Một đặc khu hành chính của Trung Quốc rót hơn 29 tỷ USD, lọt top 5 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

Lũy kế tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt khoảng 442,3 tỷ USD tính đến tháng 2/2023. Trong đó, một đặc khu hành chính của Trung Quốc đã rót hơn 29 tỷ USD, chiếm 6,7% tổng lũy kế vốn FDI từ 142 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam.

Theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 2 tháng đầu năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tính đến 20/2/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn đầu tư đăng ký giảm do vốn điều chỉnh giảm mạnh. Trong khi đó, vốn đầu tư mới và GVMCP vẫn tăng so với cùng kỳ.

Vốn đăng ký mới có 261 dự án mới được cấp GCNĐKĐT (tăng 42,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,76 tỷ USD (tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ). Vốn điều chỉnh có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 6,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD (giảm 85,1% so với cùng kỳ). Góp vốn, mua cổ phần có 440 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (tăng 10% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD (tăng 3,7% so với cùng kỳ).

Hiện đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 978,4 triệu USD, chiếm gần 31,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 42,7% so với cùng kỳ 2022.

Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, gấp 3,85 lần so với cùng kỳ. Hà Lan đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 369 triệu USD, chiếm hơn 11,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Tính lũy kế đến ngày 20/2/2023, cả nước có 36.611 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 442,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 267,5 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Một đặc khu hành chính của Trung Quốc rót hơn 29 tỷ USD, lọt top 5 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam - Ảnh 1.

Luỹ kế tổng vốn FDI từ 5 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam tính đến tháng 2/2023. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đối tác đầu tư, hiện có 142 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 81,3 tỷ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư). Các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung rót vốn nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực xây dựng; còn lại là những ngành khác.

Cùng với đó, Hàn Quốc hiện đã đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Một số tỉnh, thành mà Hàn Quốc đã rót vốn đầu tư lớn là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Nguyên và TP. HCM.

Singapore đứng thứ hai với gần 72,1 tỷ USD (chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư). Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản, tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, hai lĩnh vực này chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Nhật Bản đứng thứ 3 với lũy kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 69,25 tỷ USD với 5.011 dự án. Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư Nhật Bản. Cùng với đó, Nhật Bản đã đầu tư vào hầu hết các tỉnh, thành tại Việt Nam nhưng tập trung tại các địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa và Đồng Nai.

Đứng thứ 4 là Đài Loan (Trung Quốc) với lũy kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 36,82 tỷ USD với 2.924 dự án. Các dự án đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản. Đài Loan (Trung Quốc) hiện đã đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Các địa phương được nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư nhiều là Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai.

Hồng Kông (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ 5 với lũy kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 29,62 tỷ USD với 2.183 dự án. Các nhà đầu tư Hồng Kông đã đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Đa phần các dự án của Hồng Kông tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, ngành sản xuất điện, hoạt động kinh doanh bất động sản. Hồng Kông (Trung Quốc) hiện đã đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Các địa phương được nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư nhiều là TP. HCM, Bình Dương, Quảng Ninh, Hà Nôi, Hải Dương…

Theo Nhịp sống kinh tế