Lý thuyết về vòng đời sản phẩm là gì?
Mục Lục
Học thuật
Lý thuyết về vòng đời sản phẩm là gì?
Lý thuyết về vòng đời sản phẩm (product life theory) là lý thuyết tìm cách lý giải những thay đổi trong xu thế phát triển của thương mại quốc tế theo thời gian. Lý thuyết về vòng đời sản phẩm được xây dựng trên cơ sở một chuỗi các quá trình đổi mới và quảng bá sản phẩm nối tiếp nhau.
Theo lý thuyết này, vòng đời sản phẩm được chia thành 4 giai đoạn.
Trong giai đoạn thứ nhất khi sản phẩm mới được tung ra thị trường, nước tiêu dùng sản phẩm cũng là nước sản xuất vì có mối quan hệ gắn bó giữa đổi mới và nhu cầu. Nước sản xuất ban đầu này – thường là các nước công nghiệp tiên tiến – trở thành nước xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao khác.
Bước sang giai đoạn thứ hai, sản xuất bắt đầu diễn ra ở các nước công nghiệp hàng đầu khác và dần dần thay thế cho hàng xuất khẩu của nước đổi mới sang các thị trường này.
Giai đoạn thứ ba bắt đầu khi nhu cầu của các nước khác về sản phẩm mới đạt tới quy mô cho phép các nhà sản xuất thu được lợi thế của sản xuất quy mô lớn và bản thân họ trở thành các nhà xuất khẩu ròng (tức xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu) sang các nước không sản xuất sản phẩm mới, qua đó thay thế cho hàng xuất khẩu từ nước đổi mới.
Trong giai đoạn cuối cùng, khi công nghệ và sản phẩm ngày càng được tiêu chuẩn hóa và ngay cả những công nhân không được đào tạo cũng có thể sản xuất, các nước đang phát triển có chi phí thấp bắt đầu xuất khẩu sản phẩm này và họ tiếp tục thay thế xuất khẩu của nước đổi mới. Cũng trong giai đoạn này, nước đổi mới dã chuyển sang sản xuất các sản phẩm mới khác.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Raymond Vernon là người đầu tiên đưa ra lý thuyết về vòng đời sản phẩm vào giữa thập kỷ 1960 của thế kỷ trước. Lý thuyết của ông dựa trên những quan sát thực tế là trong suốt thế kỷ XX một tỷ lệ rất lớn các sản phẩm mới của thế giới đã được phát triển bởi các công ty Hoa Kỳ và được tiêu thụ ban đầu tại thị trường Hoa Kỳ (ví dụ như sản xuất ô tô ở quy mô công nghiệp, máy thu hình, máy ảnh chụp lấy ngay, máy photocopy, máy tính cá nhân, và các chíp bán dẫn).
Để giải thích thực tế này, Vernon lập luận rằng sự thịnh vượng và quy mô của thị trường Hoa Kỳ đã mang lại cho các công ty Hoa Kỳ một động lực rất lớn đề phát triển các sản phẩm tiêu dùng mới. Thêm vào đó, chi phí nhân công cao ở Hoa Kỳ cũng khiến cho các công ty Hoa Kỳ có lý do để sáng chế ra các quy trình công nghệ tiết kiệm chi phí sản xuất.
Ưu điểm và nhược điểm của lý thuyết vòng đời sản phẩm
Ưu điểm
Xét về khía cạnh lịch sử, lý thuyết vòng đời sản phẩm dường như là một sự giải thích khá chính xác các mô hình trao đổi trong thương mại quốc tế. Mô hình này khái quát trình tự từ khâu nghiên cứu và phát triển tới khâu sản xuất và tiêu thụ một sản phẩm mới sẽ diễn ra tuần tự từ nước phát triển cao chuyển sang các nước phát triển thấp hơn tới các nước đang phát triển theo xu hướng tìm tới địa điểm có chi phí sản xuất thấp hơn.
Nhược điểm
Tuy nhiên, lý thuyết về vòng đời sản phẩm vẫn có những hạn chế của nó. Xem xét từ quan điểm nhận thức của người Châu Á và người Châu Âu thì lập luận của Vernon dường như là một quan điểm mang tính vị kỷ dân tộc khi cho rằng hầu hết các sản phẩm được phát minh tại Hoa Kỳ. Mặc dù, có thể đúng là trong suốt giai đoạn nền kinh tế Hoa Kỳ chiếm lĩnh vị trí thống trị trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1975, nhưng không phải điều đó là luôn luôn đúng và vẫn luôn luôn tồn tại những trường hợp ngoại lệ. Những ngoại lệ này dường như ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây.
Điều này diễn ra cùng với hoạt động sản xuất phân tán trên toàn cầu, với các bộ phận cấu thành của một sản phẩm mới được sản xuất ở các địa điểm khác nhau trên thế giới mà tại đó có sự kết hợp các chi phí nhân tố và kỹ năng là thuận lợi nhất, sau đó được lắp ráp tại một địa điểm, rồi được phân phối, giới thiệu và tiêu thụ đồng thời tại nhiều thị trường khác nhau thay vì theo tuần tự như lý thuyết của Vernon đề cập.