Mối quan hệ giữa tự truyện – tiểu thuyết và một số dạng tự thuật trong văn học Việt Nam đương đại

Sự phức tạp trong nghiên cứu về tự truyện xuất phát từ nguyên nhân đây là thể loại có tính giáp ranh, nằm ở ngã tư của khoa học nhân văn, vừa gần gũi với triết học, lịch sử, tâm lý học vừa gắn bó mật thiết với văn học.Tự truyện (autobiography: Anh/ autobiographie: Pháp) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, bản thân thuật ngữ đã hàm chứa sự kết hợp ba yếu tố (auto: tự, bio: cuộc đời, graphy: viết) trong một thể loại. Trong các định nghĩa đầu tiên, tự truyện được xác định là “câu chuyện cuộc đời của cá nhân do chính người đó kể lại” hay “tiểu sử của một người do chính người đó chép lại”(1). Bởi vậy có thể hiểu một cách đơn giản tự truyện là một thể loại tự sự mà tác giả tự viết về mình. Về sau này, khi trở thành đối tượng quan tâm của văn học, tự truyện được xem là một thể loại văn học(2).

 

Tự truyện và tiểu thuyết tự thuật

Khi lý giải bản chất của quá trình sáng tạo, Secnưsepki khẳng định: “Nhà văn dùng con mắt “tinh đời” để nhìn vào bản thân mình, hiểu được bản chất tính cách xã hội lịch sử của mình và dùng bản thân mình làm nguyên mẫu cho các nhân vật của mình”(3). Mỗi trang viết đều là những trải nghiệm của bản thân nhà văn, là hành trình đi tìm cái tôi của mỗi người. Tuy nhiên ở mỗi một thời đại, mỗi khu vực văn hóa, và mỗi nền văn học, các nhà văn lại có cách thức thể hiện riêng, mục đích riêng.

Nhưng vì sao có những tác phẩm người đọc nhận ra bóng dáng đời tư nhà văn, cái tôi của nhà văn, trong khi những tác phẩm khác thì không? Mặc dù việcnhà văn lấy trải nghiệm cá nhân và chính cuộc đời mình làm chất liệu nghệthuật là chuyện hết sức quen thuộc, nhưng việc coi nó là tự truyện hay không lạicòn tùy thuộc vào ý đồ của nhà văn và người đọc. Độc giả sẽ căn cứ vào mức độđậm nhạt, mục đích và cách thức thể hiện trong tác phẩm mà tiến hành phân loạitheo sự hình dung của họ.

Mục đích của tự truyện là tìm hiểu con người thật với lịch sử hình thành nhân cách, còn tiểu thuyết, mặc dù cũng sử dụng nhân vật, cốt truyện đó nhưng được hư cấu hóa, hoặc được cấp một lớp vỏ hư cấu. Tự truyện được coi là một thể loại phi hư cấu, có tính tham chiếu, ở đó tác giả vừa là người kể chuyện vừa là nhân vật chính chịu trách nhiệm trước độc giả về tính chân thật của sự kiện; còn tiểu thuyết, vì bản chất hư cấu của nó nên cái thật ở đây chỉ là giống/ tựa như thật (vraisemble). Nghĩa là, tự truyện không phải là một sáng tạo nghệ thuật của tác giả mà là tư liệu báo cáo về cuộc đời và cá nhân anh ta. Tuy vậy, là một thể loại đặc biệt trong loại hình tự sự, tự truyện luôn biến đổi trong quá trình phát triển. Nó có thể tương tác với nhiều thể loại khác, chẳng hạn kết hợp với hư cấu tưởng tượng để thành tiểu thuyết tự thuật hoặc những biến thể khác như giả tự truyện (autofiction), bán tự truyện (semi – autofiction)… Trong tiểu thuyết tự truyện, cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật, tác giả là người ẩn danh để phát ngôn, anh ta không tồn tại trong những trang viết(4). Hơn nữa, tiểu thuyết là thể loại hướng tới hiện thực chưa hoàn kết, nó cũng “mưu toan” đổi mới bằng tự truyện(5). Bởi vậy rất khó tránh khỏi sự nhòe mờ ranh giới thể loại cũng như sự phân hóa trong chính bản thân mỗi thể loại.

Cho đến nay, cách hiểu về tiểu thuyết tự truyện theo quan niệm truyền thống “là thể loại tự kể chuyện đời mình một cách chân thực khách quan và không được phép hư cấu” chỉ tương ứng với một số tác phẩm kinh điển như David Copperfil của Ch. Dickens, hay bộ ba tác phẩm của M. Gorki (Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi). Bản thân tự truyện đã khó có thể đạt được sự khách quan và chân thực, huống hồ là tiểu thuyết tự truyện. Quan niệm về tiểu thuyết tự truyện đã được bổ sung và nới rộng thêm. Từ điển Wikipedia định nghĩa: “tiểu thuyết tự truyện là dạng tiểu thuyết sử dụng kỹ thuật tự hư cấu (autofiction techniques) hay sự kết hợp của tự thuật và những yếu tố hư cấu”(6). Như vậy có thể thấy yêu cầu “không được phép hư cấu” không còn là quy tắc bất biến đối với tiểu thuyết tự truyện ngày nay.

Quy luật giao thoa thể loại và những nỗ lực cách tân nghệ thuật khiến cho việc phân biệt tự truyện và tiểu thuyết tự thuật ngày càng trở nên khó khăn hơn. Khác với tự truyện là dạng văn bản có tính quy chiếu, tiểu thuyết tự thuật là những hư cấu nghệ thuật dựa trên nền tiểu sử tác giả, những chi tiết của cuộc đời tác giả trở thành chất liệu của tiểu thuyết. Trong tự truyện, cuộc đời tác giả và bức chân dung tinh thần của ông ta trở thành đối tượng chính, tham gia trực tiếp vào tác phẩm như một bộ phận hữu cơ(7). Còn ở tiểu thuyết tự truyện, những chi tiết tiểu sử được nhào nặn lại, câu chuyện cuộc đời được cấu trúc và sắp xếp lại, tức là tác giả tách khỏi những  yếu tố đời tư để thể hiện với một độ gián cách nhất định. Khái niệm tự hư cấu (autofiction) do Serge Doubrovsky đề xuất mở ra một hướng đi mới cho tự truyện (autofiction có thể dịch là giả tự truyện, tự hư cấu hoặc tự truyện hư cấu. Có thể hiểu đơn giản đó là thể loại nhà văn tự hư cấu về bản thân mình, dựa trên những yếu tố tiểu sử để hư cấu một con người khác với con người thực làm nhiễu nhận biết về sự thật. Từ khi khái niệm autofiction được Doubrovsky đưa ra năm 1977, nó đã “vừa làm giàu có về mặt lý thuyết và diễn ngôn cho ngành nghiên cứu văn học, lại vừa gây ra những nhiễu loạn không nhỏ trong diễn giải và tiếp nhận”(8). Thực tế là, trước khi khái niệm autofiction ra đời, trong các tác phẩm của L.Aragon như Anicet, Những người cộng sản, Blanche hay lãng quên, cái tôi của nhà văn được thể hiện theo rất nhiều cách và đều là những cái tôi độc đáo, “ông cố tình làm cho mọi người tưởng chừng nhận ra ngay lập tức khuôn mặt của tác giả trong gương, rất giống, giống lắm, nhưng đồng thời cũng cố tình làm cho hình ảnh trong gương càng khác ông”(9).

Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, tự truyện là một điều không thể, bởi ngay khi viết ra câu chuyện của mình, đã có một khoảng cách, độ sai lệch giữa hiện thực và câu chuyện kể, tức là không đảm bảo độ chính xác, hơn nữa, do nhiều nguyên nhân khác như khoảng cách thời gian, trí nhớ của người kể, mục đích của người kể,… vì thế không thể có tự truyện thuần túy. Logic này khiến nhiều người khẳng định không thể có tiểu thuyết tự truyện như một thể kết hợp giữa tự truyện và tiểu thuyết. Chính trong thuật ngữ đã có mâu thuẫn không thể hòa giải, tự truyện đảm bảo độ chính xác, chân thực, còn tiểu thuyết là hư cấu. Nó làm các nhà nghiên cứu liên tưởng tới tiểu thuyết lịch sử, vốn cũng đầy mâu thuẫn giữa tính chân thực và hư cấu. Tuy vậy, mỗi nền văn học tự sản sinh những vấn đề có tính đặc thù của nó và mỗi thể loại đều có những ranh giới xác định một cách tương đối mà thôi.

Hiện nay các thể loại tự thuật trong văn học Việt Nam đương đại xuất hiện ngày càng nhiều (hồi ký, tự truyện, hồi ức,…) nhưng do đặc điểm riêng về truyền thống văn hóa cũng như quan niệm văn học nên ở Việt Nam chưa hình thành dòng tiểu thuyết tự thuật như ở nhiều nước khác trên thế giới. Song, với tư cách là một thể loại mở, một nam châm có trường từ tính mạnh và rộng, tiểu thuyết luôn hút vào nó những thể loại khác. Ở đây, chúng tôi gọi khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết với hàm nghĩa đó là khuynh hướng sử dụng yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết như một thuộc tính của văn học. Tuy nhiên, tùy thuộc khung khổ của từng thời đại mà loại tiểu thuyết này có cách hiện diện khác nhau. Sự xuất hiện ngày càng nhiều khuynh hướng tiểu thuyết tự truyện trong tiểu thuyết đương đại, một mặt, cho thấy sự mở rộng của tư duy nghệ thuật, mặt khác, chứng minh rằng, số phận tiểu thuyết chưa hề lâm nguy, trái lại, nó vẫn phát triển hết sức mạnh mẽ, phong phú và đa dạng.

Một số dạng thức tự thuật trong văn xuôi tự sự hiện nay

Văn học Việt Nam vốn ít có truyền thống tác giả tự kể chuyện đời mình. Điều đó gắn liền với ý thức giấu kín cái tôi cá nhân của người Việt. Nhưng cùng với sự đổi mới hệ hình văn học theo hướng hiện đại, khuynh hướng tự truyện đang dần trở thành một khuynh hướng nổi bật. Hạt nhân tạo nên sự thay đổi này là nhận thức mới về giá trị cá nhân – cộng đồng, về hiện thực và hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật. Cùng có nhu cầu thể hiện cái tôi nhưng các thể loại tự thuật có mục đích nghệ thuật và những cách diễn đạt khác nhau. Trên cơ sở bóc tách các tầng nghĩa và kết cấu văn bản, kết hợp với sự khảo sát từ góc độ xã hội học, chúng tôi chia các tác phẩm văn xuôi tự sự có khuynh hướng tự truyện thành hai dạng cơ bản: hư cấu (fiction) và phi hư cấu (non – fiction).

