Mẹo Hướng Dẫn Đặt Tên cho Website Và Blog Của Bạn
Mục Lục
Mẹo Hướng Dẫn Đặt Tên cho Website Và Blog Của Bạn
Xây dựng một website hay một chiếc blog giống như việc nuôi thêm một đứa con tinh thần vậy. Bạn nên dành một chút thời gian để lên ý tưởng tên website vì nó sẽ theo bạn suốt hành trình viết lách. Sau này muốn thay đổi tất nhiên vẫn được, nhưng bạn đã xây dựng thương hiệu cho website đó rồi, người dùng cũng đã biết đến bạn thông qua cái tên đó. Bây giờ thay đổi tên, như bắt đầu lại cả một hành trình mới vậy.
Tương tự như vậy, Google cũng đã lập chỉ mục website của bạn. Nếu đổi tên, sẽ phải “báo” với Google để không bị đánh website mới của bạn là duplicate content (nội dung trùng lặp với trang cũ) và không bị mất điểm ranking trên Search. Ngoài ra, bạn cũng phải thực hiện điều hướng các link cũ sang link mới để không bị ảnh hưởng đến traffic. Tuy nhiên, với những bạn không chuyên về Tech SEO, thì có thể sẽ gặp khó khăn trong vấn đề chuyển tên miền.
Đó là lý do bạn nên dành thời gian để suy nghĩ về tên website của mình thật chỉnh chu. Một số lưu ý dưới đây có thể sẽ giúp bạn:
✅ Cần xác định bạn kiếm tiền để viết blog (viết giải trí) hay viết blog để kiếm tiền. Tất nhiên, dù là mục tiêu nào đi nữa, thời gian đầu vẫn phải đầu tư một khoản tiền cho blogging. Nếu viết blog vì đam mê thì việc chọn tên cho chiếc blog của bạn sẽ có thể phụ thuộc nhiều vào sở thích của bạn hơn là các yếu tố khác.
✅ Luôn ưu tiên các đuôi domain phổ biến như .com. Nếu website bạn chỉ hướng tới độc giả Việt Nam thì có thể dùng đuôi .vn
✅ Tên miền nên ngắn gọn và dễ nhớ.
✅ Chọn tên domain dễ đọc và dễ viết.
✅ Tránh dùng những ký tự đặc biệt trong tên domain như dấu gạch ngang, số đếm, dấu và, dấu gạch chân, .v.v.
✅ Luôn ưu tiên chọn tên miền đang có sẵn và chi phí cực rẻ. Nhiều bạn không biết nên cứ gõ đúng tên mình yêu thích và mua ngay. Tuy nhiên, các tên miền phổ biến hầu hết đều đã có chủ sở hữu, hoặc chi phí rất cao. Bạn có thể dành chút thời gian tìm kiếm những tên miền giá chỉ từ 8-10 đô/năm.
Okay! bây giờ mình sẽ đi vào phần chính là các mẹo giúp bạn lên ý tưởng cho một tên miền nhé.
#1 Đặt tên website theo tên riêng
Mình nghĩ đây có lẽ là cách mà nhiều blogger Việt ưu chuộng, lướt một vòng trên mạng bạn có thể tìm ra rất rất nhiều trang blog bằng tên riêng. Với mẹo này, bạn có thể dùng tên đầy đủ, hoặc là nickname của bạn. Cùng điểm qua một số ưu nhược điểm của cách đặt website bằng tên riêng nhé.
- Ưu: Đặt tên website bằng tên riêng sẽ ít bị trùng lặp, tên website của bạn độc và duy nhất. Tất nhiên, cũng có vài trường hợp tên trùng tên, nên để đảm bảo vẫn phải kiểm tra trước khi mua domain (các bước kiểm tra mình liệt kê cuối bài nhé)
- Ưu: phù hợp cho những bạn nào muốn viết nhiều chủ đề trong cùng một website.
- Nhược: nếu website của bạn là tên riêng và site lại chưa được nhiều người biết đến, thì khó để tiếp cận người dùng mới. Ví dụ: với tâm lý người dùng đang tìm kiếm thông tin về du lịch, họ sẽ có thể ưu tiên chọn website dulichvietnam.com hơn là website nguyenvantu.com
- Nhược: Nếu có mục tiêu bán lại website sau này thì website có tên riêng dường như rất khó bán lại.
#2 Đặt tên website theo chủ đề và từ khóa
Đây là cách mà mình sử dụng nhiều nhất. Bạn muốn viết blog về chủ đề gì thì hãy đặt tên website theo chủ đề đó. Ví dụ bạn blog về yoga có thể đặt tên là loveyoga.com, yogajournal.com, bạn blog về du lịch có thể lấy tên là travelwanderlust.com, traveljournal.com, .v.v
- Đặt tên website theo từ khóa và chủ đề có thể thu hút người dùng mới quan tâm đến website của bạn nhiều hơn. Vì họ biết được website của bạn chỉ chuyên về du lịch/ thực phẩm/ yoga, và họ có thể tìm thấy nhiều bài viết cùng chủ đề nếu ghé đọc site của bạn.
