Mạng xã hội là gì? Dùng mạng xã hội có phải xin giấy phép không?

Hiện nay, khi công nghệ, kỹ thuật ngày càng phát triển, số người biết đến và sử dụng mạng xã hội ngày một nhiều. Tuy nhiên, có lẽ nhiều người vẫn không thật sự hiểu rõ mạng xã hội là gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết về vấn đề này.

6.4 Bêu ảnh người khác để đòi nợ trên mạng xã hội

6.2 Làm nhục, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội

1. Khái niệm mạng xã hội là gì?

Khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP nêu rõ:

Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Theo định nghĩa này, mạng xã hội còn được gọi là social network và có thể hiểu một cách đơn giản đây là hệ thống (mạng lưới) giúp con người kết nối với những người khác. Thông qua mạng xã hội, mọi người có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, âm thanh… tìm kiếm bạn bè, kết nối với những người khác…

Hiện nay, tất cả mọi người đều có thể dễ dàng truy cập vào mạng xã hội bất kỳ thông qua điện thoại, máy tính, máy tính bảng… Tuy nhiên, để sử dụng được (đăng bài, kết nối với người khác…), người dùng phải tạo một tài khoản bằng số điện thoại, email… (tuỳ từng loại mạng xã hội yêu cầu thế nào).

2. Top 5 mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay

Dựa trên định nghĩa mạng xã hội là gì ở trên, hiện nay, tại Việt Nam phổ biến có các mạng gồm: Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, Youtube…

2.1 Facebook

Hiện Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Mạng xã hội này có lượng người dùng khủng, được phát hành miễn phí, sử dụng được trên nhiều nền tảng, thiết bị (điện thoại, máy tính bảng, ứng dụng, máy tính…), tạo tài khoản và đăng nhập bằng cả email, số điện thoại khiến nó càng dễ dàng tiếp cận người dùng.

Cũng như các mạng xã hội khác, facebook là mạng xã hội giúp mọi người liên kết với nhau, chia sẻ hình ảnh…

Thông qua Facebook, người dùng có thể:

– Cập nhật, chia sẻ hình ảnh, video, trạng thái hoạt động của mình. Trong từng bài viết, người dùng cũng hoàn toàn có thể tuỳ chỉnh đối tượng được tiếp cận, giới hạn số người được xem, không chia sẻ bài đăng với bất kì ai…

– Tham gia các nhóm từ công khai đến kín. Trong đó, một nhóm người cùng chung sở thích có thể chia sẻ với nhau về những hình ảnh, video, bài đăng… cho các thành viên khác về nhà cửa, trang phục, nghệ sĩ…

– Bên cạnh đăng bài thì người dùng còn có thể tạo và xem những video được người khác đăng tải trên trang cá nhân hoặc hội nhóm của người khác trong mục “Watch” của Facebook…

Đặc biệt, khi thấy một bài viết, video, hình ảnh… của người khác, người dùng có thể dễ dàng thể hiện cảm xúc yêu thích, phẫn nộ… cho người đăng biết.

2.2 Zalo

Không giống Facebook là ứng dụng của nước ngoài, Zalo được phát hành bởi nhà phát hành trong nước là VNG Corporation. Trong đó, Zalo có các ứng dụng chính gồm: Gửi file dung lượng cao, không giới hạn; chat (cá nhân và nhóm); tích hợp luôn cả mạng xã hội; tích hợp mua sắm online; nạp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn…

So với Facebook phải tải thêm phần mềm chat riêng là Message thì Zalo tích hợp đồng thời cả chat, gọi điện thoại, video và mạng xã hội, mua sắm… trên cùng một phần mềm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng cũng như không tốn quá nhiều dung lượng nếu điện thoại có bộ nhớ hạn chế.

2.3 Instagram

Instragram là một mạng xã hội hoàn toàn khác với hai mạng xã hội trên. Đây là mạng xã hội chuyên được sử dụng để chia sẻ ảnh và tạo những tin video ngắn, lưu trữ những hình ảnh, video đẹp của mình và bạn bè.

Ngoài ra, ứng dụng này còn có nhiều công cụ, hiệu ứng tạo ảnh, chỉnh sửa ảnh đẹp, được giới trẻ rất ưa chuộng. Ứng dụng này cũng tích hợp ứng dụng nhắn tin, comment trong từng ảnh, video được chia sẻ, giúp bạn bè có thể giao lưu, kết nối với nhau.

