Một số câu hỏi bán trắc nghiệm, câu hỏi tình huống về luật Hành chính
Công ty Luật Minh Khuê dựa trên câu hỏi của một số bạn đọc, biên tập và tổng hợp thành một bài viết có nội dung là giải đáp các câu hỏi trắc nghiệm về luật hành chính. Nếu quý khách hàng muốn tư vấn về các nội dung khác không có trong bài viết có thể liên hệ tổng đài tư vấn 1900.6162 để được hỗ trợ.
Mục Lục
1. Mọi quyết định hành chính cá biệt đều không phải là nguồn của luật hành chính ?
Trả lời:
Khẳng định 1 đúng.
Vì: Nguồn của luật hành chính là các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có chứa các quy phạm pháp luật hành chính. Một văn bản được coi là nguồn của luật hành chính nếu văn bản đó thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu sau:
– Do chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật theo Luật định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành.
– Văn bản được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, dưới hình thức theo luật định. Nội dung văn bản đó có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính.
Căn cứ vào chủ thể ban hành, nguồn của luật hành chính bao gồm: Hiến pháp; Luật; Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh; Nghị định của Chính phủ; Nghị định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính là nguồn của Luật hành chính, Quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan nganh Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Còn quyết định cá biệt ban hành nhằm áp dụng cho một số đối tượng cụ thể trong một trường hợp hay 1 công việc nhất định và chỉ được áp dụng 1 lần ( ví dụ: quyết định nhân sự; quyết định khen thưởng, kỷ luật; quyết định thành lập ban hội đồng; quyết định ban hành một văn bản) nên quyết định cá biệt không phải nguồn của Luật hành chính.
2. Yêu cầu hợp pháp của đối tượng quản lý cũng có thể làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính ?
Trả lời:
Khẳng định 2 đúng
Vì: Quan hệ pháp luật Hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lí Hành chính Nhà nước, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật Hành chính giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật Hành chính.
Cơ sở làm phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính là: Quy phạm pháp luật, sự kiện pháp lý và năng lực chủ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, quy phạm pháp luật hành chính, năng lực chủ thể của cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan là điều kiện chung cho việc phát sinh, thay đổi, hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật Hành chính.
Yêu cầu hợp pháp của đối tượng quản lý có thể làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính trong trường hợp đó là những hành vi hợp pháp của sự kiện pháp lí. Hành vi hợp pháp ở đây có thể là: quyết định hành chính hợp pháp của
cơ quan nhà nước hay quan hệ pháp luật hành chính phát sinh theo sáng kiến
của cơ quan tổ chức,công dân thể hiện bằng những hoạt động hợp pháp của
họ như đơn yêu cầu cấp giấy tờ chứng nhận,đơn kiến nghị,khiếu nại,tố cáo
với các cơ quan,tổ chức cá nhân có thẩm quyền( ví dụ: hành vi khiếu nại là sự kiện pháp lý hành chính làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính giữa người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó với người khiếu nại và người bị khiếu nại).
3. Quan hệ pháp luật hành chính có phát sinh giữa các cơ quan nhà nước không?
Câu hỏi trắc nghiệm: Do tính bất bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính nên quan hệ pháp luật hành chính không thể phát sinh giữa hai cơ quan nhà nước.
Trả lời:
Khẳng định 3 sai.
Vì: Cơ quan hành chính nhà nước cũng là cơ quan nhà nước nên quan hệ pháp luật hành chính phát sinh giữa hai cơ quan hành chính nhà nước có thể được coi là quan hệ pháp luật hành chính phát sinh giữa 2 cơ quan nhà nước. Ví dụ: quan hệ pháp luật hành chính phát sinh giữa Chính phủ với Bộ công an trong việc giữ gìn trật tự trị an trong những ngày lễ kỉ niệm lớn của cả nước…)
4. Câu hỏi về nghĩa vụ áp dụng quy phạm pháp luật hành chính
Câu hỏi trắc nghiệm: Cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành quy phạm pháp luật hành chính cũng luôn có nghĩa vụ áp dụng quy phạm pháp luật hành chính.
Trả lời:
Khẳng định 4 sai.
Vì: Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính cũng là 1 hình thức thực hiện pháp luật. Tuy nhiên không phải chủ thể nào cũng có nghĩa vụ áp dụng quy pháp pháp luật. Chỉ những chủ thể có thẩm quyền mới được áp dụng quy phạm pháp luật hành chính, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước. Ví dụ: cảnh sát gt xử phạt người vi phạm.
