Mô hình định giá tài sản vốn CAPM trong đầu tư chứng khoán – PineTree Securities

Mô hình định giá tài sản vốn là gì?

Mô hình định giá tài sản vốn (Capital Asset Pricing Model – CAPM) là mô hình mô tả mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng. Trong mô hình này, lợi nhuận kỳ vọng của một chứng khoán bằng lợi nhuận không rủi ro (risk – free) cộng với một khoản bù đắp rủi ro dựa trên cơ sở rủi ro toàn hệ thống của chứng khoán đó. Rủi ro không toàn hệ thống không được xem xét trong mô hình này do nhà đầu tư có thể xây dựng danh muc đầu tư đa dạng hóa để loại bỏ loại rủi ro này.  

Mô hình CAPM do William Sharpe phát triển từ những năm 1960 và được ứng dụng rất nhiều trong đầu tư chứng khoán. Mặc dù còn có một số mô hình khác nỗ lực giải thích động thái thị trường nhưng mô hình CAPM là mô hình đơn giản và có khả năng ứng dụng sát thực với thực tiễn.

Những giả định khi xây dựng mô hình CAPM

Để xây dựng các mô hình kinh tế, các nhà kinh tế học luôn đặt ra những giả định. Chúng có tác dụng làm đơn giản hoá nhưng vẫn đảm bảo không thay đổi tính chất của vấn đề. Trong mô hình CAPM, chúng ta lưu ý có những giả định sau:

  • Thị trường vốn được coi là hiệu quả và hoàn hảo, theo đó nhà đầu tư được cung cấp thông tin đầy đủ, chi phí giao dịch không đáng kể, không có những hạn chế đầu tư, và không có nhà đầu tư nào đủ lớn để ảnh hưởng đến giá cả của một loại chứng khoán nào đó.
  • Nhà đầu tư kỳ vọng nắm giữ chứng khoán trong thời kỳ 1 năm và có hai cơ hội đầu tư: đầu tư vào chứng khoán không rủi ro và đầu tư vào danh mục cổ phiếu thường trên thị trường.

Nội dung của mô hình CAMP

Mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro

  • Lợi nhuận kỳ vọng của một chứng khoán có quan hệ tỷ lệ thuận với rủi ro của chứng khoán đó, nghĩa là nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán có lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn và ngược lại.
  • Hệ số beta chứng khoán (β) là hệ số đo lường mức độ rủi ro của một cổ phiếu cụ thể hay một danh mục đầu tư với mức độ rủi ro chung của thị trường chứng khoán. Do đó, lợi nhuận kỳ vọng của một chứng khoán có quan hệ tỷ lệ thuận với hệ số β của nó. Giả sử rằng thị trường tài chính hiệu quả và nhà đầu tư đa dạng hoá danh mục đầu tư sao cho rủi ro không toàn hệ thống không đáng kể. Như vậy, chỉ còn rủi ro toàn hệ thống ảnh hưởng đến lợi nhuận của cổ phiếu.

Theo mô hình CAPM mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro được thể hiện qua công thức:

E(Ri) = Rf + βi [E(Rm) – Rf]

Trong đó: 

  • E(Ri): lợi nhuận kỳ vọng từ một chứng khoán i
  • E(Rm): lợi nhuận kỳ vọng của thị trường
  • Rf: lợi nhuận của tài sản phi rủi ro
  • βi (Hệ số beta): hệ số đo lường mức độ rủi ro của một chứng khoán cụ thể với mức độ rủi ro chung của thị trường chứng khoán
  • [E(Rm) – Rf]: phần bù đắp rủi ro thị trường

Về mặt hình học, mối quan hệ giữa lợi nhuận kỳ vọng cổ phiếu và hệ số β được biểu diễn bằng đường thẳng có tên gọi là đường thị trường chứng khoán SML (security market line):

Image 12Image 12

Một số điểm quan trọng rút ra từ mô hình CAPM:

  • Trường hợp β bằng 0: Lợi nhuận kỳ vọng của chứng khoán có β bằng 0 chính là lợi nhuận không rủi ro vì E(Ri) = Rf + 0[E(Rm) – Rf] = Rf
  • Trường hợp β bằng 1: Lợi nhuận kỳ vọng của chứng khoán có β bằng 1 chính là lợi nhuận kỳ vọng của thị trường vì trong trường hợp này: E(Ri) = Rf + 1 [E(Rm) – Rf] = E(Rm)
  • Quan hệ giữa lợi nhuận cổ phiếu và hệ số rủi ro β của nó là quan hệ tuyến tính được diễn tả bởi đường thẳng SML có hệ số góc là R m – Rf

Mô hình CAPM vẫn có thể áp dụng cho danh mục đầu tư. Để minh họa cho điều này ta xét ví dụ bên dưới:

Giả sử danh mục đầu tư có cổ phiếu A và Z với tỷ trọng 50% có hệ số β lần lượt là 1.5 và 0.7. Lợi nhuận không rủi ro là 7% trong khi lợi nhuận kỳ vọng thị trường là 13,4%

  • E(RA) = 7 +1.5 *(13.4 – 7) = 16.6%
  • E(RZ) = 7+ 0.7 * (13.4 – 7) = 11.48%

Lợi nhuận kỳ vọng của danh mục đầu tư là 16.6 * 0.5+11.48 *0.5 = 14.04 %

Một cách tính khác, hệ số β của danh mục được tính: 1.5 *0.5 +0.7 * 0.5 = 1.1

Lợi nhuận kỳ vọng của danh mục đầu tư là: 7 + 1.1 * (13.4 – 7) = 14.04 %

Ứng dụng của mô hình CAMP

  • Sử dụng mô hình CAPM các nhà đầu tư có thể ước tính được lợi nhuận kì vọng khi đầu tư vào một cổ phiếu cụ thể hoặc một danh mục đầu tư.
  • Mô hình CAPM hỗ trợ nhà đầu tư lựa chọn được các cổ phiếu phù hợp cho danh mục đầu tư của mình.

Mô hình CAPM là mô hình đơn giản và được khá nhiều nhà đầu tư ưa thích sử dụng trong khi lựa chọn cổ phiếu. Tuy nhiên cũng giống như các mô hình khác, CAPM không nên được áp dụng riêng rẽ mà cần được kết hợp với các phương pháp khác để lựa chọn cổ phiếu phù hợp.

Nguồn: Tổng hợp

Chứng khoán Pinetree miễn phí hoàn toàn phí giao dịch trọn đời và công cụ lãi suất Margin 9%/năm không kèm điều kiện. Đây là mức phí tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.