Mô hình trồng, chăm sóc vườn chôm chôm

Mô hình trồng, chăm sóc vườn chôm chôm

Mô hình trồng và chăm sóc chôm chôm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cho giá bán sản phẩm cao hơn, năng suất tăng 15-20% và chất lượng trái cao hơn so với các vườn sản xuất thông thường, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 20-25% cho người sản xuất. 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Các vùng đồng bằng châu Á nhiệt đới là nơi phù hợp cho việc trồng và phát triển cây chôm chôm. Ở Đông Nam Á cây chôm chôm phân bố ở một số quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Philippinnes, với độ cao thích hợp từ 0-700 m, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.000-5.000 mm, nhiệt độ bình quân từ 22-30oC.

Chôm chôm được trồng tập trung ở các tỉnh miền Nam Trung bộ của nước ta, với diện tích khoảng 14.200 ha, sản lượng xấp xỉ 100 ngàn tấn (chiếm 42% diện tích và 62% sản lượng chôm chôm cả nước. Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng chôm chôm tập trung lớn nhất, sau đó là các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long….

Ở Việt Nam, việc lai tạo hoặc chọn cây chôm chôm ưu tú từ các giống nhập đều chưa được thực hiện. Trong nước, đã có các quần thể như:

  • Chôm chôm Java: đặc tính chính là cùi không dính hạt (chôm chôm trốc) nhưng khi bóc ra, cùi lại dính với vỏ ngoài của hạt, nặng 30-40 g/trái. Đây là giống được trồng từ lâu và rất phổ biến ở Nam bộ, chiếm 70% diện tích trồng chôm chôm, được xuất khẩu sang thị trường các nước lân cận như Trung Quốc, Campuchia,…
  • Chôm chôm Nhãn: trái nhỏ, khoảng 15-20 g. Gai ngắn, mã trái không đẹp, cùi khô, giòn, hương vị tốt, giá bán cao hơn so với chôm chôm Java. Tỉ lệ trồng còn rất thấp.
  • Chôm chôm Rong riêng: trái hình trứng, trọng lượng 32-34 g vỏ màu đỏ thẫm, khi chín độ dầy vỏ 2 mm. Râu trái dài, màu xanh khi trái chín. Đây là giống được nhập từ Thái Lan và trồng ở nước ta năm 1996. Cây sinh trưởng khá mạnh.
  • Chôm chôm Đường (hay chôm chôm Long Thành): giống này dễ nhận diện là trái có hình trứng hơi dài, trọng lượng 26-30 g, vỏ có màu đỏ vàng đến đỏ sậm khi chín, râu trái nhỏ rất dài (11-13 mm), có màu vàng xanh, chót râu có màu. Nhược điểm của giống này là mau héo khi chuyên chở xa. Phẩm chất trái rất ngon, thịt ráo, dòn, trốc rất tốt, độ dầy cơm 5,5-7,5 mm, tỷ lệ cơm 35-46%, độ brix 20-23%, vị ngon, rất ngọt.
  • Chôm chôm dính: cùi dính hạt, hương vị không ổn định.

Quy trình và biện pháp tổ chức thực hiện

Chuẩn bị, xây dựng mô hình

Đào mương, lên liếp (luống)

  • Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiết kế vườn có mương liếp. Kích thước thay đổi tuỳ theo độ cao của đất và loại đất. Mương rộng khoảng 2 m, chiều sâu mương 1–2 m, liếp đơn rộng 4–5 m và liếp đôi 8–10 m, trên mặt liếp đôi có rãnh thoát nước giữa mặt liếp. Lên liếp theo kiểu cuốn chiếu, theo dãy hoặc theo mô…luôn giữ tầng đất mặt lên trên.
  • Vùng miền Đông Nam Bộ cần phân lô hoặc thiết kế mặt liếp phù hợp theo độ dốc, bố trí hệ thống mương, rãnh, ngăn giữ nước và thoát nước. Đê bao ngăn, giữ nước có độ cao cao hơn đỉnh lũ cao nhất hàng năm là 30 cm, bề rộng đê bao tuỳ thuộc vào đê bao cho từng vườn hay khu vực, loại đất…cho thích hợp. Bố trí cống, đập, hồ giữ và thoát nước, hệ thống ống dẫn nước tưới và phương tiện bơm tưới…theo qui mô sản xuất.