  1. Những thể loại phi hư cấu

Từ góc nhìn sáng tạo, khi cầm bút viết các nhà văn đều đứng trước nhu cầu lựa chọn thể loại và bị thể loại đó chi phối. Từ góc độ tiếp nhận, người đọc  khi đứng trước văn bản cũng phải tự xác định đó là thể loại hư cấu hay “người thật – việc thật”. Kiểu tự truyện – hồi ký do những nguyên nhân đặc thù về bối cảnh văn hóa và khuynh hướng tư tưởng thường được ưa chuộng, chẳng hạn: Cỏ dại, Tự truyện (Tô Hoài), Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan) trước 1986, và sau 1986 là Cát bụi chân ai, Chiều chiều (Tô Hoài), Nhớ lại (Đào Xuân Quý),Hồi ký song đôi (Huy Cận – Xuân Diệu), Cánh buồm nhỏ (Lê Minh), Cô bénhìnmưa (Đặng Thị Hạnh),… Đây là những tác phẩm mà tác giả ngược dòng thờigian làm sống lại những hồi ức về một thời đã qua, gia đình, bạn bè,… với cáitôi nhân chứng rõ nét. Mặc dù có nhiều cảm xúc, trải nghiệm và chiêm nghiệmcủa cá nhân nhưng các tác giả không tập trung xoáy vào câu chuyện đời mìnhmà cốt khái quát bức tranh về một thế hệ, thời đại. Sự pha trộn giữa các thể loạidiễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây khiến nhà phê bình và người đọc khóxử trước việc xác định thể loại tác phẩm, chẳng hạn Chiều chiều và Cát bụichân ai thường được coi là hồi ký(10), nhưng cũng có tác giả chứng minh đó làtự truyện(11), thậm chí là tiểu thuyết, chẳng hạn như nhận định của Phạm XuânNguyên: “Chiều chiều nửa hồi ký nửa tiểu thuyết”(12). Hiện nay xu hướng coihai tác phẩm này của Tô Hoài như là tiểu thuyết đang được chấp thuận rộng rãivà không phải không có căn cứ. Tương tự, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải ghi là tiểu thuyết nhưng nhiều nhà nghiên cứu thấy rất rõ chất hồi ký, gọi là “hồi ký dán nhãn hiệu tiểu thuyết”(13). Còn Đoàn Cầm Thi thì coi Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là “tự truyện bất thành”(14). Điều này thêm một lần nữa cho thấy, sự nhập nhằng giữa các thể loại là hiện tượng phổ biến, nhất là những tác phẩm có khuynh hướngtự truyện.

Vài năm gần đây trong đời sống văn học Việt Nam đương đại xuất hiện khá nhiều tự truyện được chấp bút như Lê Vân yêu và sống (Bùi Mai Hạnh ghi), Tôi mù (Nguyễn Thanh Tú) Bóng (Hoàng Nguyên và Đoan Trang ghi), Không lạc loài (Lê Anh Hoài ghi),…. Đây là những chuyện đời tự kể (écriture de soi) mà người kể dám công khai danh tính và thừa nhận bản thân, chịu trách nhiệm về tính trung thực của sự thật với cam kết rõ ràng: tôi kể về đời tôi. Bản chất của những thể loại phi hư cấu là dựa trên cơ sở “người thật, việc thật”, có tính tham chiếu và ngầm chứa quy ước về sự tham chiếu đó giữa người phát ngôn  – người tiếp nhận. Người phát ngôn sẽ chịu trách nhiệm về tính xác thực của câu chuyện mình kể. Sự công khai danh tính và “thỏa thuận ngầm” với độc giả về tính xác thực của chuyện kể, mà ở đấy, theo P. Leujeune, “độc giả có thể bắt bẻ về chuyện giống hay không giống, nhưng chẳng bao giờ có thể bắt bẻ về căn cước khi tác giả tự thuật đã “ký tên” mình vào văn bản”(15).

 Đối với những thể loại tự thuật phi hư cấu bao gồm nhật ký, hồi ký, tự truyện, tiểu sử, chân dung, tiêu chí thể loại và xác định ranh giới thường ít phức tạp. Sức hút của các thể loại này là ở sự xác thực, tính chân thực và nhiều khi nằm ở bí mật của thông tin được công bố cũng như mức độ “gây sốc” trong văn bản.

