MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CẦN LƯU Ý TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2021/NĐ-CP NGÀY 23/12/2021 CỦA CHÍNH PHỦ

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CẦN LƯU Ý TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 118/2021/NĐ-CP NGÀY 23/12/2021 CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, thay thế Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 118/2021/NĐ-CP có một số điểm mới cần nghiên cứu, nắm vững để áp dụng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính

Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, thay thế Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính,  Nghị định 118/2021/NĐ-CP có một số điểm mới cần nghiên cứu, nắm vững để áp dụng trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

1.  Quy định rõ hơn về Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP)

– Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP.

– Xử phạt Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong/ngoài phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công chấp thuận của pháp nhân, tổ chức (khoản 4 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).

– Áp dụng mức phạt tiền đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình vi phạm hành chính (khoản 5 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-CP).

2. Bổ sung quy định áp dụng văn bản pháp luật để xử phạt

– Điều 7 Nghị định 118/2021/NĐ-CP bổ sung quy định việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật“Điều 156. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định: (1). Văn bản QPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản QPPL được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản QPPL có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó. (2). Trong trường hợp các văn bản QPPL có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. (3). Trong trường hợp các văn bản QPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản QPPL ban hành sau. (4). Trong trường hợp văn bản QPPL mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới. (5). Việc áp dụng văn bản QPPL trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản QPPL trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”

– Trường hợp vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được Nghị định áp dụng theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản QPPL thì việc lựa chọn văn bản QPPL để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau: Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt. Nếu hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.

3. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

 (Khoản 1, Điều 9 Nghị định 118/2021/NĐ-CP)

– Khi xác định mức tiền phạt vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được trừ một tình tiết tăng nặng; Trường hợp có 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

4. Quy định mới về giao quyền cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính (Điều 10 Nghị định 118/2021/NĐ-CP)

– Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngoài quy định về giao quyền xử phạt thì bổ sung quy định về giao quyền cưỡng chế, cụ thể: Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng.

– Trong thời gian giao quyền thì người giao quyền vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

5. Quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP)

– Lập và chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp: hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý (điểm a khoản 1); vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và các trường hợp cần thiết khác (điểm b khoản 1); biên bản làm việc là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.

– Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính (khoản 2) với các mốc thời gian cho từng trường hợp cụ thể: 02 ngày làm việc; 05 ngày làm việc (với trường hợp có tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức); 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và xác minh tình tiết liên quan…

– Lập biên bản trong một số trường hợp (khoản 3), cụ thể: một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm; nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm trong cùng một vụ vi phạm; nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm; cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần (khoản 3 Điều 12).

– Nội dung của biên bản vi phạm hành chính (khoản 4); ký biên bản vi phạm hành chính (khoản 5); giao biên bản vi phạm hành chính (khoản 6).

– Xử lý đối với người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc chuyển biên bản vi phạm hành chính hoặc hồ sơ vụ vi phạm không đúng thời hạn dẫn đến quá thời hạn ra quyết định xử phạt (khoản 8).

6. Quy định rõ hơn về Hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính: Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP

08 trường hợp hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Khoản 1).

– Thẩm quyền hủy bỏ toàn bộ quyết định có sai sót (Khoản 2).

– Ban hành quyết định mới nếu có căn cứ (Khoản 3).

7. Quy định trường hợp không xác định thời hạn hủy bỏ quyết định xử phạt

Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định không áp dụng thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau: Quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Có quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định; Có kết luận nội dung tố cáo của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định; Có bản án, quyết định của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định bị khởi kiện.

8. Giải trình vi phạm hành chính: Nghị định 81 và Nghị định 97 không hướng dẫn về giải trình mà chỉ thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 118 quy định khá cụ thể về xử phạt trong trường hợp có giải trình và không có giải trình, đồng thời bổ sung trường hợp khi lập biên vi phạm hành chính chưa xác định được người có thẩm quyền xử phạt, thì cá nhân, tổ chức vi phạm gửi văn bản giải trình đến người có thẩm quyền lập biên bản. Người có thẩm quyền lập biên bản chuyển hồ sơ vụ việc cùng văn bản giải trình cho người có thẩm quyền ngay khi xác định được thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

    9. Quy định trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Theo đó, khoản 1 Điều 27 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định, khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải có lệnh hoặc quyết định thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền, mặc trang phục, quân  phục, sắc phục, phù hiệu của ngành hoặc sử dụng thẻ thanh tra, thẻ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành; Nghiêm túc hòa nhã trong thi hành công vụ.

10. Biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính: Nghị định 118/2021/NĐ-CP gồm 44 mẫu Quyết định (tăng 06 mẫu so với Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) và 30 mẫu Biên bản sử dụng (tăng 17 mẫu so với Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP), trong đó có một số quyết định, mẫu biên bản mới như: Quyết định chuyển giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ/hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Biên bản làm việc; biên bản xác định giá trị, tang vật phương tiện vi phạm hành chính; Biên bản xác minh thông tin về tài sản, tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; biên bản đặt, trả tiền bảo lãnh…. Biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được lưu trữ bằng giấy và lưu trữ dưới dạng điện tử…/.