Thiết kế hệ thống tưới

Hệ thống tưới cho vườn chôm chôm phổ biến là tưới phun trên tán và tưới phun dưới tán.

  • Tưới phun dưới tán: phun nước từ dưới mặt đất lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 3600, được đặt cao khỏi mặt đất 0,5-1,0 m (dưới dạng phun sương hay phun mù). Giữa 4 cây chôm chôm lắp đặt 1 vòi phun.
  • Tưới phun trên tán: phun nước từ trên tán xuống nhờ một hệ thống ống dẫn nước và máy bơm với các vòi cố định (có thể giữa 4 cây chôm chôm có 1 vòi phun hoặc mỗi một cây chôm chôm có 1 vòi phun gắn vào giữa tán cây). Chiều cao của béc phun trên ngọn cây khoảng 30-50 cm.

Trồng cây chắn gió

Trồng các loại cây (bơ, mận, mít, bạch đàn, bồ kết, phi lao, tre nứa…) theo hướng thẳng góc hoặc lệch góc 30o so với hướng gió chính trong vùng. Khoảng cách trồng tùy theo chủng loại cây và tốc độ gió. Cây được trồng ít nhất trước 1 năm và cách ly với hàng cây chôm chôm đầu tiên bởi mương dẫn nước hoặc lối đi.

Khoảng cách trồng

Từ 8-12 m, thông thường là 8×10 m (trên đất đỏ latosol cây mọc tốt, khoảng cách có thể là 10x10m tới 10x12m). Tại Đồng bằng sông Cửu Long thường trồng ở khoảng cách 6-8 m.

Nhân giống

Chọn trồng cây con được nhân giống bằng cách ghép vì cây ghép sẽ cho quả sớm (3-4 năm sau khi trồng), cây có bộ tán rộng, thấp hơn so với cây trồng từ hạt (lâu cho quả, 5-6 năm sau khi trồng, cây không đồng đều).

Cây giống tốt phải đúng giống, đạt 4-5 tháng tuổi sau khi ghép, cây đang sinh trưởng khoẻ và đạt các yêu cầu về hình thái, như:

  • Thân gốc ghép thẳng, đường kính 0,8-1,3 cm, vỏ không vết thương tổn đến phần gỗ, mặt cắt có quét sơn, không bị dập, sùi, nằm ngay phía trên chân của thân cây giống, vết ghép tiếp hợp tốt và cách mặt bầu ươm 15-20 cm.
  • Cổ rễ và rễ cọc thẳng, bộ rễ phát triển tốt, có nhiều rễ tơ.
  • Thân cây ghép thẳng, chiều cao tính từ mặt bầu ươm đến đỉnh chồi từ 60 cm và đường kính thân (vị trí trên vết ghép) từ 0,8 cm trở lên, chưa phân cành, có trên 9 lá kép, lá ngọn thành thục, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng giống.
  • Cây không mang các sâu bệnh hại. 

Thực hiện mô hình

Thời vụ trồng

Trồng vào đầu mùa mưa để tận dụng nước mưa, giảm chi phí tưới. Nếu chủ động việc tưới nước (có hệ thống tưới cố định) có thể trồng quanh năm.

Kỹ thuật trồng

Làm đất

Tùy theo thế đất cao hay thấp mà thiết kế vườn, nếu đất thấp phải lên liếp và đắp bờ bao có cống bọng để điều chỉnh mặt nước trong vườn. Nếu liếp chưa đủ cao thì người ta còn làm mô nổi trên liếp và trồng cây trên mô. Trên đất cao ráo không sợ úng thì trồng bằng mặt đất hay hơi âm.