5. Phân tích các dấu hiệu cấu thành vi phạm pháp luật hành chính
Chủ thể: Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân là chủ thể của vi phạm hành chính phải là người không mắc các bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và đạt độ tuổi do pháp luật quy định. Cụ thể như sau:
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là chủ thể của vi phạm hành chính trong trường hợp thực hiện lỗi cố ý.
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể là chủ thể của vi phạm hành chính trong mọi trường hợp.
Mặt khách quan:
Hành vi vi phạm hành chính: Vi phạm hành chính có hình thức biểu hiện là hành vi. Đây là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của vi phạm pháp luật hành chính. Không có hành vi thì chưa phải là vi phạm pháp luật. Hành vi vi phạm pháp luật hành chính là hành vi xâm phạm các quy tắc quản lý hành chính nhà nước. Hành vi được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hành vi của H rơi và dạng hành động.
Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Mặt chủ quan: Là lỗi cố ý vi phạm các quy định pháp luật về hành chính
Khách thể: Vi phạm hành chính cũng như mọi vi phạm pháp luật khác đều xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Cụ thể là trong vi phạm hành chính, Khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý hành chính nhà nước được pháp luật hành chính quy định và bảo vệ.
6. Câu hỏi tình huống về vi phạm hành chính
Tình huống: Nguyễn Văn H 17 tuổi có đủ năng năng hành vi dân sự điều khiển xe mô tô có dung tích xilanh trên 50cm3, đi vào đường cấm. Bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại kiểm tra giấy tờ và tiến hành lập biên bản vi phạm giao thông. Phân tích các dấu hiệu cấu thành hành vi vi phạm và mức xử phạt đối với H.
Trả lời:
Chủ thể: trong tình huống đề bài nêu ra, Nguyễn Văn H 17 tuổi ( thuộc trường hợp cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên), và không có dấu hiệu của bệnh tâm thần hay các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. H đã xâm phạm các nguyên tắc quản lý Nhà nước( làm những việc pháp luật cấm nhưa điều khiển xe mô tô có dung tích xilanh trên 50cm3, đi vào đường cấm) và trở thành chủ thể của vi phạm hành chính. Nên H là đối tượng bị xử phạt hành chính về mọi hành vi mình gây ra.
Mặt khách quan:
Hành vi vi phạm hành chính: Hành vi của H rơi và dạng hành động. Tức là H đã thực hiện hai hành vi bị pháp luật cấm là điều khiển xe mô tô khi chưa đạt độ tuổi luật định và đi vào đường cấm.
Địa điểm thực hiện: Có khi cùng một hành vi nhưng nếu thực hiện ở địa điểm này là vi phạm hành chính nhưng thực hiện ở nơi khác thì lại không phải vi phạm hành chính. Trong trường hợp của H, địa điểm thực hiện hành vi vi phạm hành chính là trên đường khi tham gia giao thông và cụ thể là điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi đi vào đường cấm. Tuy nhiên nếu H chỉ điều khiển xe chạy trong sân nhà hoặc H đã đủ tuổi điều khiển xe mô tô theo quy định của pháp luật và không đi vào đường cấm mà đi đúng phần đường của mình thì hành vi của H không bị coi là vi phạm pháp luật hành chính.
Công cụ và phương tiện vi phạm: H điều khiển xe mô tô dung tích xilanh trên 50cm3 đi vào đường cấm. Phương tiện vi phạm ở đây là xe mô tô dung tích xilanh trên 50cm3.
Hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Trong trường hợp này, H chưa gây ra thiệt hại nhưng vì hành vi của H đã vi phạm pháp luật và bị chiến sĩ cảnh sát phát hiện nên H sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Mặt chủ quan: Là lỗi cố ý điều khiển xe mô tô có xi lanh trên 50 cm3 và lỗi vô ý đi vào đường cấm của H. H chưa đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật để điều khiển xe mô tô. Đây là hành vi cố ý của H khi nhận thức được rõ điều này nhưng vẫn vi phạm.
Khách thể: Khách thể bị hành vi vi phạm của H xâm hại là việc quản lý trật đô thị và trật tự quản lý giao thông đường bộ.
Trường hợp của H sẽ bị xử phạt như thế nào ?
Đối với hành vi điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi:
Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi như sau:
Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
Trường hợp của H là trường hợp vi phạm theo Điểm a Khoản 4 Điều 21 là H chưa đủ tuổi để được cấp giấy phép lái xe cho loại xe trên 50 cm3. Mức phạt đối với hành vi của H là từ 400.000 đồng – 600.000 đồng
Đối với hành vi giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển:
Điều 30 nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt như sau:
Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);
Đối với hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cấm:
Theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP lỗi điều khiển xe mô tô (xe máy) đi vào đường cấm sẽ bị xử phạt như sau:
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
i) Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn Pháp luật – Công ty luật MInh Khuê