Marketing trực tuyến và ứng dụng của marketing trực tuyến trong hoạt động thư viện – thông tin | NGHIỆP VỤ THƯ VIỆN
Trong thập niên qua, sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã tạo ra một sức mạnh vô biên của nguồn tài nguyên và kéo theo sự phát triển của rất nhiều hoạt động, trong đó không thể không kể đến hoạt động marketing trực tuyến (MTT) với hình thức ngày càng đa dạng. Khi những kênh marketing truyền thống đang dần trở nên quá tải thì với khả năng tương tác cao với người sử dụng Internet, tính linh hoạt trong triển khai cũng như sự phong phú về hình thức, MTT đang dần dần trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Cũng trong xu thế đó, MTT ở Việt Nam bắt đầu trở thành sự lựa chọn của nhiều lĩnh vực trong xã hội, trong đó lĩnh vực thư viện – thông tin (TVTT) cũng không nằm ngoài ngoại lệ ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mình.
1. Khái niệm về marketing trực tuyến
Marketing cũng như các ngành khoa học khác, luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng theo thời gian và đã xuất hiện một loại hình marketing mới – marketing trực tuyến. Hiện nay, MTT có rất nhiều định nghĩa khác nhau.
Theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ thì MTT là lĩnh vực tiến hành hoạt động kinh doanh gắn liền với dòng vận chuyển sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng, dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và Internet [3].
Theo Philip Kotler, MTT là quá trình lập kế hoạch về sản phẩm, giá, phân phối và xúc tiến đối với sản phẩm, dịch vụ và ý tưởng để đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân dựa trên phương tiện điện tử và Internet [2].
Bên cạnh đó, Tạp chí Marketing online năm 2011 cũng đã đưa ra định nghĩa về khái niệm này như sau: MTT (là hình thức áp dụng các công cụ của CNTT thay cho các công cụ thông thường để tiến hành các quá trình marketing [5].
Còn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: E-marketing (Internet marketing hay online marketing), hay tiếp thị qua mạng, tiếp thị trực tuyến là hoạt động tiếp thị cho sản phẩm và dịch vụ thông qua mạng kết nối toàn cầu Internet. Các dữ liệu khách hàng kỹ thuật số và các hệ thống quản lý quan hệ khách hàng điện tử (ECRM) cũng kết hợp với nhau trong việc tiếp thị Internet [1].
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau về MTT nhưng các định nghĩa đều thống nhất với nhau một quan điểm: MTT là một bộ phận của marketing, mà cụ thể hơn là việc tiến hành hoạt động marketing thông qua môi trường Internet. MTT mang trong mình đặc điểm của marketing truyền thống đó là cùng hướng tới một mục đích tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ cho nhà cung cấp. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản của MTT với marketing truyền thống đó là MTT sử dụng công cụ, khả năng thâm nhập thị trường, có tính tương tác, có khả năng cá biệt hoá. Với những sự khác biệt đó, MTT có những lợi ích như sau:
– Rút ngắn khoảng cách: Vị trí địa lý không còn là một vấn đề quan trọng. Internet đã rút ngắn khoảng cách, mọi người có thể gặp nhau trong không gian máy tính mà không cần biết ở gần hay ở xa. Điều này cho phép mua bán bỏ qua những khâu trung gian truyền thống tốn kém.
– Tiếp thị toàn cầu: Internet là một phương tiện hữu ích để các nhà hoạt động marketing tiếp cận với thị trường khách hàng trên toàn thế giới – điều mà các phương tiện marketing truyền thống khác hầu như không thể.
– Giảm thời gian và chi phí: Những người làm MTT có thể truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7 và không bị gián đoạn. Khách hàng sẽ không phải mất công đi lại nhiều để xem sản phẩm, nhưng vẫn có những thông tin cần thiết về sản phẩm đó.
Như vậy, với những MTT khái quát trên, chúng ta thấy rằng MTT đang có những lợi ích và ảnh hưởng rất lớn trong mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, vị thế của mình đến với khách hàng. Vậy, MTT trong lĩnh vực TVTT là gì, vai trò và khả năng ứng dụng của MTT vào hoạt động này như thế nào?
