Một số biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non 3 – 4 tuổi tại lớp 3 tuổi C Trường Mầm non An …

           Vấn đề giáo dục lễ giáo, quy tắc giao tiếp ứng xử cho trẻ mẫu giáo 3 – 4 tuổi là một hoạt động không mới trong trường mầm non. Nhưng việc giáo dục lễ giáo cho trẻ một cách đầy đủ và sâu sắc thì đây là lần đầu tiên được áp dụng với trẻ 3 – 4 tuổi. Vấn đề giúp trẻ 3 – 4  tuổi mà tôi đang nghiên cứu là lần đầu tiên được áp dụng với trẻ  3 – 4 tuổi được đi học ở trường mầm non, lúc này trẻ còn lạ lẫm, một số trẻ rất nhút nhát. Trong khi đó khi ở nhà với cha mẹ  phần lớn các bố mẹ đều là các bố mẹ trẻ thế hệ 9x, theo danh sách trẻ của lớp thì tới 50% phụ huynh của lớp đi làm công ty theo ca, kíp ít thời gian bên cạnh chăm sóc con cái. Chính những bận rộn và bộn bề như vậy nên thời gian bố mẹ trò chuyện với trẻ hay giáo dục dạy cho trẻ rất hạn chế. Một số cha mẹ của trẻ nhận thức về tầm quan trọng của việc làm gương hay giáo dục lễ giáo cho trẻ còn hạn chế. Như ta thấy việc dạy lễ giáo cho trẻ cũng được thực hiện ở các gia đình nhưng mới chỉ dừng lại ở những điều đơn giản như: Dạy trẻ chào hỏi; biết xin lỗi….

* Biện pháp 1: Xây dựng góc lễ giáo, góc tuyên truyền cho trẻ và thông qua các trò chơi đóng vai theo chủ đề.

Xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện chuyên đề giáo dục lễ giáo cho trẻ mẫu giáo:

Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm tôi đã tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con mình lứa tuổi mầm non. Tuyên truyền về cách chăm sóc và giáo dục con theo khoa học cho gia đình về kiến thức cơ bản và công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Song song với việc đó tôi đã lên kế hoạch để giáo dục lễ giáo cho trẻ theo từng tháng.

Trong các tháng trong năm học tôi lên kế hoạch có yêu cầu nội dung cao hơn, dựa vào kết quả đạt được trên trẻ mà tôi nhận thấy được. Góc tuyên truyền lễ giáo thường để ngoài cửa lớp để phụ huynh dễ nhìn, biết được kế hoạch chăm sóc của nhà trường, lớp học để có thể nắm bắt và có hướng giáo dục con cái cũng như có thể tham khảo sau mỗi giờ đón, trả trẻ phụ huynh hiểu biết thêm về các hành vi giáo dục lễ giáo cho trẻ. Cô giáo thường xuyên trao đổi, thông báo nội dung giáo dục, để từ đó thống nhất nội dung giáo dục cho trẻ giữa  nhà trường và gia đình.

​     ​ Theo cá nhân tôi góc tuyên truyền giáo dục lễ giáo của lớp là không thể thiếu. Đây là biện pháp rất hữu hiệu đối với chuyên đề lễ giáo. Là một phương pháp tuyên truyền rất tốt và đạt hiệu quả cao. Vì vậy ở góc này tôi trang trí hấp dẫn sưu tầm những tranh ảnh có nội dung giáo dục lễ giáo dán vào cho trẻ xem. Bên cạnh đó có kèm theo một bài thơ, bài hát hay nội dung phù hợp với hình ảnh, thời gian rảnh tôi cho trẻ đến xem và trò chuyện giáo dục hành vi của trẻ đối với mọi người, mọi vật xung quanh. Đàm thoại với trẻ những hành vi văn minh trong giao tiếp. Bởi lẽ trẻ mầm non đặc biệt là trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi có đặc điểm dễ nhớ nhưng lại mau quên. Song trẻ được trực quan bằng hình ảnh những gương tốt hoặc qua thơ, truyện thì trẻ dễ tiếp thu, dễ phân biệt việc làm nào tốt, việc làm nào xấu.

Ví dụ: Tôi dán lên tường bức tranh một bạn nhỏ lấy hai tay bê hoa quả mời bố mẹ của mình. Trẻ nhìn tranh và biết được hành động của bạn nhỏ này đúng hay không đúng, nên làm theo hay không làm theo nội dung của bức tranh.

