Môi trường làm việc chuyên nghiệp cho người lao động | Luật Lao Động
Giáo dục luôn là một lĩnh vực mà được các gia đình chú trọng đầu tư cho con em mình. Với những tri thức được đào tạo trên nhà trường, bất cứ ai khi tốt nghiệp cử nhân cũng đều mong muốn tìm cho mình một công việc phù hợp, một môi trường làm việc lý tưởng.
Môi trường làm việc là gì?
Môi trường làm việc được hiểu là tổng hợp tất cả các điều kiện xung quanh nơi làm việc, bao gồm các điều kiện vật chất và các điều kiện tinh thần. Điều kiện vật chất có thể kể đến như là: các vật dụng, thiết bị bổ trợ cho công việc, không gian làm việc, cách sắp xếp các phòng, ban làm việc…Điều kiện tinh thần có thể kể đến như văn hóa công ty, sự tương tác xã hội trong công việc, tinh thần teamwork trong các hoạt động công việc…
Môi trường làm việc tiếng Anh là gì?
Môi trường làm việc tiếng Anh được hiểu là môi trường làm việc có những điều kiện, yếu tố liên quan đến tiếng Anh như làm việc chủ yếu giao tiếp với người nước ngoài, nội dung công việc bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh, việc sử dụng được ngôn ngữ tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc khi tuyển dụng nhân sự.
Môi trường làm việc bao gồm những gì?
Như đã từng đề cập trong khái niệm, môi trường làm việc bao gồm những điều kiện xung quanh nơi làm việc. Có thể chia thành 2 nhóm, điều kiện vật chất và điều kiện tinh thần.
Điều kiện vật chất thể hiện ở việc môi trường làm việc đó có đầy đủ các trang thiết bị như máy in, máy tính, máy chiếu…phục vụ cho công việc hay không; cách sắp xếp không gian làm việc có hợp lý hay không; trang phục công sở của các nhân viên có chỉn chu hay không; chế độ lương thưởng mỗi khi tăng ca hay các dịp lễ, tết có đãi ngộ xứng đáng với công sức lao động bỏ ra hay không…
Điều kiện tinh thần thể hiện ở việc văn hóa doanh nghiệp như thế nào; các hoạt động vui chơi hằng năm nhằm gắn kết các thành viên ra sao; việc tương tác giữa người với người trong công việc và giữa từng cá nhân với tập thể; mối quan hệ giữa nhân viên với các cấp quản lý trong công ty…
Tổng hòa tất cả các điều kiện trên sẽ tạo nên một môi trường làm việc tốt hoặc chưa tốt, lý tưởng hay không lý tưởng.
Môi trường làm việc tốt là gì?
Ai cũng mong muốn được làm việc trong một môi trường lao động chuyên nghiệp, đãi ngộ tốt để vừa phát huy được năng lực của bản thân, vừa có thể tập trung phấn đấu thăng tiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Một môi trường làm việc được coi là tốt sẽ cần một số những yếu tố như sau:
Mục Lục
Thứ nhất, chế độ lương và thưởng
Khi ở giai đoạn sinh viên, chúng ta thường có xu hướng trải nghiệm công việc để tích lũy dần các kinh nghiệm, vấn đề lương hay thưởng trong công việc chưa phải là mối quan tâm hàng đầu. Tâm lý này sẽ vẫn kéo dài trong quãng thời gian 1-2 năm đầu sau khi ra trường. Tuy nhiên, đến một mức độ kinh nghiệm nhất định, chế độ lương thưởng của người sử dụng lao động sẽ là một trong những yếu tố then chốt để giữ chân được người lao động hay không, khi đãi ngộ xứng đáng với công sức lao động của nhân viên thì nhân viên sẽ yên tâm công tác, phục vụ vì sự phát triển của công ty.
Thứ hai, đồng nghiệp thân thiện
Mỗi con người sinh ra đều mang những nét tính cách khác nhau, có thể chia ra làm hai nhóm lớn là những người hướng nội và những người hướng ngoại. Những người hướng nội có xu hướng kiệm lời và nghiêm túc, thích làm việc độc lập hơn là làm việc nhóm, những người hướng ngoại thì lại có xu hướng muốn được tương tác với bên ngoài hơn, họ năng động và cởi mở hơn trong giao tiếp. Dù là ở nhóm tính cách nào đi nữa, khi bước chân vào một môi trường làm việc mới đều sẽ có những sự bỡ ngỡ, rụt rè nhất định, do đó sự cởi mở, thân thiện của những thành viên cũ đi trước sẽ là một điểm cộng rất lớn trong việc quyết định ở lại gắn bó của những nhân viên mới. Việc cởi mở sẽ tạo nên tiền đề cho những trao đổi trong công việc được diễn ra hiệu quả cao, bản thân mỗi người sẽ đều được trau đồi kiến thức, với mỗi nhân viên cầu tiến thì việc trau dồi kiến thức là yếu tố quan trọng giúp họ gắn bó lâu dài với một tổ chức.
Đọc thêm bài viết: Làm gì khi bị đồng nghiệp ganh ghét nói xấu?
