Lý Thư Phúc là ai? Cuộc đời, sự nghiệp của ông chủ Geely Lý Thư Phúc

“Chế tạo ô tô chẳng có gì là thần bí cả. Chẳng qua chỉ là bốn cái bánh gắn thêm một chiếc vô lăng và một cỗ máy mà thôi”. Đây chính là phát biểu của Chủ tịch Tập đoàn ô tô lớn thứ hai Trung Quốc Lý Thư Phúc.

Lý Thư Phúc là ai? Điều gì đã làm nên thành công trong lĩnh vực “xe bốn bánh” của doanh nhân họ Lý này? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Lý Thư Phúc là ai?

Lý Thư Phúc sinh năm 1963 là một doanh nhân Trung Quốc thành đạt trong ngành sản xuất ô tô. Ông chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn sản xuất ô tô quốc tế Geely – tập đoàn sản xuất ô tô tư nhận lớn thứ hai tại Trung Quốc.

Tập đoàn Geely còn sở hữu hãng xe hơi Thụy Điển Volvo, hãng chế xe Taxi Anh, The London Electric Vehicle Company, gần 50% cổ phần hãng xe hơi Malaysia Proton cũng như 51% hãng xe thể thao Anh Lotus Cars; cổ đông lớn nhất của hãng xe Daimler từ tháng 2/ 2018.

Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, Lý Thư Phúc còn là Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một thành viên của Ủy ban Cố vấn Chính trị cao cấp nhất Trung Quốc.

Tóm tắt tiểu sử

Lý Thư Phúc sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Điều kiện gia đình khó khăn nên Lý Thư Phúc không thể theo đuổi giấc mơ đại học.

Sự nghiệp kinh doanh của Lý Thư Phúc bắt đầu từ một phần thưởng học tập trị giá 2000 nhân dân tệ từ người cha của mình. Ông đã dùng số tiền này để mua một chiếc máy ảnh và mở một tiệm chụp ảnh nhỏ.

Thế nhưng, con đường sự nghiệp của doanh nhân họ Lý sau đó lại rẽ sang một hướng hoàn toàn mới để có được thành công như ngày hôm nay.

Sự nghiệp

– Năm 1984, Lý Thư Phúc đã cùng với một số người bạn góp vốn mở một xưởng nhỏ theo kiểu phân xưởng thủ công, nhận gia công linh kiện cho một số công ty chuyên sản xuất tủ lạnh rồi dần dần là sản xuất tất cả những bộ phận chính trong tủ lạnh. Nhờ việc mời các chuyên gia kĩ thuật ở Thượng Hải cố vẫn những điểm khó nhất trong kĩ thuật chế tạo thiết bị phun hơi trong tủ lạnh, xưởng của Lý Thư Phúc dần trở thành nơi cung ứng phụ kiện tủ lạnh hàng đầu tỉnh Chiết Giang

– Năm 1986, Lý Thư Phúc đi sâu vào ngành sản xuất này với việc thành lập Công ty Hoa Bắc Cực chế tạo tủ lạnh nguyên chiếc. Đang lúc làm ăn thuận lợi thì đến năm 1989, Trung Quốc lại cho thi hành chế độ sản xuất theo quy hoạch đối với mặt hàng tủ lạnh, Hoa Bắc Cực của Lý Thư Phúc thuộc thành phần kinh tế dân doanh nên bị xếp ra ngoài rìa.

Với lần đầu tiên đụng phải lệnh “đèn đỏ” này, Lý Thư Phúc đã phanh gấp xe lại, đóng cửa xưởng sản xuất tủ lạnh và theo đuổi con đường đèn sách tại Đại học Thâm Quyến. Ông đã rất nuối tiếc và rút ra bài học “dễ dàng bỏ cuộc sẽ không bao giờ thành công” khi chứng kiến hai nhãn hiệu tủ lạnh Kelon và Midea thành công rực rỡ.

– Năm 1994, nhận thấy thị hiếu của người Trung Quốc là rất thích mô tô nhập ngoại đắt tiền, Lý Thư Phúc quyết định mở nhà máy sản xuất ô tô nhưng lại vấp phải một trở ngại lớn đó chính là thủ tục hành chính vì thực tế là có rất ít công ty tư nhân nào được Bộ Công nghiệp động cơ cấp phép.