Thực tiễn văn học hiện nay quả là khó có thể dùng thước đo hư cấu hay phi hư cấu để xếp tác phẩm này hay kia vào một ngăn riêng, tuy vậy, đối với một người đọc thông thường, họ hoàn toàn có khả năng ứng xử trước một văn bản để không đọc Gia đình bé mọn như một tự truyện và coi Lê Vân, yêu và sống như một tiểu thuyết. Trước đây, trong Văn học và tiểu thuyết Doãn Quốc Sỹ cũng phân biệt tiểu thuyết (fiction) với các thể loại “phi tiểu thuyết” (non – fiction) bao gồm tiểu sử, tự truyện, hồi ký, nhật ký, thư tín, essay. Tuy nhiên, trên cơ sở nhận thấy một số tác phẩm phi tiểu thuyết lại có giá trị văn chương bởi óc tưởng tượng phong phú, chất trữ tình dạt dào của người viết, Doãn Quốc Sỹ đi đến kết luận: “Tất cả những loại phi tiểu thuyết được viết bởi những ngọn bút tài ba vẫn có thể được chấp nhận là những tác phẩm văn chương mà không e là đã lạm dụng danh từ này”(16). Đây cũng là ý kiến được hầu hết các nhà nghiên cứu hiện nay chấp nhận, tự truyện và các thể loại phi hư cấu khác đều có khả năng trở thành tác phẩm văn chương đích thực tùy thuộc vào giá trị nghệ thuật tự thân của nó. Và điều đó cho thấy sự phân chia hư cấu – phi hư cấu chỉ mang tính tương đối mà thôi.

2. Tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện

Như đã giới thuyết ở trên, tự thuật là tên gọi nhằm chỉ những dạng thức của văn bản có tính tự thuật như hồi ký, nhật ký, chân dung, tự truyện, tiểu thuyết tự thuật,… Nhưng khi đi vào tìm hiểu một đối tượng cụ thể là khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết, nếu chỉ sử dụng khái niệm tự thuật chung chung như vậy sẽ không làm rõ được đặc trưng của từng tiểu loại. Điều đó buộc  chúng tôi phải tiến hành cụ thể hóa các hướng thể nghiệm của nhà văn khi sử dụng chất liệu tự truyện trong tiểu thuyết đương đại.

Sử dụng chất liệu tự truyện nhưng trong tiểu thuyết, thực chất nhà vănvẫn sáng tạo tác phẩm bằng hư cấu. Theo chúng tôi, trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại có 2 phương thức cơ bản sau:

– Tiểu thuyết hóa câu chuyện đời mình, ở đó cốt truyện liên quan tới tiểu sử cuộc đời một cách chặt chẽ như Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn),… Trong những tác phẩm này, người đọc có thể nhận ra bức chân dung hoàn chỉnh của nhân vật (tác giả) trong cấu trúc tổng thể của cốt truyện. Thậm chí nếu muốn, người đọc có thể kiểm chứng mức độ chân thực thông qua sự đối chiếu với tác giả tiểu sử ngoài đời.

– Tiểu thuyết hóa những chi tiết tiểu sử và những trải nghiệm cá nhân, chẳng hạn như Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Thời xa vắng (Lê Lựu), Đời thường (Phùng Khắc Bắc), Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Một mình một ngựa (Ma Văn Kháng),… Người đọc tinh ý sẽ nhận thấy bóng dáng tác giả qua những chi tiết, sự trải nghiệm của nhân vật được đan cài với những hư cấu, tưởng tượng.

Dựa vào những phương thức này, nhà văn hoàn toàn tự do trong sáng tạo nghệ thuật: nhân vật có thể chính là bản thân anh ta hoặc một người xa lạ nào đó. Trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã và đang hình thành nên những kiểu tiểu thuyết sử dụng chất liệu tự truyện theo những cách khác nhau và mục đích khác nhau, chúng góp phần tạo nên sự đa dạng của khuynh hướng này. Trong phạm vi quan sát của mình, chúng tôi tạm quy vào một số dạng thức cơ bản như sau:

