Lương Tài tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm
Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện, những năm qua, huyện Lương Tài đã triển khai nhiều giải pháp, qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân trong thực hiện các chính sách, pháp luật đảm bảo an toàn thực phẩm.
Từ thực tế, trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân chưa nhận thức đầy đủ về Luật an toàn thực phẩm và các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; vì lợi nhuận kinh tế chưa tự giác chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm. Để giải quyết vấn đề này, trước hết huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trọng tâm vào các dịp cao điểm bằng nhiều hình thức: thông qua hệ thống Đài phát thanh, Cổng thông tin điện tử thành phần, băng rôn, tờ rơi an toàn thực phẩm…Theo đó, từ năm 2018 đến nay, đã tuyên truyền 950 lượt trên hệ thống Đài Phát thanh huyện, xã; phát 1.200 cuốn bản tin an toàn thực phẩm; phát 41.000 tờ rơi tuyên truyền an toàn thực phẩm, 120 băng rôn khẩu hiệu và lắp đặt 02 pano an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Ngoài ra, cũng phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, xác nhận kiến thức về ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP; tuyên truyền các mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; công khai các cơ sở vi phạm.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, huyện cũng cử cán bộ phụ trách công tác an toàn thực phẩm của huyện, xã, thị trấn tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn. Chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện; ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp…
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả
Hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát được thực hiện có hiệu quả góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm trong các quá trình sản xuất, phân phối, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, vào các dịp cao điểm trong năm như: Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu,… UBND Huyện, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm huyện đã chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch và thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện; chỉ đạo Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các xã, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với tình hình của địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất nhằm đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn Huyện. Thực hiện giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại các địa điểm ăn uống trong suốt thời gian diễn ra kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Từ năm 2018 đến nay, đã thực hiện 674 lượt kiểm tra định kỳ; trong đó số 584 lượt cơ sở đạt, chiếm 87%, 90 lượt cơ sở vi phạm; đã nhắc nhở 67 lượt cơ sở, xử phạt 16 cơ sở với số tiền gần 30 triệu đồng. Công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm được phân công cụ thể cho từng ngành theo từng nhóm sản phẩm thực phẩm nên hạn chế được sự chồng chéo, trùng lặp; công tác phối hợp liên ngành tương đối chặt chẽ. Qua đó, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế hiện nay, trên địa bàn huyện phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố có quy mô nhỏ lẻ, tính chất tự phát, không tập trung gây khó khăn trong công tác quản lý. Ngoài ra, hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu về rất khó kiểm soát, nhất là mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản. Tại các chợ, cơ sở vật chất còn hạn chế, không gian dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen, lẫn lộn với các mặt hàng khác, hệ thống cấp, thoát nước trong khu vực chợ chưa đầy đủ… làm cho công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương trên địa bàn Huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, do vậy những vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm chưa được xử lý kiên quyết và kịp thời…
Để triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, thời gian tới, Lương Tài tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thay đổi trong nhận thức và hành vi về an toàn thực phẩm trong cộng đồng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Củng cố đội ngũ thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm và đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm từ huyện đến xã, thị trấn bảo đảm các hoạt động phù hợp với Luật An toàn thực phẩm. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Quản lý chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, tập trung cao trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện lớn hàng năm của địa phương; định kỳ hàng năm có sơ kết, đánh giá, tổng kết. Bố trí hợp lý đội ngũ chuyên trách an toàn thực phẩm từ huyện đến các xã, thị trấn; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các cấp trên địa bàn huyện. Tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm trong Nhân dân nhằm thay đổi hành vi an toàn thực phẩm trong cộng đồng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh tham gia đầu tư trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.