Mang thai 3 tháng đầu bị cúm có nguy hiểm không?
3 021 đã xem
Bị cúm khi mang thai là một trong những lo lắng phổ biến của các mẹ bầu, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Bởi, virus gây cảm cúm có thể khiến thai nhi bị dị tật, hoặc gây co bóp tử cung của mẹ dẫn tới nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
Mẹ bầu đã biết đầy đủ về cúm chưa?
Cúm là một trong số các bệnh truyền nhiễm cấp tính, có triệu chứng điển hình là: mệt mỏi, nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi, sốt (có thể có). Bệnh cúm do virus gây ra hiện chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có thể dùng văc-xin phòng ngừa, và dùng thuốc điều trị theo triệu chứng. Bệnh xảy ra rất phổ biến, có tốc độ lây lan nhanh.
Ngoài virus gây cảm cúm thông thường kể trên, còn có nhiều loại virus cúm nguy hiểm khác, có thể kể tới như H5N1, H1N1, H7N9, Rubella,… Khi nhiễm phải những virus này, người bệnh cũng gặp phải những triệu chứng tương tự cúm thường. Bởi vậy, nhiều người không nhận biết được đúng tình trạng, dẫn tới chủ quan, tự điều trị tại nhà và có thể dẫn tới những hậu quả không lường trước.
Nhóm bệnh này thường lây truyền trong các loại gia cầm với nhau, tuy nhiên biến thể của chúng có khả năng lây sang người rồi nhiễm từ người sang người theo đường hô hấp, qua đường giọt bắn hoặc dịch mũi, tiếp xúc chung với đồ vật có chứa virus, từ bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng,…
Ngoài các loại virus kể trên, còn có virus corona, loại virus đã gây ra biết bao nhiêu thiệt hại về người, thảm họa đại dịch covid trong thời gian qua.
Các loại virus này nguy hiểm hơn bệnh cúm thông thường. Chúng làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm chức năng hô hấp, gây viêm phổi và có thể dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân bà bầu bị cảm cúm trong 3 tháng đầu
Một số nguyên nhân dưới đây có thể khiến mẹ bầu bị cảm cúm trong 3 tháng đầu mang thai:
- Ở tam cá nguyệt đầu tiên, thai nhi đang trong quá trình hình thành và phát triển các cơ quan bộ phận quan trọng. Cơ thể mẹ có nhiều thay đổi để thích nghi với việc mang bầu. Điều này dẫn tới cơ thể mẹ trở nên nhạy cảm ơn với các tác nhân gây bệnh, bao gồm bệnh cúm.
- Thay đổi thời tiết cũng có thể là yếu tố gây bệnh. Môi trường ô nhiễm, khói bụi, thời tiết khắc nghiệt như lạnh, mưa,… cũng tạo điều kiện cho virus tấn công.
- Lây nhiễm chéo từ người từng tiếp xúc.
Việc nhận biết được nguyên nhân gây cúm sẽ giúp cho việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả và nhanh hơn.
Mẹ bầu bị cúm 3 tháng đầu có sao không?
Bà bầu bị cảm cúm trong 3 tháng mang thai rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nguy cơ với mẹ:
Cơ thể phụ nữ khi mang thai thường dễ nhạy cảm, hệ thống miễn dịch cũng suy giảm hơn so với người bình thường. Do vậy, nếu bị cúm khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ có thể gặp phải những nguy cơ sau:
- Mệt mỏi, nóng rát cổ họng, rối loạn trao đổi chất
- Chuyển dạ sinh non (chuyển dạ thường diễn ra trước tuần 37 của thai kỳ)
- Trường hợp bị nhiễm trùng/viêm phổi có thể tăng nguy cơ tử vong
- Tăng khả năng gặp biến chứng nghiêm trọng hơn những người bình thường
Tác hại với thai nhi:
Chị em mang thai bị cúm thì virus sẽ đi từ người mẹ qua nhau thai và xâm nhập vào cơ thể thai nhi. Chúng làm rối loạn sự sắp xếp của cấu trúc cơ thể, rối loạn nhiễm sắc thể của thai nhi trong những tháng đầu.
Theo nghiên cứu của CDC (năm 2017) phân tích dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Phòng ngừa dị tật bẩm sinh quốc gia Hoa Kỳ (NBDPS) trên 17162 trường hợp, cho thấy các trường hợp mẹ bầu bị cảm cúm có sốt gây dị tật ở thai nhi. Đó có thể là:
- Thai vô sọ
- Nứt đốt sống
- Thoát vị não
- Hẹp đại tràng
- Sứt môi, hở hàm ếch
- Đau dạ dày
- Khuyết tật giảm chi
(*) Đối với các trường hợp mẹ bầu bị cảm cúm nhưng không bị sốt, không liên quan đến bất kỳ dị tật bẩm sinh nào được nghiên cứu.