a- Tiểu thuyết tự truyện

Tiểu thuyết tự thuật (còn gọi là tiểu thuyết tự truyện – autobiographical novel) được nói đến khá nhiều trong văn học phương Tây, nhưng khi nghiên cứu về văn học Việt Nam, các tác giả khá dè dặt với thể loại này. Khi phân loại tiểu thuyết, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại tuy có nhắc đến Bốc đồng (Đỗ Đức Thu), Dã tràng (Thiết Can) Sống nhờ (Mạnh Phú Tư), Mực mài mước mắt (Lan Khai) nhưng chưa coi tiểu thuyết tự truyện như một khuynh hướng. Về sau này, thuật ngữ tiểu thuyết tự thuật xuất hiện khá nhiều trong các công trình nghiên cứu về văn học Pháp của Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Phùng Văn Tửu, Lộc Phương Thủy,… Mặc dù trong văn học Việt Nam, tiểu thuyết tự truyện chưa có chỗ đứng thật danh chính ngôn thuận trong đời sống thể loại, đường viền có phần khá mờ nhạt, nhưng qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy đã bắt đầu xuất hiện những tác phẩm mang khuôn mặt của tiểu thuyết tự thuật như Miền thơ ấu (Vũ Thư Hiên), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải)…Tuy có sự pha trộn giữa sự thật và hư cấu nhưng sự thật và tính chân thực được đặc biệt chú trọng, trong đó, tỷ lệ cái thật trội hơn so với hư cấu, thậm chí là bộ xương để kiến tạo cốt truyện. Những yếu tố tự truyện được đưa vào tác phẩm một cách hệ thống, có ý nghĩa trong sự hình thành nhân cách nhân vật. Chúng tôi cho rằng, khi viết tiểu thuyết tự truyện, dù có tuyên bố hay không, nhà văn vẫn ngầm chịu trách nhiệm với độc giả về tính chân thực của chi tiết, sự kiện. Từng chặng đường đời hoặc các sự kiện của một quãng đời được thuật lại chi tiết, có tính xác thực cao. Chẳng hạn trong Thượng đế thì cười, ta có thể lập hẳn một bảng biểu đối chiếu giữa nhân vật và tiểu sử tác giả như năm tháng, tuổi tác, sự kiện, số lượng và thời điểm xuất bản sách, các nhân vật đồng nghiệp,… Đây là một đoạn văn mà sự chính xác của nó ngang một cuốn nhật ký: “Năm mới về tạp chí hắn mới hăm nhăm tuổi, anh Thanh Tịnh khoảng ngoài bốn mươi, anh Văn Phác, chủ nhiệm tạp chí cũng mới ba mươi, anh Chính Hữu trẻ hơn một tuổi mới hai mươi chín”,… Trong Chuyện kể năm 2000, tính tự truyện cũng rất rõ nét, nhất là những đoạn văn miêu tả trải nghiệm về cảnh tù ngục của cá nhân nhà văn.

Ở mức độ nhận biết về sự thật mờ hơn, tiểu thuyết có màu sắc tự truyện là những cuốn tiểu thuyết viết về đề tài bất kỳ, thậm chí không có gì đặc biệt, không tự thuật bằng ngôi kể thứ nhất, tên nhân vật không trùng với tên tác giả, và có thể trên bề mặt văn bản không có dấu hiệu nhận biết nào, nhưng từ những trải nghiệm, chiêm nghiệm, giọng kể tự thú, nhất là khuynh hướng xoáy sâu vào lý giải quá trình hình thành nhân cách nhân vật chính, độc giả cảm nhận được màu sắc tự truyện rõ rệt. Ở dạng này, yếu tố tự truyện gắn với nhu cầu chiêm nghiệm về cuộc đời, sự nhận thức và nhu cầu giãi bày cái tôi khá kín đáo mà Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Tấm ván phóng dao, (Mạc Can), Tiền định (Đoàn Lê), Đời thường (Phùng Khắc Bắc) Thời xa vắng (Lê Lựu),  Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa (Ma Văn Kháng), Ba người khác (Tô Hoài)… là những trường hợp điển hình.

Ngoài ra, cũng cần nhắc đến dạng  “tự thuật tiểu thuyết”, theo hình dung của các nhà tiểu thuyết đầu thế kỷ XX, ở đó nhân vật tự kể lại câu chuyện của mình ở ngôi thứ nhất, với cốt truyện là những trải nghiệm cuộc đời của bản thân nhân vật mà một trong những dấu hiệu khởi đầu là Truyện Thầy Lazarô Phiền và được tiếp nối bằng hàng loạt tác phẩm như Oan kia theo mãi (Lê HoằngMưu), Sổ đoạn trường (Nguyễn Thành Long),Mười lăm năm lưu lạc và Duyên phận lỡ làng(Phạm Minh Kiên). Với cách hiểu là kiểu truyện nhân vật tự kể chuyện (tự thuật), và hoàn toàn không đồng nhất với tiểu sử tác giả. Lối tiểu thuyết tự thuật này khác với tiểu thuyết tự thuật (theo cách hiểu thường thấy hiện nay), ở đó tác giả – nhân vật chính – người kể chuyện có sự đồng nhất.