Rải 0,5 kg vôi canh nông xuống đáy hố, bón lót chừng 10 kg phân hữu cơ, 0,2 kg phân lân, rải thuốc trừ sâu dạng hạt để phòng sùng đất. Việc bón lót cần thực hiện trước khi đặt cây tối thiểu ½ tháng.

Cách trồng

Giữa mô đất hoặc hố, đào lỗ trồng có kích thước bằng với kích thước bầu đất cây con, lấy cây con ra khỏi bầu đất và đặt cây con vào lỗ trồng, lấp và nén đất nhẹ quanh bầu đất cây con đến độ cao bằng với mặt đất của mô hay hố; cắm cọc và buộc cây con phòng gió lay; che mát tạm thời cho cây trong những tháng đầu sau khi trồng; tưới nước cho cây con ngay sau khi trồng.

Tủ gốc giữ ẩm

Vào mùa khô dùng lá, cỏ hoặc các phế phẩm sau thu hoạch phủ gốc giữ ẩm cho cây.

Làm cỏ và trồng xen

Làm cỏ thường xuyên bằng tay, bằng máy. Không nên phun thuốc hoá học.

Giai đoạn cây chưa giao tán trồng xen các loại cây như cây họ đậu, cây phân xanh trên vùng đất nghèo chất hữu cơ hoặc trồng các cây ăn quả như: chanh, chuối, đu đủ, dứa, ổi…,hay trồng các loại cây rau, hoa. Sau khi trồng 6 tháng bồi thêm đất cho mô.

Bón phân

  • Thời kỳ kiến thiết cơ bản

   Bảng 1: Liều lượng phân NPK cho cây chôm chôm giai đoạn kiến thiết cơ bản  

Tuổi cây

Tổng lượng phân bón NPK (kg/cây/năm)

1

0,9

2

1,5

3

3,0

 

Trong 1-3 năm đầu cây chưa cho quả, sử dụng phân NPK 16-16-8, bón 3 lần/năm, bằng cách hòa trong nước tưới hoặc xới nhẹ đất mặt, bón phân cách gốc 15-30cm và tưới nước đẫm ngay sau khi bón.

  • Thời kỳ kinh doanh:

Từ năm thứ 4 trở đi có thể dùng phân NPK 12-12-17, hoặc các loại phân tương tự có thành phần K2O cao, hoặc bổ sung thêm phân kali. Bón 3 lần/năm.

Lượng phân bón tùy thuộc vào độ lớn của cây, tính chất đất nơi trồng, năng suất cây cho rái,…để bù lại cho đất lượng dưỡng chất mà cây đã lấy đi. Lượng mất dưỡng chất từ đất được ước tính trên mỗi kg quả (bao gồm cả các mất mát do rửa trôi, cố định lân): N: 2,83 g; P: 0,62 g; K: 2,34 g; Ca: 0,61 g và Mg: 0,34 g.

Bảng 2: Nhu cầu phân khoáng chính cho cây chôm chôm có năng suất cao ở thời kỳ kinh doanh:

Tuổi cây (năm)

Lượng phân

NPK (12-12-17)

Qui ra (kg/cây)

kg/lần bón

kg/năm

N

P2O5

K2O

4

1,3

1,9

0,468

0,468

0,663

5

1,5

4,5

0,54

0,54

0,765

6

2

6

0,72

0,72

1,02

7

2,5

7,5

0,9

0,9

1,275

8 đến 10

3

9

1,08

1,08

1,53

11 đến 15

3,5

10,5

1,26

1,26

1,875

Trên 15

4

12

1,44

1,44

2,04

 

Chia phân khoáng làm 3 lần: lần 1 (giúp cây phục sức) sau thu hoạch và tỉa cành, bón 1/3 tổng lượng phân, kết hợp phân chuồng đã ủ hoai (15-20 kg khi có điều kiện, hoặc bón 2 kg phân hữu cơ sinh học) và vôi 2-5 kg/cây (hoặc thay bằng tro), liều lượng tùy thuộc vào pH đất. Lần 2 bón đón hoa 1/3. Lần 3 thúc quả lớn 1/3 tổng lượng phân còn lại.