Thứ ba, các cấp quản lý có tài năng quản lý, lãnh đạo
Có một sự thật là không phải quản lý cấp cao nào cũng có tài quản lý, phân chia công việc, một cá tính lãnh đạo đúng đắn để mọi nhân viên có thể tôn trọng, tin tưởng. Sẽ không thể có một nhân viên trung thành khi mà cấp quản lý thường xuyên bắt họ tăng ca, đưa ra các quyết định bất hợp lý hay có sự thiên vị giữa các nhân viên cấp dưới. Việc đối xử công bằng, đưa ra những quyết định hợp tình hợp lý, có kỷ luật và khen thưởng thích đáng sẽ là những yếu tố giúp người quản lý xây dựng được một đội nhóm làm việc đoàn kết, tạo ra hiệu quả công việc cao.
Thứ tư, nhân viên có tiếng nói và được tôn trọng
Mỗi thành viên trong công ty đều là một mắt xích tạo nên những thành tựu, môi trường làm việc tốt sẽ giúp những nhân viên dù là cấp nhỏ nhất được lên tiếng đóng góp ý kiến, xây dựng ý tưởng và các ý kiến đều cần phải được tôn trọng và ghi nhận, đây chính là tinh thần làm việc văn minh, lành mạnh khi chúng ta đã được đào tạo kể cả về đạo đức lẫn kiến thức chuyên môn.
Thứ năm, lộ trình thăng tiến rõ ràng
Bên cạnh cuộc sống gia đình thì công việc cũng là một phần quan trọng trong sự nghiệp cá nhân của mỗi người, một môi trường làm việc tốt phải là môi trường tạo ra những cơ hội cho những cá nhân làm việc tại đó có động lực để phấn đấu, vươn lên những vị trí cao hơn trong công việc.
Cuối cùng, cơ sở vật chất tại nơi làm việc
Đây cũng là một trong các yếu tố thể hiện môi trường làm việc có tốt hay không. Với thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, việc ứng dụng các công cụ làm việc online, thiết bị làm việc hiện đại sẽ giúp công việc đạt được hiệu quả và thời gian hoàn thành công việc được giảm ngắn, từ đó tiết kiệm được rất nhiều công sức lao động.
Môi trường làm việc có ảnh hưởng như thế nào?
Thông thường, mỗi người trưởng thành sẽ dành 8 tiếng làm việc tại cơ quan, nghĩa là 1/3 hoạt động là dành cho công việc, chất lượng của môi trường làm việc đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động cũng như trạng thái tâm lý của mỗi nhân viên.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp có trang bị thiết bị, công cụ làm việc hiện đại sẽ góp phần giảm tải được lượng công việc phải làm thủ công, qua đó tiết kiệm thời gian làm việc, tiết kiệm công sức lao động của người lao động.
Một môi trường lao động có chú trọng đến câu chuyện giao tiếp nội bộ, văn hóa gắn kết trong doanh nghiệp thì sẽ giúp tâm lý của các thành viên được thoải mái dù công việc có áp lực như thế nào. Ngược lại, nếu làm việc với những con người khó tính, hay kêu ca, nhiều thói xấu thì sẽ ảnh hưởng tới những người thực sự có mong muốn làm việc tốt, dẫn tới những người có tâm trong công việc sẽ đi tìm nhưng nơi có môi trường tốt hơn.
Một doanh nghiệp xây dựng được chính sách lương, thưởng công khai, minh bạch, công bằng và rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho các nhân viên, họ sẽ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Không hiếm các câu chuyện về việc người lao động đình công đề đòi tăng lương, đòi ngày nghỉ khi bị buộc làm thêm giờ quá mức hay chế độ lương thưởng quá thấp hay không công bằng. Người lao động để có thể tận tâm hết mình trong công việc thì trước hết họ phải đảm bảo được những nhu cầu cơ bản nhất của cá nhân và khả năng chăm lo được cho gia đình.
Một nơi làm việc mà có lộ trình thăng tiến rõ ràng sẽ tạo được sự cầu tiến của cá nhân làm việc tại đó, họ sẽ có tinh thần làm việc nghiêm túc, không ngừng phấn đấu để có vị trí cao hơn và một mức lương, mức đãi ngộ tốt hơn. Việc dậm chân mãi một vị trí sẽ dẫn đến tâm lý trở nên chán nản, hầu hết sẽ rời bỏ công việc hiện tại để tìm kiếm một công việc mới tốt hơn, một mức lương mới cao hơn.
Qua những phân tích đó có thể thấy môi trường làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, hiệu suất lao động cũng như tâm lý, thái độ của nhân viên.
Đọc thêm bài viết: 8 điều khiến bạn trở thành “đồng nghiệp xấu tính”
Thế nào là môi trường làm việc độc hại?