 Trong những năm gần đây, tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện xoáy sâu hơn vào những cái tôi chưa biết, cái tôi tự thách thức, cái tôi đa bội và giàu cá tính như trong Chuyện lan man đầu thế kỷ (Vũ Phương Nghi), Bài học đầu tiên (Trần Thị Hồng Hạnh), Nhiều cách sống (Nguyễn Quỳnh Trang), Chuyện của thiên tài (Nguyễn Thế Hoàng Linh)… Nhân vật kể trong vai người viết trẻ tuổi, tức ở đó có sự tương đồng khá rõ nhân vật – tác giả (sinh viên, phóng viên, giáo viên,…) kể những chuyện của bản thân mình ở ngôi thứ nhất. Tính tự thuật ở đây có thể hiểu là những trải nghiệm của bản thân người viết với tiếng nói riêng tư của lớp trẻ trong đời sống đương đại.

b – Giả tự truyện/ Tự hư cấu (autofiction): Như đã nói ở trên, khái niệm giả tự truyện hay tự hư cấu (autofiction) được Serge Doubrovky sử dụng để chỉ những tiểu thuyết mà yếu tố tự thuật được sử dụng để tạo nên một thế giới không thực, gây lạc hướng và rối trí người đọc trong việc nhận biết. Ở Việt Nam cũng có một số tác phẩm kiểu này: Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Chinatown (Thuận), Blogger (Phong Điệp). Trong Chinatown, nhân vật tôi có lý lịch gần như trùng với tiểu sử của tác giả Thuận, một phụ nữ gốc Hà Nội sống tại Pháp, từng có thời gian du học ở Nga, tác giả của Made in Vietnam. Đây là thủ pháp dùng yếu tố tự truyện nhằm kích thích sự tò mò của người đọc; quan trọng hơn, làm “nhiễu” những độc giả cả tin, “như một trò chơi nghệ thuật nhằm phá vỡ sự phân lập hiện thực và hư cấu” – tức là cách tấn công mạnh mẽ vào quan niệm thô thiển về yêu cầu phản ánh hiện thực, khước từ lối mòn của tự sự truyền thống là kể một câu chuyện khả tín(17). Nhà văn “cài” vào tác phẩm những chi tiết dễ nhận thấy nhất của bản thân với dụng ý “tung hỏa mù” cho độc giả. Đó cũng là một kiểu “chơi”, một kiểu ứng xử nghệ thuật tạo ra tính mập mờ trong tác phẩm mà người đọc có thể tin hoặc không tin. Blogger của Phong Điệp cũng sử dụng thủ pháp này: có hai nhân vật gây “nghi ngờ” trong hai cuốn tiểu thuyết lồng ghép: Phong và Diệp với một tiểu sử chẳng khó nhận ra, những cô gái tỉnh lẻ về thành phố lập nghiệp, viết truyện trên blog. Sự phát triển của giả tự truyện khá phức tạp, nó ngày càng lôi kéo được nhiều nhà tiểu thuyết tìm đến với những thử nghiệm mới mẻ.

