Mô hình kinh doanh là gì? Giải đáp thắc mắc về xây dựng mô hình kinh doanh (P.1)

Mô hình kinh doanh là gì? Xây dựng mô hình kinh doanh như thế nào? Tất cả những thắc mắc về mô hình kinh doanh sẽ được 123job giải đáp bên dưới này nhé!

Kinh doanh là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế của mỗi cá nhân hay một xã hội. Mô hình kinh doanh phù hợp, hiệu quả luôn là một bài toán khó đối với mỗi cá nhân khi bắt đầu khởi nghiệp. Để gợi ý cho các bạn về mô hình kinh doanh, 123job sẽ đưa ra những thông tin cơ bản dưới đây để bạn tham khảo nhé!

I. Mô hình kinh doanh là gì?

Mô hình kinh doanh là gì?

Mô hình kinh doanh là gì?

Mô hình kinh doanh (tiếng anh là Business Model) là một thuật ngữ về kinh tế, khá trừu tượng và có nhiều nghĩa khác nhau. Mô hình kinh doanh có thể là một văn bản tổng quan sắp xếp các kế hoạch phát triển của tổ chức, công ty, doanh nghiệp trong tương lai. Có người lại nói rằng: “Mô hình kinh doanh là bản kế hoạch để sinh doanh thu và lợi nhuận”. Mô hình kinh doanh còn là một cấu trúc khái niệm hỗ trợ khả năng tồn tại của một sản phẩm hoặc công ty và bao gồm mục đích, mục tiêu của công ty và kế hoạch dự định đạt được chúng. Tất cả các quy trình và chính sách kinh doanh mà một công ty chấp nhận.

Tóm lại, tất cả vẫn có chung một ý nghĩa của khái niệm Mô hình kinh doanh là bản kế hoạch kiếm tiền và phát triển, phát triển để kiếm tiền… Nó chính xác là tất cả những hướng đi mà chủ doanh nghiệp vạch ra để bám theo loại hình kinh doanh nhất định. Từ đó mọi thành viên trong công ty sẽ chung một suy nghĩ, mục đích và đặc biệt là chung hành động.

II. 9 thành tố cơ bản của một mô hình kinh doanh

Các thành tố của mô hình kinh doanhCác thành tố của mô hình kinh doanh

1. Customer Segment (CS)

Phân khúc khách hàng: Xác định các phân khúc khách hàng nhau mà doanh nghiệp muốn hướng tới là xác định những tập hợp cá nhân hay tổ chức khác nhau mà doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ. Nhóm khách hàng này có thể là thị trường đại chúng (mass market), thị trường ngách (niche market), thị trường hỗn hợp (multi-sided market).

2. Value Propositions (VP) 

Giải pháp giá trị: mô tả lại những mục tiêu giá trị mà sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đã và đang tạo cho nhóm khách hàng mục tiêu. Nói cách khác, đây là lý do mà khách hàng chọn của công ty bạn thay vì công ty của đối thủ.

3. Channels (CH) 

Các kênh kinh doanh: mô tả các kênh truyền thông và phân phối mà doanh nghiệp sử dụng để tiếp xúc với phân khúc khách hàng. Qua đó mang cho khách hàng các giá trị mục tiêu mà khách hàng mong muốn. Có thể có rất nhiều kênh phân phối khác nhau bao gồm các kênh phân phối trực tiếp (đội bán hàng trực tiếp, điểm bán hàng trực tiếp, gian hàng trên mạng…) và kênh phân phối gián tiếp (đại lý bán hàng, cửa hàng của đối tác…) 

4. Customer Relationships (CR) 

Quan hệ khách hàng: mô tả các loại quan hệ mà doanh nghiệp muốn thiết lập với các phân khúc khách hàng của mình. Làm thế nào doanh nghiệp giữ chân khách hàng cũ hoặc thu hút khách hàng mới.

5. Revenue Streams (R$) 

Dòng doanh thu: thể hiện luồng lợi nhuận doanh nghiệp thu được từ các phân khúc khách hàng của mình. Nếu khách hàng được coi là trái tim của mô hình kinh doanh thì luồng lợi nhuận được coi là các động mạch của nó. Dòng doanh thu chính là ô mà các nhà đầu tư quan tâm nhất.

