Lý do tái cấu trúc doanh nghiệp như thế nào là đúng luật lao động?
Mục Lục
Lý do tái cấu trúc doanh nghiệp như thế nào là đúng luật lao động?
Tái cấu trúc doanh nghiệp với lý do hợp pháp nên là một quan tâm đối với các doanh nghiệp. Tại sao? Vì việc tái cấu trúc doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của (nhiều) người lao động trong doanh nghiệp.
Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ trình bày 03 lý do để doanh nghiệp tái cấu trúc theo quy định của pháp luật lao động.
1. Lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ
Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ trong các trường hợp:
- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động: với lý do này, doanh nghiệp thực hiện tổ chức lại lực lượng lao động ở các bộ phận và phòng ban bao gồm việc luân chuyển, cắt giảm lao động hoặc tuyển dụng thêm lao động.
- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động: doanh nghiệp thay đổi về quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị như việc chuyển từ những máy móc sản xuất thủ công sang hiện đại dẫn đến lực lượng lao động lúc trước không có đủ trình độ chuyên môn để sử dụng. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải thay thế lực lượng lao động cũ hoặc tổ chức huấn luyện lại.
- Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm: doanh nghiệp thực hiện thay đổi sản phẩm hoặc thay đổi ngành nghề kinh doanh bao gồm cả việc hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm. Việc thay đổi sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động. Ví dụ một doanh nghiệp đang sản xuất nhựa chuyển sang sản xuất bánh kẹo dẫn đến phần lớn nhân công tham gia sản xuất nhựa lúc trước sẽ bị cắt giảm và doanh nghiệp phải tuyển dụng công nhân có trình độ chuyên môn phù hợp hơn.
Đọc thêm: Các yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án?
2. Lý do kinh tế
Những trường hợp sau đây được coi là tái cấu trúc vì lý do kinh tế:
- Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế: dựa trên tình hình chung của nền kinh tế Việt Nam hoặc khu vực doanh nghiệp đầu tư kinh doanh mà doanh nghiệp buộc phải tiến hành tái cấu trúc.
- Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế: khi chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc cam kết quốc tế ban hành dẫn đến nền kinh tế bị ảnh hưởng buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc để phù hợp với thực trạng và quy định pháp luật.
Đọc thêm: Tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải – Góc nhìn từ một tranh chấp thực tế
3. Lý do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp
Trường hợp doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, cho thuê, chuyển đổi loại hình hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền tài sản của doanh nghiệp là lý do hợp pháp, rõ ràng về mặt pháp lý và dễ chứng minh nhất.
Tuy nhiên, lý do này có khả năng dẫn đến thay đổi người sử dụng lao động. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vì hợp đồng lao động họ đang ký với người sử dụng lao động là doanh nghiệp cũ đã không còn hiệu lực.
Nếu doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc theo các lý do trên gây ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì phải xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định pháp luật lao động.
Đọc thêm: 3 vấn đề lưu ý về việc trả trợ cấp thôi việc cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ [email protected]. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Ngày: 24/03/2022
Người viết: Thư Trần
Maybe you want to read: