Luôn đặt mình vào vị trí của người khác – Phật Giáo Đời Sống
Con người ta từ khi sinh ra vốn dĩ đã “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, ai cũng có thể có những lúc đúng – sai, hơn – kém, xấu – tốt,… Thay vì phán xét, chỉ trích, chê bai,… nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau thì cuộc đời sẽ trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp biết mấy.
Hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn được đối xử
Đặt mình vào vị trí của nhau là thấu hiểu, nhìn nhận, đánh giá, cảm thông với tính cách, lời nói, hành động, việc làm,… của người khác như là thấu hiểu, nhìn nhận, đánh giá, cảm thông với chính bản thân mình. Đặt mình vào vị trí của cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, những người xung quanh,… để thấy rằng, ai cũng có những suy nghĩ, trăn trở riêng và không dễ nói thành lời.
Đặt mình vào vị trí của người khác, nói thì đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ ai cũng có “cái tôi” của riêng mình, luôn cho rằng mình đúng mà ít khi thừa nhận cái sai. Nhưng xin hãy nhớ rằng, đã là con người thì sai lầm sẽ không bỏ qua bất kì ai. Nếu cãi nhau mà có thể giải quyết được vấn đề thì hãy làm. Còn nếu cãi nhau mà chỉ ảnh hưởng đến tình cảm, đến mối quan hệ của đôi bên thì xin đừng.
Luôn đặt mình vào vị trí của người khác. Nếu ở vị trí đó, bạn thấy đau, khó chịu, không được tôn trọng,… thì có lẽ người kia cũng sẽ cảm thấy như vậy. Trước khi phán xét và hành động, mỗi người hãy biết đặt mình vào vị trí của người khác để tránh sự tổn thương và tránh sự xung đột. Cuộc đời sẽ dịu dàng hơn và luôn có những điều tử tế khi biết cảm thông, biết chia sẻ để cùng nhau giải quyết các sự việc một cách hợp tình, hợp lý.
Ảnh minh họa.
Cảm thông cho nhau, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời thật an yên và nhẹ nhàng biết mấy
Trong cuộc sống, những lúc xảy ra mâu thuẫn, nếu như bạn quá xem trọng “cái tôi”, coi trọng hơn thua, được mất thì sẽ khiến mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng hơn, và cuối cùng bạn sẽ mất đi những mối quan hệ tốt đẹp, thậm chí gây ra hận thù.
Ngược lại, một người thông minh thì sẽ biết kiềm chế bản thân, hạ thấp “cái tôi” để suy xét mọi vấn đề, biết suy nghĩ cho người khác một chút, biết đặt bản thân vào vị trí và suy nghĩ của người khác thì chắc chắn mọi mâu thuẫn sẽ được hóa giải.
Sống không phải là để giày vò lẫn nhau, hãy thông cảm cho nhau và biết đặt mình vào vị trí của người khác một chút, cùng nhau làm cuộc sống trở nên dịu dàng hơn. Nếu không thể hiểu thì cũng đừng tạo thêm áp lực cho nhau, sống là để an yên, vui vẻ.
Có nhiều người có thói quen áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, cho rằng mình thích thì đối phương cũng thích, cho rằng mình không thích thì đối phương cũng không thích, nhưng bạn sai rồi, mỗi người, dù giống nhau đến đâu cũng có tư duy, quan niệm, điểm mấu chốt… khác nhau. Để tránh những mâu thuẫn không cần thiết, hãy học cách cảm thông.
Đặt mình vào vị trí của người khác chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Bởi lẽ, mỗi người đều có một hoàn cảnh sống khác nhau, một tính cách riêng, chẳng ai có thể giống ai, chẳng ai có thể khẳng định sẽ thấu hiểu một trăm phần trăm người đối diện, cho dù đó có là cha mẹ hay người mình gần gũi nhất. Nhưng xin đừng vội nản lòng. Chỉ cần dùng trái tim chân thành để cảm nhận, dùng yêu thương để nối những nhịp cầu, chúng ta sẽ dễ dàng thấu hiểu nhau hơn. Hãy bỏ xuống “cái tôi” để dung hòa bản thân vào những gì mình cảm nhận được từ người khác.
Con người không ai là hoàn hảo, hãy học cách sống chân thành, nuôi dưỡng tâm hồn. Hãy khiêm tốn lại một chút để tích đức, tạo phước cho chính mình. Lưỡi không xương nhưng họa cũng từ miệng mà ra. Nói ít đi bạn sẽ nghe được nhiều hơn, nhận về phúc báo bội phần.
Phùng Kim Kiên