Và đặc biệt, Instagram có tính năng bảo mật là chỉ những tài khoản theo dõi mới có thể thấy được ảnh, video được người dùng khác chia sẻ mà không phải mọi tài khoản đều có thể công khai.

2.4 Youtube

Mạng xã hội Youtube là một trong các sản phẩm của Google, là mạng xã hội chuyên dùng để chia sẻ các video. Tại đây, người dùng có thể đăng tải nhiều video với các dung lượng khác nhau.

Thông qua Youtube, người dùng có thể tìm kiếm nhiều video ở nhiều mảng khác nhau: Phim ảnh, ẩm thực, trend… Hiện, Youtube là mạng xã hội phổ biến trên toàn thế giới.

Đặc biệt, người dùng đăng tải video trên Youtube có thể bật kiếm tiền từ các quảng cảo trên trang Youtube và các video của Youtube.

2.5 Tiktok

Đây là mạng xã hội còn khá “non trẻ” so với các mạng xã hội nêu trên. Tuy ra đời sau nhưng Tiktok lại có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ bởi người dùng dễ dàng tạo tài khoản bằng số điện thoại hoặc email, mã QR hoặc bằng liên kết với các mạng xã hội khác như Facebook, Twitter, Line, KakaoTalk, Instagram…

Khi sử dụng Tiktok, người dùng sẽ dễ dàng tạo ra những video ngắn với kho nhạc free khổng lồ cùng với hiệu ứng cực đẹp và dán nhãn (sticker) phong phú, đa dạng kết hợp với nhiều bộ lọc màu đẹp.

Nếu muốn tìm hiểu thêm về mạng xã hội là gì và các mạng xã hội khác, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được chuyên gia của LuatVietnam hỗ trợ.

mang xa hoi la gi

3. Tác động của mạng xã hội đến đời sống

Do mạng xã hội ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ nên có nhiều tác động đến đời sống xã hội đặc biệt với đối tượng giới trẻ hiện nay. Trong đó, mạng xã hội mang đến cả tác động tiêu cực và tác động tích cực. Vậy cụ thể tác động của mạng xã hội là gì?

3.1 Tác động tiêu cực

Do là mạng xã hội chỉ thực hiện trên môi trường mạng, không có sự giao tiếp hằng ngày trực tiếp giữa người với người nên chính việc sử dụng nhiều mạng xã hội sẽ làm giảm tương tác giữa người với người, dễ dẫn đến tình trạng cô đơn, tình cảm đổ vỡ.

Đồng thời, những yêu thích, bình luận… ảo trên mạng đang ngày càng khiến nhiều người cố theo đuổi những thứ không thực tế đó. Khi có một tác động tiêu cực thì dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm, có xu hướng bạo lực mạng.

Việc “lướt” mạng xã hội liên tục, thường xuyên còn có thể làm mất ngủ hoặc một số bệnh về mắt khác.

Nghiêm trọng hơn, việc yêu thích sử dụng mạng xã hội có thể dẫn đến tình trạng nghiện mạng xã hội – đặt mạng xã hội lên trên mọi mối quan hệ ngoài đời thực, để mạng xã hội can thiệp quá sâu vào cuộc sống hàng ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến việc làm, học tập của một người.

Đặc biệt, vì sự phát triển của mạng xã hội, hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để kích động bạo lực, đưa thông tin sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… diễn ra khá phổ biến, gây hoang mang cho dư luận, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, trật tự.

3.2 Tác động tích cực

Bên cạnh những tác động tiêu cực thì không thể phủ nhận, mạng xã hội mang lại nhiều tác động tích cực như tạo nên sự kết nối, chia sẻ các thông tin hữu ích, nâng cao kỹ năng sống…

Mục đích của mạng xã hội là xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giao lưu giữa người với người nên thông qua mạng xã hội sẽ thúc đẩy, mở rộng các mối quan hệ, sự tương tác với nhau.

Ngoài ra, thông tin trên mạng xã hội cũng được cập nhật nhanh chóng. Do đó, người dùng sẽ được tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, người dùng phải biết chọn lọc thông tin chính thống, tin cậy…

4. Điều kiện và thủ tục thiết lập mạng xã hội

Theo khoản 4 Điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP:

4. Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội.

