Ly hôn là gì? Chế định ly hôn được quy định như thế nào?
Nếu như kết hôn là hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng thì ly hôn là hiện tượng bất bình thường, là mặt trái của đời sống hôn nhân và là điều cần thiết cho cả hai vợ chồng khi quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ. Ly hôn giải thoát cho tất cả các thành viên trong gia đình thoát khỏi những mâu thuẫn, xung đột và bế tắc trong cuộc sống. Trong bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về vấn đề ly hôn, chế định ly hôn được quy định như thế nào trong Luật Hôn nhân và gia đình.
I. Ly hôn là gì?
Dưới góc độ xã hội, Ly hôn được hiểu là một hình thức chính thức nhằm chấm dứt việc xác lập quan hệ vợ chồng.
Theo từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, ly hôn được hiểu là “chấm dứt quan hệ vợ chồng do Tòa án nhân dân công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng”. Theo khái niệm này, ly hôn được phản ánh rõ nét là “việc chấm dứt quan hệ vợ chồng” nghĩa là giữa hai bên vợ chồng không còn tồn tại quan hệ hôn nhân, mọi quyền và nghĩa vụ của hai bên sẽ được pháp luật giải quyết thỏa đáng, hợp tình hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Dưới góc độ pháp lý, ly hôn có thể được xem xét với tư cách là một sự kiện pháp lý hoặc một chế định pháp lý. Với ý nghĩa là một sự kiện pháp lý, ly hôn là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng trong pháp luật hôn nhân và gia đình như một trong những trường hợp làm chấm dứt quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng. Trên cơ sở đó, quyền và nghĩa vụ của người ly hôn được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Khái niệm ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mang tính chặt chẽ hơn so với các khái niệm ly hôn trước đó khi đề cập đến nội dung “bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án” thông qua đó để phản ánh tính quyền lực của Nhà nước, cũng như phản ánh bản chất của ly hôn nói riêng là mang tính chất giai cấp.
Như vậy, ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng. Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xét xử, có vai trò quan trọng trong việc góp phần tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật.
II. Chế định ly hôn được quy định như thế nào?
Trong khoa học pháp lý, thuật ngữ “chế định” có thể được hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất là chế ước, quy định; Thứ hai, có thể được hiểu là một bộ phận cấu thành của một ngành luật, tiếp cận theo cấu trúc bên trong của một ngành luật cụ thể nào đó. Mỗi chế định có những quy phạm pháp luật và mỗi quy phạm có ba yếu tố cấu thành là giả định, quy định và chế tài.
Theo các quy định trên, chế định ly hôn trong Luật Hôn nhân và gia đình là tổng thể nhóm các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, nhằm điều chỉnh hoặc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi hai người còn sống do một bên yêu cầu hoặc do cả hai bên thuận tình. Chế định ly hôn bao gồm các quy phạm pháp luật quy đjnh về quyền yêu cầu và các trường hợp ly hôn, căn cứ ly hôn cùng các vấn đề hậu quả pháp lý khi ly hôn phát sinh về quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con, hình thức xử lý đối với các trường hợp ly hôn, phân chia tài sản khi ly hôn…
Các yếu tố cấu thành chế định ly hôn bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
– Các nguyên tắc
– Quyền yêu cầu ly hôn, những trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn và thẩm quyền giải quyết ly hôn
– Căn cứ giải quyết ly hôn và các trường hợp ly hôn
– Hậu quả pháp lý của ly hôn về con cái và tài sản
Việc nghiên cứu chế định ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là vô cùng cần thiết, trong đó cần làm rõ những quy đinh của luật về ly hôn, những điểm cần hoàn thiện để góp phần nâng cao cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp từ các vụ án ly hôn hiện nay, đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam ngày một hoàn thiện hơn.
Luật Hoàng Anh