Mạng xã hội là gì? Lợi ích và tác hại của MXH như thế nào?
Trong chúng ta, ai cũng sử dụng ít nhất 1 mạng xã hội để chia sẻ, kết nối, giải trí… Vậy mạng xã hội là gì? Đặc điểm, vai trò như thế nào đối với đời sống? Các mạng xã hội (MXH) phổ biến nhất 2023 là gì? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn thông tin chi tiết.
1. Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội (tên tiếng anh là Social Network) có thể là một nền tảng trực tuyến, một trang web hay một ứng dụng, được tích hợp nhiều tính năng khác nhau, cho phép người dùng kết nối, chia sẻ với nhau thông qua nhiều thiết bị điện tử, như: PC, laptop, điện thoại thông minh, Tablet…
Để sử dụng mạng xã hội, người dùng bắt buộc phải thiết lập tài khoản cá nhân. Các thông tin cá nhân cơ bản thường được bảo mật hoặc hiển thị tùy theo tùy chỉnh của chủ tài khoản.
2. Đặc điểm của mạng xã hội (MXH)
Mạng xã hội tồn tại dưới nhiều mô hình, hướng đến nhóm người dùng nhất định; song nhìn chung tất cả các loại hình mạng xã hội hiện nay đều có những điểm chung như sau:
- Đều chạy trên nền tảng internet (click tham khảo internet là gì)
- Nội dung trên mạng xã hội do người dùng sáng tạo và chia sẻ
- Mọi người dùng đều phải tạo tài khoản và có hồ sơ riêng
- Thông qua tài khoản, người dùng có thể kết nối, chia sẻ với mọi người, thông qua đó tạo nên một cộng đồng rộng lớn trên mxh.
3. Lợi ích và tác hại của mạng xã hội
Mạng xã hội được ví như con dao hai lưỡi, nó mang đến cho người dùng rất nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ đơn thuần là giải trí, chia sẻ, kết nối… ngày nay, nó còn có ý nghĩa về kinh tế, thậm chí là chính trị.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại rất nhiều mặt trái, yêu cầu người dùng mạng xã hội phải nâng cao nhận thức để trở thành người dùng mạng xã hội thông minh.
3.1. Lợi ích của MXH là gì?
Mục Lục
Kết nối, sẻ chia, mở rộng các mối quan hệ
MXH giống như một thế giới phẳng, ở đó con người không bị ngăn cản bởi các yếu tố địa lý. Chỉ cần đăng ký tài khoản là chúng ta có thể kết bạn với tất cả những người đã đăng ký tài khoản mạng xã hội đó, không bị giới hạn bởi quốc gia, khu vực.
Mạng xã hội không chỉ giúp tạo lập, mà còn giúp con người duy trì các mối quan hệ sau khi đã tạo lập bằng cách chia sẻ, trao đổi thông tin, thậm chí bằng những hành động rất nhỏ để bày tỏ thái độ như: Like, Tim, Subscribe, Share, Follow…
Cập nhật tin tức và hình thành nên xu thế
Ngoài những kênh thông tin chính thống từ cơ quan báo chí, mạng xã hội cũng là một trong những kênh cập nhật tin tức rất hiệu quả. Từ một nguồn tin nào đó, qua sự chia sẻ của hàng trăm, hàng triệu người, tạo thành một mạng lưới thông tin khổng lồ, tin tức được truyền đi với “tốc độ ánh sáng”.
Mạng xã hội lợi thế hơn báo chí ở chỗ tin tức có thể được chia sẻ mà không cần thông qua kiểm duyệt, do đó mà tốc độ bao giờ cũng nhanh hơn, nhưng độ tin cậy, chính xác thì cần phải xem xét lại.
Social Network chính là nơi tạo nên những Hot Trend. Có những trend rất thú vị, nhưng cũng có những trend rất “ố dề”, thế nhưng bằng sức mạnh hưởng ứng của người dùng, nó vẫn lan tỏa. Đây cũng là môi trường lý tưởng để tạo nên xu thế mới, có tác động mạnh mẽ đến đời sống con người.
