Mona Lisa – Số phận bức họa và bi kịch đời người | VOV.VN
Viện Bảo tàng Louvre ở Thủ đô Paris của nước Pháp hàng năm đón tiếp khoảng 8 triệu du khách. Tất cả những ai đến đó từ nhiều năm nay đều không thể không đến ngắm bức họa nổi tiếng của danh họa Italy Leonardo da Vincy.
Người Pháp gọi bức họa này là La Joconde. Thế giới biết đến nó với tên gọi Mona Lisa. Bức họa này được Leonardo da Vincy vẽ trong những năm 1503 – 1506 trên chất liệu gỗ, có kích thước 76,8cm x 53cm, trong khuôn gỗ, nặng 8kg. Leonardo da Vincy bán bức họa này cho Franz I., người năm 1815 trở thành Vua nước Pháp. Bức họa được treo trong Louvre từ trước năm 1800 và hiện diện thời gian ngắn trong phòng ngủ của Napoleon Bonaparte. Nó nổi tiếng thế giới nhờ nụ cười mỉm đầy ẩn ý mà không ai hiểu nổi, hay nói đúng hơn là ai cũng có thể hiểu theo cách riêng của mình, của người phụ nữ trong đó và nhờ một vụ trộm mà chính nó là nạn nhân.
Mona Lisa
Thiên hạ đồn thổi nhiều và cũng có lắm giả thiết về thân phận và số phận của nguyên tác. Những kết quả khảo cổ và khai quật di tích mới đây nhất chưa đủ để khẳng định đâu là sự thật. Điều có thể chắc chắn được là số phận bức họa long đong và đã có thời chẳng ai còn chút hy vọng nào tìm thấy lại bức tranh. Mona Lisa là một trong những bức họa nổi tiếng nhất thế giới và là bức họa được định giá trị lớn nhất thế giới: với 400 tỉ euro.
Vụ trộm bức họa này xảy ra ngày 21/8/1911. Thủ phạm là Vincenzo Perruggia, sinh năm 1881 ở miền Bắc vùng Milano ngày nay. Sau khi sống và làm việc ở một số nơi, Perruggia sang Paris và vào làm việc cho Viện Bảo tàng Louvre như một thợ thủ công. Do làm việc ở đây nên anh chàng này rất thông thạo đường đi lối lại. Chiều ngày 20/8 năm ấy, Perruggia trốn trong một cái tủ đựng dụng cụ làm việc. Đêm ấy, anh ta nhấc bức tranh ra khỏi nơi treo, tháo bỏ khung kính bên ngoài. Sáng hôm sau là ngày thứ hai trong tuần, Louvre đóng cửa. Perruggia giấu bức họa trong áo lao động khoác ngoài và đi khỏi Louvre. Một người gác ở đó thậm chí còn mở cửa cho anh ta vì chiếc chìa khoá mà anh ta chuẩn bị trước lại không vừa.
28 giờ sau, việc bức tranh biến mất mới được Louvre phát hiện. Và cuộc tìm kiếm trên khắp đất nước cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới bắt đầu. Vì bức tranh khá nặng nên cảnh sát cho rằng thủ phạm không thể là một người. Danh hoạ nổi tiếng Pablo Piccasso bị nghi ngờ và bị thẩm vấn. Nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire thậm chí còn bị ngồi tù vài ngày. Apollinaire đã mua về một số hiện vật vốn bị lấy trộm từ Louvre. Piccasso đã từng mượn một vài hiện vật đó để trưng bày.
Cho tới tận ngày nay, không ai có thể biết chắc về động cơ thật sự của Perruggia khi lấy trộm bức tranh. Chỉ biết rằng, Perruggia đã tìm cách bán bức tranh nhưng vì nó khi ấy đã quá nổi tiếng và vụ trộm này còn được dư luận quốc tế quan tâm còn hơn cả vụ động đất khủng khiếp ở Messina năm 1908 hay thảm hoạ chìm tàu Titanic năm 1912 nên chẳng ai dám mua. Số phận bức họa không biết sẽ ra sao nếu năm 1913 Perruggia không gửi thư mời chào bán bức tranh cho hai thương lái tác phẩm nghệ thuật ở Roma và Florence. Trong khi thương lái ở Roma coi đó là chuyện nhảm nhí thì người đồng nghiệp ở Florence lại để tâm. Anh ta đề nghị Perruggia đưa bức họa về Florence để kiểm chứng. Perruggia đặt giá 500.000 Lire, tương đương 260 euro ngày nay. Perruggia mang bức họa về Italy. Lái buôn kia nhận ra bức họa là thật chứ không giả và báo cảnh sát. Perruggia bị bắt ngay sau đó.
Perruggia chỉ được nhắc lại mỗi khi đề cập đến trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới hay trong lịch sử điều tra hình sự trên thế giới
Bảy tháng sau, Perruggia bị đưa ra xét xử và tuyên phạt 7 tháng tù nhưng được trả tự do ngay tại toà vì thời gian bị giam giữ chờ xét xử đúng bằng mức phạt tù. Tại toà, Perruggia cho biết anh ta lấy trộm bức họa vì lòng yêu nước và muốn lấy lại báu vật về cho quốc gia. Đối với Perruggia, bức họa không phải đã được tác giả bán cho người Pháp mà đã bị người Pháp “bắt cóc”. Lẽ ra, Italy phải coi Perruggia như một người hùng thì lại biến anh ta thành bị cáo.
Điều thú vị là Louvre và nước Pháp chưa hề công bố bức họa đã bị lấy cắp. Như thế có nghĩa về pháp lý không thể cáo buộc Perruggia tội lấy cắp. Không thể có kẻ cắp khi chẳng có gì bị mất cắp. Hơn nữa, Perruggia để lại vân tay trên mặt kính trong Louvre và cảnh sát Pháp cũng đã có mẫu vân tay của Perruggia, nhưng không hề so sánh khi điều tra vụ việc. Năm 1913, trước khi trở lại nước Pháp, bức họa được triển lãm ở Italy. Hàng triệu người Italy đã chết lặng trước nụ cười mỉm vừa thân thiện vừa chế nhạo của nàng Mona Lisa mà chỉ có rất ít nhớ đến công lao của Perruggia đã cho nàng cơ hội một lần về lại cố hương. Từ đó đến nay, nàng bị giam cầm trong Louvre ở xứ người, đương nhiên với hình thức và mức độ bảo vệ, bảo hiểm công phu và hiện đại nhất.
Perruggia trở lại Paris, sống trong điều kiện nghèo túng và qua đời năm 1925 trong quên lãng của người đời. Con người này chỉ được nhắc lại mỗi khi đề cập đến trộm cắp các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới hay trong lịch sử điều tra hình sự trên thế giới. Số phận bức họa đúng là có phần long đong nhưng chính sự long đong đó đã giúp nó thêm nổi tiếng và sáng giá trong khi đối với kẻ đã giúp nó như thế thì lại là cả một bi kịch đời người./.