Marketing xã hội

Marketing xã hội (Social Marketing) là việc áp dụng những kỹ thuật tiếp thị trong kinh doanh cho việc phân tích, hoạch định, thực thi và lượng giá những chương trình được thiết kế để tác động đến hành vi tự nguyện của tập thể đối tượng mục tiêu nhằm đem lại sự tốt lành cho bản thân họ và cho xã hội mà họ là thành viên.

Phân loại marketing xã hội

Bản thân marketing xã hội không có một nguyên tắc phân loại rõ ràng. Các mặt của đời sống xã hội rất đa dạng, vì thế dựa vào các khái niệm và định nghĩa của marketing xã hội thì mọi hoạt động áp dụng các kỹ thuật tiếp thị kinh doanh nhằm mục tiêu phục vụ cho lợi ích của đối tượng mục tiêu hay cho toàn xã hội đều là hoạt động marketing xã hội, cho dù hoạt động đó có thể được đặt dưới những tên gọi khác nhau.

Trên thế giới, hiện nay đã và đang có một số hoạt động marketing xã hội cho các mục tiêu cụ thể khác nhau như sau:

– Mục tiêu xã hội có các hoạt động như: marketing xã hội về việc cổ động chiêu sinh cho trường học; về việc vận động đội nón bảo hiểm xe máy; về kế hoạch hoá gia đình; chống bạo lực gia đình; về phòng chống lạm dụng trẻ em…

– Mục tiêu sức khỏe cộng đồng có các hoạt động gồm: marketing xã hội về phòng chống HIV – AIDS, về phòng chống ung thư các bệnh phụ nữ (ung thư vú, cổ tử cung v.v…), về kế hoạch hóa gia đình, về phòng chống cao huyết áp, về phòng ngừa cholesterol, về phòng ngừa phóng xạ, về phòng ngừa suy dinh dưỡng, về phòng ngừa bệnh hen, về liệu pháp hydrad đường răng miệng, về phòng ngừa loãng xương, về phòng chống suy nhược…

– Mục tiêu phát triển nhận thức công chúng có các hoạt động như: marketing xã hội về việc vận động nuôi con bằng sữa mẹ, về phòng chống lạm dụng dược phẩm, về chống hút thuốc lá, về chủng ngừa phòng chống bệnh dịch, về việc cổ động rèn luyện thân thể v.v…

Ý nghĩa: Việc nghiên cứu và vận dụng nội dung khoa học của marketing xã hội vào mọi lĩnh vực thuộc đời sống kinh tế – xã hội chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi xã hội.