Hàng tháng tôi lên kế hoạch chủ đề lễ giáo và thay tranh ảnh bài thơ có nội dung phù hợp với chủ đề từng tháng. Ngoài ra, tôi còn sưu tầm tranh truyện, sách báo nhi đồng có hình ảnh và nội dung về lễ giáo làm một album có nội dung và hình ảnh phù hợp với trẻ, để đến giờ chơi góc trẻ vào góc học tập có thể mở ra xem và trò chuyện giáo dục hành vi của trẻ đối với mọi người, mọi vật xung quanh đàm thoại với trẻ những hành vi văn minh trong giao tiếp.

Hoạt động chủ đạo của trẻ ở lứa tuổi mầm non là vui chơi. Chơi là hoạt động của trẻ mẫu giáo tạo ra những nét tâm lý mới tiêu biểu là sự hình thành nhân cách trong mối quan hệ giữa trẻ em cùng chơi với nhau. Đối với trẻ mẫu giáo chơi là cuộc sống của trẻ, không chơi trẻ không thể phát triển đuợc. Trong trò chơi trẻ học cách sử dụng đồ vật, học những quy tắc ứng xử giữa con người với con người. Vì vậy, trong công tác giáo dục lễ giáo cho các cháu trò chơi là phương tiện giáo dục mạnh mẽ nhất.

Trong các loại trò chơi, thì trò chơi đóng vai theo chủ đề có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là loại trò chơi mô phỏng lại một mảng nào đó của cuộc sống người lớn trong xã hội bằng việc nhập vai hay đóng vai, tức là ướm mình vào người nào đó để hành động theo chức năng của họ trong các mối quan hệ xã hội. Khi tham gia trò chơi trẻ được thoả mãn nguyện vọng là được sống và hành động như người lớn. Trẻ có thể hiểu được mỗi người trong xã hội đều có nghĩa vụ và quyền lợi. Thông qua hoạt động vui chơi người lớn tạo ra sự chuyển biến trong đời sống tâm lý trẻ. Xuyên suốt trò chơi có hai mối quan hệ diễn ra, đó là mối quan hệ giữa trẻ với trẻ và mối quan hệ giữa các vai chơi với nhau. Vai chơi là tấm gương phản chiếu lại mối quan hệ giữa những con người trong xã hội (giữa ba mẹ và con cái, giữa cô giáo và trẻ, giữa người bán hàng và người mua hàng…). Vai chơi có tác dụng giáo dục lễ giáo trực tiếp đối với trẻ, ngay cả đối với những trẻ đóng vai. Chính vì thế cho nên việc khai thác tác dụng giáo dục lễ giáo của trò chơi đóng vai theo chủ đề đòi hỏi người giáo viên phải tìm hiểu, chọn lọc sau đó hướng dẫn cho trẻ tỉ mỉ từng vai chơi. Quá trình chơi được lặp lại nhiều lần để giúp trẻ khắc sâu. Tùy theo chủ đề chơi mà cô giáo có thể tác động nhiều khía cạnh đạo đức khác nhau cho trẻ

– Chủ đề “Gia đình”, trẻ chơi trò chơi đóng vai “Gia đình của bé”. Trẻ biết tự phân vai chơi cho nhau: Một trẻ đóng vai mẹ, một trẻ đóng vai bố và một trẻ đóng vai con. Trẻ biết được:

+ Bố thường đi làm việc, bố luôn thương yêu mẹ và các con, chăm sóc cho các con, dạy con học, đưa con đến trường.

+ Mẹ là người nấu cơm cho con ăn, tắm rửa cho con, đưa con đi học, dạy con học bài…

+ Con lúc nào cũng phải yêu thương, kính trọng bố mẹ, vâng lời bố mẹ, khi nói chuyện phải biết dạ thưa, khi có khách đến nhà phải biết chào hỏi. Biết giúp đỡ bố mẹ những công việc vừa sức: Rửa chén, quét nhà, phụ mẹ nấu cơm, trông em…

Thông qua trò chơi trẻ được tiếp xúc với đồ dùng đồ chơi. Cô nên tạo ra những đồ dùng đồ chơi mang tính thẩm mỹ, hấp dẫn trẻ bằng vẻ trong sáng giản dị giúp trẻ hình thành thị hiếu thẩm mỹ. Qua đó giáo dục các cháu biết giữ gìn đồ dùng đồ chơi cẩn thận, biết lau chùi sạch sẽ, lấy và cất dọn gọn gàng đúng nơi quy định, nhằm hình thành ở trẻ nền nếp thói quen trong sinh hoạt vui chơi. Đồng thời qua đó giúp các cháu yêu thích đồ dùng đồ chơi, cảm thụ được cái đẹp, yêu thích các sản phẩm của mình và bạn tạo ra trong quá trình chơi.