6. Key Resources (KR) 

Nguồn lực chủ chốt: mô tả các nguồn lực quan trọng nhất của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh có thể tồn tại. Để tạo ra được hàng hóa, thiết lập kênh truyền thông và phân phối, duy trì quan hệ khách hàng … bạn cần phải có những nguồn lực nhất định và nếu không có nguồn lực này thì bạn không thể kinh doanh được. Đây có thể là các nguồn lực vật lý (ví dụ tài nguyên môi trường), nguồn lực tri thức (bằng sáng chế), nhân lực và tài chính.

7. Key Activities (KA)

Hoạt động trọng yếu: mô tả các hành động quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần duy trì để giữ được công việc kinh doanh của mình. Một cách trừu tượng, là các hành động sử dụng nguồn lực (KR) để có thể tạo ra các giá trị mục tiêu khác biệt (VP) và qua đó thu được lợi nhuận (RS). Ví dụ đối với công ty như Facebook, hoạt động chính sẽ là phát triển nền tảng và xây dựng trung tâm dữ liệu. Đối với công ty tư vấn luật, key activities là việc nghiên cứu văn bản luật và tư vấn pháp luật. 

8.  Key Partnerships (KP) 

Các đối tác chính: mô tả các nhà cung cấp nguồn lực và các đối tác giúp cho công việc kinh doanh được thực thi tốt và có thể phát triển. Có thể là một trong bốn loại sau : đối tác chiến lược giữa các công ty không phải là đối thủ của nhau, đối tác giữa các công ty là đối thủ của nhau để cùng nâng thị trường lên, cùng đầu tư (joint ventures) để tạo ra công việc kinh doanh mới, quan hệ mua bán để đảm bảo đầu vào cho công ty. 

9. Cost Structure (C$) 

Cơ cấu chi phí: mô tả tất cả các chi phí cần thiết để duy trì và điều hành một công việc kinh doanh. Một số mô hình kinh doanh chú trọng vào giá rất nhiều như mô hình kinh doanh vé máy bay giá rẻ của Jetstar, một số khác chú trọng tạo dựng giá trị cho người mua (ví dụ như các khách sạn 4-5 sao)… Đây cũng là nơi nhà đầu tư bỏ tiền vào.

III. Các hạng mục cần chi trả cho 1 mô hình kinh doanh và 3 cách làm giảm chi phí

các hạng mục mô hình kinh doanhCác hạng mục chi phí trong mô hình kinh doanh

1. Các hạng mục cần chi trả cho 1 mô hình kinh doanh 

Để mở một mô hình kinh doanh thì chúng ta cần lưu ý những hạng mục dưới đây:

  • Giấy phép đăng ký, khoản tiền cho dịch vụ đăng ký kinh doanh: Tuỳ thuộc vào mô hình kinh doanh hoặc khu vực mà bạn định mở mô hình này, bạn có thể phải bỏ một khoản chi phí cho việc đăng ký kinh doanh ban đầu. Khoản phí này không quá lớn và thường ít đem lại phiền toái nhất cho chủ mô hình.
  • Nguồn hàng (nguồn cung): Bạn thành lập một mô hình kinh doanh nào? Giả sử bạn hướng tới kinh doanh cửa hàng ăn, bạn phải cần chi phí để nhập hàng sau đó chế biến và bán cho khách hàng. Chi phí này sẽ duy trì theo các tháng vì cần nhập hàng mới liên tục để duy trì kinh doanh.
  • Trang thiết bị: Bạn có cần máy tính cho mô hình kinh doanh của mình? Những phụ phí về phần mềm, bàn ghế cũng trở thành chi phí bạn cần đầu tư ban đầu.
  • Chi phí địa điểm: Tất nhiên bạn cần địa điểm cho mô hình của mình hoạt động, địa điểm là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định sự thành bại của mô hình nên đừng vì tiết kiệm chi phí mà bỏ đi cơ hội thành công trong tương lai.
  • Chi phí vận hành: Số tiền bạn cần chi trả cho các hoạt động của mô hình kinh doanh, phần lớn trong con số này sẽ được dành cho marketing. Một số nghiên cứu cho hay, chi phí marketing nên chiếm từ 12 tới 20% tổng doanh thu cho các mô hình đã hoạt động từ 1 tới 5 năm. Đối với những mô hình mới thành lập, chi phí marketing nên từ 20 tới 30% tổng chi phí đầu tư ban đầu.
  • Nhân sự, đối tác: Bạn có thể làm được mô hình kinh doanh một mình không? Nếu có, xin chúc mừng vì bạn đã giảm được một trong số những loại hình chi phí lớn nhất, mặc dù vậy nếu như bạn muốn mở rộng mô hình của mình, việc bỏ ra một phần chi phí cho đội ngũ nhân sự là vô cùng cần thiết.
  • Chi phí pháp lý, các loại phụ phí khác: Giả sử bạn cần thuê luật sư để hợp thức hoá các hoạt động của mô hình kinh doanh hoặc sử dụng tiền đi “cửa sau” với một số tổ chức khác, đây sẽ là khoản chi phí giúp cho việc kinh doanh của bạn thêm phần tiện lợi.

 2. 3 cách làm giảm chi phí 

a, Giảm thiểu nhu cầu
Bạn có thể giảm thiểu những nhu cầu của mô hình kinh doanh, bạn không cần tới máy tính hay những phần mềm chuyên dụng? Bạn có thể cắt bỏ chi phí này. Bạn không cần thuê nhà do có thể sử dụng quan hệ để kiếm được căn nhà miễn phí? Quá tốt vì bạn đã có địa điểm kinh doanh cho bản thân… Hoặc giảm thiểu nhu cầu theo đề mục hoặc bạn có thể giảm thiểu chi phí chi cho từng đầu mục nhất định (ví dụ tìm nhà giá thành rẻ hơn, nguồn cung nguyên vật liệu chi phí thấp hơn…), đừng quá lo về những khoản chi phí bị cắt bỏ, bạn có thể quay lại đầu tư chúng sau khi mô hình kinh doanh hoạt động ổn định hơn.

Tất nhiên, có một số khoản chi phí bạn không thể cắt bỏ nên hoặc tập trung đầu tư mạnh vào những đề mục này để tăng hiệu quả hoặc tái định hướng, cắt giảm chi phí để tối ưu hoá lợi nhuận. Theo nghiên cứu của tổ chức SBA (Small Business Administration) thì những mô hình kinh doanh nhỏ tại Mỹ được thành lập với số vốn đầu tư ít hơn 3.000 USD và một số mô hình kinh doanh tại gia có chi phí đầu tư chỉ khoảng 1.000 USD. Bạn cần định hướng kỹ càng mô hình kinh doanh của mình vì thật sự có rất nhiều thứ bạn không cần đến nhưng bạn vẫn “tưởng” rằng mình cần. Đừng ngại ngần cắt giảm các khoản chi, trang thiết bị không cần thiết vì bạn đâu có cần đến chúng.

b, Phát triển theo định hướng “cuốn chiếu”
Sau khi xem xong các đề mục đầu tư phía trên, bạn có thấy rằng mình không cần có tất cả những thứ đó để đưa mô hình vào hoạt động? Nếu bạn chưa thấy thì giờ bạn đã biết rồi đó, bạn không cần có đủ các thành phần để hoạt động mô hình kinh doanh. Thay vì đầu tư toàn bộ các thành phần khác nhau, bạn có thể định hướng mô hình kinh doanh của mình từ đó tập trung đầu tư mạnh vào những yếu tố cần để mô hình có thể hoạt động.

Hướng đi này cũng sẽ giúp bạn nhẹ đầu hơn trong quá trình tính toán chi phí, thuế hay kiểm tra sổ sách, mặc dù vậy bạn sẽ phải bỏ thêm thời gian bù đắp các thành phần còn lại trong tương lai (khi mô hình đã hoạt động). Đây giống với câu nói “sướng trước khổ sau” khi mà giai đoạn đầu hết sức nhàn nhã trong khi đó khi mô hình bắt đầu phát triển, thay vì định hướng cho tương lai, bạn phải quay lại bổ sung những gì còn trống. Khoảng thời gian bắt đầu bổ sung là khi mô hình kinh doanh bắt đầu có kết quả, không cần quan tâm là lỗ hay lãi, khi có doanh thu bạn vẫn nên bỏ một phần để đầu tư tiếp cho tương lai.

c, Outsource
Đây là lựa chọn mở rộng khi bạn muốn cắt giảm chi phí, hoặc có thể xin cấp vốn đầu tư từ bên ngoài hoặc có thể thay đổi định hướng, cách thức kinh doanh.

