Một lần đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
(TNO) Nhiều người nghĩ ‘bảo tàng’ là một nơi khá khô khan, nhiều kiến thức nhưng nhàm chán thì phải nghĩ lại khi có dịp đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Quy trình làm nón lá của người Việt – Ảnh: Huỳnh Mai
Quy trình làm nón lá của người Việt – Ảnh: Huỳnh Mai
Tự hào bản sắc văn hóa Việt Nam
Cảm nhận đầu tiên sau một ngày tham quan Bảo tàng Dân tộc học của tôi là hai chân mỏi nhừ và tốn nhiều năng lượng vì đây là một trong những bảo tàng hoành tráng nhất ở thủ đô.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là nơi giới thiệu, tôn vinh một cách trang trọng và chi tiết nhất những bản sắc, phong tục, văn hóa của nhiều dân tộc anh em khắp Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, chỉ thông qua sách vở, chúng ta không thể nào nhớ hết được những kiến thức về các dân tộc trên nhiều vùng miền đất nước. Nhưng với Bảo tàng Dân tộc học, từ cách trình bày, bố trí đến nội dung thể hiện đều rất khoa học và logic, khiến người xem dễ dàng nắm bắt và “thẩm thấu” trước nhiều sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em.
Bảo tàng có ba khu vực tham quan: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á.
Khu vực trong tòa nhà là không gian giới thiệu 54 dân tộc anh em, trải dài trên 2 tầng. Ở tầng 1, khách tham quan sẽ được tìm hiểu khái quát về các dân tộc Việt Nam thông qua vùng cư trú. Sau đó, họ sẽ đi tham quan từng nhóm dân tộc như người Việt, người Mường, Thổ, Chứt… Từng dân tộc sẽ được hiện lên rõ nét qua những hiện vật, hình ảnh và video minh họa sinh động.
Đám tang của người Mường – Ảnh: Huỳnh Mai
Đám tang của người Mường – Ảnh: Huỳnh Mai
Tôi đã bao lần ngỡ ngàng trước những hiện vật đẹp mắt, được trưng bày rất chăm chút như quần áo người dân tộc, đồ nghề thủ công; các mô hình về lễ nghi, ma chay, cưới hỏi, nghề truyền thống được dựng lại với đầy tâm huyết và trân trọng.
Nhiều du khách rất thích thú khi được tìm hiểu về tục ma chay của người Mường, cách làm nón lá của người Việt, quy trình dệt vải của người Dao hay lễ nghi cưới hỏi của người Mông…
Tầng 2 là nơi trưng bày hiện vật của các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Thái, Lô Lô, Xơ đăng, Giarai… trải dọc theo chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam.
Top những bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á
Ấn tượng nhất với tôi là khu vực trưng bày ngoài trời với 10 công trình nhà ở của các dân tộc, được chính những người dân tộc đến Hà Nội để dựng nên.
Đó là nhà sàn của người Tày, ngôi nhà rông cao 19 m của người Bana, nhà mồ của người Giarai, nhà dài của người Ê Đê, nhà nửa sàn nửa trệt của người Dao, nhà hoàn toàn bằng gỗ pơ mu của người H’ Mông… và đương nhiên, không thể thiếu ngôi nhà truyền thống xây theo hình chữ U của người Việt.
Nhà truyền thống của người Việt – Ảnh: Huỳnh Mai
Nhà truyền thống của người Việt – Ảnh: Huỳnh Mai
Lần đầu tiên tôi được chứng kiến những sắc màu văn hóa trên khắp cả nước tụ về một khối, từng ngôi nhà đều mang trong mình những vẻ đẹp rất riêng.
Với những giá trị văn hoá có sẵn, sự đa dạng của nhiều dân tộc anh em cùng cách đầu tư chăm chút, công phu đã khiến Bảo tàng Dân tộc học nằm trong top những bảo tàng hấp dẫn nhất của châu Á, theo trang du lịch Trip Advisor.