Là nơi thể hiện cảm xúc, giải trí, thư giãn
Mỗi người dùng đều được phép tự do chia sẻ cảm xúc cá nhân lên Social Network. Có thể sử dụng mxh như một công cụ để giải trí, thư giãn bằng các tiện ích được tích hợp, như: Game online, xem phim, nghe nhạc…
Việc giải trí trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, đa dạng các loại hình. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng thu hút người dùng.
Phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống
Chúng ta có rất nhiều cách để giáo dục, cung cấp kiến thức, nâng cao tư duy, nhận thức và kỹ năng sống cho con người, mạng xã hội là một trong số đó. Bởi nó không bị giới hạn về tần suất, mức độ, nội dung, hình thức, lĩnh vực… chia sẻ.
Thay vì chia sẻ bằng văn bản, mạng xã hội còn cho phép người dùng chia sẻ bằng hình ảnh, video… theo cách nhân văn, ý nghĩa, dí dỏm, hài hước… hấp dẫn hơn nhiều so với những cách giáo dục truyền thống.
Từ những kiến thức tiếp thu được đã giúp hình thành nên tư duy, là nền tảng cho những sáng tạo khác ra đời.
Là một kênh quảng cáo, kinh doanh hiệu quả
Một lợi ích của mạng xã hội tuyệt vời nữa là hoạt động quảng cáo và kinh doanh trên các nền tảng này ngày càng phổ biến, mang đến cho người dùng nguồn thu nhập khổng lồ từ việc tận dụng các nền tảng để quảng bá thương hiệu, quảng cáo bán hàng, hiệu quả hơn nhiều so với hoạt động bán hàng truyền thống.
Là phương tiện truyền thông, chính trị
Các lĩnh vực hoạt động trên mạng xã hội ngày càng được mở rộng. Nếu trước đây chúng ta chỉ dùng mạng xã hội để chia sẻ, giải trí đơn thuần, thì ngày nay mạng xã hội còn tác động lớn đến kinh tế, thậm chí là chính trị.
Bởi trên mạng xã hội có cả một cộng đồng rộng lớn, lượng người sử dụng ngày một nhiều, dễ dàng chia sẻ thông tin và truyền thông hiệu quả…
Sức mạnh của sự lan tỏa trên mạng xã hội vô cùng lớn, nếu biết tận dụng nó sẽ trở thành công cụ sắc bén để thực hiện các mục đích chính trị của người dùng.
3.2. Tác hại của mạng xã hội là gì
Chiếm dụng nhiều thời gian của người dùng
MXH ngày càng tích hợp nhiều các tiện ích, nội dung ngày một phong phú, có sức hấp dẫn với đông đảo người dùng. Nếu không biết kiểm soát, dành quá nhiều thời gian để lướt mạng mỗi ngày, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hoạt động khác, như: Học tập, làm việc, rèn luyện thể dục thể thao, nghỉ ngơi…
Tác động tiêu cực này đã và đang diễn ra, nhất là ở giới trẻ – thế hệ tương lai của đất nước. Nếu không kịp thời khắc phục, về lâu dài, nó không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của một quốc gia, dân tộc.
Giảm tương tác trực tiếp giữa người với người
Tương tác trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp niềm tin, gắn kết con người với con người. Tuy nhiên hiện nay, việc tương tác trực tiếp dần trở nên hạn chế, nhất là với các mối quan hệ bị ngăn cách về khoảng cách địa lý, vô hình khiến cho chúng ta trở nên xa cách, ngại ngùng hơn khi giao tiếp trực tiếp.
Thói quen tương tác trên Social Network cũng là yếu tố khiến con người bị tụt giảm khả năng nhanh nhạy trong ứng phó với các tình huống giao tiếp trực tiếp, dần khiến người dùng mạng xã hội cảm thấy ngại giao tiếp trực tiếp hơn là tương tác qua mạng.