2. Marketing trực tuyến trong hoạt động thông tin – thư viện
Trước hết, từ khái niệm MTT nói chung, có thể đưa ra khái niệm về MTT trong hoạt động TVTT là toàn bộ những hoạt động marketing trong các cơ quan TVTT được tiến hành qua các phương tiện điện tử hoặc viễn thông để quảng bá các sản phẩm và dịch vụ thư viện nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu của người sử dụng.
Như đã nói MTT mang lại cho các cơ quan, tổ chức rất nhiều lợi ích. Trong hoạt động TVTT, vai trò MTT giúp:
– Tiết kiệm chi phí thực hiện marketing: Kinh phí là nguồn lực quan trọng duy trì sự tồn tại và phát triển lâu dài của các cơ quan TVTT. Với nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, nguồn thu sự nghiệp, nguồn tài trợ, biếu tặng thì các cơ quan TVTT luôn phải đối mặt với khó khăn khi nhu cầu về kinh phí phát triển ngày càng nhiều mà kinh phí thu vào có hạn. Bên cạnh đó, các cơ quan TVTT luôn chú trọng sử dụng nguồn kinh phí này để phát triển nguồn lực thông tin, tăng cường cơ sở vật chất – thiết bị và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của thư viện nên kinh phí dành cho marketing hầu như không đáng kể. Do đó, MTT với nhiều hình thức hoạt động khác nhau sẽ là phương thức hữu hiệu giúp các cơ quan TVTT vừa tiết kiệm được kinh phí marketing, vừa tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
– Thu hút người dùng tin (NDT) sử dụng thư viện: Hoạt động MTT là một trong nhiều cơ hội lớn để các cơ quan TVTT chủ động giúp NDT hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của đơn vị mình cùng với các nguồn tin, các sản phẩm và dịch vụ (SPDV) trực tuyến, để từ đó thu hút họ đến với thư viện và ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như vị thế của đơn vị mình.
– Đáp ứng tốt nhu cầu của NDT: Mục đích chính của các cơ quan TVTT là tổ chức, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các thư viện, thoả mãn tối đa nhu cầu của NDT. MTT với khả năng tiếp cận và tương tác rất cao giúp thư viện phân nhóm NDT, xác định những điểm khác biệt về nhu cầu, sở thích của từng đối tượng khác nhau nhằm cung cấp các SPDV với chất lượng cao để đáp ứng các nhu cầu này.
– Đối với NDT, MTT giúp họ dễ dàng tiếp cận, lựa chọn các SPDV, lựa chọn cách thức sử dụng thư viện hay các loại hình SPDV phù hợp với nhu cầu tin và điều kiện của mình. Bên cạnh đó, MTT còn giúp NDT chủ động cung cấp thông tin phản hồi đến với thư viện. MTT sẽ cung cấp nhiều kênh thông tin phản hồi khác nhau giúp NDT dễ dàng gửi đến thư viện những thông tin phản hồi về nhu cầu, ý kiến đánh giá và mong muốn của họ về các nguồn lực, các SPDV của thư viện.
Hầu hết NDT trong các cơ quan TVTT sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học và giải trí. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các thư viện phát triển MTT trong hoạt động của mình. Trong vài năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và viễn thông, các cơ quan TVTT đã và đang ứng dụng các hình thức khác nhau của MTT, có thể kể đến các hình thức cơ bản sau:
* Marketting trực tuyến thông qua trang web
Theo Từ điển trực tuyến về Khoa học TVTT chỉ ra rằng: Trang web là một nhóm các trang web có mối liên hệ và được kết nối với nhau, được cài đặt trên một máy chủ web, cho phép người sử dụng Internet truy cập 24 giờ/ ngày qua phần mềm duyệt web [4]. Mục tiêu chính của việc tạo ra trang web là cung cấp thêm điểm tiếp cận SPDV. Vì vậy, các cơ quan TVTT xem trang web là một cách mở rộng marketing cho đơn vị mình, đồng thời tạo ra một hình ảnh chuyên nghiệp trước NDT.
Hiện nay các đơn vị xây dựng trang web hoạt động có hiệu quả có thể kể đến như các Trung tâm Học liệu (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ), các cơ quan TVTT ở các trường đại học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội…), các học viện (Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Bưu chính Viễn thông…). Đối với các thư viện công cộng, việc xây dựng và phát triển trang web để quảng bá thư viện chỉ mới được xây dựng ở các đơn vị lớn như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, một số thư viện tỉnh (Quảng Ninh, Bình Dương…).
Hình ảnh trang web Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ Http://www.lrc.ctu.edu.vn/
Thực tế cho thấy việc phát triển trang web thư viện hiện nay được khá nhiều cơ quan TVTT trong cả nước quan tâm và đầu tư nhằm cung cấp thông tin trực tuyến về nguồn lực của thư viện, các dịch vụ tham khảo trực tuyến giúp NDT truy cập tới các nguồn lực dạng số. Trang web thư viện còn là công cụ quảng bá thư viện, cung cấp cho NDT các SPDV TVTT, xây dựng hình ảnh và các mối quan hệ với NDT, đồng thời, cũng là một công cụ huấn luyện và thông tin trực tuyến cho NDT. Tuy nhiên, để trang web thực hiện những vai trò trên đòi hỏi các cơ quan TVTT chú trọng trong việc thiết kế trang web hấp dẫn về hình thức, xây dựng nội dung phong phú, cập nhật thường xuyên và luôn nâng cấp, đánh giá trang web một cách hệ thống, khoa học.
* Marketting trực tuyến thông qua email
Đây là một hình thức sử dụng email (thư điện tử) làm phương tiện truyền thông tin tới NDT. Email có lợi thế rất lớn là có thể truyền tải các nội dung thông tin với chi phí rất thấp và đến với rất nhiều người trong cùng một thời điểm. Nhận thức được tính hiệu quả về mặt chi phí, đảm bảo yêu cầu về truyền đạt thông tin, cũng như hình thức của nó, các cơ quan TVTT đã thực hiện việc marketing qua email đến với NDT.
Để thực hiện quảng bá qua email, trước hết các cơ quan TVTT cần tạo dựng cơ sở dữ liệu chứa thông tin về email của NDT. Việc làm này có thể được thực hiện thông qua các hình thức như: qua phiếu đăng ký làm thẻ thư viện, qua việc đăng ký sử dụng các SPDV trên trang web thư viện, qua các lớp kỹ năng thông tin… Việc sử dụng email để quảng bá, giới thiệu các SPDV, hỗ trợ trực tuyến đã được các cơ quan TVTT có sử dụng Internet tiến hành, nhưng hoạt động này còn khá nhiều bất cập và chỉ có một số đơn vị như: Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm TVTT Đại học Quốc gia Hà Nội… đã thực hiện khá hiệu quả việc trao đổi các thông tin trực tuyến qua điện thoại, email và chat. Tuy nhiên, để gửi email cho NDT, các cơ quan TVTT cũng chú ý đến việc lựa chọn tiêu đề gửi, nội dung gửi cũng phải ngắn gọn rõ ràng và liên tục theo dõi các email đã được gửi đi, cũng như các email phản hồi của NDT.
Hình ảnh Dịch vụ hỗ trợ bạn đọc trực tuyến qua điện thoại, email, chat của Trung tâm Thông tin -Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội: http://www.lic.vnu.edu.vn/
* Marketting trực tuyến thông qua mạng xã hội
Về cơ bản, mạng xã hội là sự kết nối các thành viên có cùng một sở thích, không phân biệt thời gian và không gian. Sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như facebook, linkedin, twitter, google+… đã thực sự thay đổi thế giới về cách thức mà con người có thể kết nối và chia sẻ. Một chia sẻ trên mạng xã hội có thể thu hút hàng trăm, hàng nghìn thậm chí hàng triệu lượt xem. Sức mạnh làm nên điều kỳ diệu nằm trong sự lan toả giữa các thành viên. MTT qua mạng xã hội sẽ tận dụng được sự lan toả đó.
