Luật tố tụng hành chính đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2016
Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 24/11/2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật tố tụng hành chính năm 2010 (Luật cũ) và thực tiễn thi hành Luật này cho thấy, mặc dù số lượng các vụ án hành chính ngày càng gia tăng nhưng chất lượng giải quyết, xét xử thực sự bảo đảm; số lượng các bản án, quyết định về vụ án hành chính bị huỷ, sửa chưa giảm mạnh; thời hạn giải quyết, xét xử các vụ án hành chính trong một số trường hợp vẫn còn bị vi phạm. Việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan… Nhìn chung, công tác xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân trong thời gian qua chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân và toàn xã hội.
Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 đã có nhiều quy định mới, thay đổi căn bản, quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân cũng như tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết, xét xử các khiếu kiện hành chính, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật… nên cần phải sửa đổi bổ sung Luật cũ cho phù hợp.
Ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật tố tụng hành chính năm 2015 (Luật mới) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Luật này gồm 23 chương, 372 điều trong đó sửa đổi, bổ sung 198 điều, giữ nguyên 63 điều, bổ sung 111 điều mới nhằm bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng hành chính có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tố tụng hành chính… với một số nội dung cơ bản như sau :
1. Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số khái niệm như quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức, Luật còn bổ sung một số thuật ngữ mới như Quyết định hành chính bị kiện (là quyết định hành chính mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân) hay Hành vi hành chính bị kiện (là hành vi hành chính mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân)
2. Luật đã bổ sung Quy định nguyên tắc về bảo đảm tranh tụng trong xét xử (Điều 18) đặc biệt là “Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Luật này” và “Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định của Luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định”cũng như bổ sung quyền, nghĩa vụ của đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; quy định trách nhiệm của Toà án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng và còn bổ sung quy định về quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ của đương sự (Điều 98).
3. Theo Luật cũ, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án và đối thoại không phải là thủ tục bắt buộc nhưng Luật mới quy định đối thoại là thủ tục bắt buộc và là nhiệm vụ của Thẩm phán phải thực hiện các quy định cụ thể về nguyên tắc đối thoại; về những vụ án không tiến hành đối thoại được; về thông báo phiên họp đối thoại; thành phần, thủ tục đối thoại; biên bản đối thoại và xử lý kết quả đối thoại (các điều từ Điều 134 đến Điều 140).
4. Theo Luật cũ, người bị kiện có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia giải quyết vụ án hành chính. Quy định này trên thực tế đã nảy sinh bất cập đó là trong nhiều trường hợp người bị kiện ủy quyền cho cán bộ, công chức không nắm rõ hoặc không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện… làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài, không bảo đảm để Tòa án xem xét giải quyết khách quan, toàn diện vụ án. Để khắc phục tồn tại này, Luật mới quy định “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này” (khoản 3 Điều 60).
5. Luật mới còn bổ sung quy định “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án (Điều 6).”
6. Ngoài việc kế thừa các quy định của Luật TTHC năm 2010 về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và để bảo đảm tính khả thi, Luật mới quy định quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Luật còn bổ sung đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là danh sách cử tri trưng cầu ý dân để bảo đảm phù hợp với Luật trưng cầu ý dân.
7. Để bảo đảm hiệu quả của việc giải quyết khiếu kiện hành chính, Luật mới quy định đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh (khoản 4 Điều 32) nhằm khắc phục tồn tại, bất cập từ thực tiễn công tác giải quyết các khiếu kiện hành chính theo tinh thần cải cách tư pháp, nhanh chóng lập lại trật tự trong quản lý hành chính nhà nước, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
8. Để giải quyết vướng mắc từ thực tiễn trong trường hợp có sự thay đổi địa giới hành chính, Luật mới bổ sung quy định“Trường hợp sát nhập, chia, tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn vị hành chính mà đối tượng của quyết định hành chính có sự thay đổi thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định hành chính có trách nhiệm tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện tại Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính bị kiện. Cơ quan tiếp nhận đối tượng của quyết định hành chính bị kiện phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo khoản 5 Điều 59”.
9. Để khắc phục tình trạng người dân khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết và không thông báo cho người khiếu nại dẫn đến nhiều trường hợp khi họ khởi kiện ra Tòa án thì thời hiệu khởi kiện đã hết vì thời hiệu tính từ ngày họ nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, Luật bổ sung quy định: “Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau: a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại”.
10. Luật mới quy định cụ thể về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án hành chính, để bảo đảm giải quyết nhanh gọn, kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng, tránh việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của đương sự và của Toà án trong việc giải quyết vụ án.
Ngoài ra, Luật mới còn bổ sung quy định về thi hành án hành chính để bảo đảm hiệu lực và tính khả thi trong việc thi hành các phán quyết về vụ án hành chính của Toà án, theo đó thời hạn tự nguyện thi hành án là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án. Quá thời hạn này mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án; đồng thời, Luật quy định cụ thể về yêu cầu, quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Toà án (Điều 312) cũng như bổ sung chương mới là Chương XXII về án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác trong tố tụng hành chính…
Bùi Thanh Long