Điều chỉnh lượng phân theo sản lượng mà cây cho trái. Phun phân bón lá bổ sung các chất vi lượng khi thấy cây có biểu hiện, nhất là vào thời kỳ nuôi quả. Sự bổ sung Bor (B) ở giai đoạn ra hoa và ở giai đoạn quả non giúp tăng đậu quả.

Tỉa cành và tạo tán

  • Thời kỳ kiến thiết cơ bản: cần cắt tỉa tạo hình để cây có tán cân đối, khung cành mạnh khỏe. 
  • Thời kỳ kinh doanh: Hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch cần tỉa cây, sửa cành, bấm ngắt lại cành đã cho kết quả kiệt nhựa để cây nảy nhiều cành mới, cắt bỏ các cành nhánh ăn bám, cành mọc khuất trong tán, cành sâu bệnh, cành mọc vượt, cành mọc xà sát đất, cành mọc chồng chéo lên nhau đề tán cây được thông thoáng, đi lại đễ dàng.

Kỹ thuật xử lý ra hoa

  • Xiết nước: tạo stress vào đầu mùa khô từ 2-4 tuần (bao gồm việc rút nước trong mương ra nếu trồng trên đất thấp) và phủ bạt trên mặt đất để tránh mưa cuối vụ, sau đó bón phân nhử và tưới nhử trước khi bón đậm và tưới đều trở lại cây sẽ ra hoa sớm và đều hơn để tự nhiên. 
  • Khoanh vỏ: thực hiện kết hợp với xiết nước.
  • Xử lý ra hoa bằng hóa chất.

Tưới nước

Chôm chôm có nhu cầu về nước lớn. Có hai thời kỳ ngắn cây cần khô ráo:

  • Thời kỳ xiết nước để kích thích ra hoa (kéo dài độ 2-3 tuần)
  • Trước khi thu hoạch để tránh quả mọng nước và dễ bị nứt

Trong thời kỳ ra cành lá và đặc biệt là thời kỳ nuôi quả (sau xả nhị) cây rất cần nước. Cần tưới cho ít nhất 70-80% hệ thống rễ của cây. Trong mùa hè lượng nước tưới độ 60-70 mm/tuần là đủ thỏa mãn. 

Tăng khả năng đậu quả

Thời kỳ chăm sóc hoa để chuẩn bị cho đậu trái rất là quan trọng. Do đó, khi phát hoa chôm chôm vừa nhú cần bổ sung dinh dưỡng để hỗ trợ cho cây, theo các giai đoạn:

  • Khi phát hoa vừa nhú khoảng 5-7 cm.
  • Khi phát hoa vươn dài hết cỡ (trước khi hoa nở).
  • Sau khi đậu trái khoảng 5-10 ngày

Thu hoạch và bảo quản

  • Thời gian từ khi ra hoa đến khi thu hoạch trái 100-120 ngày, khi trái chín có độ Brix từ 17-21% tuỳ theo giống. Thu hoạch sớm chất lượng sẽ giảm nhưng thu hoạch muộn trái có đời sống sau thu hoạch ngắn. Nên thu trái nhiều đợt để trái có màu sắc tốt. 
  • Tồn trữ ở nhiệt độ 10–50C nếu trong túi PE có đục lỗ bảo quản được 10 ngày, trong túi PE dày kín có thể giữ được 12 ngày.

