Mang thai tuần 38: Cột mốc đặt biệt khi thai nhi đã vừa đủ tháng – YouMed

Và rồi thai phụ cũng đã đến thời điểm mang thai tuần 38. Lúc này đây, em bé trong bụng đã đủ tháng và sẵn sàng ra đời. Theo các bác sĩ chuyên khoa, em bé được sinh trong tuần thai từ 38 đến 42 là đủ tháng. Vì vậy, trong suốt tuần lễ này, mẹ bầu nên chú ý đến thai kỳ nhiều hơn. Thế thì những vấn đề cần chú ý là gì? Em bé có gì thay đổi đáng kể hay không? Hãy cùng YouMed đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

Mang thai tuần 38 là cột mốc như thế nào?

Mang thai tuần 38 là một trong những cột mốc đáng nhớ trong suốt quá trình mang thai của mẹ bầu. Trong tuần lễ này, em bé của bạn rất có thể sẽ “muốn đi ra ngoài bụng mẹ” để tìm hiểu thế giới xung quanh. Bé đã vừa đủ tháng và sẵn sàng tồn tại độc lập với cơ thể người mẹ.

Mang thai 38 tuần đã sinh được chưa? Mặc dù em bé gần đến phút chào đời nhưng bé vẫn tận dụng tối đa mỗi ngày trong bụng mẹ để tiếp tục phát triển. Cụ thể, trong vài tuần cuối cùng của thai kỳ, bộ não của bé vẫn tiếp tục phát triển. Trên thực tế, não của bé có thể phát triển đến 30% kích thước từ tuần 35 đến tuần thứ 39 của thai kỳ.

Tham khảo thêm bài viết cùng chủ đề: Các xét nghiệm máu khi mang thai mẹ bầu cần biết

Sau khi bé được sinh ra, một vài lần đi tiêu đầu tiên của bé thường có màu xanh. Đó được gọi là phân su. Phân su là loại phân tích tụ trong ruột của bé. Nó là kết quả của quá trình hình thành chất thải bên trong cơ thể bé khi ở trong bụng mẹ.

Theo các số liệu thống kê thực tế, chỉ có khoảng 4% đến 5% thai phụ sẽ sinh vào đúng hoặc cận kề với ngày dự sinh. Chính vì vậy, khi mang thai tuần 38, bạn hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để chào đón sự ra đời của em bé nhé!

Những đặc điểm của thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 38

Khi mẹ bầu mang thai tuần 38, thai nhi có thể nói gần như phát triển hoàn thiện. Tất cả những cơ quan trong cơ thể bé đã sẵn sàng hỗ trợ cho bé tồn tại trong môi trường ngoài. Phổi đã hoàn toàn trưởng thành, và não vẫn tiếp tục phát triển ở một mức độ nhất định.

Tham khảo thêm: Cường giáp thai kỳ: Vấn đề cần được mẹ bầu quan tâm!

Trong trường hợp mẹ bầu mang thai cặp song sinh thì khả năng chuyển dạ trong tuần lễ thứ 38 sẽ càng cao.

Mang thai 38 tuần bé nặng bao nhiêu? Cân nặng và kích thước của em bé trong tuần lễ này vẫn không tăng nhiều so với tuần thứ 37. Trung bình, em bé khi người mẹ mang thai tuần 38 sẽ nặng 2,8 đến 3,2 Kg. Trong khi chiều dài cơ thể sẽ dao động từ 45 đến 46 cm.

Thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 38
Thai nhi khi người mẹ mang thai tuần 38

Bé có kích thước tương đương một quả bí đỏ lớn. Đồng thời, lớp mỡ dưới da của bé tiếp tục được tích thêm để kiểm soát thân nhiệt sau khi ra đời. Những lớp biểu bì bên ngoài sẽ rụng dần. Thay vào đó là những lớp da mới. Da của bé có thể có màu đỏ hoặc hơi tía khi mới sinh ra.

Xem thêm bài viết: Đau xương chậu khi mang thai: Cách giảm đau an toàn cho mẹ

Sau cùng, vào cuối tuần này, em bé của bạn có nhiều chỗ để thư giãn hơn. Nguyên nhân chính là vì bé di chuyển xuống vùng chậu nên sẽ có không gian rộng rãi hơn. Khi ấy, bất kỳ chỗ nào lồi lõm trên bụng người mẹ chính là những động tác cử động của em bé.

Thay đổi của mẹ bầu khi mang thai 38 tuần

Mang thai tuần 38 nên làm gì? So với tuần thứ 37, mẹ bầu mang thai tuần thứ 38 vẫn không có gì thay đổi đáng kể. Lúc này, khi đi khám thai, các bác sĩ sẽ chú ý đến những đặc điểm sau đây:

  • Huyết áp, nhịp tim.
  • Đường huyết.
  • Xét nghiệm protein trong nước tiểu.

Mục đích là để tầm soát nguy cơ có thể xuất hiện ở mẹ bầu. Chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ… Từ đó, các bác sĩ sẽ có hướng xử trí phù hợp để đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và em bé khi chào đời.

Trong suốt tuần lễ này, mẹ bầu nên chú ý các dấu hiệu của sự khởi phát chuyển dạ. Mục đích để đi đến cơ sở y tế kịp thời. Vú của thai phụ sẽ to hơn và sẵn sàng cho chức năng tiết sữa.

Những triệu chứng xuất hiện ở mẹ bầu

Khi mang thai tuần 38, mẹ bầu có thể xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Cơn co Braxton-Hicks xuất hiện ngày càng nhiều hơn và thường xuyên hơn.
  • Mệt mỏi và khó ngủ.
  • Cảm giác mắc tiểu thường xuyên.
  • Vết rạn da vùng bụng.
  • Sưng và chảy máu nướu răng.
  • Đau đầu, đau lưng.
  • Khó tiêu, ợ nóng.
  • Chóng mặt, xây xẩm.
  • Rò rỉ một ít dịch từ âm đạo, đôi khi có lẫn máu.
  • Da nhờn, đốm.
  • Có thể bị nhiễm trùng âm đạo, nhiễm trùng tiểu. Biểu hiện bằng tiểu rắt, tiểu đau, sốt, ngứa cơ quan sinh dục…

Đau thắt lưng khi mang thai
Đau thắt lưng khi mang thai

Những vấn đề cần xem xét khi mang thai 38 tuần

Trong suốt tuần lễ mang thai thứ 38, mẹ bầu cần xem xét những vấn đề sau đây:

  • Lựa chọn nơi sinh.
  • Chuẩn bị những giấy tờ cần thiết cho quá trình sinh nở. Chẳng hạn như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế…
  • Suy nghĩ tên để đặt cho em bé.
  • Liên hệ những người hỗ trợ khi bạn sinh em bé. Chẳng hạn như chồng, bố mẹ, dì, cậu, mợ…
  • Chuẩn bị chi phí cho việc sinh nở. Bao gồm một phần tiền mặt và thẻ ATM.
  • Mua sắm những vật dụng cần thiết cho bản thân và cho em bé mới sinh.
  • Bàn với bác sĩ chuyên khoa về cách sinh em bé. Có thể là sinh thường, sinh mổ, sinh không đau.
  • Tìm hiểu những phương pháp giảm đau sau sinh, các thuốc giảm đau an toàn sau khi sinh em bé.

Giấy tờ cần thiết khi sinh nở
Giấy tờ cần thiết khi sinh nở

Khi nào cần đến gặp bác sĩ ngay?

Trong suốt thời gian mang thai tuần 38, mẹ bầu nên chú ý một số triệu chứng cấp tính sau đây. Khi xuất hiện những triệu chứng này thì phải đến gặp bác sĩ nhanh nhất có thể:

  • Xuất huyết âm đạo lượng từ trung bình đến nhiều (nghi ngờ nhau tiền đạo).
  • Ra nhớt hồng âm đạo.
  • Thai nhi giảm hẳn cử động.
  • Tim thai suy giảm rõ rệt.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Chảy nước ối lượng trung bình đến nhiều (có thể vỡ ối sớm hoặc vỡ ối non).

Lời khuyên của các chuyên gia

Để có một tuần lễ mang thai an toàn, sẵn sàng chờ đón giây phút em bé chào đời, các chuyên gia khuyên mẹ bầu nên:

  • Hạn chế đi xa, đi du lịch vì quá trình chuyển dạ có thể khởi phát bất kỳ lúc nào.
  • Chuẩn bị sẵn sàng những vật dụng cần thiết khi sinh để khỏi phải bối rối nếu chuyển dạ bất ngờ.
  • Đi dạo xung quanh để tinh thần thoải mái, không lo lắng.
  • Duy trì các bài tập thể dục nhẹ hàng ngày. Tham khảo thêm: Lợi ích của việc tập thể dục khi mang thai.
  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia, cà phê.
  • Hạn chế thức khuya. Cố gắng duy trì thời gian ngủ từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày.
  • Nhắc nhở người chồng nên dành thời gian gần bạn nhiều hơn. Đồng thời có thể đưa bạn đến cơ sở y tế kịp thời nếu khởi phát chuyển dạ.

Hạn chế thức khuya khi mang thai
Hạn chế thức khuya khi mang thai

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu mang thai tuần 38

Khi mang thai 38 tuần, mẹ bầu vẫn nên duy trì chế độ dinh dưỡng đa dạng các chất. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng đầy bụng khó tiêu, mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Thay vì phải ăn vài bữa chính với số lượng thức ăn nhiều. Như thế sẽ giúp cho quá trình tiêu hóa được thuận lợi hơn.

Một chế độ ăn đầy đủ chất đạm, chất đường bột, chất béo sẽ cung cấp năng lượng cần thiết hàng ngày cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, thai phụ cũng nên bổ sung thêm chất xơ để phòng tránh táo bón. Chẳng hạn như rau cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, mướp, khổ qua, bí đao,…

Rau xanh nên ăn khi mang thaiRau xanh nên ăn khi mang thai

Bổ sung thêm trái cây hoặc nước ép trái cây để cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể mình và cho cả em bé. Một số trái cây điển hình như: Đào, lê, nho, mận, táo, quýt, kiwi,…

Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về đặc điểm mang thai tuần 38. Từ đó, các thai phụ sẽ chuẩn bị chu đáo về vật chất và tinh thần. Mục đích là để sẵn sàng chào đón sự ra đời của em bé trong niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất!