Mẹo hay “trị” bé không chịu bú mẹ
Bé bú ít hoặc không chịu bú khiến nhiều bà mẹ rất “xót ruột” và lo lắng. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.
Việc trẻ bỏ bú, không chịu bú, quấy khóc khi bú khiến các mẹ không khỏi lo lắng. Tuy nhiên các mẹ có thể yên tâm là hầu hết các trường hợp không chịu bú mẹ chỉ là tạm thời.
Dưới đây chỉ ra một số nguyên nhân và cách thức khuyến khích, hỗ trợ trẻ trong giai đoạn bú mẹ.
Cách khuyến khích, hỗ trợ bé bú mẹ:
Cho trẻ bú theo nhu cầu
Trẻ bú tốt nhất khi trẻ có những biểu hiện đang đói. Nếu quen bú theo thời gian biểu, trẻ sẽ không muốn bú vào những lúc khác. Nếu cố cho trẻ bú, trẻ sẽ quấy khóc và không chịu bú. Đôi khi, ban ngày trẻ không chịu bú nhưng nửa đêm lại bú rất nhiều.
Trong những trường hợp như vậy, các mẹ nên cho bú khi trẻ muốn. Các mẹ cũng cần phải nắm bắt được những dấu hiệu trẻ đã bú no.
Tiếp xúc da với trẻ nhiều hơn
Làm cho thời gian bú mẹ trở nên thoải mái là một yếu tố quan trọng giúp trẻ bú tốt. Tiếp xúc da với trẻ nhiều hơn để giúp trẻ sử dụng bản năng của mình tự tìm đến bầu vú, gợi nhớ đó chính là nguồn nuôi dưỡng của trẻ.
Mẹ hãy tiếp xúc da với trẻ nhiều hơn để giúp trẻ sử dụng bản năng của
mình tự tìm đến bầu vú, gợi nhớ đó chính là nguồn nuôi dưỡng của trẻ.
(Ảnh minh họa)
Cách khắc phục một số nguyên nhân khiến bé bỏ bú mẹ:
Dòng sữa của người mẹ
Một số mẹ có dòng sữa mạnh và nhiều trong những tuần đầu và ít hơn sau đó. Một số trẻ khi đã quen với dòng sữa nhiều và mạnh sẽ có thể cảm thấy không muốn bú hoặc quấy khóc khi bú vào những tuần sau đó do nguồn sữa mẹ ít hơn lúc trước, trẻ cần phải bú mạnh hơn để lấy được cùng một lượng sữa.
Nếu trẻ bú vài phút rồi thôi hoặc các mẹ cảm thấy trẻ cố sức để bú nhưng không được, trẻ trở nên quấy hoặc khó chịu, nguyên nhân có thể là do dòng sữa bị chậm và ít hơn. Các mẹ có thể chuyển qua bên vú khác hoặc thử xoa bóp, ép vú để thúc đẩy các dòng sữa khác.
Trẻ không tập trung
Trẻ trong độ tuổi khoảng từ 3 đến 6 tháng thường bị xao nhãng bởi các sự việc xung quanh. Các mẹ có thể cho trẻ bú ở trong một phòng tối và yên tĩnh hơn, khi trẻ đang ngủ hoặc khi vừa mới dậy. Các mẹ cũng có thể đưa cho trẻ một thứ đồ chơi có thể giữ trẻ bú ngoan.
Trẻ quen bú bằng bình
Khi bú từ bình, trẻ sẽ lấy được sữa ngay lập tức và nhanh hơn khi bú mẹ, các dòng sữa cũng đều đặn hơn. Khi đã quen bú bình, trẻ có thể không thích bú mẹ nữa. Để tập cho trẻ quen bú mẹ, các mẹ có thể bế ẵm trẻ ở đúng vị trí như trẻ bú bình hoặc xoa bóp vú trước khi cho trẻ bú và trong lúc bú thì dùng tay bóp nhẹ để giữ ổn định dòng sữa.
Trẻ ăn nhiều loại thức ăn khác
Sữa mẹ là nguồn thức ăn duy nhất mà trẻ cần trong 6 tháng đầu và là nguồn dinh dưỡng chính trong 12 tháng đầu. Cho trẻ ăn quá nhiều đồ ăn có thể khiến trẻ mất dần vị giác với sữa mẹ. Trong trường hợp này, hãy giảm lượng các thức ăn khác xuống.
Trẻ bị đau răng
Đau răng có thể xảy ra vài ngày hoặc vài tuần trước khi răng bắt đầu mọc. Các mẹ có thể đưa trẻ thứ gì đó mát để nhai (ví dụ như là vòng dùng cho trẻ khi mọc răng) trước khi cho bú. Mẹ cũng có thể đi gặp bác sĩ để biết cách làm giảm đau răng cho trẻ.
Hóc môn của người mẹ
Một vài trẻ quấy khóc hoặc không chịu bú vào những ngày đầu hoặc trong suốt thời gian kinh nguyệt của người mẹ hoặc trong giai đoạn người mẹ rụng trứng. Điều này là bởi vì sự thay đổi hóc môn của người mẹ có thể ảnh hưởng đến sữa. Lượng sữa có thể giảm nhẹ hoặc là vị sữa có thể thay đổi (mặn hơn).
Còn nhiều nguyên nhân khác như tư thế bú, thời tiết, thói quen bú, tình trạng sức khỏe… có thể khiến trẻ không chịu bú và quấy khóc. Với những mẹo trên, các mẹ có thể biết cách làm dịu trẻ và dỗ cho trẻ bú dù chưa biết chính xác nguyên nhân. Nếu các mẹ vẫn lo lắng thì có thể đưa trẻ đi khám bác sỹ vì rất có thể trẻ không chịu bú là do sức khỏe của trẻ đang có vấn đề.
(Theo Khám phá)