Như vậy, khi thiết lập mạng xã hội bất kỳ, tổ chức, doanh nghiệp phải xin giấy phép thiết lập mạng xã hội. Thủ tục thiết lập mạng xã hội là gì sẽ được trình bày cụ thể dưới đây:

4.1 Điều kiện

Về điều kiện thiết lập mạng xã hội, điểm a khoản 7 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP nêu rõ gồm:

– Được thành lập doanh nghiệp đúng quy định; có chức năng, nhiệm vụ và ngành nghề đăng ký phù hợp với dịch vụ, nội dung thông tin cung cấp đã đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– Có ít nhất 01 người lao động quản lý nội dung là người Việt Nam hoặc người nước ngoài nhưng phải có thẻ tạm trú còn hạn ít nhất 06 tháng tại Việt Nam kể từ khi nộp hồ sơ; có bộ phận quản lý nội dung thông tin; Có ít nhất 01 người quản lý nội dung và 01 người quản lý kỹ thuật.

– Đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập mạng xã hội: Có ít nhất 01 tên miền .vn, lưu thông tin trên hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam; mạng xã hội của cùng một doanh nghiệp không được dùng tên miền có dãy ký tự giống nhau…

– Đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật: Các tohong tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ ip ít nhất 02 năm; các thông tin của thành viên (họ tên, ngày tháng năm sinh, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, số điện thoại…) phải đăng ký, lưu trữ; phải thực hiện xác thực người dùng thông qua tin nhắn điện thoại, email…

– Đáp ứng điều kiện về quản lý nội dung thông tin: Có quy định về việc xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, kiểm soát nguồn tin, đảm bảo chính xác, có cơ chế loại bỏ những nội dung vi phạm sau 03 giờ kể từ khi được yêu cầu hoặc khi tự phát hiện…

4.2 Thủ tục

Để được cấp phép thiết lập mạng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện theo thủ tục sau đây:

Chuẩn bị hồ sơ

– Đơn đề nghị cấp phép.

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, quyết định thành lập, điều lệ hoạt động (bản sao cấp từ sổ gốc/bản sao chứng thực/bản sao đối chiếu từ bản gốc).

– Đề án hoạt động có chữ ký, dấu của người đứng đầu gồm: Loại hình dịch vụ, phạm vi, lĩnh vực, phương án nhân sự, địa điểm đặt máy chủ tại Việt Nam…

– Thoả thuận cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng xã hội: Nội dung cấm trao đổi, chia sẻ trên mạng xã hội; quyền, trách nhiệm của người dùng và tổ chức thiết lập; cơ chế xử lý thành viên vi phạm thoả thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội…

Cơ quan có thẩm quyền

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Quy trình thực hiện

Bước 1: Gửi hồ sơ trực tiếp, qua đường bưu điện, qua mạng đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bước 2: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép trong thời hạn không quá 30 ngày. Nếu từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Để thực hiện hoặc có các vấn đề khác liên quan đến thủ tục này, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

mang xa hoi la gi

5. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Để việc sử dụng mạng xã hội được thực hiện một cách văn minh, lành mạnh, ngày ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Quyết định 874/QĐ-BTTTT về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Theo đó, Bộ Quy tắc này được áp dụng với nhiều đối tượng, cụ thể:

5.1 Áp dụng chung với mọi đối tượng

Căn cứ Điều 4 Quyết định 874, mọi cá nhân, tổ chức cần phải:

– Trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội, cần tìm hiểu, tuân thủ các điều khoản hướng dẫn.

– Nên dùng tên, họ thật để đăng ký tài khoản.

– Tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội. Nếu bị giả mạo, mất quyền kiểm soát… thì phải báo ngay tới cơ quan chức năng.

– Chia sẻ thông tin chính thống, tin cậy.

– Không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

– Không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; tung tin giả mạo, sai sự thật, quảng cáo trái phép…

– Khuyến kích tuyên truyền, quảng bá đất nước, con người, văn hoá tốt đẹp thông qua mạng xã hội…

5.2 Đối với cán bộ, công chức, viên chức

Riêng với cán bộ, công chức, viên chức, cần phải thực hiện theo Bộ Quy tắc nêu tại Điều 5 Quyết định này:

– Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội.

– Thực hiện theo các quy tắc ứng xử nêu trên.

– Thông báo kịp thời khi có ý kiến, thông tin trái chiều…

5.3 Đối với cơ quan Nhà nước

Căn cứ Điều 6 Quyết định này, cơ quan Nhà nước phải:

– Thực hiện các quy định áp dụng với tổ chức, cá nhân nêu trên.

– Quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội.

– Cung cấp thông tin một cách đồng bộ, thống nhất với các thông tin khác trên các phương tiện truyền thông chính thống khác.

– Có phản hồi với ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến cơ quan mình.

mang xa hoi la gi

6. Điểm danh 5 vi phạm thường gặp trên mạng xã hội và mức phạt

Bên cạnh việc tìm hiểu mạng xã hội là gì thì vấn đề mà người đọc quan tâm nhất liên quan đến mạng xã hội là những vi phạm thường gặp và mức phạt kèm theo. Có thể điểm mặt một số hành vi như sau:

6.1 Đăng video độc hại lên mạng xã hội

Những video được đăng tải trên mạng xã hội với nội dung vi phạm chính sách cộng đồng của các mạng xã hội như về việc bạo lực, đồi truỵ, mại dâm, vu khống người khác… được xem là video có nội dung “xấu”, mang đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Nó có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tình cảm, sức khoẻ của người dùng đặc biệt là với trẻ vị thành niên.

Căn cứ khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu cung cấp, chia sẻ thông tin:

– Cổ suý hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô;

– Miêu tả hành động chém, giết, kinh dị, rùng rợn…

Xem thêm: Đăng video “độc hại” lên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

6.2 Làm nhục, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội

Không chỉ sử dụng mạng xã hội để đăng video độc hại mà nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để giả mạo thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm vu khống, xúc phạm, làm nhục, bôi nhọ người khác.

Theo đó, khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Như vậy, theo quy định này, nếu lợi dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng.

Xem thêm: Bị người khác xúc phạm danh dự, tố cáo thế nào?

6.3 Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội

Đây là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến, diễn ra thời gian gần đây. Theo đó, các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự cả tin, nhẹ dạ của người dùng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hàng ngày, tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam nhận được rất nhiều cuộc gọi nhờ giúp đỡ, tư vấn về việc bị lừa đảo qua mạng. Hình thức lừa đảo của các đối tượng này rất tinh vi. Trong đó, có thể kể đến:

– Chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội và nhắn tin vay tiền, nhờ chuyển tiền.

– Nhắn tin nạn nhân trúng giải thưởng lớn, yêu cầu phải chuyển tiền để nhận tiền thưởng.

– Đăng tin tuyển dụng, tin tìm kiếm cộng tác viên bán hàng online, mua đơn hàng của các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shoppe, Tiki… để nhận hoa hồng…

Xem thêm: Điểm danh 8 chiêu trò lừa đảo qua mạng cần cảnh giác 

Theo đó, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144 năm 2021, khi một người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà chưa đến mức bị truy cứu hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng.

Nếu phạm tội đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì người này có thể bị phạt tù đến mức chung thân theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xem thêm: Lừa đảo qua mạng: Tố cáo ở đâu? Số điện thoại báo lừa đảo?

mang xa hoi la gi

6.4 Bêu ảnh người khác để đòi nợ trên mạng xã hội

Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Do đó, chỉ khi được người đó đồng ý, người khác mới có quyền sử dụng. Bởi vậy, nếu không được sự cho phép của người đó mà tự ý đăng ảnh lên mạng xã hội như Facebook, Zalo… để đòi nợ thì có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

– Bị phạt hành chính: 05 – 10 triệu đồng theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

– Chịu trách nhiệm hình sự: Bị phạt tù đến 05 năm tù theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về Tội làm nhục người khác.

Xem thêm: Bị bêu ảnh trên Facebook để đòi nợ, nạn nhân phải làm sao?

6.5 Quay trộm người khác đăng lên mạng xã hội

Hiện nhiều mạng xã hội cho phép đăng video như Facebook, Zalo, Instagram… hoặc chỉ hỗ trợ các định dạng video như Youtube, Tiktok… Do đó, nhiều người lợi dụng sơ hở của người khác, quay lén người khác và đăng lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo Điều 32 Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Do đó, khi sử dụng hình ảnh của người khác dưới dạng hình ảnh hay video đều phải được sự cho phép của người đó.

Nếu vi phạm, người vi phạm có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15 năm 2020 hoặc nặng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đến 05 năm tù về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự hoặc 07 năm tù về Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự…

Xem thêm: Quay trộm người khác đăng lên Youtube, Tiktok có bị phạt?

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Mạng xã hội là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.