Mẹ sinh mổ không có sữa phải làm sao? Mách bạn cách gọi sữa về nhanh

Mặc dù việc sinh mổ có thể khiến bạn gặp khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian đầu nhưng lời khuyên là bạn đừng bỏ cuộc nhé! Trên thực tế thì phương pháp sinh mổ không làm mất khả năng tiết sữa của mẹ và có khá nhiều cách để bạn “gọi sữa về”. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những mẹo hay giúp bạn nuôi con bằng sữa mẹ dễ dàng hơn.

Nếu so sánh với trẻ sinh thường đủ tháng, trẻ sinh mổ thường sẽ có hệ miễn dịch kém hơn và dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp [15]. Đặc biệt, trẻ sinh mổ còn rất hay gặp phải tình trạng thở khò khè, khó thở. Nguyên nhân là do khi sinh mổ, bé không được các cơ ở thành âm đạo và xương chậu của mẹ ép chặt để đẩy hết nước ối ra ngoài. Hậu quả là dịch ối có thể còn sót lại, khiến trẻ bị khò khè [14]. Kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy trẻ sinh mổ có nguy cơ bị suy giảm hệ miễn dịch cao hơn 1,5 lần và khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn 1,3 lần so với trẻ sinh thường [8], [9].

Do đó, đối với trẻ sinh mổ, sữa mẹ đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi sữa mẹ không chỉ giàu dưỡng chất mà còn chứa nhiều kháng thể tốt cho hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh, nhất là các bé sinh mổ. Đặc biệt, trong sữa mẹ còn có chứa rất nhiều dưỡng chất như lactose, chất béo, HMOs, chất đạm, nucleotides, các loại vitamin và các chủng lợi khuẩn như Bifidobacterium có thể giúp trẻ sinh mổ khỏe mạnh và chống lại nhiều loại bệnh thường gặp.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa mẹ sau sinh mổ?

Nhiều mẹ sau khi sinh mổ không có sữa cho con bú thường cho rằng mình bị mất sữa sau sinh mổ. Thế nhưng, điều này không hoàn toàn đúng vì sau khi sinh mổ sữa mẹ chỉ về chậm hơn so với sinh thường chứ không phải là bạn bị mất sữa. Sau đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa mẹ sau sinh mổ:

1. Gây tê hoặc gây mê khi sinh

Thuốc gây tê hoặc gây mê được sử dụng khi sinh mổ có thể ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của mẹ. Trong trường hợp bạn phải dùng thêm thuốc chống viêm hay chống nhiễm trùng thì các loại thuốc này có thể ức chế hormone sản xuất sữa khiến bạn không thể tiết sữa ngay sau khi sinh. Ngoài ra, khi sinh mổ thì cơ thể mẹ thường không trải qua quá trình co bóp tử cung, chuyển dạ nên tuyến sữa sẽ hoạt động chậm hơn so với mẹ sinh thường.

2. Việc cho con bú bị trì hoãn