Mạng xã hội Việt sống mòn
Mạng xã hội Việt sống mòn
Việt Nam có khoảng 130 triệu tài khoản mạng xã hội Việt, nhưng không thể cạnh tranh nổi Facebook, Tiktok, Youtube…
Trong cuộc cạnh tranh với các mạng xã hội xuyên biên giới, các mạng xã hội trong nước bất lợi cả về công nghệ, tài chính, quy mô
Mạng xã hội Việt thua lỗ
Tháng 9/2019, mạng xã hội Việt Lotus gây cơn sốt khi Công ty cổ phần VCcorp tuyên bố nguồn vốn đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng. Với nguồn vốn lớn, hợp tác với hàng trăm đơn vị sản xuất nội dung và hàng loạt KOLs, ngôi sao, tờ báo, đài truyền hình…, Lotus được kỳ vọng sẽ trở thành mạng xã hội mới cạnh tranh với Facebook. Đến nay, sau 3 năm ra mắt, mới có hơn 1 triệu lượt tải về trên kho ứng dụng CH Play, nhưng số lượng người sử dụng thực tế không được công bố. Lotus dần biến mất khỏi đời sống mạng.
Giữa năm 2019, Công ty cổ phần Công nghệ Gapo tổ chức sự kiện rầm rộ ra mắt mạng xã hội Gapo, đồng thời công bố nhận số vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Mạng xã hội “made in Vietnam” này đặt mục tiêu có tới 50 triệu người dùng sau 3 năm thành lập. Sau chưa đầy 2 tháng ra mắt, Gapo công bố đã cán mốc 2 triệu người dùng. Đến nay, Gapo đã ra mắt 3 năm, nhưng ông chủ mạng xã hội này không có công bố mới về số lượng người dùng.
Cũng ra mắt năm 2019 là mạng xã hội Hahalolo. Lúc đó, Tổng giám đốc Hahalolo là Nguyễn Văn Hạ tự tin tuyên bố đến năm 2024, mạng xã hội này sẽ có 2 tỷ người dùng tại Việt Nam và trên toàn thế giới, đồng thời sẽ niêm yết trên Sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ) vào năm 2024 hoặc năm 2025. Đến giữa tháng 6/2022, mạng này tuyên bố đã có hơn 8 triệu user đăng ký, nhận được sự tin tưởng của hàng trăm ngàn đối tác là các hãng hàng không, công ty lữ hành, khách sạn…
Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện tại, Việt Nam có 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động với khoảng 130 triệu tài khoản đăng ký. Trong đó, 10 mạng xã hội có trên 1 triệu tài khoản đăng ký hoạt động và 27 mạng xã hội có lượt người truy cập/tháng từ 1 triệu lượt trở lên. Zalo là mạng xã hội lớn nhất có khoảng 73,6 triệu tài khoản, Mocha có khoảng 20,1 triệu tài khoản…
Tuy nhiên, điểm chung của các mạng xã hội ở Việt Nam đều là đầu tư thua lỗ, không khai thác được kinh doanh, quảng cáo, kể cả 2 mạng có hệ sinh thái khổng lồ từ công ty mẹ hỗ trợ là Zalo, Mocha. Phần lớn các mạng xã hội hiện chỉ được người dùng đăng ký user, nhưng không sử dụng thường xuyên, không tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook (70 triệu tài khoản), Youtube (có 60 triệu tài khoản), Tiktok (45 triệu tài khoản) đang chiếm tới 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, mang về doanh thu hơn 1 tỷ USD.
Vì sao thua trên sân nhà?
Lý giải thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cho rằng, mạng xã hội trong nước chỉ cho phép lĩnh vực chia sẻ, trao đổi giới hạn trong một hoặc một vài lĩnh vực hẹp như nghề nghiệp, chuyên môn, sở thích, kiến thức; một tên miền chỉ được cung cấp một dịch vụ hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp hoặc mạng xã hội, không được tích hợp; không được cập nhật thông tin tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực…
Còn các dịch vụ mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng những năm gần đây, thu hút rất đông người dùng trong nước. Các mạng này chi phối tới gần 70% thị phần doanh thu quảng cáo trực tuyến do các quy định quản lý hoạt động của nhóm này, cả về nội dung, về quảng cáo và thuế, còn nhiều bất cập, lỏng lẻo.
Một số mạng xã hội nước ngoài lớn như Facebook, Youtube… còn lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do Internet để tìm cách né tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. “Những bất cập này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa mạng xã hội trong nước với các mạng xã hội xuyên biên giới với lợi thế lớn nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media từng chia sẻ, các mạng xã hội tại Việt Nam lâu nay bị rơi vào tình trạng bảo hộ ngược, tức doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước (có phép) phải hoạt động theo quy định, trong khi các mạng xã hội nước ngoài lại không chịu bất cứ một ràng buộc nào. Vì vậy, các mạng xã hội trong nước vốn bất lợi cả về công nghệ, tài chính, quy mô toàn cầu, lại càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, các đơn vị phát triển mạng xã hội Việt Nam cho biết, khi xây dựng các chiến lược phát triển, các mạng xã hội trong nước đã xác định tập trung vào thị trường bản địa, phục vụ con người Việt Nam, nhu cầu của người Việt Nam, đi theo thị trường ngách. Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa đủ, nếu không tạo ra doanh thu, lợi nhuận, không giữ chân được lượng người dùng lớn, thì mạng xã hội sẽ dần chết yểu.
“Chúng ta thua Facebook, Tiktok toàn tập, từ nền tảng công nghệ, nội dung, cộng đồng người dùng, tính năng và cả chính sách”, đại diện một mạng xã hội chia sẻ.
Mới đây, Zalo đã bắt đầu thu phí người dùng. Thị trường đang ngóng đợi những bước thử nghiệm của Zalo để từ đó tìm kiếm lối đi mới, hướng cạnh tranh mới.
Từ năm 2018 đến tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã buộc Facebook gỡ 311 tài khoản giả mạo, hơn 12.638 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; 484 fanpages quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng; 2.476 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em
Trong khoảng thời gian trên, Bộ Thông tin và Truyền thông buộc Youtube ngăn chặn và gỡ bỏ 76.590 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 30/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam (tổng số 30 kênh này chứa hơn 11.212 video clip vi phạm).
Cùng với đó, Tiktok được yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ 1.445 link vi phạm, trong đó có 5 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, TikTok đã tự chủ động rà quét, ngăn chặn 3.568 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.