  • Xin cấp vốn, đầu tư từ bên ngoài: Có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền cho các mô hình kinh doanh mới nếu như họ thấy bạn có đủ tiềm năng. Tất nhiên bạn sẽ phải đánh đổi một khoản lợi nhuận hoặc những quyền lợi cho các nhà đầu tư này, mặc dù vậy họ đã giúp bạn hoàn thiện giấc mơ kinh doanh thì chẳng có lý gì bạn không trả ơn họ với những gì họ xứng đáng. Việc xin khoản tiền đầu tư bên ngoài không hề đơn giản nên bạn vẫn cần tự lo cho mình trước khi kêu gọi vốn. Hoặc, bạn có thể tham khảo hình thức huy động vốn đám đông (Crowdfunding), tại Việt Nam cũng như thế giới có rất nhiều công cụ giúp bạn lan tỏa ý tưởng của mình và nhờ sự trợ giúp từ những người khác.
  • Chuyển đổi mô hình kinh doanh: Mô hình kinh doanh của bạn có thể phối hợp với các nhóm outsourcing khác không? Giả sử bạn mở công ty về xây dựng, bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm những đối tác outsource và chuyển đổi thành công ty môi giới, kiếm lời từ hoa hồng. Không những bạn có được kinh nghiệm cần thiết cho tương lai, lượng quan hệ đắt giá mà bạn còn có khoản chi phí để phục vụ cho việc đầu tư sau này.

Tất nhiên, chuyển hướng thành bên thứ 3 không đủ để làm bạn hài lòng vì trong toàn bộ quy trình bạn chỉ đóng góp, tham gia không nhiều. Mặc dù vậy, cách thức này có thể khiến bạn tiết kiệm được khoản tiền đầu tư vô cùng lớn cho tương lai. Nếu như bạn định mở công ty xây dựng và làm theo hướng trên, bạn có thể sử dụng khẩu hiệu miễn phí: “Xây dựng giá siêu rẻ, không cần xây, vẫn có nhà để ở!”.

IV. 7 bước xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả 

Xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả

Xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả

1. Tìm hiểu, đánh giá và xác định nhu cầu của khách hàng

Để bắt đầu nghĩ về một ý tưởng kinh doanh, chúng ta cần biết đối tượng khách hàng mục tiêu mình hướng đến đang thiếu gì và họ cần thỏa mãn nhu cầu gì, hoặc với đối tượng khách hàng đó thì chúng ta cần làm gì để thu hút sự chú ý và tạo ra nhu cầu sử dụng sản phẩm ở họ.

Việc xác định nhu cầu của khách hàng rất quan trọng, nó là cơ sở để chúng ta vạch ra những ý tưởng và hướng đi cho hoạt động của doanh nghiệp. Chúng ta cần phải biết sản phẩm mình làm ra với mục đích gì thì mới mang lại hiệu quả cao cho cả doanh nghiệp và cho người sử dụng.

2. Lên ý tưởng cho sản phẩm

Sau khi đã tìm ra nhu cầu của khách hàng, chúng ta cần nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu đó của khách hàng một cách tốt nhất. Lúc này, doanh nghiệp sẽ bắt tay vào việc nghiên cứu, tạo ra sản phẩm thỏa mãn cả về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Sự cạnh tranh trên thương trường rất khốc liệt vì vậy, doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm có sự khác biệt mạnh mẽ, lợi thế hơn đối thủ nhưng vẫn thỏa mãn được nhu cầu khách hàng.

Những sản phẩm của doanh nghiệp bạn phải khiến khách hàng sẵn sàng mua và họ cảm thấy xứng đáng khi chi tiêu cho sản phẩm đó. Hãy khiến cho khách hàng luôn luôn có suy nghĩ: “Tại sao phải mua sản phẩm của bạn mà không phải là của một doanh nghiệp khác?” Vì: “Sản phẩm của bạn tốt nhất và giá trị nhất”. Giá trị ở đây là về chất lượng, giá trị sử dụng cũng như giá tiền của sản phẩm đó.