– Ở chủ đề “Vật nuôi trong gia đình” quan sát trẻ chơi ở góc xây dựng, tôi thấy: Cháu lấy đồ chơi xây dựng (hàng rào, cây xanh, chuồng trại…) một cách nhẹ nhàng, cẩn thận. Cháu xây được mô hình “Nông trại vui vẻ” với các chuồng trại: chuồng heo, chuồng bò, chuồng gà…Cháu biết cảm nhận được cái đẹp từ mô hình cháu xây dựng nên, từ đó giúp cháu yêu thích các đồ dùng đồ chơi và vai chơi của mình. Sau giờ chơi, tôi thấy cháu biết phân công nhau cất đồ chơi vào đúng nơi ban đầu lấy xuống.

– Cũng ở chủ đề “Vật nuôi trong gia đình”, cháu vào góc nghệ thuật và nặn một số vật nuôi đơn giản. Cháu tạo ra được chú gà con màu vàng xinh xắn, chú heo con màu hồng mũm mĩm. Quan sát tôi thấy cháu rất thích thú và trân trọng sản phẩm mình tạo ra, biết cất dọn học cụ vào kệ gọn gàng ngay ngắn.

Trò chơi cũng giúp cho các con nâng cao tính kỷ luật, tự giác thông qua việc ý thức được các vai trò trong cuộc chơi, chấp hành các quy định của trò chơi một cách tự nguyện. Dần dần điều đó sẽ hình thành ở trẻ một thói quen tốt là tự đặt ra cho mình những nguyên tắc về kỷ luật, làm nền tảng cho các hoạt động sau này.

Để vai chơi luôn đạt kết quả cao trong giáo dục đạo đức cho các cháu tôi chú trọng cách sắp xếp, bố trí các góc chơi gọn gàng, hấp dẫn trẻ; sân chơi luôn sạch sẽ, thoáng mát, đầy đủ ánh sáng và không khí trong lành. Tôi luôn tìm tòi sáng tạo trong việc làm ra đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Với tôi đồ chơi phải phong phú nhiều dáng vẻ để có thể sử dụng vào nhiều loại trò chơi. Đồng thời đồ chơi còn phải mang tính thẩm mỹ hấp dẫn trẻ bằng vẻ trong sáng giản dị, giúp trẻ hình thành thị hiếu thẩm mỹ. Tôi chú trọng sử dụng nhiều đồ chơi dân gian. Cần tránh những đồ chơi sắc nhọn dễ gây thương tích hoặc những thứ độc hại, những đồ chơi bạo lực. Việc tiếp xúc với đồ dùng đồ chơi trong quá trình chơi giúp các cháu biết yêu quý, trân trọng giữ gìn bảo vệ các đồ dùng đồ chơi, sau khi chơi xong biết sắp xếp đồ dùng đồ chơi vào đúng nơi quy định.

– Chủ đề “Nghề truyền thống”: Từ các vật liệu đơn giản ở xung quanh cô tạo ra một số đồ dùng dụng cụ của nghề nông: cuốc, xẻng, lưỡi liềm…Cô giải thích cho các cháu hiểu được từ các dụng cụ đó đã làm nên hạt gạo, bát cơm, nuôi lớn các cháu. Các dụng cụ đó gắn liền với bao giọt mồ hôi của bố mẹ để nuôi con khôn lớn. Qua đó trẻ sẽ biết trân trọng, giữ gìn các đồ dùng dụng cụ đó. Bên cạnh đó cô cần bố trí các góc chơi phù hợp với chủ đề. Việc cho trẻ nhắc lại tiêu chuẩn khi chơi giúp cho trẻ có được những hành vi đạo đức tốt trong quá trình chơi: Biết rủ bạn cùng chơi, khi chơi không giành đồ chơi với bạn, không cãi nhau đánh nhau với bạn, không xưng hô mày tao với bạn, không la hét to khi chơi và chơi xong biết cất dọn đồ chơi vào đúng nơi quy định. Trong khi chơi trẻ biết liên kết các góc chơi với nhau để đem lại hiệu quả tốt.

Trò chơi đóng vai có tác động rất mạnh đến sự phát triển đời sống tình cảm trẻ mẫu giáo. Trẻ chơi với tất cả tinh thần say mê của nó. Trong khi vui chơi trẻ tỏ ra vui sướng và nhiệt tình. Khi phản ánh vào trò chơi những mối quan hệ giữa người và người và nhập vào những mối quan hệ đó thì những rung động mang tính người của trẻ được gợi lên. Trong trò chơi trẻ đã thể hiện được tình người, như thái độ chu đáo, ân cần, sự đồng cảm, tinh thần tương trợ và một số phẩm chất đạo đức khác.

– Ở góc bán hàng, trẻ đóng vai người mua hàng và người bán hàng.

+ Người bán hàng: Biết chào hỏi, mời khách mua hàng, bán đúng giá, không bán giá đắt. Thái độ ân cần vui vẻ với khách hàng, biết cảm ơn khi bán được hàng và nhận tiền…

+ Người mua hàng: Bên cạnh việc biết gọi tên các mặt hàng cần mua, người mua phải vui vẻ, biết đưa tiền và nhận hàng bằng hai tay, biết cảm ơn khi nhận hàng và trả tiền cho người bán…

Hoạt động chơi góc, mà trung tâm là trò chơi đóng vai ở tuổi mẫu giáo thực sự đóng vai trò chủ đạo. Ý nghĩa chủ đạo thể hiện trước hết là ở chỗ nó giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn trong bước phát triển từ tuổi ấu nhi lên tuổi mẫu giáo.

Trò chơi là phương tiện góp phần phát triển toàn diện nhân cách trẻ. Trò chơi tạo ra những nét tâm lý đặc trưng cho tuổi mẫu giáo, mà nổi bật là tính hình tượng và tính dễ xúc cảm, khiến cho nhân cách của trẻ mẫu giáo mang tính độc đáo khó tìm thấy ở các lứa tuổi khác.

Do đó tổ chức trò chơi chính là tổ chức cuộc sống của trẻ. Trò chơi là phương tiện để trẻ học làm người.

* Biện pháp 2: Lồng ghép giáo dục lễ giáo vào hoạt động học và các hoạt động khác.

Lồng ghép nội dung giáo dục lễ giáo vào các hoạt động học có nhiều ưu thế nhằm hình thành cho trẻ những thói quen, hành vi có văn hoá. Ở trường mầm non, trẻ được thực hiện nhiều hoạt động: Hoạt động học, hoạt động chơi, trẻ được làm quen như: Qua bài thơ, bài hát, qua câu chuyện hoặc làm quen qua khám phá khoa học là cần thiết. Đòi hỏi giáo viên phải biết vận dụng một cách linh hoạt sáng tạo thông qua hoạt động học tập, trẻ có những cảm xúc vui vẻ, hóm hỉnh. Đồng thời, phát triển tư duy logic, phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm giữa những người gần gũi, biết yêu thương, kính trọng cô giáo, biết nhận ra cái thiện, cái ác, tôn trọng lẽ phải, lên án cái xấu.

Từ đó, cô giáo giúp trẻ hướng tới cái đẹp trong cuộc sống phù hợp với đạo đức thẩm mỹ của trẻ, cũng từ đó trẻ thể hiện được cảm xúc vui mừng thể hiện sự hồn nhiên trong sáng ngây thơ, thể hiện được tình cảm thiết thực. Thông qua nội dung cốt truyện, trẻ nhập được vai vào các nhân vật, hiểu được tính cách của nhân vật, trẻ tự nhận ra được việc làm tốt và việc làm chưa tốt. Qua đó, cô giáo lồng giáo dục lễ giáo cho trẻ giúp trẻ khắc sâu việc tốt cần làm và việc xấu nên tránh.

Ví dụ: Thông qua bài thơ: “Lấy tăm cho bà”

Tôi đã dạy trẻ của mình rằng sau khi ăn biết lấy tăm, rót nước mời bà và nói: “Cháu mời bà” và không chỉ riêng bà mà còn mời tất cả mọi người trong gia đình, khi mời tăm hay mời nước thì đều phải dùng hai tay. Bên cạnh đó còn daỵ cháu trước khi ăn và khi ăn xong muốn đứng lên phải mời mọi người trong gia đình.

Hay như qua câu chuyện: “Kiến con đi ô tô” kể về bạn dê con, chó con, kiến con khi đi ô tô biết nhường ghế cho bà, bạn dê nói: “Bà khỉ ơi! Mời bà ngồi vào chỗ của cháu!”  bạn chó con cũng nói “Bà khỉ ơi! Bà ngồi vào chỗ của cháu đi!” rồi các bạn khác đều đồng thanh nói: “Bà khỉ ơi! Cháu mời bà ngồi đây ạ!”

Qua câu chuyện cô kể trẻ sẽ thấy hành động của các bạn trong câu chuyện rất đẹp, lời nói lễ phép. Chính từ đó mà hình thành, khắc sâu cho trẻ hành vi văn minh và ý nghĩa. Nhằm giáo dục trẻ những hành động, lời nói đẹp khi tham gia trên các phương tiện giao thông, nơi đông người,trong trường học,cũng như trong cuộc sống hàng ngày của trẻ,…Hay qua câu chuyện “Bông hoa cúc trắng” dạy cho trẻ tình yêu thương, biết về lòng hiếu thảo. Con cái phải ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ. Biết quan tâm lo lắng khi người thân bị ốm đau.

​ Hình 1: Cô kể chuyện “Bông hoa cúc trắng”cho trẻ nghe.

Khi tôi lên lớp, tôi luôn chú ý sử dụng các phương pháp, biện pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lễ giáo cho trẻ như có các hình ảnh về bài thơ có nội dung giáo dục lễ giáo:

Ví dụ: Giờ đón, trả trẻ:

Cô tươi cười , ân cần đón trẻ vào lớp dạy trẻ khoanh tay chào cô, chào bố mẹ,…

– “Con chào cô”, “Con chào mẹ,…”

​ Hình 2: Cô đón trẻ vào lớp nhắc trẻ “Chào cô! Chào mẹ”

Tương tự như vậy ở giờ trả trẻ cô cũng nhắc nhở trẻ chào bố mẹ, chào cô khi ra về. Từ đó hình thành thói quen chào hỏi lễ phép cho trẻ không chỉ riêng ở trường mà còn ở nhà, chào hỏi khi gặp người lớn.

Đối với giờ chơi góc:

– Khi tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động chơi góc cho trẻ, trẻ được chơi, giao lưu giữa các nhóm chơi. Cô giáo chính là người quan sát và hướng trẻ đến những hành vi văn minh trong khi chơi. Khi chơi ở góc đóng vai bán hàng, trao đổi giữa người mua và người bán:

Xin chào bác, bác muốn mua gì ạ?

– Dạ vâng, chào bác. Bác bán cho tôi một cân táo.

– Dạ, bác đợi một chút để tôi cân. Của bác hết ba mươi nghìn

– Bác cho tôi gửi tiền. Chào bác nhé!

– Dạ chào bác, lần sau bác lại ghé vào cửa hàng tôi nhé!”

Khi muốn mượn đồ chơi của bạn cô dạy trẻ phải biết nói:

“Bạn cho mình mượn…” hay “Mình có thể chơi cùng bạn chứ?”

Khi chơi xong trẻ biết cùng nhau cất đồ chơi gọn gàng, đúng nơi quy định.

​ Hình 3: Trẻ chơi góc

Trong giờ ăn: Cô dạy trẻ trước khi ăn phải biết mời cô mời các bạn ở lớp. Cô nhắc nhở trẻ khi ăn cơm ngồi ngay ngắn, không làm rơi vãi, không nói chuyện, muốn xin thêm cơm phải biết xin lễ phép: “ Con thưa cô cho con xin thêm cơm”

Từ chính cuộc sống hàng ngày với trẻ qua các giờ học, các hoạt động mà cô giáo luôn là người quan sát và sử dụng biện pháp giáo dục lễ giáo hiệu quả nhất. Cô trò chuyện cởi mở, tự nhiên gẫn gũi để trẻ bộc lộ bản thân:

+ Cô hỏi trẻ: “Nhà con có em bé không?”

+ “Con thường làm gì với em?”

Không chỉ thực hiện lồng ghép qua các giờ học trên lớp. Mà trong năm học vừa qua nhóm lớp do tôi phụ trách tôi ddã tổ chức các hoạt động khác cho trẻ tăng thêm tình cảm gắn bó và khăng khít với nhau hơn như: Tổ chức sinh nhật cho trẻ theo từng tháng. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động văn nghệ, hoạt đôngj chung trong nhà trường. Qua các hoạt động đó tôi thấy trẻ có những tình cảm gắn bó yêu thương với nhau hơn rất nhiều. trẻ rất vui vẻ háo hức, biết nói những lời chúc muừng và quan tâm khi tới sinh nhật của bạn. Bên cạnh đó việc tham gia tới các hoạt động văn nghệ giúp trẻ tự tin hơn về bản thân. Trẻ hứng thú tích cực và thi đua nhau cùng làm thật tốt để được biểu diễn. Trong năm học tôi cùng tổ chức vui ngày Noel cho trẻ, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với ông già Noel. Trẻ rất vui và háo hức trẻ tự tin trò chuyện và cùng hứa với ông già Noel sẽ thật ngoan ngoãn vâng lời để năm sau ông lại đến tặng quà cho các con. Từ những hoạt đôngj như vậy trẻ được khắc sâu thêm những tính cách tốt đẹp, những hành động tốt để hoàn thiện nhân cách cho trẻ.