Theo nghĩa đen, môi trường làm việc độc hại là đang đề cập đến những công việc có yếu tố nguy hại đến sức khỏe của người lao động, căn cứ vào quy định của luật lao động hiện hành, người lao động sẽ được hưởng phụ cấp độc hại nếu:
(i) Nơi làm việc tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm;
(ii) Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc nơi quá lạnh;
(iii) Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần suất cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;
(iv) Làm việc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài ra, môi trường làm việc độc hại có thể hiểu theo nghĩa bóng là môi trường đem lại nhiều tác động tiêu cực cho người lao động như các cấp quản lý, lãnh đạo không được công bằng, có nhiều hành vi tiêu cực; đồng nghiệp không thân thiện, thường xuyên chia bè phái nói xấu nhau…
Ý tưởng cái thiện môi trường làm việc
Có rất nhiều ý tưởng để cải thiện môi trường làm việc trở nên tốt hơn mà sự đóng góp để tốt hơn đến từ mọi thành viên trong công ty. Các cấp lãnh đạo có thể triển khai các hoạt động vui chơi cuối mỗi quý, cuối mỗi năm để gắn kết các thành viên; xây dựng các nét văn hóa riêng của doanh nghiệp của mình; xây dựng lộ trình thăng chức, tăng lương minh bạch rõ ràng; tổ chức các hoạt động, phong trào thể dục thể thao. Mỗi một nhân viên đều có thể giúp môi trường nơi làm việc tốt hơn bằng cách cư xử văn minh, lịch sự, cởi mở, hòa đồng, bao dung hơn với các nhân viên kể cả mới hay cũ; mọi người có thái độ làm việc nghiêm túc, vì lợi ích tập thể.
Việc cải thiện không có gì tốt hơn bằng cách thay đổi nội tại chính mỗi con người, trong đó việc khởi nguồn sự thay đổi từ các đường lối, chính sách dẫn dắt của các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
Xem thêm bài viết: Top 8 môi trường làm việc lý tưởng
Một số câu hỏi về môi trường làm việc
Công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam?
Theo đánh giá của một số các tờ báo uy tín, các tiêu chí để đánh giá nơi làm việc tốt sẽ có các tiêu chí như số lượng nhân viên, chế độ đãi ngộ, lương thưởng, không gian làm việc, bộ máy nhà nước hay quy mô doanh nghiệp. Sau đây là 10 công ty được đánh giá là có môi trường làm việc tốt nhất tại Việt Nam: Unilever Việt Nam; Vinamilk; Tập đoàn Vingroup; Samsung Việt Nam; Công ty cổ phần FPT; Tập đoàn Viễn Thông Viettel; Intel Việt Nam; Nestle Việt Nam; P&G Việt Nam và Pesico Việt Nam.
Môi trường làm việc của nghề điện dân dụng thế nào?
Nghề điện dân dụng là nghề mà người lao động trong ngành nghề này sẽ thực hiện những công việc như: Lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng máy phát điện và các thiết bị, dụng cụ điện; Thực hiện một số hoạt động liên quan đến vận hành động cơ không đồng bộ 3 pha; Lắp đặt, sửa chữa các thiết bị điện dân dụng như ti vi, tủ lạnh, bình nóng lạnh…; Thực hiện các công việc liên quan đến máy biến áp…
Có thể nói lao động trong ngành nghề này khá vất vả và nguy hiểm, khi môi trường làm việc thường diễn ra ở ngoài trời, thậm chí là làm việc ở trên cao, tiếp xúc gần với nguồn điện, nếu không cẩn thận khi tác nghiệp thì nguy cơ xảy ra tai nạn về điện là rất lớn, công việc này cũng đòi hỏi thường xuyên phải di chuyển cả ngày lẫn đêm vì những sự cố về điện thường là không báo trước. Với tính chất công việc như vậy thì nam giới là lực lượng lao động chủ yếu của ngành nghề này.
Có nên làm việc trong môi trường làm việc nhà nước?
Bất cứ câu trả lời nào mang tính khuyên nên hay không nên đều là tương đối, việc có nên làm việc trong môi trường làm việc nhà nước hay không sẽ còn tùy thuộc vào định hướng của mỗi cá nhân. Việc trở thành một cán bộ, công chức nhà nước trước hết phải được khẳng định là một vinh dự khi được cống hiến lao động vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Sau khi trải qua kỳ thi tuyển chọn rất khó thì bù lại công việc nhà nước có tính ổn định cao, người lao động không lo bị đào thải cũng như phải lo nhảy việc, tìm việc mới. Tuy nhiên, mức lương khu vực nhà nước tương đối thấp, tăng theo lộ trình, có những vị trí sẽ không thể có sự thăng tiến trong công việc. Do đó, tùy vào tính cách cũng như định hướng tương lai mà mỗi người sẽ chọn công việc phù hợp dù thuộc khối nhà nước hay tư nhân.
Trên đây là một số các kiến thức hữu ích về môi trường làm việc, việc chọn được một công việc có môi trường tốt chính là sự may mắn của mỗi người lao động. Trên hết để phát triển nền kinh tế, mọi cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế đều cần không ngừng nâng cao trình độ năng lực, chất lượng làm việc, môi trường lao động để có thể bước vào hàng ngũ quốc gia phát triển trên thế giới.