Môi trường kinh tế (Economic Environment) là gì?

Môi trường kinh tế (tiếng Anh: Economic Environment) là tập hợp nhiều yếu tố có ảnh hưởng sâu rộng đến quyết định về chiến lược marketing của doanh nghiệp.

Môi trường kinh tế (Economic Environment) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: himarketing.vn

Môi trường kinh tế (Economic Environment)

Định nghĩa

Môi trường kinh tế trong tiếng Anh là Economic Environment. Đó là một tập hợp nhiều yếu tố có ảnh hưởng sâu rộng và theo những chiều hướng khác nhau đến hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Các yếu tố kinh tế chủ yếu bao gồm: Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế (GDP), kim ngạch xuất nhập khẩu, tình trạng lạm phát, thất nghiệp, tỷ giá, lãi suất ngân hàng, tốc độ đầu tư, thu nhập bình quân đầu người và cơ cấu chi tiêu, sự phân hóa thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, thu chi ngân sách nhà nước.

Tác động của các yếu tố kinh tế đến chiến lược marketing

(1) Tổng sản phẩm quốc dân (GDP)

Tổng sản phẩm quốc dân là lượng giá trị của tất cả các hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một nước. Trong cơ chế thị trường, các nền kinh tế thường phát triển theo 4 chu kì: Thịnh vượng, suy thoái, khủng hoảng, phục hồi.

– Thịnh vượng là giai đoạn trong đó nền kinh tế hoạt động gần đạt điểm tối ưu với sự sử dụng toàn bộ nhân công và cả quỹ tiêu dùng và mức tăng trưởng trong kinh doanh đều cao.

– Suy thoái: là giai đoạn nhu cầu tiêu dùng và sản lượng kinh doanh giảm sút, tỉ lệ thất nghiệp tăng.

– Khủng hoảng: là giai đoạnh thấp nhất của chu kỳ kinh tế trong đó tỉ lệ thất nghiệp tăng cao nhất, nhu cầu tiêu dùng cá nhân thấp và sản lượng kinh doanh giảm mạnh mẽ.

– Phục hồi: Là giai đoạn đi lên của nền kinh tế khi tỉ lệ thất nghiệp giảm, tiêu dùng và sản lượng kinh doanh tăng.

Các hoạt động marketing bị ảnh hưởng bởi chu kì kinh tế. Vì vậy, các nhà quản trị marketing phải theo dõi môi trường kinh tế một cách chặt chẽ. Các chiến lược marketing trong giai đoạn thịnh vượng sẽ khác một cách cơ bản trong giai đoạn khủng hoảng.

Ví dụ, như sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu (ô tô, tủ lạnh, máy giặt…) trong thời kì thịnh vượng sẽ bán chạy hơn nhiều trong thời kỳ khủng hoảng khi nền kinh tế đang đình đốn và giảm sút.. Trong thời kì khủng hoảng, khi sức chi tiêu của người tiêu dùng giảm thì những sản phẩm có giá cả thấp sẽ là lựa chọn chủ yếu.

(2) Các yếu tố khác

Các yếu tố kinh tế như tỉ giá, lạm phát, lãi suất… có thể dẫn đến làm tăng hay giảm giá cả hàng hóa. Ví dụ, sự tăng giá đều đặn của nhà cửa và hàng hóa đắt tiền có liên quan đến chiều hướng làm phát trong nền kinh tế. Các chiến lược marketing mở rộng thị trường hay các quyết định phát triển kênh phân phối hay xác định giá bán… chịu tác động trực tiếp của các yếu tố kinh tế vĩ mô này.

(Nguồn tham khảo: Giáo trình quản trị marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)