Lý do sao Diêm Vương bị “giáng cấp” trong Hệ Mặt trời

Thanh Hà

  –  

Thứ ba, 24/08/2021 11:00 (GMT+7)

Lý do sao Diêm Vương bị "giáng cấp" trong Hệ Mặt trờiSao Diêm Vương và Charon trong ảnh ghép màu sắc tự nhiên từ sứ mệnh New Horizons. Ảnh: NASA

Sao Diêm Vương ở rìa Hệ Mặt trời, có đường kính chỉ bằng 18,5% Trái đất. Theo Hiệp hội Thiên văn học Quốc tế, về mặt kỹ thuật, sao Diêm Vương là một “hành tinh lùn” bởi chưa “dọn sạch các vật thể khác khỏi vùng lân cận quỹ đạo”.

Điều này có nghĩa là hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời vẫn còn rất nhiều tiểu hành tinh và các thiên thể khác dọc theo đường di chuyển thay vì hấp thụ những thiên thể này như các hành tinh lớn hơn đã làm.

Bởi thế, mỗi năm vào ngày 24.8, cộng đồng quốc tế kỷ niệm công nhận việc hạ cấp lịch sử với sao Diêm Vương với tên gọi Ngày sao Diêm Vương giáng cấp.

Sao Diêm Vương được quan sát trong nhiều thập kỷ. Ảnh: NASASao Diêm Vương được quan sát trong nhiều thập kỷ. Ảnh: NASA

Sao Diêm Vương mất trạng thái hành tinh năm 2006 không đồng nghĩa với việc mất đi sự thu hút, nhà khoa học hành tinh Cathy Olkin tại Viện Nghiên cứu Tây Nam, Mỹ, cho biết.

Sao Diêm Vương có thể cách Trái đất hơn 6,4 tỉ km, tùy thuộc vào vị trí của hành tinh lùn này trong quỹ đạo. Nhiệt độ trung bình của sao Diêm Vương cũng giảm xuống tới -232 độ C. Những điều này khiến sao Diêm Vương trở nên kỳ lạ.

“Sao Diêm Vương có sông băng khổng lồ trên bề mặt nhưng sông băng này được tạo thành từ loại băng kỳ lạ. Chúng không phải băng nước như trên Trái đất mà là băng được tạo ra từ nitơ và mêtan, những thứ ở dạng khí trong bầu khí quyển của chúng ta” –  Olkin, nhà khoa học cũng thuộc sứ mệnh New Horizons tới sao Diêm Vương của NASA, chia sẻ.

Sao Diêm Vương cũng thực sự tối vì ở xa Mặt trời hơn nhiều so với Trái đất. Trên thực tế, NASA có một trang web để những người yêu thiên văn xem “Giờ sao Diêm Vương”. Chỉ cần nhập vị trí, trang web sẽ cho cá nhân đó biết thời điểm ánh sáng trên Trái đất trông giống hệt như trên sao Diêm Vương.

Một thông tin thú vị khác là sao Diêm Vương có 5 mặt trăng. Một mặt trăng được gọi là Charon có kích thước bằng một nửa sao Diêm Vương. Mặt trăng của Trái đất chỉ có kích thước bằng 1/4 Trái đất. Charon lớn đến mức lực hấp dẫn của mặt trăng này thực sự khiến sao Diêm Vương chao đảo trong quỹ đạo.

Sao Diêm Vương (Pluto) và 5 mặt trăng xung quanh. Ảnh: NASASao Diêm Vương (Pluto) và 5 mặt trăng xung quanh. Ảnh: NASA

Washington Post lưu ý, một số nhà khoa học không đồng ý với việc “ruồng rẫy” sao Diêm Vương. Họ lập luận rằng, trong vũ trụ chứa đầy các thiên thể và mỗi hành tinh đều có các thiên thể ở vùng lân cận.

“Có nhiều cách khác nhau để quyết định đâu là hành tinh. Sao Diêm Vương có bầu khí quyển, có mặt trăng và quay quanh mặt trời” – nhà khoa học hành tinh Olkin nói.