Mộc Châu mùa mận chín

Cao nguyên Mộc Châu có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp để trồng và phát triển mận hậu, cho ra những trái mận hậu chất lượng, giòn, thơm và căng mọng, quả to hơn so với mận ở khu vực khác… Những năm gần đây, người trồng mận hậu Mộc Châu đã tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để tiếp tục nâng cao hơn chất lượng, sản lượng mận hậu, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường.

                                 

Thung lũng mận Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

           

Cây mận hậu được đưa vào trồng tại Mộc Châu từ những năm 80, từ đó đến nay đã gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Mộc Châu và trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

           

Người dân tiểu khu Pa Khen thu hái mận.

           

2 năm gần đây, trước biến động của thị trường và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với sự chung tay hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ dân trồng mận ở Mộc Châu cũng ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đến đầu tư, chăm sóc mận đúng kỹ thuật, cho chất lượng quả to, đều, đẹp, giữ uy tín với bạn hàng nên vẫn bán được giá.

           

Những trái mận hậu vào độ chín.

           

Có mặt tại tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, nơi có diện tích mận hậu trồng nhiều nhất của huyện, các hộ đang khẩn trương thu hái mận để kịp đơn hàng bán cho thương lái. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mận của các hộ trong tiểu khu, anh Hàng A Vạng, Phó tiểu khu trưởng, cho biết: Mận hậu là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho người dân tiểu khu với gần 300 ha, sản lượng đạt hơn 4.000 tấn quả. Trong đó, riêng khu vực thung lũng mận Nà Ka có 80 ha, đây là khu vực hằng năm được huyện Mộc Châu chọn làm điểm tổ chức Ngày hội hái quả. Vào mùa mận chín, ngày nào cũng có nhiều đoàn khách đến trải nghiệm, du khách được tự tay hái quả và thưởng thức những trái mận đỏ, chín mọng. Với giá bán hiện nay trung bình từ 15.000-50.000 đồng/kg mận hậu, giúp cho nhiều hộ có thu nhập từ 350-700 triệu đồng/năm.

           

Du khách mua mận tại thung lũng mận Nà Ka.

Đến thăm vườn mận của gia đình anh Lầu A Giàng, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu, diện tích hơn 3 ha đang bước vào vụ thu hoạch với những quả mận to, tròn, chín mọng. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc làm lưới phủ để tránh tác động xấu của thiên tai; từng cây mận cũng được anh Giàng chăm sóc theo đúng kỹ thuật, kết hợp với bón phân hữu cơ. Anh Giàng chia sẻ: Để quả mận đạt chất lượng cao thì quy trình kỹ thuật phải đảm bảo từ đốn tỉa, bón phân. Dùng phân bón hữu cơ bón làm 3 lần trong năm. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, trẻ hóa cây, cho năng suất cao hơn phương pháp truyền thống trước kia, giúp gia đình nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.

           

Các tiểu thương thu mua mận ở thị trấn Nông trường Mộc Châu.

           

Huyện Mộc Châu hiện là khu vực trồng mận hậu lớn nhất của cả nước, với tổng diện tích hơn 3.200 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha; sản lượng năm 2022 ước đạt 28.000 tấn. Để giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm ổn định, huyện Mộc Châu đã hướng dẫn bà con sản xuất mận theo hướng an toàn, hữu cơ; nâng cao chất lượng gắn với đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mộc Châu cho biết: Huyện Mộc Châu quy hoạch vùng trồng mận công nghệ cao tại thung lũng mận Nà Ka cấp mã số vùng trồng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ. Từ đó sản lượng và chất lượng quả mận được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh chế biến gia tăng giá trị các sản phẩm từ quả mận, như: Mận sấy, ô mai mận, siro mận, rượu mận…

           

Sản phẩm mận bỏ hạt sấy dẻo của HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5. 

 

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận hậu của Mộc Châu, ngày 22/5 tới đây, huyện Mộc Châu sẽ tổ chức Ngày hội hái quả lần thứ VI, năm 2022 tại thung lũng mận Nà Ka, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Với các hoạt động chính gồm: Thi hái quả, trình bày quả và thưởng thức quả;  Tổ chức vinh danh những người trồng mận tiêu biểu; trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm mận hậu; thi cắm trại, trưng bày ẩm thực dân tộc, giao lưu văn nghệ; hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian. Qua đó, tạo cơ hội để những người trồng mận giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc mận, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao từ quả mận hậu. Thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo sự tương hỗ giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.