➤ Tham khảo thêm: Bổ sung acid folic ngăn ngừa dị tật thai nhi
Một số chủng virus cúm có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, đục thuỷ tinh thể, sinh non hoặc thai chết lưu.
Bà bầu bị cúm không nên chủ quan trước tình trạng bệnh. Mẹ bầu nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kê đơn thuốc và các biện pháp chăm sóc thai kỳ thích hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống. Thuốc điều trị cảm cúm cũng gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của bào thai. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh như: dị dạng đầu nhỏ, tim bẩm sinh, bệnh sứt môi, não tụ huyết và thai vô sọ.
Mặc dù vậy, nếu không may bị cúm trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng mà dẫn tới những tác động xấu cho tinh thần, sức khỏe, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị đúng cách và đi khám thai đều đặn, theo dõi sự phát triển, kịp thời phát hiện những bất thường của thai thông qua siêu âm.
Dấu hiệu nhận biết cúm ở bà bầu trong 3 tháng đầu
Dấu hiệu nhận biết mẹ bầu đang bị cảm cúm:
- Mệt mỏi
- Nghẹt mũi, sổ mũi
- Ớn lạnh
- Đau đầu
- Đau mỏi cơ
- Ho khan
- Viêm họng
- Nôn mửa, tiêu chảy
- Sốt (có thể có với tùy trường hợp)
Các biểu hiện của cảm cúm thường diễn ra nhanh chóng và có thể nghiêm trọng. Chúng có xu hướng kéo dài hơn 1 tuần. Mẹ bầu có thể mắc cúm quanh năm, nhưng phổ biến hơn vào mùa lạnh. Khi nhận thấy cơ thể có những thay đổi tiêu cực và lo lắng bị cúm, mẹ bầu nên sớm đi khám và nhận kiểm tra, tư vấn, điều trị từ bác sĩ.
Cần làm gì khi bị cúm trong 3 tháng đầu mang thai
Khi bị cúm trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu cần chú ý:
Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc
Việc sử dụng thuốc nói chung và thuốc trị cúm nói riêng cho bà bầu khó khăn hơn nhiều so với những người bình thường bởi một số loại thuốc có thể gây hại cho thai nhi. Vì vậy, khi bị cúm điều cần lưu ý quan trọng là mẹ bầu không được tự ý dùng thuốc mà phải đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc an toàn, hiệu quả.
Thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn đúng
Cúm do nhiều nguyên nhân gây nên và ở mỗi người lại có biểu hiện và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Mẹ bầu nên đi khám bác sĩ để biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng
Khi mang thai, cơ thể của mẹ thường nhạy cảm hơn, sức đề kháng cũng suy yếu hơn nên việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, thai nhi trong bụng đang lớn lên từng ngày nên mẹ càng cần phải chú ý đến vấn đề dinh dưỡng để bổ sung đủ dưỡng chất cho cả 2 mẹ con.
Đặc biệt, trong thời gian bị cúm, mẹ bầu chú ý tăng cường bổ sung nhiều trái cây nhất là trái cây họ cam, quýt để nâng cao hệ miễn dịch, chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn tốt hơn.
➤ Tham khảo chi tiết: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu
Tắm nước ấm
Khi bị cúm, mẹ không được tắm nước lạnh vì nó có thể khiến tình trạng cúm trở nên nặng hơn. Thay vào đó, hãy tắm nước ấm vì nó tốt cho cơ thể yếu ớt của mẹ. Ngoài ra, tắm nước ấm cũng giúp việc lưu thông máu tốt hơn, cơ thể đào thải độc tố giúp mẹ nhanh khỏi bệnh hơn.
Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi khoa học
Khi bị cúm, mẹ bầu thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Vì vậy, mẹ hãy tạo cho tinh thần thư giãn, thoải mái, dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để cơ thể hồi phục, có năng lượng để chống lại virus.
Biện pháp phòng ngừa bệnh cúm ở bà bầu
Cúm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn có khả năng gây hại cho thai nhi. Để chủ động bảo vệ sức khỏe của hai mẹ con, mẹ cần có biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh lý:
- Tránh xa các nguồn lây bệnh, không tiếp xúc với người đang mắc bệnh, hạn chế đến nơi đông người, các khu vực ô nhiễm
- Không tiếp xúc với khu vực có gia cầm tươi sống, khu ổ dịch
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, chỗ đông người
- Tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo
- Hạn chế di chuyển khi trời mưa gió
- Không để quạt gió, điều hòa chĩa thẳng vào mũi khi ngủ
- Đi khám ngay khi nhận thấy những dấu hiệu đã nêu
- Ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, lành mạnh
Trên đây là những thông tin procarevn.vn gửi đến bạn cho câu hỏi “Bị cúm khi mang thai 3 tháng đàu có sao không?”. Hy vọng nội dung bài viết này sẽ giúp mẹ bầu có thêm những kiến thức chăm sóc sức khỏe tốt nhất để có một thai kỳ khỏe mạnh, chờ đón ngày con yêu chào đời.