Mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh khóc dạ đề? – HUGGIES® Việt Nam

Đối với các mẹ vừa sinh con, không một âm thanh nào có thể làm mẹ phiền muộn hơn tiếng khóc giữa đêm của con yêu. Nhiều mẹ chia sẻ rằng dù đã hạn chế tiếng ồn nhất có thể khi bé ngủ nhưng bé vẫn thức giấc và khóc nhiều giờ giữa đêm. Vậy hiện tượng khóc dạ đề là gì và có cách nào giúp bé ngưng khóc? Mẹ cùng Huggies tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Khóc dạ đề là gì?

Khóc dạ đề là tình trạng trẻ khóc nhiều giờ liên tục, thường vào buổi chiều tối hoặc ban đêm. Tình trạng này thường xảy ra khi bé đang trong giai đoạn từ 2 tuần đến 12 tuần tuổi.

Trẻ khóc dạ đề thường có biểu hiện khóc “dữ dội” đồng thời toàn thân trở nên đỏ ửng, lưng cong lại, tay nắm chặt hai chân co về phía bụng và bụng căng cứng, giống dấu hiệu bé đang chịu đựng những cơn đau. Việc bú mớm cũng bị đứt quãng bởi những cơn khóc quấy, thậm chí có bé bỏ bú trong khoảng thời gian quấy khóc.

Biểu hiện khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh

Mẹ có thể xác nhận xem bé có đang khóc dạ đề không với các biểu hiện điển hình sau:

  • Bé khóc thét từng cơn với cường độ khác nhau, không thể dỗ dành được.
  • Bé khóc kéo dài hơn ba tiếng mỗi ngày.
  • Bé khóc ba ngày hoặc nhiều hơn mỗi tuần.
  • Bé khóc hơn ba tuần trong một tháng.

Vì sao trẻ sơ sinh khóc dạ đề?

Theo các nghiên cứu nhi khoa, cho đến nay vẫn chưa có minh chứng khoa học giải thích nguyên nhân vì sao bé khóc kéo dài hàng giờ vào ban đêm và cũng chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Có một số giả thiết cho rằng do hệ tiêu hóa của bé còn non yếu nên khó có thể dung nạp được một số chất có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Điều này khiến bé khó chịu nên sinh ra quấy khóc không thôi.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc hệ thần kinh của bé sơ sinh chưa phát triển ổn định, bé cảm thấy đau khi ợ hơi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ khóc dạ đề.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân phổ biến khác khiến trẻ khóc dạ đề mà mẹ có thể theo dõi như:

  • Trẻ thấy khó chịu với quần áo, tã mặc: Quần áo quá chật, chất liệu vải bí bách hoặc tã bỉm bị bẩn, ướt có thể khiến bé yêu khó chịu và khóc.
  • Trẻ quá no hoặc đói: Trẻ bú sữa quá no có thể bị đầy hơi, gây khó chịu kéo dài có thể dẫn đến khóc về đêm. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh thường bú liên tục và khoảng cách cử bú cũng rất gần nên nếu trẻ bú chưa đủ no cũng có thể khiến trẻ quấy khóc.
  • Trẻ bị đau: Trẻ bị đau bụng, đau tai, đau rát da, dị ứng hoặc nóng sốt, nôn ói, tiêu chảy cũng khiến con khó chịu và khóc, nếu mẹ thấy trẻ khóc đi kèm với những dấu hiệu bị bệnh thì cần đưa con đến bác sĩ khám ngay.
  • Trẻ bị mệt mỏi do chơi đùa quá mức, hoặc bị tác động bởi sự thay đổi đột ngột từ môi trường bên ngoài.

Tham khảo: Triệu chứng trào ngược thực quản ở trẻ.

Mẹo chữa khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh 

Mẹ dỗ bé sơ sinh đang khóc dạ đề

Không có một phương pháp chính thức nào để làm dịu cơn khóc dạ đề của bé. Điều quan trọng nhất là khi dỗ bé mẹ phải luôn giữ bình tĩnh và thoải mái. Ngoài ra, mẹ nên bảo đảm môi trường ngủ của bé luôn được thoáng đãng và yên tĩnh.

Mẹ có thể áp dụng 1 số cách sau để giảm tình trạng khóc dạ đề của bé:

  • Cho bé ngồi khi bú.
  • Sử dụng bình sữa để bé không nuốt không khí quá nhiều.
  • Bế bé trên tay, địu hoặc mang bé ở phía trước.
  • Ôm bé vào lòng hay đặt nằm cạnh mẹ.
  • Cho bé vào xe đẩy.
  • Cho bé vào nôi, đung đưa nhẹ.
  • Nhẹ nhàng hát ru bé bằng những bài hát ru hoặc cho bé nghe các bản nhạc dịu dàng.
  • Cho bé tắm nước ấm.
  • Bọc khăn giữ ấm cho bé.
  • Massage bụng cho bé.

Tham khảo: 6 mẹo chữa trẻ khóc đêm đơn giản mẹ cần biết.

Hãy thật kiên nhẫn và sáng tạo, thay đổi các phương pháp cho đến khi tìm được phương pháp phù hợp với bé, mẹ nhé. Ngoài ra, mẹ nên học cách giảm thiểu những căng thẳng, nhất là khi cho bé bú. Mẹ có thể có tâm lý phải cho bé bú nhanh, vì bé đang đói, nhưng xin đừng vì vậy mà ép bé ăn quá no, bởi ăn quá no sẽ khiến bé khóc vì đầy hơi hoặc đau bụng.

Lưu ý: Nếu chưa có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, mẹ không được tự ý cho bé uống bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào.

Tham khảo: Cách dỗ trẻ ngủ ngon

Khóc dạ đề không phải là một bệnh lý, nên mẹ đừng quá lo lắng. Nếu bé khóc dạ đề nhưng vẫn bú ngoan, vui vẻ, thì mẹ yên tâm, sau khoảng thời gian 3 tháng, mọi việc sẽ lại “đâu vào đấy”. Nếu bé khóc liên tục 4 giờ, kèm theo sốt, nôn mửa, tiêu chảy, tiêu ra máu, có biểu hiện mệt lả, thì lúc này, mẹ hãy đưa bé đến cơ sở y tế để được tư vấn sức khoẻ ngay!

Bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh lưu ý rằng: 

bac si

Điều quan trọng để phân biệt khóc dạ đề và khóc bệnh lý là ngoài cơn khóc, bé hoàn toàn bình thường, bú giỏi lên cân tốt. Khóc dạ đề không làm ảnh hưởng sức khỏe của trẻ, thường khỏi dần khi bé lớn dần. Khóc dạ đề do rất nhiều nguyên nhân, ngay cả bác sĩ cũng không thể xác định nguyên nhân làm trẻ khóc. Do đó mẹ cứ bình tĩnh thử các cách nêu trên, nếu cần mẹ hãy nhờ người thân hỗ trợ để giảm căng thẳng cho  mình, mẹ nhé!

bac si

Hy vọng bài viết phía trên đã phần nào chia sẻ nỗi lo bé khóc về đêm của mẹ. Nếu còn bất kỳ vấn đề thắc mắc về , mẹ đừng quên Góc chuyên gia của Huggies sẽ luôn cạnh bên để giúp đỡ mẹ nhé!