Như vậy, có thể thấy tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện được thể hiện theo nhiều cách, có thể như một yếu tố trong cấu trúc tác phẩm hoặc có thể được đẩy xa đến mức trở thành giả tự truyện. Những dạng thức cơ bản của tiểu thuyết tự truyện và giả tự truyện mà chúng tôi đã nói trên đây chắc chắn chưa bao quát hết những tìm kiếm của các nhà văn trong quá trình làm mới tiểu thuyết ở nước ta sau 1975. Nhưng có thể thấy rằng, tự truyện hay giả tự truyện, sự pha trộn sự thật và hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật để tạo nên những “cuộc chơi” thú vị đang kích thích nhiều nghệ sĩ phiêu lưu và sáng tạo. Chúng tôi tin vào tương lai của thể loại này khi nhận thấy khuynh hướng tiểu thuyết tự truyện đang ngày càng được chú ý trong văn học Việt Nam1

____________

(1)Thuật ngữ  Tự truyện được Viện Hàn lâm Pháp chính thức công nhận vào năm 1856 và xuất hiện trong các cuốn Từ điển tiếng Pháp với nghĩa là “cuộc đời của một cá nhân do chính người đó kể lại”. Theo Từ điển Tiếng Pháp Plus: “Tự truyện là tiểu sử của một người do chính người đó viết ra”.

(2) Đỗ Đức Hiểu trong Từ điển Văn học cũng đồng quan điểm về khái niệm tự truyện: “Một thể loại văn học trong đó tác giả kể chuyện về cuộc đời của họ. Nhân vật chính của truyện, chính là tác giả”. Định nghĩa này cho phép xác định tự truyện là một thể loại văn học mà tác giả tự kể về cuộc đời mình. Tuy vậy, trong thực tế, có những tự truyện không phải do nhà văn viết ra và nó đơn thuần là những câu chuyện cuộc đời của một cá nhân, chứ không hoàn toàn là tác phẩm văn học.

(3) G.N. Pôxpêlôp: Dẫn luận nghiên cứu văn học (Trần Đình Sử chủ biên), Nxb. Giáo dục, H, 1997.

(4)Roy Pascal: The Autobiographical Novel and The Autobiography. Essays in Criticism, Volume IX (2), 1959, pp.134-150

(5) Phùng Văn Tửu: Tiểu thuyết Pháp hiện đại những tìm tòi đổi mới.

(6)Nguồn:http://en.wikipedia.org/wiki/Autobiographical_novel

(7) Phạm Ngọc Lan: Tự truyện – giới hạn và khả năng của một thể loại văn học trong sách Bình luận văn học, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh và Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2005.

(8)Cao Việt Dũng: Vài nét về lịch sử và cách hiểu khái niệm tự hư cấu. Báo Văn nghệ 2009.

(9)Phùng Văn Tửu: Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật. Nxb. Tri thức, 2010.

(10) Xem Nguyên Ngọc: Văn xuôi Việt Nam hiện nay – logic quanh có của các thể loại, những vấn đề đang đặt ra và triển vọng. In trong Văn học Việt Nam sau 1975 Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb. Giáo dục, 2009; Vương Trí Nhàn: Tô Hoài và thể hồi ký. Lời bạt trong sách Hồi ký Tô Hoài, Nxb. Hội nhà văn, H, 2005; Lý Hoài Thu: Hồi ký và bút ký văn học thời kỳ đổi mới. Tạp chí Văn học, số 10-2008.

(11) Phạm Ngọc Lan: Tự truyện và sự thể hiện cái tôi cá nhân trong văn học Việt Nam hiện đại  trong sách Bình luận văn học, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh và Nxb Văn hóa Sài gòn, 2006

(12) Phạm Xuân Nguyên: Một kiếp bên trời. Nguồn: http://vannghe.free.fr/pxnguyen/chieu.html

(13)Đặng Anh Đào: Tôi đọc “hắn”. In trong Việt Nam và phương Tây tiếp nhận và giao thoa trong văn học. Nxb. Giáo dục, H, 2007, tr 106.

(14)Đoàn Cầm Thi: Nỗi buồn chiến tranh: tự truyện bất thành. Nguồn: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4572

(15) Phùng Văn Tửu: Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI. Nxb. Giáo dục, H, 2005, tr.151.

(16)Doãn Quốc Sỹ: Văn học và tiểu thuyết. Sáng tạo, Sài gòn, 1973, tr.64.

(17) Nguyễn Thị Bình: Một số khuynh hướng  tiểu thuyết ở nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay (Đề tài cấp Bộ), H, 2008.

 

Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=12502