Khi không xin được giấy phép kinh doanh, Lý Thư Phúc quyết định đi đường tắt bằng cách mua lại một nhà máy sản xuất xe gắn máy quốc doanh sản xuất động cơ mô tô 4 thì. Mô tô Geely của ông Phúc từng xuất khẩu đi 22 nước, kể cả những nước sản xuât mô tô lừng danh thế giới như Mỹ, Đức, Ý…

Chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi mua lại nhà máy quốc doanh kia, mô tô Geely của Lý Thư Phúc trở thành thương hiệu mô tô hàng đầu và là công ty mô tô tư nhân lớn hàng thứ tư Trung quốc. Thành công này với “xe hai bánh” chính là động lực to lớn để ông Phúc quyết tâm sản xuất “xe bốn bánh”

3 kĩ sư từng làm việc ở các nhà máy ô tô trong công ty Mô tô Geely là nòng cốt của phòng nghiên cứu và phát triển ô tô. Khi quyết định sản xuất ô tô, không ai nghĩ rằng Lý Thư Phúc sẽ thành công và một chuyên gia về linh kiện ô tô đang công tác trong một nhà máy ô tô Thượng Hải đã từ chối giúp đỡ.

Cuối cùng, FAW, một tập đoàn xe hơi số 1 Trung Quốc đã nhận lời hỗ trợ phòng nghiên cứu và phát triển ô tô của ông Phúc. Khó khăn lớn nhất lúc này vẫn lại là vấn đề thủ tục pháp lí. Giấy phép sản xuất ô tô được kiểm soát chặt chẽ cho nên rất khó xin.

Sau đó, Lý Thư Phúc mua cổ phần một nhà máy ô tô ở Tứ Xuyên đồng thời xây dựng nhà máy Geely đầu tiên ở thành phố Lâm Hải của tỉnh Chiết Giang. Tháng 8/ 1998, kiểu xe nhỏ Haoqing ra đời. Lý Thư Phúc cũng cho xây dựng nhà máy thứ hai ở khu phát triển kinh tế Ninh Ba một năm sau đó.

Ở thời điểm đó, ông Phúc được ít ai ủng hộ về quyết định sản xuất ô tô vì sự cạnh tranh cao, cơ hội thành công gần như là không có. Thế nhưng, đã quyết là làm, ông Phúc cho rằng người Trung Quốc cần xe ô tô giá rẻ mà các hãng lớn thì không sản xuất vì lãi ít. Theo ông, các hãng xe hơi lớn duy trì sản xuất lớn nhưng giá cao nên cũng không bán được nhiều vì đối tượng mua xhir là giới thượng lưu. Đối tượng khách hàng mà ông hướng đến là những người dân có mức thu nhập trung bình vẫn có thể mua được ô tô.

Geely là một công ty tư nhân nhỏ và việc sản xuất ô tô sẽ được tiến hành theo phương án sản xuất theo doanh số dự kiến, ở mức 25 000 xe/năm với mức chi phí đầu tư ban đầu và các chi phí khác không lớn.

Giấy phép kinh doanh vẫn là một trở ngại đối với Geely. Hơn nữa, người dân Trung Quốc vẫn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng xe Geely vì giá của nó thấp hơn so với giá xe liên doanh và xe nhà nước. Doanh nhân họ Lý đã phải gõ cửa hết cơ quan này đến cơ quan khác để xin được giấy phép sản xuất.

Đến tháng 10/2001, 10 ngày trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, ô tô của hãng Geely được Ủy ban Hợp tác thương mại và kinh tế nhà nước công nhận. Từ đó, doanh số của Geely tăng vọt.

Theo Forbes, ở thời điểm năm 2009, ông bán được  330 chiếc Geely giá rẻ mang nhãn hiệu Haoquing, Merrie, Ulion, Meirenbao, Maple… chủ yếu ở Trung Quốc và cũng xuất khẩu được một số xe.

Với những tổng hợp trên đây về ông chủ Geely Lý Thư Phúc, rất mong các bạn có thể tìm thấy cho mình những thông tin tham khảo hữu ích.