Lý do năm Mão ở Việt Nam là mèo, các quốc gia khác là thỏ
Loài mèo không xuất hiện trong 12 con giáp ở Trung Quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác, thay vào đó là con thỏ.
Năm mới Quý Mão bắt đầu từ ngày hôm nay 22/1. Theo quan niệm của người Trung Quốc và một số quốc gia ăn Tết Nguyên đán, năm Mão luôn được tượng trưng bởi con thỏ, chỉ riêng ở Việt Nam lại là con mèo. Đây là sự khác biệt duy nhất trong 12 can – chi (12 con giáp) giữa các quốc gia sử dụng âm lịch, 11 con giáp còn lại đều được quan niệm đồng nhất.
Thập nhị chi (12 con giáp) được cho là xuất hiện từ thời nhà Thương, hay còn gọi là là Ân, ở Trung Quốc (vào khoảng năm 1766-1122 trước Công nguyên). Theo đó, người xưa lựa chọn một con vật tương ứng với mỗi năm: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão/Mẹo (thỏ), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn). 12 loài vật này tượng trưng cho 12 năm, gọi là thập nhị chi.
Đây đều là những loài vật gần gũi với đời sống hàng ngày của người nông dân Trung Quốc xưa. Con thỏ, ứng với năm Mão, nằm ở vị trí số 4, tượng trưng cho sự sinh sôi và may mắn. Tuy nhiên, khi tiếp nhận văn hóa này, người Việt đã biến đổi từ con thỏ sang con mèo. Hiện nay, chưa có cách lý giải chính thức nhưng có khá nhiều luồng ý kiến giải thích cho việc này.
Linh vật mèo ở quảng trường trung tâm huyện – thị trấn Ái Tử, Quảng Trị, được đặt biệt danh là ‘hoa hậu mèo’ vì ngoại hình xinh xắn, có hồn. Ảnh: Hoàng Táo
Điều kiện tự nhiên, môi trường là lý do quan trọng về sự thay thế của mèo trong 12 con giáp. Ở Việt Nam, thỏ không phải loài vật phổ biến bởi không có nhiều đồng cỏ cho chúng ăn và sinh trưởng như ở Trung Quốc. Ngược lại, nền văn minh lúa nước ở Việt Nam lại là điều kiện sinh sống lý tưởng cho loài mèo. Chuột xuất hiện nhiều, thường xuyên phá hoại mùa màng nên người Việt từ xưa đã có thói quen nuôi mèo trong nhà, trong kho để bắt chuột.
Mèo được mệnh danh là “tiểu hổ”, tượng trưng cho sự nhanh nhẹn, khéo léo, thông minh, là bạn của mọi nhà. Chúng có ngoại hình dễ thương, bộ lông mượt, có khả năng sống độc lập, không cần chăm bẵm kỳ công nên còn được ưa chuộng làm vật nuôi. Mèo còn rất gần gũi với đời sống tinh thần của người Việt, xuất hiện trong ca dao, tục ngữ, các bài vè… Trong khi đó, thỏ lại không phổ biến và chỉ được coi là loài vật hiền lành. Những người sinh năm Mão được tin rằng có tính cách giống loài mèo, thông minh, mưu trí, nhanh nhẹn và có con mắt tinh tế, nhìn xa trông rộng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hoán đổi từ thỏ sang mèo của người Việt bắt nguồn từ việc phát âm giống nhau của từ “mão” trong tiếng Trung. “Mão” (卯, phiên âm quốc tế là “mǎo”) có cách đọc gần giống với từ “miêu” (猫, phiên âm quốc tế là “māo”, có nghĩa là con mèo). Khi tiếp thu thập nhị chi, người xưa đã thay thế con thỏ thành con mèo nhưng không thay đổi nhiều về cách đọc.
Người dân Trung Quốc trưng đèn lồng thỏ ở tỉnh Liêu Ninh, đón năm Quý Mão. Ảnh: Xinhuanet
Để lý giải vì sao loài mèo cũng phổ biến ở Trung Quốc nhưng lại vắng mặt trong 12 con giáp, người Trung Hoa lưu truyền nhiều truyền thuyết. Theo China Fairy Tales, ngày xửa ngày xưa, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi cho các loài vật để tìm ra những con vật làm đại diện cho mỗi năm. Mèo và chuột là hàng xóm thân thiết, rủ nhau đi thi tài. Mèo nhờ chuột gọi dậy vì bản tính hay ngủ quên. Dù đã hứa với bạn mèo, sáng hôm sau, chuột thức dậy và lén đi thi một mình. Khi đến bờ sông, chuột nhờ trâu giúp mình qua con nước lớn nhưng gần tới nơi, nó nhảy ra vạch đích và vượt lên, đứng vị trí thứ nhất trong 12 con giáp, hơn trâu (sửu) một bậc.
Khi trở về nhà, thấy mèo vẫn đang ngủ say, chuột bèn khoe về thành tích của mình. Tức giận vì bị bạn thân phản bội, từ đó trở đi, thấy chuột ở đâu, mèo đều đuổi bắt bằng được. Do không tham gia cuộc thi của Ngọc Hoàng, mèo cũng “mất suất” trong 12 con giáp.
Một truyền thuyết khác cũng giải thích việc này nhưng liên quan đến mối thù giữa mèo và chó. Cũng trong cuộc thi của Ngọc Hoàng, các loài vật tranh cãi kịch liệt về thứ hạng của mình, xem ai đóng góp nhiều hơn. Mèo cho rằng chó ăn nhiều nhưng không làm việc, trong khi nó có thể bắt chuột, lại ăn ít hơn, giúp ích cho con người. Ngọc Hoàng đánh giá rằng con mèo có nhiều đóng góp hơn con chó. Trên đường về, chó giận quá, mắng mèo khiến nó sợ hãi bỏ chạy vì thân hình nhỏ hơn chó. Con chó đã nắm lấy cơ hội và giành suất tham dự cuộc thi. Vì tới muộn, nó đứng thứ 11 còn mèo lại bỏ lỡ. Từ đó, hai loài vật này cũng là kẻ thù của nhau.
Tuy nhiên, trang Yourchineseastrology cho rằng, lý do chính của việc không cho mèo vào bảng 12 can chi là loài vật này không phổ biến ở Trung Quốc vào thời kỳ cổ đại. Mèo là loài vật có nguồn gốc từ Ai Cập, được đưa tới Trung Quốc vào khoảng năm 50-70 sau Công nguyên, hàng nghìn năm sau khi khi lịch can chi ra đời.