Một số chú ý khi trồng cây rau chùm ngây
Thứ Tư 19/04/2017 , 15:06 (GMT+7)
Cây giống: Nên trồng bằng cây giống đã gieo ươm trong bầu. Chọn các cây giống khoẻ, không cong vẹo, có chiều cao 20 – 30cm…
Rau chùm ngây khó bảo quản tự nhiên qua ngày, vì sau thu hoạch 3 – 4 giờ lá rau sẽ rụng khỏi cành, nên khó vận chuyển đi tiêu thụ xa. Nếu trồng chùm ngây làm rau thương mại, cần có hợp đồng bao tiêu ổn định, để nhà vườn chủ động kế hoạch sản xuất.
Cây chùm ngây 3 tháng tuổi
Cây chùm ngây thuộc dạng thân gỗ mềm, phân cành rất khoẻ, các bộ phận trên cây (lá, hoa, quả và rễ) đều có giá trị bổ sung dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể người.
Rễ chùm ngây khá mềm (mềm hơn thân cây) có thể thái lát được như củ sắn, sau khi trồng cây đã sinh trưởng ổn định, không nên đào lên chuyển vị trí trồng lại, sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự sinh trưởng phát triển của cây.
Cây chùm ngây sinh trưởng, phát triển rất nhanh, sau trồng 1 – 2 năm cây có thể cao 3 – 5m (tuỳ theo đất tốt xấu và khả năng chăm sóc). Vì vậy cần cắt ngọn sớm, để tăng khả năng chống đổ và kích thích cây ra nhiều chồi nhánh, tăng sản lượng rau.
Rau chùm ngây sau thu hoạch 3 – 4 giờ, lá sẽ bị rụng khỏi cành, nên khó bảo quản tự nhiên qua ngày để vận chuyển đi xa.
Nếu trồng chùm ngây làm rau thương mại, cần có hợp đồng bao tiêu ổn định để nhà vườn chủ động kế hoạch sản xuất và kinh doanh.
Rau chùm ngây ít sâu bệnh, có thể không cần sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, vì vậy mỗi gia đình, bếp ăn bán trú nên tận dụng các vuông đất trống, trồng một số cây chùm ngây, để chủ động nhu cầu loại rau xanh an toàn và giàu dinh dưỡng này.
Kỹ thuật trồng cây chùm ngây lấy rau:
Cây giống: Nên trồng bằng cây giống đã gieo ươm trong bầu. Chọn các cây giống khoẻ, không cong vẹo, có chiều cao 20 – 30cm. Có thể gieo hạt trực tiếp trên đất tại vị trí định trồng rau chùm ngây, nên gieo 2 hạt/khóm, sau tỉa để lại 1 cây khoẻ.
Thời vụ: Khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ gieo trồng tháng 2 – 4. Các tỉnh miền núi và Nam Trung bộ trồng đầu mùa mưa. Các tỉnh miền Nam có thể trồng quanh năm.
Đất trồng: Chọn đất có tầng canh tác dày, giàu mùn, giàu dinh dưỡng.
Khoảng cách trồng: 1 – 1,5m/1 cây.
Kích thước hố trồng: 30 x 30 x 30cm (đất xấu) hoặc 20 x 20 x 20cm (đất tốt).
Phân lót: 10 – 15kg phân chuồng hoai mục (hoặc 3 – 5kg phân hữu cơ vi sinh) và 0,3 – 0,5kg lân supe.
Trộn đều phân bón với lớp đất tầng canh tác rồi đưa xuống hố, lấp đất vồng miệng hố, bóc nhẹ lột bỏ vỏ bầu (tránh làm vỡ bầu), khơi đất trồng chìm hết phần giá thể bầu cây giữa vồng hố, nén nhẹ đất quanh gốc và cắm cọc níu giữ cho cây thẳng, kết hợp tưới nước đủ ẩm.
Thường xuyên tủ gốc bằng cỏ khô hoặc rơm rạ để giữ ẩm đất, tránh xói mòn và hạn chế cỏ dại phát sinh.
Sau trồng 5 – 7 ngày bón thúc nhẹ: lượng bón/10 cây gồm 0,1kg đạm urê + 1kg lân supe pha nước tưới.
Sau trồng 25 – 30 ngày: Bón gốc 0,1kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE kết hợp bón lá Atonik + Seaweed rong biển Canada.
Từ tháng thứ 3 trở đi bón phân cho cây sau mỗi lần thu hái rau. Lượng bón trung bình/1 gốc: 0,1 – 0,2kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE (tùy theo thực tế sinh trưởng của cây).
Bón lá Atonik khi chồi cây dài 5 – 7cm. Phun Seaweed rong biển Canada khi cành lá dài 10 -15cm.
Xới xáo nhặt cỏ nhẹ nhàng để hạn chế làm tổn thương bộ rễ.
Đảm bảo đủ ẩm đất thường xuyên để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho nhiều rau.
Khi cây cao trên 1m cắt ngọn (để lại chiều cao cây 0,9 – 1,0m), nhằm kích thích ra chồi và phân cành.
Khống chế chiều cao cây hợp lý, để thu hoạch rau dễ dàng.
Thu hoạch rau (khi cây đạt 3 tháng tuổi), lá rau còn mang màu bánh tẻ. Trên chồi cây tỉa bẻ cả cành (khi chế biến ăn mới tuốt lấy lá). Sử dụng rau dưới 4 giờ từ sau khi thu hoạch. Nếu bảo quản tự nhiên không nên để rau quá nửa ngày.
Phụ nữ đang mang thai không nên ăn rau chùm ngây.