Với ưu điểm của mạng xã hội (đặc biệt facebook) là sự kết nối thân thiện và tiết kiệm, thì việc sử dụng mạng xã hội sẽ là cách ưu việt để quảng bá hình ảnh và nâng cao các dịch vụ của các cơ quan TVTT. Sự ứng dụng nền tảng lập trình sẽ rút ngắn khoảng cách giữa người làm thư viện và NDT, giảm bớt thời gian, công sức tìm kiếm và đưa đến những thông tin nhanh nhạy, chính xác tới NDT.
Thực tế cho thấy, trên thế giới đã có nhiều cơ quan TVTT sử dụng trang mạng xã hội như Thư viện Đại học Yale (Mỹ), Thư viện Đại học Imperial College London (Anh), Thư viện Đại học Chicago (Mỹ)… và hiện tại ở Việt Nam cũng đã có một số cơ quan TVTT, đặc biệt là các trường đại học như Thư viện Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên, Thư viện Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh… đã thiết lập các trang mạng xã hội để giao lưu, quảng bá hình ảnh, phổ biến các dịch vụ đến với người sử dụng và bước đầu cho thấy hoạt động này có nhiều khả quan, hỗ trợ nhiều cho hoạt động MTT.
Hình ảnh trang facebook của Thư viện Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh https://www.facebook.com/libiuh/timeline
Tuy nhiên, marketing qua mạng xã hội vẫn gặp nhiều vấn đề khó khăn như: mức độ tin cậy của các nhà quản lý, thời gian thực hiện, không sử dụng được các phần mềm tra cứu và cơ sở dữ liệu của thư viện, mức độ bảo mật, khả năng bị nhiễu tin cao khi mọi người có thể bình luận hoặc đăng bài, trình độ và năng lực của người làm thư viện… Nhưng bên cạnh những khó khăn và thách thức thì sử dụng mạng xã hội là một xu hướng tích cực, hứa hẹn đem đến những cơ hội và triển vọng phát triển đối với ngành TVTT ở Việt Nam trong tương lai.
* Marketting trực tuyến thông qua các thiết bị di động
Cùng với tốc độ phát triển nhanh của MTT thì việc marketing thông qua các thiết bị di động (TBDĐ) là một xu thế tất yếu, không thể thiếu trong ngành truyền thông và kỷ nguyên di động ngày nay. Các TBDĐ như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh… được con người sử dụng rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh thực hiện chức năng giải trí, thông tin liên lạc thì các TBDĐ trở thành một phương tiện hữu ích cho con người trong việc học tập và nghiên cứu. Theo thống kê năm 2013, hơn 2/3 dân số trên thế giới sở hữu điện thoại di động và theo thống kê của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới facebook thì 1/2 số lượng thành viên facebook thường xuyên truy cập trang web bằng điện thoại di động. Đây là một thông tin rất hữu ích cho việc MTT trên các TBDĐ [6].
MTT thông qua TBDĐ trong môi trường TVTT được thực hiện với những hình thức như: Thông qua tin nhắn. Các cơ quan TVTT có thể thực hiện quảng cáo SPDV, thông báo các hoạt động của mình thông qua tin nhắn trên thiết bị di động theo định kỳ hoặc khi có thay đổi. Ngoài tin nhắn văn bản các thư viện có thể sử dụng tin nhắn đa phương tiện với các chức năng cho phép như đính kèm ảnh hay file âm thanh để tạo nên một tin nhắn ấn tượng hơn cho NDT của mình. Ngoài ra, MTT trên TBDĐ được thực hiện thông qua công cụ tìm kiếm. Hiện nay các ứng dụng tìm kiếm trên điện thoại di động rất nhiều, vì thế các cơ quan TVTT có thể thu hút NDT bằng cách đặt địa chỉ trên các bản đồ để chỉ dẫn họ đến cơ quan mình, từ đó giúp NDT tìm kiếm SPDV và địa điểm thông qua các TBDĐ nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Hơn nữa, có thể thấy rằng những người sử dụng các TBDĐ thường truy cập Internet để học tập, nghiên cứu và giải trí. Họ cũng thường xuyên vào các trang web để tìm tài liệu, trong đó có trang web thư viện. Vì vậy, các cơ quan TVTT cần nghiên cứu xây dựng trang web thư viện hoàn thiện hơn để phục vụ tốt nhóm người sử dụng các TBDĐ này. Thông qua việc người dùng truy cập trang web trên TBDĐ, các cơ quan TVTT có thể yêu cầu người dùng đăng ký thành viên hoặc để lại email, số điện thoại để có thể nhận được thông tin về các SPDV của đơn vị mình. Bên cạnh đó, người sử dụng TBDĐ thường xuyên tham gia vào các mạng xã hội đặc biệt là facebook, thì đây cũng là một xu hướng để các cơ quan TVTT xây dựng được các trang mạng xã hội để quảng bá SPDV của mình đến với thị trường NDT rộng lớn này.
