Mẫu phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu mới nhất 2020
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu là biểu mẫu thường được sử dụng trong các thủ tục liên quan đến thay đổi hộ khẩu, đăng ký thường trú, tạm trú. Vậy phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu là gì? Cách viết phiếu báo này như thế nào cho chuẩn xác? Chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp những thắc mắc liên quan đến phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu trong bài viết dưới đây.
[download id=”1660″]
Mục Lục
Hiểu như thế nào là phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu?
Phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu được sử dụng hiện nay là biểu mẫu HK02 được Bộ Công an ban hành theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA.
Đây là biểu mẫu bắt buộc phải có trong các thủ tục hành chính, dùng để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền được biết khi có thay đổi về thông tin liên quan đến hộ khẩu, nhân khẩu.
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu thường được nộp kèm với các tài liệu khác trong hồ sơ liên quan đến thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bao gồm:
– Bản khai nhân khẩu (dùng cho người từ 14 tuổi trở lên), giấy khai sinh (dùng cho người dưới 14 tuổi)
– Giấy chuyển hộ khẩu (trong trường hợp chuyển ra khỏi phạm vi xã/ thị trấn thuộc tỉnh; thị xã/ thành phố thuộc tỉnh; quận/ huyện/ thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương)
– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, ngoại trừ trường hợp được đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của người có sổ hộ khẩu.
Cách viết phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu như thế nào cho đúng?
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu không phải biểu mẫu xa lạ với nhiều người. Trên mẫu phiếu này có hướng dẫn ghi khá chi tiết song vẫn không ít người phải viết đi viết lại nhiều lần vì không nắm được nguyên tắc, cách thức viết như thế nào cho đúng.
– Chữ viết trên hiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu phải rõ ràng, đúng quy định, không viết nhiều loại mực và không được phép viết tắt.
– Người viết phiếu không tự ý tẩy xóa hay sửa chữa trên phiếu làm sai lệch nội dung đã ghi, nếu ghi sai cần viết lại phiếu mới.
– Trường hợp người cần thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu không biết chữ hoặc không tự viết được thì có thể nhờ người khác viết hộ.
– Các căn cứ để điền thông tin cá nhân trên phiếu báo dựa vào: giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước công dân…
– Các thông tin về địa danh hành chính phải ghi theo địa danh hiện tại nếu có thay đổi chứ không ghi địa danh cũ. Ví dụ địa danh cũ là xã Vĩnh Hòa – huyện Ninh Thanh – tỉnh Hải Hưng nhưng ghi viết bạn phải viết địa danh mới là: xã Vĩnh Hòa – huyện Ninh Giang – tỉnh Hải Dương.
Cụ thể mình hướng dẫn các bạn cách ghi phiếu như sau:
Mục “Kính gửi”: ghi tên cơ quan Công an có thẩm quyền về đăng ký, quản lý cư trú: công an xã/ phường/ thị trấn; công an quận/ huyện/ thị xã.
Phần ghi các thông tin về người viết phiếu báo
Người viết phiếu báo không nhất thiết là người muốn thay đổi thông tin hay chủ hộ mà có thể chỉ là người viết hộ.
– Các thông tin cụ thể bao gồm: họ và tên, giới tính, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, nơi thường trú, địa chỉ chỗ ở hiện nay, số điện thoại liên hệ. Người khai ghi các thông tin này dựa trên: chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước, hộ chiếu, sổ hộ khẩu.
– Mục “họ và tên”: viết bằng chữ in hoa, có dấu
– Phần ghi nơi thường trú và chỗ ở hiện nay cần ghi rõ số nhà, phố/tổ, thôn/ xóm/ làng/ ấp/ bản/ buôn, xã/ phường/ thị trấn, huyện/ quận/ thị xã/ thành phố, tỉnh/ thành phố thuộc Trung ương.
Phần ghi các thông tin người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu
Nếu người viết phiếu báo chính là người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu thì công dân chỉ cần kê khai thông tin tại mục trên “Thông tin về người viết phiếu báo”.
Căn cứ ghi thông tin phần này cũng dựa trên chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước, hộ chiếu, sổ hộ khẩu
– Thông tin của người có thay đổi hộ khẩu nhân khẩu về: họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, dân tộc, giới tính, quốc tịnh, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu ghi tương tự như khai thông tin của người viết phiếu ở trên. Lưu ý phần ngày tháng năm sinh ghi đủ hai số vào phần ngày tháng với trường hợp sinh vào các ngày tháng có số từ 1 – 9. Ví dụ: 01/01/2000.
– Thông tin về nơi sinh, nguyên quán ghi từ cấp xã hoặc cấp huyện trở lên.
– Thông tin về nơi thường trú, chỗ ở hiện nay ghi rõ từ số nhà, từ cấp tổ trở lên. Ví dụ: Số nhà 101, tổ 8, khu phố Phước Lập, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
– Nghề ngiệp, nơi làm việc: làm nghề gì? Ở công ty, cơ quan nào? Thuộc xã/ huyện/ tỉnh nào?
– Số điện thoại liên hệ: ghi rõ để cơ quan đăng ký thường trú, tạm trú liên hệ khi cần.
– Phần họ tên chủ hộ và quan hệ với chủ hộ:
+ Nếu đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú mà có chỗ ở hợp pháp và được cấp sổ thì phần “họ và tên chủ hộ” ghi họ tên người có thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu vừa khai, phần “quan hệ với chủ hộ” ghi là chủ hộ.
+ Nếu nhập vào sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người khác thì ghi tên chủ hộ đó và quan hệ với chủ hộ là con, cháu, con dâu, con rể…
+ Trường hợp điều chỉnh thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú: chuyển khẩu, xóa đăng ký thường trú, xóa tạm trú, tách hộ; xin cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; xác nhận đã đăng ký thường trú thì ghi theo thông tin trên sổ đã cấp.
– Nội dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu cần ghi rõ:
+ Đăng ký hay thay đổi thường trú, tạm trú.
+ Xin tách sổ hộ khẩu, tách hộ, nhập sinh.
+ Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, xin cấp lại…
+ Gia hạn tạm trú.
– Phần “Ý kiến của chủ hộ”: chủ hộ, người cho thuê nhà, ở nhờ… cần ghi rõ đồng ý cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, tách sổ hộ khẩu… sau đó ghi ngày tháng năm, ký và ghi rõ họ tên lên phiếu báo.
– Người viết phiếu báo cũng ghi rõ họ tên, ngày tháng viết phiếu báo và ký.
– Cuối cùng cơ quan công an có thẩm quyền xác nhận thông tin trên phiếu trong mục “Xác nhận của Công an” trong trường hợp công dân trước đây đã từng đăng ký thường trú tại địa phương và trường hợp bị mất sổ xin cấp lại.
Tải mẫu phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu mới nhất 2020
Trong phần cuối cùng của bài viết, EVBN xin đưa ra một mẫu phiếu thay đổi hộ khẩu nhân khẩu năm 2020 mới nhất – Mẫu HK02 ban hành theo TT số 36/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công An.
[download id=”1660″]