Lý giải vì sao giáo viên tiểu học thích dạy 1 buổi/ngày?

Sáng 29-4, TP HCM đã tổ chức hội nghị đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc cử tri ngành giáo dục thành phố. 

Tại đây, nhiều ý kiến của các cử tri đang công tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã bày tỏ những khó khăn, vướng mắc về nhiều vấn đề; trong đó có tuyển dụng giáo viên, nhân viên và các chế độ, chính sách chăm lo cho đội ngũ trong ngành GD-ĐT.

Giáo viên tiểu học thích dạy 1 buổi/ngày để có thời gian đi làm thêm - Ảnh 1.

Cử tri Phạm Đăng Khoa phát biểu tại hội nghị

Cử tri Phạm Đặng Khoa, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, cho biết sau đợt bùng phát đại dịch Covid-19, một bộ phận học sinh khó khăn, rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ. Các em bị ảnh hưởng tâm lý nhưng hiện nay ở các trường chưa có quy định biên chế cho giáo viên tâm lý gây khó khăn cho việc hỗ trợ các em. Ông Khoa kiến nghị TP cần tính toán cấp biên chế, đào tạo giáo viên tâm lý chuyên nghiệp để có nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho học sinh.

Cũng theo ông Khoa, tại quận 3 vừa qua có 5 nhân viên y tế trường học xin nghỉ việc vì khó khăn. Chính sách đang áp dụng để hỗ trợ cho đội ngũ này rất thấp, trong khi vai trò và khối lượng công việc của họ rất nhiều, nhất là thời gian dịch bệnh vừa qua. 

Ông Khoa kiến nghị TP cần sớm tháo gỡ, cập nhật chính sách mới hỗ trợ để nhân viên y tế trường học gắn bó với ngành. 

Ông Khoa cho biết hiện nay, có nhiều chính sách cho người lao động đang công tác tại các đơn vị ngoài công lập. Dù vậy, ở những trường công lập, khi hợp đồng với các thầy cô, nhân viên bên ngoài lại không được hỗ trợ. 

Ông Khoa cũng mong TP sớm triển khai dự án nhà ở cho người thu nhập thấp để đảm bảo nơi ăn chố ở cho thầy cô.

Đề cập tới công tác tuyển dụng giáo viên khó khăn, cử tri Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị sáu (quận 12) cho biết trường có 30 lớp, sĩ số 30 HS/lớp và dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, đây cũng chính là khó khăn của trường trong việc tuyển dụng cũng như hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên. 

Cụ thể, đây là năm thứ hai cả nước thực hiện chương trình phổ thông mới ở lớp 1 và 2, tiến tới thực hiện ở lớp 3, 4, 5. Tuy nhiên, giáo viên lớp 3 trở lên vẫn nhận hỗ trợ kinh phí dạy 2 buổi/ngày trong khi giáo viên lớp 1, 2 lại không được.

Giáo viên tiểu học thích dạy 1 buổi/ngày để có thời gian đi làm thêm - Ảnh 2.

Cử tri phát biểu tại hội nghị

Cũng theo ông Dũng, việc tuyển dụng giáo viên tiểu học trên địa bàn quận gặp nhiều khó khăn, nhất là trường dạy 2 buổi/ngày vì rất ít người dự tuyển. Do tâm lý nhiều giáo viên hiện nay thích dạy một buổi/ngày hơn vì buổi còn lại họ muốn đi làm thêm để cải thiện thu nhập cho gia đình. 

Chưa kể, chế độ chính sách cho giáo viên mới ra trường quá thấp nên không giữ chân được giáo viên gắn bó với nghề. “Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ, nâng thu nhập cho giáo viên công tác cũng như tuyển dụng nguồn giáo viên mới” – ông Dũng đề nghị.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết tại địa bàn, vì áp lực dân nhập cư tăng nhanh, công tác tuyển sinh đầu cấp luôn gặp khó, hệ thống trường công lập chịu áp lực lớn về giải quyết chỗ học dẫn đến nhiều nơi sĩ số trên 50 học sinh/lớp, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đến 30%.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng bày tỏ những băn khoăn khi hiện nay quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ 60 tuổi là không phù hợp, nhất là giáo viên mầm non. 

Ý kiến cử tri tại quận Bình Thạnh bày tỏ, đặc thù trong ngành GD mầm non là hình ảnh các cô giáo trong mắt trẻ luôn phải vui tươi, trẻ trung, năng động, nhưng nếu 60 tuổi mới được về hưu thì các cô không còn đủ sức khỏe để giảng dạy, không đáp ứng được yêu cầu dạy học…