Luật sư là gì? Nghề luật sư làm gì? Ý nghĩa của nghề luật sư

Hai thuật ngữ “luật gia” và “luật sư” hiện nay ở Việt Nam vẫn còn được hiểu khác nhau và còn có sự nhầm lẫn. Vậy hiểu thuật ngữ “luật sư” như thế nào cho đúng? Nghề luật sư sẽ làm gì và luật sư có ý nghĩa như thế nào trong đời sống?

1. Luật sư là gì?

Hai thuật ngữ “luật gia” và “luật sư” hiện nay ở Việt Nam vẫn còn được hiểu khác nhau và còn có sự nhầm lẫn. Nguyên nhân của hiện tượng này một mặt là do hệ thống luật pháp nói chung và các nghề nghiệp về tư pháp ở Việt Nam nói riêng chưa phát triển; mặt khác có hiện tượng này cũng phần do việc dịch các thuật ngữ có liên quan trong ngôn ngữ nước ngoài chưa chuẩn xác, chưa thống nhất.

Theo cách giải thích của nhiều từ điển và qua tìm hiểu thực tiễn của một số nước, có thể hiểu như sau:

– Jurist là luật gia, là người có kiến thức về pháp luật, chuyên gia luật. Có thể hiểu đó là tất cả những người tốt nghiệp đại học luật (cử nhân luật trở lên); hoặc vận dụng ở nước ta có thể bao gồm cả những người tuy không có bằng cử nhân luật, nhưng có kiến thức về pháp luật đang hoạt động trên các lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Hội viên Hội luật gia Việt Nam được hiểu theo nghĩa này.

– Barrister là luật sư bào chữa tại toà, Solicitor là luật sư tư vấn được đào tạo về kỹ năng hành nghề, được gia nhập Đoàn luật sư, qua đó được công nhân là luật sư hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực tranh tụng và tư vấn hoặc một trong hai lĩnh vực này.

Ở Việt Nam, luật sư được hiểu theo quy định tại Luật Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (Điều 2). Điều kiện hành nghề luật sư được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Chúng ta nên hiểu Luật sư là danh từ chỉ người được công nhận là Luật sư khi có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về hành nghề Luật sư là việc Luật sư được làm những việc theo chuyên môn, nghề nghiệp của mình đã được pháp luật quy định. Nói đến Luật sư là nói đến cái cụ thể, đến con người cụ thể, đến chức danh cụ thể. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào pháp luật và tính truyền thống của từng nước mà khái niệm, tiêu chuẩn Luật sư và điều kiện, phạm vi hành nghề Luật sư, cũng như thủ tục, thẩm quyền công nhận Luật sư được quy định khác nhau.

Theo quy định tại Điều 2 của Luật Luật sư, “Luật sư” là người có đủ tiêu chuẩn luật sư, điều kiện hành nghề luật sư, thực hiện dịch vu pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng).

Trong các tiêu chuẩn luật sư thì tiêu chuẩn có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư là điểm đặc thù so với các chức danh tư pháp khác. Thực tiễn cho thấy, nhiều người sau khi nghỉ hưu mới trở thành luật sư và điều kiện sức khoẻ không bảo đảm đã ảnh hướng không nhỏ đến chất lương hành nghề luật sư. Tuy nhiên, do pháp luật chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khoẻ đối với luật sư, nên cơ quan nhà nước và Đoàn luật sư gặp khó khăn trong khi xem xét cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và cho gia nhập Đoàn luật sư. Để xác nhận một người có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì trong hồ sơ có liên quan phải có Giấy chứng nhận sức khoẻ.

Người có đủ tiêu chuẩn luật sư muốn được hành nghề luật sư phải đáp ứng đủ hai điều kiện hành nghề luật sư, cụ thể là: phải được Bô Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư do mình lựa chọn. Điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư là yêu cầu về chuyên môn (có bằng cử nhân luật, đã tốt nghiệp khoá đào tạo nghề, đã hoàn thành thời gian tập sự hành nghề luật sư và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư). Đây là điều kiện cần đối với một người muốn hành nghề luật sư. Điều kiện gia nhập một Đoàn luật sư là yêu cầu mang tính nghề nghiệp, thể hiện tính chất đặc thù của nghề luật sư so với các nghề nghiệp khác trong xã hội. Gia nhập một Đoàn luật sư là điều kiện đủ để được hành nghề luật sư.

Về vấn đề này, có một điểm cần lưu ý là theo Luật Luật sư thì luật sư phải hành nghề luật sư (luật sư hành nghề), không được sử dụng danh nghĩa luật sư để thực hiện những công việc không thuộc phạm vi hành nghề luật sư. Pháp luật về luật sư của nước ta không thừa nhận luật sư không hành nghề như một số nước khác.

Từ những phân tích nêu trên, ta có thể đưa ra khái niệm về luật sư như sau: “Luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, chỉ những người có đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện việc tư vấn pháp luật, đại diện theo uỷ quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và nhà nước trước cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.”