Trẻ mẫu giáo rất giàu tình cảm, trong mọi hành động đều dễ dàng chiụ sự chi phối của tình cảm, cảm xúc. Một hành vi tốt của trẻ thường do cảm xúc khi được khích lệ, khen ngợi. Hoặc do tình yêu thương, lòng mong muốn giúp đỡ mọi người thúc đấy trẻ. Những hành vi đạo đức của trẻ chỉ thực hiện được khi trẻ phân biệt được điều tốt, điều xấu, những hành vi ứng xử nào cần làm và làm như thế nào. Chính vì vậy việc giáo dục chuẩn mực, quy tắc động cơ hành vi được coi là cốt lõi của công tác giáo dục đạo đức và được thực hiện liên tục, thường xuyên để làm giàu nhân cách đạo đức cho trẻ.

Sau một thời gian thực hiện những thói quen và nề nếp thường xuyên. Thì chất lượng lễ giáo của các con trong lớp tôi tăng lên rõ rệt. Khi trẻ đến lớp và ra về trẻ biết chào hỏi cô và khách đến lớp. Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, trẻ đã biết muốn phát biểu phải giơ tay. Sau khi chơi xong biết cùng các bạn sắp xếp đồ dùng đồ chơi ngăn nắp gọn gàng.

Thông qua các giờ học cô đã hình thành cho trẻ tình yêu mến với mọi người xung quanh, đoàn kết với bạn bè. Tôi thấy vui mừng và tiếp tục áp dụng để giáo dục lễ giáo cho trẻ.

* Biện pháp 3: Giáo dục lễ giáo thông qua ngày hội, ngày lễ

Ông cha ta có câu “Tiên học lễ, hậu học văn” nghĩa là nhiệm vụ học đầu tiên của mỗi con người phải là lễ nghĩa, học cách làm người sau đó mới đến văn hoá, kiến thức. Chính vì vậy giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non có một vai trò quan trọng bởi trẻ mầm non là lứa tuổi dễ tiếp thu nhất. Xác định rõ được điều đó tôi luôn chú trọng việc giáo dục lễ giáo cho trẻ thông qua các hoạt động tập thể thông qua tổ chức ngày hội, ngày lễ như:

Qua ngày hội “Ngày hội đến trường của bé” các bé được biết ý nghĩa của ngày khai trường là ngày đầu tiên của năm học, được giao lưu gặp gỡ bạn bè, được tham gia vào các tiết mục văn nghệ, được cô yêu thương vỗ về, được làm quen với bạn mới… Từ đó, giáo dục cho trẻ yêu trường, yêu lớp, kính trọng cô giáo, quan tâm tới bạn bè.

Hay qua ngày hội “Vui trung thu của bé” dạy cho trẻ biết rằng trong ngày tết trung thu hay còn gọi là ngày tết đoàn viên. Mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội cùng sum vầy quây quần bên nhau. Tạo nên không khí gia đình yêu thương ấm áp. Trong dịp đó tất cả mợi người đều dành cho các bé sự quan tâm, chăm lo và những tình cảm yêu thương trìu mến. Còn ở trường mầm non thì các con nhận được sựu quan tâm của các bác lãnh đạo địa phương, của các bậc phụ huynh và của các cô giáo trong trường. Qua đó trẻ thấy mình được quan tâm, được yêu thương tạo cho trẻ niềm vui, sự tự tin và cảm nhận được những tình yêu mà tất cả mọi người dành cho mình.

​Qua tổ chức kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam giáo dục trẻ biết quý trọng, cô giáo. Biết được sự tâm và tình yêu thương mà cô giáo dành cho mình. Từ đó dạy trẻ biết ngoan ngoãn vâng lời, là những bé ngoan cho cô giáo vui lòng.

Qua các Hội thi để giáo dục trẻ tính mạnh dạn trong giao tiếp, nói năng lễ phép, biết phối hợp với bạn, chơi trò chơi đúng luật,…

Qua tổ chức “Kỉ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5” để giáo dục trẻ biết nhớ ơn, yêu quý, kính trọng Bác Hồ, kính yêu người luôn dành sự quan tâm đến các cháu khi Bác còn sống.

Thông qua việc tổ chức cho trẻ tham gia vào hoạt động ngày hội, ngày lễ ngoài giúp trẻ hiểu ý nghĩa của những ngày lễ lớn, truyền thống của dân tộc mà thông qua đó giáo dục trẻ lòng tự hào dân tộc, biết ơn những người đi trước, người lớn tuổi, từ đó khuyến khích trẻ học tập và phấn đấu thành người có ích sau này.