- Bên cạnh đó, bao hàm từ khóa trong tên domain cũng giúp ích cho SEO của website. Mặc dù điểm SEO cho “từ khóa trong domain” không mạnh như trước, nhưng vẫn là một tín hiệu tốt để Google hiểu về nội dung website và đánh giá cao độ liên quan giữa tên miền và nội dung trang.
#3 Đặt tên website kết hợp tên riêng và từ khóa
Cách đặt tên này giúp người đọc biết ngay bạn là ai và nội dung của blog bạn là gì. Đặt tên kết hợp tên riêng và từ khóa cũng sẽ ít bị trùng lặp và dễ tìm được domain có giá rẻ hơn.
Ví dụ website đặt tên theo mẹo này như: thanhyoga.com, travelwithpeter.com, thanhielts.com, mstutoeic.com, v.v. Cách đặt tên này cũng giúp bạn dễ dàng xây dựng được thương hiệu riêng và độc.
#4 Đặt tên website bằng việc viết tắt nhiều từ khóa
Đây là một cách đặt tên phổ biến cho các trang web liên quan đến business hơn là blogging. Và mẹo này cũng thường dùng để rút gọn cho tên website quá dài. Thường họ sẽ lấy vài chữ cái đầu của từng từ để ghép lại với nhau. Ví dụ như: digimarketing.com ( digital marketing), hm.com (Hennes & Mauritz), v.v. , kfc.com (Kentucky Fried Chicken)
Cách đặt tên bằng việc viết tắt giúp cho domain của bạn ngắn gọn hơn và dễ nhớ hơn. Đặt tên theo chủ đề và đặt tên viết tắt là 2 cách mà mình hay dùng nhất.
#5 Chọn một từ branding mới tinh
Chọn một từ branding chưa hề có trong từ điển là một cách đặt tên cực kì táo bạo và độc. Đảm bảo luôn là tên website của bạn sẽ chẳng trùng với ai cả. Bạn có thể tìm thấy vô số các trang web hay branding tên độc lạ này như moz.com, pepsi.com, tiki.com, fahasa.com, googl.com, yahoo.com.
Tuy nhiên, cách đặt tên này thường phù hợp cho những business lớn, cho công ty và doanh nghiệp. Là một người mới bắt đầu, chọn 1 cái tên lạ lẫm không có ý nghĩa gì thì cần quá trình xây dựng branding khá mạnh để người dùng biết đến.
Kiểm tra domain có bị trùng lặp không
Okay, trên đây là 5 mẹo để các bạn lựa chọn tên website. Tuy nhiên, sau khi bạn đã quyết định được mình sẽ đặt tên theo hướng nào rồi, bạn sẽ phải kiểm tra xem website đó đã có chủ sở hữu chưa và có phù hợp với túi tiền của bạn không. Mình xin liệt kê các bước giúp bạn kiểm tra dễ dàng hơn như bên dưới nhé.
Bước 1: Quyết định cách đặt tên và lên ý tưởng
Làm theo 5 mẹo bên trên và quyết định xem mình sẽ đặt tên theo hướng nào. Bất cứ ý nghĩ nào trong đầu, mình cũng sẽ liệt kê ra giấy, hoặc lưu vào file excel.
Nếu không có nhiều ý tưởng, bạn làm gì? Bạn lên mạng gõ từ khóa đó, rồi lướt xem các website đang viết về từ khóa đó học đặt tên như thế nào. Một cách nữa mình hay dùng là, nếu mình viết về marketing mình sẽ gõ “10 website hay về marketing” “top 10 website about marketing” , rồi tham khảo cách họ đặt tên website.
Bước 2: Kiểm tra trùng lặp và chi phí
Sau khi đã có list danh sách tên trang web. Mình sẽ lên mạng và tra xem tên đó đã có ai sử dụng chưa. Có 3 cách để tra như sau:
- Mình dùng thanh tìm kiếm của Namecheap để kiểm tra. Nếu tên chưa có chủ sở hữu + giá siêu rẻ ( 7 đô -10 đô) mình sẽ chọn. Nếu đã có chủ sở hữu hoặc mắc quá mình gạch bỏ. Trong lúc dùng Namecheap để tra, thì Namecheap sẽ có những gợi ý domain tương tự. Mình cũng sẽ note lại nếu thấy ưng.
- Mình lên Google và gõ nguyên domain đó ra, và xem thử có nhiều domain tương tự không. Ví dụ website mình muốn mua là yeuvietlach.com, và mình thấy có nhiều domain như yeuvietlach.blog, toiyeuvietlach.com, toivietlach.com. Nếu quá nhiều ý tưởng trùng lặp thì mình có thể xem xét không chọn nữa.
- Tiếp theo, mình lên Facebook và gõ tên tên domain (Viết Lách) xem thử có Profile cá nhân, group hay Fanpage nào đã tạo tên đó chưa. Nếu có rồi mình cũng sẽ xem xét gạch bỏ.
Okay! Sau khi kiểm tra hết các yếu tố trên. Mình sẽ liệt kê lại một vài site giá rẻ và chưa có người sử dụng, và lựa chọn 1 cái tên mà mình ưng nhất để bắt đầu xây dựng đứa con tinh thần. Sau khi chọn tên xong bạn có thể mua domain siêu rẻ tại Namecheap, và mua Hosting tại nhà cung cấp uy tín Bluehost.
Chúc các bạn sớm có được trang blog đầu tiên của mình nhé.