Từ khái niệm Luật sư đã được trình bày và phân tích ở phần trên có thể thấy, so với các chức danh Tư pháp khác, nghề luật sư có những đặc điểm sau: (i) Luật sư có trách nhiệm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; (ii) Luật sư là nghề tự do; (iii) Luật sư là nghề cao quý; (iv) Nghề luật sư mang tính độc lập; (v) Luật sư là người có đủ các điều kiện về năng lực chủ thể, kiến thức pháp lý, kỹ năng hành nghề được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; (vi) Khi thực hiện các hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư phải tôn trọng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; (vii) Luật sư là chức danh bất khả kiêm nhiệm; (viii) Luật sư độc lập, tự chịu trách nhiệm trong hành nghề.

2. Nghề luật sư làm gì?

Ở Việt Nam lâu nay vẫn sử dụng các cụm từ “nghề luật sư”, “hành nghề luật sư”. Thực ra như vậy không hoàn toàn chính xác về mặt ngôn ngữ. Bởi vì “luật sư” là một danh từ chỉ người, chứ không phải dùng để chỉ một nghề. Vì vậy, trong tiếng Anh, người ta dùng Barrister/ Solicitor (luật sư) và Practice law (hành nghề luật). Tuy nhiên, việc sử dụng cụm từ “nghề luật sư” và “hành nghề luật sư” là vẫn phù hợp với thực tiễn của nước ta.

Vậy “hành nghề luật sư” là gì? Đó là việc luật sư tham gia hoạt động tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật, các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật. Theo thông lệ của các nước trên thế giới, cũng như theo quy định của pháp luật Việt Nam thì nội dung của nghề luật sư (Điều 22 Luật Luật sư) bao gồm:

– Tham gia tố tụng với tư cách là người bảo chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sư, người có quyền lợi, nghĩa vu liên quan trong vụ án hình sự.

– Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tránh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện tư vấn pháp luật;

– Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;

– Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này.

Các luật sư được hành nghề tự do, tự do lựa chọn hình thức hành nghề là hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư, làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân. Các luật sư hành nghề theo quy định của pháp luật.
Điều kiện để một người trở thành Luật sư phải thảo mãn hai điều kiện được quy định trong Luật Luật sư. Người nào không đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà tham gia vào các quan hệ xã hội với chức danh Luật sư dưới bất kì hình thức nào thì coi là hành nghề Luật sư bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

 

3. Ý nghĩa của nghề luật sư:

Với mỗi một hoạt động hành nghề của mình, Luật sư sẽ mang lại những đóng góp, tầm quan trọng những giá trị thiết thực của mình khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, cụ thể:

Thứ nhất, trong hoạt động tham gia tố tụng: Luật sư sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, công dân, tổ chức kinh tế – xã hội và Nhà nước. Trong hoạt động tư pháp, nếu không có sự tham gia của Luật sự thì sẽ khó có thể xây dựng được một nền tư pháp dân chủ, minh bạch, công khai; niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp, vào công lý sẽ bị suy giảm. Đặc biệt, trong các trường hợp việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng có dấu hiệu oan, sai, hoặc đã xảy ra oan, sai thì nền tư pháp sẽ bị mất niềm tin, công lý sẽ không được đảm bảo, quyền con người, quyền công dân sẽ bị xâm phạm, tổn thương đó sẽ rất khó, thậm chí là không thể bù đắp được. Do đó, hoạt động của Luật sư khi tham gia tố tụng cùng với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng không những góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, góp phần bảo vệ công lý và điều quan trọng hơn cả là tạo được niềm tin của người dân vào một nền tư pháp trong sạch, công bằng, công khai, bảo vê lẽ phải từ đó củng cố niềm tin của người dân vào chế độ chính trị, chế độ xã hội của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, trong các hoạt động dịch vụ pháp lý mà Luật sư cung cấp thông qua tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng hay các dịch vụ pháp lý khác cũng đều xuất phát từ nhiệm vụ bảo về quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng trên cơ sở các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của Luật sư. Các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý nói trên không những có khả năng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh một cách văn minh, góp phần làm ổn định tình hình kinh tế – chính trị, an toàn, trật tự xã hội mà còn có khả năng hạn chế, phòng ngừa các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong các mối quan hệ mà các cá nhân, tổ chức tham gia nếu như được sử dụng ngay từ giai đoạn các cá nhân, tổ chức khởi xướng chuẩn bị tham gia vào bất kỳ một mối quan hệ nào đó trong đời sống xã hội.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về nghề luật sự cũng như vấn đề Luật sư là gì? Nghề luật sư làm gì? Ý nghĩa của nghề luật sư? Nếu bạn đọc còn băn khoăn, vướng mắc hay có nhu cầu tư vấn pháp lý, vui lòng liên hệ với Luật Minh Khuê thông qua tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 qua số hotline: 1900.6162. Xin chân thành cảm ơn!