Giáo dục trẻ có ý thức biết giữ gìn bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp như nhặt rác, thu gom lá cây khô, ý thức bỏ rác vào sọt rác không vứt rác bừa bãi,…

* Biện pháp 4: Cô gương mẫu chuẩn mực

Nhìn chung ta thường dạy trẻ “Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô là hai mẹ hiền”. Tôi hiểu rằng vì câu nói đó, lời dạy của cô luôn có ý nghĩa gần gũi với trẻ và cô, lúc ở nhà  mẹ cũng là cô giáo và cô giáo ở trường giống như người mẹ thứ hai của trẻ, trẻ luôn bắt chước hành vi của cô giáo. Ở lứa tuổi của trẻ luôn thích được cô yêu thương, gần gũi, mọi hành vi của cô được trẻ lưu tâm nhất.

Vì vậy cô luôn chuẩn mực trong lúc giao tiếp với người lớn, với trẻ không to tiếng quát tháo, xưng hô dịu dàng bằng cô và cháu. Giờ đón trả trẻ tôi luôn ân cần dịu dàng thương yêu trẻ, khiêm tốn lịch sự trong giao tiếp với phụ huynh. Cháu hỏi gì tôi trả lời rõ ràng, gọn gàng tôn trọng lời nói của trẻ, lắng nghe ý kiến của trẻ. Giáo viên thực sự yêu nghề, mến trẻ, luôn coi trẻ như con em của mình, tôn trọng mọi ý kiến của trẻ luôn lấy tình cảm mẹ – con để giáo dục trẻ, luôn tạo cho trẻ sự an toàn tuyệt đối khi ở bên cô. Tôi hứa điều gì với trẻ là thực hiện đúng lời hứa, nếu trẻ có hành vi hoặc lời nói không hay tôi nhẹ nhàng góp ý và khuyến khích trẻ tránh sai phạm lần sau. Tuyệt đối không chạm tự ái của trẻ hoặc làm trẻ phải sợ hãi lo lắng. Tác phong quần áo tôi luôn chú ý ăn mặc đẹp, lịch sự, cô tươi trẻ cháu rất thích. Luôm dịu dàng quan tâm trẻ từ những điều gần gũi nhất như: Lau mặt, rửa tay hay buộc tóc cho trẻ hàng ngày và rất nhiều việc khác trong ngày nữa.

​Nghiêm túc thực hiện chế độ sinh hoạt trong một ngày của trẻ. Cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Cô giáo phải luôn tìm tòi sáng tạo trong cách lên lớp thu hút cháu. Cô có thể tự sáng tác ra những câu chuyện bài thơ về lễ giáo và kể cho trẻ nghe, hoặc cô có thể ghi qua băng rồi để kể trẻ nghe trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh. Cô giáo đã biết dùng các công nghệ hiện đại cho trẻ xem qua  video các câu chuyện về lễ giáo hay cụ thể hơn nữa là các bài hát dạy lễ giáo cho trẻ.

​Tóm lại: Cô giáo luôn là tấm gương sáng cho trẻ noi theo, luôn là người mẹ hiền thứ hai của trẻ, trẻ có hai mẹ hiền nhất định trẻ sẽ là con ngoan trò giỏi.

* Biện pháp 5: Phối hợp với các bậc phụ huynh:

Cùng với mục tiêu xã hội hoá giáo dục thì vai trò của phụ huynh có vai trò không nhỏ trong việc giáo dục trẻ. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm tôi mạnh dạn trao đổi với phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục lễ giáo đối với trẻ mẫu giáo, nhất là trong thời kỳ hội nhập của nước ta tiếp nhận nhiều nền văn hoá và trò chơi giải trí đã ảnh hưởng một phần không nhỏ về hành vi văn minh của trẻ.

Thông qua biện pháp này, tôi thường xuyên gặp gỡ trao đổi với phụ huynh vào giờ đón và trả trẻ nhằm tìm hiểu và nắm bắt hoàn cảnh gia đình của từng cháu để có biện pháp kịp thời, đối với trẻ có cá tính đặc biệt tôi phải gặp riêng từng phụ huynh để trao đổi và thống nhất biện pháp giáo dục lễ giáo cho trẻ.

Phụ huynh giành thời gian chăm sóc con cái như vệ sinh thân thể, chải răng đúng cách, phụ huynh phải luôn mẫu mực trong giao tiếp ở nhà để trẻ noi theo. Đồng thời chú ý sửa sai trẻ kịp thời những thiếu sót trong giao tiếp đối với bạn bè, đối với người lớn. Trao đổi với phụ huynh về giáo dục lễ giáo thông qua các bộ môn làm quen văn học, các hoạt động chơi, âm nhạc, cụ thể về bài thơ, bài hát, câu chuyện qua đó, cô giáo có biện pháp và phương pháp giáo dục trẻ một cách có hiệu quả nhất.