3. Lên kế hoạch sản xuất sản phẩm

Sau khi đã hoàn thiện được ý tưởng sản phẩm, chúng ta sẽ bắt đầu lên kế hoạch cho việc sản xuất sản phẩm với chi phí thấp nhất nhưng mang lại lợi nhuận lớn nhất. Để sản xuất sản phẩm, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và đầy đủ, đảm bảo năng suất sản xuất sản phẩm. Cần tìm kiếm những nhà cung cấp nguyên vật liệu uy tín giá cả phải chăng nhưng chất lượng vẫn đảm bảo để sản xuất. Tuyển những nhân viên có tay nghề chuyên môn vững và có tinh thần trách nhiệm với công việc.

Doanh nghiệp phải luôn theo sát quá trình sản xuất sản phẩm để chắc chắn không xảy ra sai xót hay sự cố gì khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Để thu hút khách hàng hơn, cần thiết kế sản phẩm và bao bì thật bắt mắt và tiện sử dụng nhất.

4. Lên kế hoạch giới thiệu và quảng bá sản phẩm

Trong quá trình xây dựng mô hình kinh doanh, chỉ có doanh nghiệp đã biết về khách hàng, còn khách hàng vẫn chưa biết đến sản phẩm và doanh nghiệp. Vậy, làm sao để giới thiệu đến khách hàng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp? Doanh nghiệp cần lên kế hoạch giới thiệu, quảng bá sản phẩm để khách hàng có thể biết đến sản phẩm bằng các chiến dịch, kế hoạch Marketing như tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm; quảng cáo bằng tờ rơi, áp phích, truyền thông đại chúng; khuyến mãi, dùng thử tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Khi thực hiện các kế hoạch Marketing, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến phản ứng của những khách hàng sử dụng sản phẩm đầu tiên, để rút ra những kinh nghiệm và sai sót cần khắc phục giúp cho sản phẩm hoàn thiện hơn. Đồng thời, nhờ những khách hàng này cùng giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến nhiều khách hàng khác hơn nữa. Đây là một trong những cách PR hiệu quả mà doanh nghiệp cần chú ý và khai thác.

Thiết lập những kênh phân phối hiện đại và tiết kiệm thời gian nhất để sản phẩm có thể đến tay được nhiều khách hàng nhất bằng việc mở các đại lý, cửa hàng hoặc hợp tác với các cơ sở kinh doanh tại địa phương để giới thiệu và kinh doanh sản phẩm.

5. Hoàn thiện mô hình kinh doanh và đi vào hoạt động

Sau khi đã phác họa thành công mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ hoạt động, chúng ta cần bắt đầu xây dựng và thực tế hóa mô hình kinh doanh đó. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: về công ty, văn phòng, trang thiết bị, dây chuyền máy móc. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cả về vốn và nhân lực. Tìm kiếm những đối tác tiềm năng và xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững lâu dài.

Huy động vốn từ các nhà đầu tư. Hãy trình bày kế hoạch, phân tích những mặt lợi của mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp bạn sẽ hoạt động để tạo sự thu hút, chú ý từ các nhà đầu tư. Dựa vào mô hình kinh doanh để chứng minh hoạt động kinh doanh sẽ hiệu quả và mang lại lợi nhuận cho họ nếu họ sẵn sàng đầu tư. Việc xây dựng mô hình kinh doanh rất quan trọng để đảm bảo sự hoạt động liên tục và bền vững của một doanh nghiệp. Vì tính chủ quan, nên có rất nhiều startup đã thất bại chỉ sau một thời gian ngắn vì không xác định rõ cho doanh nghiệp mình một mô hình kinh doanh nào mà chỉ tập trung vào lợi nhuận để hoạt động.

V. Tạm kết

Trên đây là những thông tin liên quan đến mô hình kinh doanh, những thành tố cần thiết của mô hình kinh doanh, cách xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả… Chúng tôi sẽ còn cung cấp thêm những thông tin về bí quyết xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả và top 10 mô hình kinh doanh thành công trong phần 2 của bài viết này. Bạn hãy đón đọc trong phần 2 của Mô hình kinh doanh là gì? Giải đáp thắc mắc về xây dựng mô hình kinh doanh (phần 2) nhé!