Phòng trừ sâu bệnh

Các loại côn trùng gây hại quan trọng

  • Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis): thành trùng đực và cái đều ăn mật hoa, ấu trùng gây hại trong giai đoạn trái non cả giai đoạn trưởng thành, khi đục vào bên trong sâu ăn phá làm trái bị hư, kết quả tiếp theo là làm trái bị thối và rụng. Cây có trái chùm thường bị gây hại nặng ở những nơi trái tiếp giáp với nhau.

Phòng trị theo hướng thâm canh: cắt tỉa cành sau thu hoạch cho vườn thông thoáng. Có thể dùng bẫy đèn ánh sáng để bẫy trưởng thành hoặc giúp dự báo. Dùng các loại thuốc hóa học khi có 1% số trái trong vườn bị tấn công. Thời gian xử lý thuốc nên bắt đầu từ khi trái đậu được 1,5–2 tháng tuổi. Nếu có điều kiện có thể sử dụng bao trái để giảm thiệt hại. 

Phòng trị theo hướng an toàn: canh tác và vệ sinh vườn thông thoáng. Dùng bẫy đèn để bẫy con trưởng thành. Duy trì thiên địch như kiến vàng. Sử dụng thuốc phòng trừ khi mật số cao, thuốc đưa vào sử dụng là thuốc không độc hoặc ít độc đối với người.

  • Rệp sáp (Planococcus sp.): gây hại khá phổ biến, ăn phá vỏ trái, làm cây phát triển kém, râu trái ngắn, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển và ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm. Rệp thường cộng sinh với kiến.  

– Phòng trừ theo hướng thâm canh: cắt tỉa cành thông thoáng. Tiêu hủy trái có nhiều rệp. Diệt kiến hôi. Nếu bị rệp gây hại nặng dùng các loại thuốc hóa học phòng trừ. Chú ý thời gian cách ly trước thu hoạch để đảm bảo an toàn. 

– Phòng trừ theo hướng an toàn: cắt tỉa cành, mật độ trồng không quá dày, kiểm tra vườn thường xuyên và tiêu hủy mầm mống rệp trong vườn. Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học hoặc dùng thuốc ít độc. Duy trì và phát triển mật số bọ rùa, thiên địch của rệp sáp, trên vườn.

  • Sâu ăn bông (Thalasodes sp.): ấu trùng ăn phá trên bông và trái non. Chôm chôm ra bông muộn bị nhiễm nặng hơn ra bông sớm.

Phòng trị: phun thuốc khi cần thiết. Chú ý thời gian cách ly để đảm bảo an toàn.  

Bệnh trên chôm chôm

  • Bệnh phấn trắng (Oidium sp.): gây hại nặng và phổ biến trên chôm chôm, thường xuất hiện ở giai đoạn hoa và trái non, làm cho hoa và trái non dần dần bị khô, đen, dễ rụng. Trái bị nhiễm bệnh sẽ kém phát triển, cơm nhỏ hoặc lép. 

– Phòng trị: cắt tỉa cành cho cây thông thoáng, vệ sinh vườn tránh ẩm thấp trong mùa mưa, giai đoạn cây ra hoa đậu trái phải thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm được bệnh và cắt bỏ ngay chùm hoa hoặc trái bị bệnh đem tiêu hủy. Khi thấy thời tiết ẩm mát vào buổi sáng, có thể phun phòng vào các giai đoạn: trước ra hoa; bắt đầu ra hoa (50% số đọt ra hoa); khi ra hoa rộ (hầu hết các đọt đã ra hoa); giai đoạn đậu trái (≥ 50% số chùm hoa có trái trứng cá). Cần phun thêm 1 lần khi trái trưởng thành, nếu trước đó bệnh có xuất hiện với tỷ lệ cao.   

Theo hướng an toàn có thể tăng cường bón phân hữu cơ để tăng hệ vi sinh vật có ích trong đất và trong vườn cây.

  • Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides): tấn công trên lá và trên trái. Thường xuất hiện trên những lá trưởng thành. Bệnh cũng có thể gây hại trên trái, tấn công vào giai đoạn trái sắp chín, gây thối trái. 

– Phòng trị: xử lý bằng các loại thuốc hoá học để phòng trị. Theo hướng an toàn, các biện pháp chăm bón cho cây tốt, tưới nước đầy đủ, vườn thông thoáng, tránh ẩm thấp, kiểm soát vườn và tiêu hủy mầm bệnh là rất quan trọng.

  • Bệnh cháy lá (do nhiều loại nấm Pestalotia, Phomopsis …): làm cho các lá trưởng thành bị cháy, khô từ chóp lá lan dần vào trong. Bệnh xuất hiện phổ biến vào mùa nắng, những vườn cây ít được chăm sóc thường bệnh nhiều hơn.

– Phòng trị: tăng cường phân hữu cơ hoai mục cho vườn, giúp cây phát triển tốt, đồng thời tạo ẩm độ đất thích hợp cho cây phát triển khoẻ, sẽ hạn chế được sự phát triển của bệnh. Trong mùa nắng nóng nên tủ rơm rạ quanh gốc cây, tưới nước đầy đủ cũng hạn chế được bệnh cháy lá.

  • Bệnh thối trái (do nấm Phomopsis sp., Dothiorella spp.): xuất hiện trong giai đoạn trái chín, làm trái bị hư thối, rụng ảnh hưởng lớn đến năng suất. 

– Phòng trị: cắt tỉa và loại bỏ những cành khô, bệnh và chết trên cây. Kiểm soát chế độ tưới và tiêu nước cho cây một cách đều đặn. Tồn trữ lạnh ở nhiệt độ thích hợp hạn chế được bệnh sau khi thu hoạch. Có thể phun thuốc để phòng ngừa. Theo hướng an toàn, các biện pháp làm thông thoáng vườn, tránh ẩm thấp, kiểm soát vườn và tiêu hủy mầm bệnh là rất quan trọng.  

  • Bệnh đốm rong (Cephaleuros virescens): xuất hiện trên lá, trên cành non. 

– Phòng trị: khi bệnh có tỷ lệ cao, có thể dùng các loại thuốc gốc đồng để phun. Chăm sóc tốt, tưới nước và bón phân thích hợp sẽ phòng được bệnh hoặc làm giảm bệnh. Theo hướng an toàn, nên trồng với mật độ hợp lý, tỉa cành thông thoáng chăm sóc tốt, che mát cây trong mùa khô và vệ sinh vườn.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

Mô hình mang đến nhiều lợi thế cho các đối tượng liên quan, so với sản xuất truyền thống:

  • Người sản xuất: năng suất, chất lượng trái cao hơn, phẩm cấp trái đồng đều do đó tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, bán với giá tốt hơn, sức khỏe người sản xuất cũng được đảm bảo hơn.
  • Người tiêu dùng: sản phẩm chất lượng và an toàn.
  • Nhà kinh doanh: thu được lợi nhuận nhiều hơn từ những sản phẩm có chất lượng và an toàn.
  • Môi trường: bền vững và thân thiện hơn.

Hiệu quả kinh tế

Hiệu quả kinh tế của mô hình ứng dụng cho chôm chôm Thái ở giai đoạn cho trái ổn định (>7 năm tuổi)

Tổng chi phí: 61 triệu

  • Chi phí vật tư: 30 triệu
  • Chi phí lao động: 23 triệu
  • Chí phí khác:  8 triệu

Tổng thu: 280 triệu

  • Năng suất: 20 tấn/ha
  • Giá bán bình quân: 14 triệu/tấn

Lợi nhuận: 219 triệu (tỉ suất lợi nhuận 4,59 lần)

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững.

Địa chỉ: Trung Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai. Hotline: 0987.17.17.25

Web: nongnghiepbenvungcsa.com

Nguồn: CESTC