Lớp tôi một số học sinh bố mẹ là công nhân, nông dân, gia đình có điều kiện nên nuông chiều theo mọi yêu cầu của con, con muốn gì bố mẹ đều đáp ứng, nếu bố mẹ không đáp ứng thì trẻ không chịu đến trường. Vì vậy tôi đã tham mưu với phụ huynh khi trẻ đã quen với sự nuông chiều thì không phải một sớm một chiều trẻ thay đổi ngay mà phải có sự kết hợp giữa phụ  huynh và cô giáo, phải kiên trì dành nhiều thời gian để khuyên răn và nhắc nhở trẻ.

Cô giáo cũng cần trao đổi với phụ huynh không nên nuông chiều con quá mức, phải giải thích cho trẻ hiểu cái gì là tốt, cái gì chưa tốt. Dần dần trẻ sẽ hiểu ra những mong muốn của mình đó là sai, là không đúng, là chưa ngoan. Do vậy, về việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường hết sức quan trọng để chăm sóc và giáo dục trẻ là một vấn đề không có người lớn nào bỏ qua. Vì trẻ em chóng nhớ, mau quên vì vậy ở lớp có cô giáo, ở nhà có mẹ. Trẻ học đi đôi với hành, phải kết hợp cuộc sống hàng ngày không để trẻ tuỳ tiện trong mọi việc làm. Qua đây cũng đòi hỏi mỗi một cô giáo phải làm tốt công tác này đó cũng là cơ sở để giáo dục lễ giáo cho trẻ để đạt kết quả cao.

 Tính hiệu quả

* Kết quả trên trẻ

Sau những biện pháp tôi nghiên cứu và thực hiện chất lượng giáo dục về lễ giáo tăng lên rõ rệt đó là điều làm tôi phấn khởi, yêu nghề, yêu trẻ càng nhiều, giúp tôi có nghị lực trong công tác.

Trẻ đã ngoan hơn, lễ phép hơn, trẻ được hình thành những thói quen vệ sinh văn minh, biết chào hỏi khi có khách đến, biết trao nhận bằng hai tay, biết quan tâm giúp đỡ bạn bè, cô giáo, ba mẹ, không nói tục, đánh bạn, kính trọng cô giáo và người lớn, biết trung thực thật thà, yêu mến tất cả mọi người xung quanh và yêu quê hương đất nước.

Các bậc phụ huynh cũng có những chuyển biến rõ rệt về lời ăn tiếng nói, về phong cách và quan tâm ngày càng nhiều đến con em mình 

Tổng hợp đánh giá  phát triển lễ giáo của trẻ đã áp dụng các biện pháp

giáo dục lễ giáo cho trẻ

Nội dung

Tổng số trẻ điều tra

Trẻ thực hiện được

Trẻ chưa thực hiện được

Tỷ lệ % trẻ thực hiện được tăng so với lần 1

Số trẻ

Tỷ lệ %

Số trẻ

Tỷ lệ %

– Biết vâng lời, giúp đỡ bố mẹ, cô giáo những việc vừa sức.

27

27

100%

0

0%

56,6%

– Cố gắng tự hoàn thành công việc được giao

27

25

92,6%

2

7,4%

55,6%

– Biết biểu lộ cảm xúc: Vui, buồn, sợ hãi, tức giận, ngạc nhiên, xấu hổ

27

27

100%

0

0%

25,9%

– Biết an ủi, chia vui với người thân và bạn bè

27

26

96,3%

1

4,7%

70,3%

– Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, chào hỏi lễ phép.

27

27

100%

0

0%

45,5%

– Biết bảo vệ môi trường.

27

27

100%

0

0%

37%

      Qua bảng trên có thể thấy rõ sự tiến bộ, thay đổi rất rõ rệt của trẻ sau khi áp dụng các biện pháp nhằm giáo dục lễ giáo cho trẻ. Như khả năng ứng xử của trẻ, cách trẻ thực hiện công việc được giao hay sự quan tâm, vui chơi, đoàn kết với bạn bè của trẻ đều tăng so với khảo sát ban đầu. Không chỉ vậy ta thấy các chỉ số về cảm xúc của trẻ cũng tốt hơn rất nhiều. Chính vì vậy có thể nhận xét rằng các biện pháp đưa ra đều khả quan trên trẻ và có kết quả tốt.