ cho người lao động

Bộ luật Lao động 2012 quy định số giờ làm thêm của NLĐ không được quá 30 giờ/tháng thì nay, tại Bộ luật Lao động 2019, số giờ làm thêm đã được tăng lên, không quá 40 giờ/tháng.

11. Tăng ngày nghỉ lễ Quốc khánh thêm 01 ngày trước hoặc sau ngày 02/9 hằng năm

Theo Bộ luật Lao động 2012, NLĐ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương vào ngày Quốc khánh (ngày 02/9 dương lịch) hàng năm.

Đối với Bộ luật Lao động 2019, NLĐ sẽ được nghỉ thêm 01 ngày hưởng nguyên lương vào ngày Quốc khánh. Như vậy, vào ngày Quốc khánh, NLĐ sẽ được nghỉ 02 ngày, ngày 02/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau ngày 02/09, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết của NLĐ trong năm từ 10 ngày lên 11 ngày.

12. Thưởng

Bộ luật Lao động 2012 quy định doanh nghiệp thưởng tiền cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định ngoài việc thưởng bằng tiền thì doanh nghiệp có thể thưởng bằng tài sản hoặc bằng các hình thức khác.

13. Tăng độ tuổi nghỉ hưu cho NLĐ từ năm 2021

Theo BLLĐ 2019, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ (Khoản 2 Điều 169).

Như vậy, so với Bộ luật Lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường của NLĐ (nam từ đủ 60 tuổi và nữ từ đủ 55 tuổi) đã được điều chỉnh tăng lên.

14. Ngoài ra, nhiều nội dung của Bộ luật Lao động năm 2019 được quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn so với Bộ luật Lao động năm 2012 như: đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, trình tự lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể …

                             Dương Thị Lê Hà – Chánh Thanh tra Sở