Luật giáo dục là gì? Các điểm mới nổi bật của Luật giáo dục mới nhất?

Luật giáo dục là gì? Các điểm mới nổi bật của Luật giáo dục mới nhất?

    Giáo dục luôn đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển đất nước. Có giáo dục thì con người mới phát triển một cách vượt bậc và hoàn thiện nhất. Pháp luật Việt Nam luôn chú trọng tới vai trò của giáo dục từ những ngày đầu dựng nước. Luật Giáo dục đã trải qua một chặng đường dài để hình thành và phát triển. Gần đây nhất, Quốc hội đã ban hành Luật Giáo dục năm 2019 để thay thế cho Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009. Luật mới ra đời đã khắc phục rất nhiều những nhược điểm của luật cũ, bên cạnh đó cũng bổ sung thêm những quy định mới.

    * Cơ sở pháp lý:

    – Luật giáo dục 2019;

    – Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009.

    Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

    1. Luật giáo dục là gì?

    – Giáo dục là gì?

    Giáo dục có thể được hiểu là việc tổ chức các hoạt động khác nhau để hình thành và phát triển các phẩm chất, kỹ năng, thói quen năng lực của con người nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội, thời đại. Các hoạt động của giáo dục như việc giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu

    Việc giáo dục có thể do bản thân mỗi người thực hiện, hoặc do người khác hướng nhẫn như giáo viên, giảng viên,… giảng dạy.

    – Luật giáo dục là gì?

    Luật giáo dục là tổng hợp những quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động giáo dục.

    Luật giáo dục tiếng Anh là “Education Law”

    Xem thêm: Quy định mới về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

    2. Các điểm mới nổi bật của Luật giáo dục mới nhất:

    Sự thay đổi về trình độ của giáo viên:

    Tại Luật giáo dục năm 2005 quy định về chuẩn trình độ với giáo viên các cấp tại Điều 77 như sau:

    – Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học;

    – Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở;

    – Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông;

    – Có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề hoặc là nghệ nhân, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao đối với giáo viên hướng dẫn thực hành ở cơ sở dạy nghề;

    – Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên giảng dạy trung cấp;

    – Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ.

    Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:

    – Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

    – Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

    Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

    – Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ…..

    Như vậy,  giáo viên tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2), trung học phổ thông (cấp 3) được quy định chuẩn trình độ đào tạo là từ đại học trở lên.

    Ta nhận rõ sự thay đổi trong hai luật

    – Đối với giáo viên mầm non thì yêu cầu từ tốt nghiệp trung cấp sư phạm được nâng lên yêu cầu tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

    – Đối với giáo viên tiểu học thay đổi từ “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm” thành “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên”;

    – Tương tự vậy thì với giáo viên trung học cơ sở: Từ “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” được thay đổi thành “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

    Việc thay đổi này hoàn toàn phù hợp, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển kịp thời cùng với tốc độ phát triển của xã hội.

    Bỏ phụ cấp thâm niên ra khỏi cơ cấu tiền lương của giáo viên:

    Luật giáo dục 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ” (Điều 81)

    Luật Giáo dục 2019 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.(Điều 76)

    Như vậy, Luật năm 2019 đã bỏ quy định phụ cấp thâm niên trong cơ cấu tiền lương

    Bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi với giáo viên:

    So với Luật giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2019 bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho nhà giáo. Nếu như luật cũ chỉ quy định về chính sách ưu đãi đối với những nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn( Điều 82 Luật Giáo dục năm 2005), thì ở Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định về các chính sách đối với nhà giáo nói chung, điều này đã thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với toàn bộ nhà giáo.

    Cụ thể, tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2019 quy định:

    Một là, nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.

    Hai là, nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi.

    Ba là, nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

    Nội dung quy định trong điều luật trên đã mở rộng phạm vi, cũng như phân rõ các trường hợp nhà giáo giảng dạy trong điều kiện khác nhau sẽ được những hỗ trợ, hưởng những chính sách khác nhau.

    Các hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm và hoàn trả hỗ trợ:

    Tại Khoản 4 Điều 85 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học”. Đây chính là quy định rất mới trong luật 2019. Ngoài ra, học sinh, sinh viên sư phạm cũng được hưởng các chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp và miễn, giảm học phí…

    Tuy nhiên, luật cũng quy định: “Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn Khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ” .Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

    Việc quy định như vậy nhằm đảm bảo cho việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục được đảm bảo, tránh lãng phí và loại trừ các trường hợp nhằm vi phạm, hưởng lợi từ việc nhà nước hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt.

    Mở rộng đối tượng cấm hút thuốc trong trường học:

    Nếu như tại Luật Giáo dục 2005, sửa đổi bổ sung năm 2008  chỉ quy định về việc nghiêm cấm người học hút thuốc, uống rượu, bia trong giờ học tại Khoản 3 Điều 88. Thì tại Điều 22, Luật Giáo dục 2019 quy định hút thuốc là hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục không phân biệt đối tượng nào, bao gồm cả người học và giáo viên, giảng viên,…

    Miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh trung học cơ sở:

    Luật Giáo dục 2019  còn đưa ra quy định về lộ trình miễn học phí cho trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở  bên cạnh các quy định về việc miễn học phí cho học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập và trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí

    Trượt tốt nghiệp THPT được xác nhận hoàn thành chương trình:

    Đây là quy định mới tại Khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục 2019, theo đó:

    Theo đó, Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định  nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

    Về sách giáo khoa phổ thông: mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa:

    Tại Luật Giáo dục năm 2005 chỉ có quy định về sách giáo khoa nhằm “cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.” Còn Luật Giáo dục năm 2019 quy định rõ ràng :”Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật.” (Điểm b, Khoản 1 Điều 32). Như vậy, luật đã quy định rõ ràng về số lượng sách giáo khoa cần có cho mỗi môn học, điều này nhằm tránh các trường hợp môn học không có sách giáo khoa, học sinh, giáo viên dễ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, giảng dạy.

    Bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận:

    Trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là trường mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, được ghi trong quyết định thành lập hoặc quyết định chuyển đổi loại hình trường; hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường (Điểm c, Khoản 1 Điều 47 Luật Giáo dục năm 2019). Đây là mô hình trường mới mà Luật Giáo dục năm 2019 quy định bổ sung bên cạnh các loại hình trường cũ gồm trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Bên cạnh đó Luật cũng bổ sung nguyên tắc chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

    Nghiêm cấm giáo viên lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật:

    Tại Khoản 6 Điều 22 Luật Giáo dục năm 2019 quy định hành vi “lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật” là một hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục. Đây là quy định mới mà trong Luật Giáo dục 2005 không quy định về vấn đề này.