Cập tin tức sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng
Hầu hết các nguồn tin được cập nhật trên mạng xã hội đều chưa được qua kiểm duyệt, tính chính xác không tuyệt đối, thậm chí có nguồn tin hoàn toàn sai sự thật được lan truyền rộng rãi với mục đích câu like, câu view, gây nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng với các nhân/ gia đình/ tổ chức nào đó.
Việc lan truyền thông tin sau sự thật gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia, người chia sẻ có nguy cơ vướng vòng lao lý, bởi vậy, hãy là người dùng mạng xã hội thông thái.
Lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi
Chiếm đoạt tài khoản, nhắn tin vay mượn tiền bạn bè… đây chỉ là một trong những hình thức lừa đảo trên mạng xã hội.
Những hình thức này ngày càng được nâng cấp, tinh vi hơn khiến không ít người dùng “sập bẫy”, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến các mối quan hệ của người dùng mạng xã hội.
Cổ động các hành vi tiêu cực
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, có thể giúp người dùng phát triển nhận thức, tư duy, thì cũng có khả năng tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy; thậm chí là cổ động các hành vi tiêu cực, như: Bạo lực, tự sát, chia rẽ đoàn kết dân tộc…
Bên cạnh đó, khái niệm “bạo lực mạng” dần hình thành, thực tế, rất nhiều người đã từng tự sát vì điều này.
4. Sự phát triển của mạng xã hội
Mạng xã hội luôn đồng hành cùng với sự phát triển của internet. Từ năm 1971, những nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã gửi đi chiếc email đầu tiên trên thế giới. Năm 1994, Blog cá nhân đầu tiên ra đời bởi Justin hall – sinh viên trường Đại học Swarthmore.
Năm 1995, những người di cư có thể tìm lại bạn bè đã thất lạc thông qua trang Classmates. Năm 1998 cộng đồng nhật ký online Open Diary cho phép người dùng đăng tải cá nhân, chia sẻ cộng đồng.
Năm 2000, mạng lưới internet bao phủ khắp thế giới, tạo nền tảng đắc lực cho các trang mạng xã hội ra đời và phát triển mạnh mẽ. Năm 2001, thế giới có Meetup.com; năm 2003 có WordPress; năm 2004 chúng ta có Facebook, năm 2005 có YouTube; 2006 có Twitter; 2011 Google+ ra đời; 2012 Pinterest ra mắt người dùng…
Câu chuyện về sự ra đời và phát triển của các trang mạng xã hội chưa bao giờ có điểm dừng, Bởi nền tảng quan trọng của nó là internet vẫn còn tồn tại.
Trong tương lai, có thể những trang mạng xã hội đang thu hút lượng người dùng khổng lồ như: Youtube, Facebook, Tiktok… sẽ trở thành quá khứ, chúng ta sẽ có các trang mạng xã hội mới với nhiều tính năng tuyệt vời, hợp xu thế hơn. MXH sẽ đi về đâu? Chưa ai biết, nhưng chắc chắn một điều nó đã và đang làm rất tốt sứ mệnh kết nối.
5. Các MXH phổ biến nhất hiện nay
Có không ít trang mạng xã hội đã bị “khai tử”, song cũng có không ít những ứng dụng đang vươn lên, đứng top đầu trên bảng xếp hạng phổ biến với lượng người dùng khổng lồ. Dưới đây là Top 10 MXH phổ biến nhất năm 2022 (Số liệu được thống kê bởi trang Statista, tính đến tháng 1/2022).
#1. Facebook – 2,91 tỷ người dùng
Facebook được sáng lập bởi Mark Zuckerberg và một vài người bạn của ông. Năm 2004, facebook chính thức ra mắt người dùng; hiện mạng xã hội này đang thuộc sở hữu của Meta Platforms.
Không chỉ là mạng xã hội đơn thuần, Facebook còn được xem là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, sánh cùng với Apple, Google và Amazon.
#2. YouTube – 2,56 tỷ người dùng
Đứng sau “ông lớn” Facebook về lượng người dùng là Youtube. Nền tảng chia sẻ video trực tuyến này được thành lập vào năm 2005, bởi Steve Chen, Jawed Karim và Chad Hurley (Cả 3 ông đều là nhân viên cũ của PayPal). Năm 2006, Youtube được Google mua lại với giá 1,65 tỷ USD.