* Marketting trực tuyến thông qua các công cụ tìm kiếm
Đây là sự tổng hợp của nhiều phương pháp tiếp thị MTT nhằm mục đích giúp cho trang web của các cá nhân, đơn vị đứng ở vị trí như mình mong muốn trong kết quả tìm kiếm trên mạng Internet. Tác dụng của hình thức quảng cáo này nhằm tăng lưu lượng người truy cập vào trang web thông qua việc đăng tải các banner quảng cáo về trang web của mình ngay bên trong phần tìm kiếm kết quả.
Hiện nay, các công cụ tìm kiếm mà những người dùng Internet thường sử dụng như Google, Yahoo, Ask, Bing, Yandex… Đây là một hình thức MTT rất rộng và có nhiều phương pháp thực hiện khác nhau để đạt được hiệu quả cao. Do đó, đối với các cơ quan TVTT, việc tiến hành MTT thông qua các công cụ tìm kiếm phải được đầu tư nghiên cứu nhằm có được vị trí mong muốn trong khi NDT tìm kiếm về cơ quan, đơn vị cũng như các SPDV của mình.
Hình ảnh Kết quả tìm kiếm Thư viện Quốc gia Việt Nam trên công cụ tìm kiếm Google
3. Kết luận
Tóm lại, hiện nay MTT đang phát triển rất mạnh và các cá nhân, đơn vị đã sử dụng nhiều nhóm công cụ khác nhau để thực hiện. Đối với hoạt động TVTT, ngoài việc thực hiện các hình thức marketing truyền thống thì việc ứng dụng các công cụ cơ bản của MTT như thông qua trang web, thư điện tử, mạng xã hội, thiết bị di động và các công cụ tìm kiếm là những cách thức nhằm quảng bá hoạt động và nâng cao vị thế của mình đối với NDT. Tuy nhiên, để làm được điều này các cơ quan TVTT phải có sự đầu tư vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật CNTT, các chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT, đảm bảo tốt tốc độ đường truyền Internet… Chủ động đến với CNTT, với MTT để khai thác sức mạnh của nó nhằm mở rộng và tăng hiệu quả hoạt động là một xu thế tất yếu cho mọi lĩnh vực trong xã hội, mà ngành TVTT Việt Nam không nằm ngoài ngoại lệ đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bách khoa toàn thư mở: vi.wikipedia.org/wiki/E-marketing.
2. Diệp Anh. Marketing hiện đại. – H.: Lao động Xã hội, 2007.
3. Đào Khắc Cử. Nhập môn Marketing Online. – H., 2011
4. Ninh Thị Kim Thoa. Một vài nét về nội dung các trang web thư viện đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh // Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2010. – Số 4. – Tr. 29-36.
5. Tạp chí marketing online. http://www.tapchimarketing.org/.
6. Online business forum. http://onlinebusinessforum.vn/news/chien-luoc-marketing-online-tren-di-dong-197.
_____________
Bùi Thị Thu Hà
Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2015. – Số 3. – Tr. 10-14,9.
Đọc thêm cùng chuyên mục: