Mẫu Biên Bản Kiểm Kê Hàng Hóa Bị Hư Hỏng Mới Nhất Năm 2020
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi các loại nguyên vật liệu, hàng hóa, công cụ, dụng cụ bị hư hỏng, hết hạn sử dụng, không thể sử dụng, tiêu dùng được. Trong trường hợp này, các loại hàng hóa trên cần phải mang đi tiêu hủy hoặc thanh lý. Trước khi đem đi thanh lý, tiêu hủy, các doanh nghiệp cần lập Biên bản để kiểm kê toàn bộ những hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ bị hư hỏng đó. Vậy Biên bản kiểm kê hàng hóa bị hư hỏng là gì? Khi nào cần sử dụng biên bản này và viết Biên bản này như thế nào cho đúng? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng evbn cùng tìm hiểu về mẫu Biên bản này.
Mục Lục
Thế nào là Biên bản kiểm kê hàng hóa bị hư hỏng?
Biên bản kiểm kê hàng hóa bị hư hỏng ghi lại toàn bộ việc kiểm kê hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ trong kho bị hư hỏng, hết hạn sử dụng cần đem đi tiêu hủy hoặc thanh lý.
Biên bản này là cơ sở để doanh nghiệp tiến hành thu gom, đối chiếu, kiểm kê các hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ cần đem đi tiêu hủy, thanh ý đồng thời là biểu mẫu cần có trong bộ hồ sơ để được tính vào chi phí trừ.
Các tiêu chí cụ thể trong BBKKHHBHH, hết hạn sử dụng trong các doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Biên bản lập ra có thể nhiều nội dung, ít nội dung, lập thành bảng hoặc không nhưng cần phải đảm bảo đầy đủ một số tiêu mục như tên hàng hóa, số lượng, giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng, giá trị hàng hóa còn có thể thu hồi …
BBKKHHBHH, hết hạn sử dụng ở mỗi doanh nghiệp khác nhau do doanh nghiệp đó tự lập mà không có một biểu mẫu chung, tuy nhiên, cần đảm bảo các nội dung cơ bản như vừa nêu trên. Để đảm bảo giá trị pháp lý, tính trung thực trước pháp luật cũng như liên đới trách nhiệm, biên bản cần phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trong bộ hồ sơ chi phí hàng hóa bị hư hỏng, hết hạn sử dụng để đưa vào tính chi phí hợp lý, chi phí được trừ, ngoài Biên bản kiểm kê hàng hóa bị hư hỏng, cần có thêm văn bản giải trình về việc hàng hóa bị hư hỏng của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý trình bày rõ lý do hàng hóa bị hư hỏng.
Cách soạn thảo Biên bản kiểm kê hàng hóa bị hư hỏng
Tùy vào từng đặc điểm, tình hình sản xuất kinh doanh cụ thể, yêu cầu của từng đơn vị, có thể soạn thảo các mẫu Biên bản kiểm kê hàng hóa bị hư hỏng khác nhau. Dưới đây mình xin hướng dẫn các bạn cách soạn một biên bản kiểm kê cụ thể, các bạn có thể tham khảo, thêm, bớt các nội dung vào mẫu biên bản của đơn vị mình.
Phần đầu biên bản
– Ghi đầy đủ quốc hiệu, tiêu ngữ.
– Ghi rõ tên và địa chỉ công ty tiến hành công tác kiểm kê.
– Ghi rõ tên biên bản: Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng, Biên bản kiểm kê hoàng hóa bị hư hỏng . . .
Phần nội dung chính
– Ghi rõ ngày tháng, địa điểm kiểm kê hàng hóa
– Ghi đủ họ và tên, chức vụ, bộ phận tham gia kiểm kê (thủ kho, giám sát, nhân viên kinh doanh . . .)
– Các nội dung kiểm kê cụ thể: nếu trong kho có nhiều chủng loại hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ cần kiểm kê thì nên lập thành bảng để tiện theo dõi, ghi rõ:
+ Số thứ tự.
+ Tên từng loại hàng hóa cần kiểm kê.
+ Đơn vị tính từng loại hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ (cái, kg, m3 . . .).
+ Số lượng: ghi tổng số lượng từng loại hàng hóa được kiểm kê theo đơn vị tính tương ứng.
+ Ghi rõ giá trị tổng số từng loại hàng hóa đó trên sổ sách.
+ Ghi rõ phân loại về phẩm chất từng loại sau khi được kiểm kê theo số lượng, chia thành các mức: tốt, kém phẩm chất, mất phẩm chất.
– Ghi rõ nguyên nhân kém hoặc mất phẩm chất từng loại hàng được kiểm kê: ẩm mốc, thối, hết hạn sử dụng . . .
– Sau khi kiểm kê xong, thống kê tổng giá trị hàng hóa bị hư hỏng là bao nhiêu, sau đó, kiểm kê cụ thể trong đó giá trị hàng hóa có thể thu hồi được do vẫn còn giá trị sử dụng một phần hoặc thanh lý được là bao nhiêu tiền.
– Tại dòng tổng: ghi rõ tổng số tổng tiền tất cả các loại hàng bị hư hỏng và tổng số tiền hàng có thể thu hồi.
Phần cuối biên bản
– Các bên cam kết về sự trung thực, chính xác trong bảng kê được lập.
– Sau khi kiểm kê, Ban kiểm kê ghi ngày tháng kiểm kê, ký và ghi rõ họ tên lên biên bản và chuyển cho các bộ phận liên quan xác nhận trên biên bản: thủ kho, kế toán trưởng, Giám đốc.
Biên bản kiểm kê cần được lập thành 3 bản có giá trị pháp lý như nhau: 1 bản lưu tại Phòng kế toán, 1 bản lưu tại Bộ phận kho, 1 bản lưu tại Ban kiểm kê.