Mẹ xử lý thế nào khi trẻ sơ sinh nghẹt mũi? – Bệnh viện đa khoa Hà Nội
Nhiều bà mẹ, nhất là những người lần đầu làm mẹ thường lúng túng, lo lắng, thậm chí hoảng sợ khi trẻ nghẹt mũi. Vậy, các bà mẹ nên làm gì khi rơi vào trường hợp này?
Nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh là gì? Nguyên nhân do đâu?
Nghẹt mũi là tình trạng khoang mũi bị tắc nghẽn do dịch nhầy ngăn bít, làm hẹp đường di chuyển của không khí khiến việc hít thở trở nên khó khăn. Ở trẻ sơ sinh, các bé chưa biết cách thở bằng miệng nên nghẹt mũi khiến trẻ rất khó chịu, gây khó khăn trong ăn uống cũng như ngủ nghỉ.
Ảnh: Ngạt mũi khiến trẻ khó chịu, quấy khóc.
Một số nguyên nhân khiến trẻ nhỏ bị ngạt mũi:
-
Cảm cúm: Các trường hợp cảm cúm thường đi kèm với ngạt mũi, sốt nhẹ, đau họng và chán ăn.
-
Cảm lạnh: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngạt mũi ở trẻ sơ sinh với dấu hiệu ngạt mũi, chảy nước mũi, hay sốt nhẹ.
-
Dị ứng: Khi dị ứng với một số yếu tố như phấn hoa, thời tiết hay độ ẩm không khí, bé cũng có thể bị ngạt mũi.
-
Ngạt mũi sơ sinh: các chuyên gia cho biết, một số trẻ sơ sinh bị ngạt mũi có thể là do nước nhầy bào thai chưa được hút sạch khỏi hệ thống hô hấp của trẻ nhỏ.
-
Dị vật trong mũi: Khi vui đùa, bé có thể vô tình cho vật lạ, nhỏ vào mũi mà bố mẹ không hề hay biết. Nếu không được phát hiện kịp thời, bé rất dễ bị tắc nghẹt mũi, chảy máu mũi rất nguy hiểm.
Vậy các bậc phụ huynh có thể làm gì để xử trí khi trẻ sơ sinh bị ngạt mũi?
-
Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối
Đây là cách giúp làm sạch mũi, sát khuẩn, ngăn ngừa các vi khuẩn tiếp tục tấn công khoang mũi khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Ngoài ra, nhỏ mũi còn giúp làm mềm các vẩy cứng, làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi, giúp dịch nhầy dễ dàng đào thải ra ngoài hơn. Nhỏ mũi khiến mũi thông thoáng hơn, ít nhất là trong một thời gian ngắn, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ thở. Các mẹ có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh khoảng 3 – 5 lần/ngày cho bé, đặc biệt là trước khi cho trẻ bú và đi ngủ. Chú ý không nhỏ mũi bằng nước muối quá 4 ngày liên tiếp vì có thể làm khô dịch mũi của trẻ. Cách nhỏ mũi cho trẻ: bế trẻ nằm ngửa, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi, chờ khoảng vài phút, lau sạch nước muối thừa chảy ra ngoài.
-
Hút mũi
Sau khi nhỏ nước muối sinh lý, dịch nhầy được làm loãng hơn, cha mẹ có thể tiến hành hút mũi cho trẻ. Sử dụng dụng cụ hút mũi chuyên dụng. Vệ sinh sạch sẽ trước khi dùng để không làm tình trạng viêm mũi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Hút mũi giúp lấy bớt dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ ra ngoài, trẻ sẽ cảm thấy dễ thở hơn. Chú ý không hút mũi cho trẻ quá nhiều lần trong 1 ngày, có thể làm kích ứng niêm mạc mũi của trẻ.
-
Xông hơi
Hơi nước sẽ làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ. Đồng thời cung cấp độ ẩm và làm mũi trẻ ấm hơn. Xông hơi giúp thông mũi, giảm ho, đặc biệt phù hợp với tình trạng nghẹt mũi do cảm lạnh.. Xông hơi cho trẻ bằng máy xông hơi chuyên dụng hoặc có thể xả nước nóng vào chậu và bế bé bên cạnh sao cho bé ngửi được hơi nước bốc lên. Chú ý cẩn thận để trẻ không bị bỏng.
-
Bổ sung độ ẩm không khí trong phòng
Không khí quá khô vào mùa đông hay cho trẻ nằm quá lâu trong phòng điều hòa có thể là nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và là yếu tố tác động khiến tình trạng nghẹt mũi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Cha mẹ nên bổ sung độ ẩm không khí bằng cách chạy máy giữ ẩm để lỗ mũi của trẻ không bị khô, bớt đau rát.
-
Nâng cao đầu của trẻ khi ngủ
Nâng cao đầu cho trẻ khi ngủ sẽ giúp trẻ dễ thở, ngủ ngon giấc hơn. Có thể đặt một chiếc khăn bên dưới đầu trẻ để nâng đầu cao hơn một chút.
-
Những điều tuyệt đối cần tránh khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi
Ảnh: Các mẹ có thể nhỏ mũi để vệ sinh mũi cho trẻ.
-
Hút mũi cho trẻ bằng miệng: có thể khiến vi khuẩn từ miệng người hút lây sang trẻ
-
Tự ý cho trẻ sử dụng thuốc co mạch, thuốc kháng sinh
Trong trường hợp tình trạng ngạt mũi kéo dài nhiều ngày và mức độ ngày càng tăng, bé có biểu hiện khó thở, bỏ bú, mẹ cần phải đưa bé đến bệnh viện sớm để thăm khám tìm nguyên nhân gây bệnh chính xác và có hướng điều trị hiệu quả cho trẻ.