#3. WhatsApp – 2 tỷ người dùng
Top 3 mạng xã hội phổ biến nhất thế giới đều đến từ Mỹ. WhatsApp được sáng lập bởi Jan Koum và Brian Acton. Năm 2014, phần mềm tin nhắn miễn phí này được Facebook mua lại với mức giá 19 tỷ USD, hiện tại nó đang thuộc quyền sở hữu của Meta Platforms.
Tham khảo ngay: WhatsApp Là Gì? Của Nước Nào? Có An Toàn Không? Cách Sử Dụng WhatsApp
#4. Instagram – 1,47 tỷ người dùng
Mạng xã hội này được sáng lập bởi Kevin Systrom và Mike Krieger, với tính năng nổi bật à cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh, video. Tháng 4/2012 Instagram được “ông lớn” Facebook mua lại với giá khoảng 1 tỷ đô.
#5. WeChat – 1,26 tỷ người dùng
Xếp vị trí thứ 5 là WeChat. Ứng dụng được phát triển bởi Tencent, phát hành lần đầu vào năm 2011. Đây là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Trung Quốc và Bhutan.
#6. TikTok – 1 tỷ người dùng
Dù sinh sau đẻ muộn so với các Social Network đình đám trên (phát hành năm 2017), song TikTok nhanh chóng thu hút người dùng, nhất là giới trẻ nhờ sở hữu nhiều tính năng thú vị. Ngày 6/8/2020, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump đã ký lệnh cấm các giao dịch của Mỹ với TikTok và WeChat.
>>> Tìm hiểu ngay: TikTok Là Gì? TikToker Là Gì? TikTok Của Nước Nào? Được Ra Đời Năm Nào?
#7. Facebook Messenger – 988 triệu người dùng
Tất cả những người dùng Facebook đều quá quen thuộc với Facebook Messenger – ứng dụng nhắn tin tức thời. ứng dụng này do Meta phát triển, thuộc sở hữu của Meta Platforms.
#8. Douyin – 600 triệu người dùng
Đây là một phiên bản khác của TikTok nhưng có lượng người dùng hạn chế hơn. Nền tảng giáo dục trực tuyến và mạng xã hội này phổ biến ở Trung Quốc, do công ty ByteDance sở hữu.
#9. QQ – 574 triệu người dùng
Tencent QQ – ứng dụng nhắn tin tức thời quen thuộc với hầu hết giới trẻ Trung Quốc, được phát hành bởi Tencent, phát hành lần đầu vào năm 1999. Ngoài nhắn tin và gọi, Tencent QQ còn cho phép người dùng nghe nhạc, chơi game, mua sắm… trực tuyến.
#10. Sina Weibo – 573 triệu người dùng
Sina Weibo là mạng xã hội dạng tiểu Blog của Trung Quốc, được tập đoàn Sina công bố lần đầu vào ngày 14/8/2009.
Ngoài Top 10 mạng xã hội trên, chúng ta còn có Kuaishou, Snapchat, Telegram, Pinterest, Twitter, Reddit… với số lượng người dùng thấp hơn. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là: Facebook, Youtube, Zalo, TikTok, Telegram, Pinterest, Instagram…
Từ góc nhìn của những người sáng lập ra ứng dụng, có thể thấy MXH mang đến rất nhiều lợi ích, cho cả công ty sở hữu lẫn người dùng. Nó giống như quan hệ cung – cầu, tạo ra các giá trị thiết thực cho đời sống.
Tuy nhiên, sự phát triển của Social Network cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mà ở đó người dùng đóng vai trò trung tâm. Hiện chưa có bất kỳ giải pháp nào ngăn chặn hoàn toàn được những tác động tiêu cực mà mạng xã hội mang đến, cách tốt nhất là mỗi người dùng hãy làm chủ mọi hoạt động và thông thái hơn trong việc chắt lọc nội dung.
3.7/5 – (3 bình chọn)