Luật đấu thầu (Cập nhật 2021)
Quy định của Luật Đấu thầu mới nhất (Cập nhật 2021) như thế nào? Có lẽ việc tìm kiếm các quy định của Luật Đấu thầu không phải là điều khó đối với quý khách hàng, thế nhưng việc phát hiện ra các điểm mới của Luật Đấu thầu mới nhất và việc giải thích luật trong một số trường hợp cụ thể như thế nào. ACC sẽ giải đáp qua bài viết dưới đây!
Luật đấu thầu (Cập nhật 2021)
Mục Lục
1. Luật Đấu thầu cập nhật 2021 là luật nào?
Luật Đấu thầu 2013 hiện là Luật đấu thầu mới nhất, đang có hiệu lực thi hành tại Việt Nam. Luật đấu thầu mới nhất 2021 quy định, điều chỉnh về hoạt động đấu thầu. Luật đấu thầu năm 2013 số 43/2013/QH13 được Quốc hội thông qua và hiện vẫn còn giá trị hiệu lực!
2. Các điểm mới căn bản của Luật Đấu thầu hiện hành 2021
Luật đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Luật này gồm 13 chương với 96 điều được xây dựng trên cơ sở sửa đổi toàn diện Luật đấu thầu năm 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009.
Cụ thể, Luật đấu thầu năm 2013 có những 10 điểm mới căn bản:
Thứ nhất, Luật Đấu thầu năm 2013 ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, Luật Đấu thầu năm 2013 đã sửa đổi một số quy định hiện hành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đấu thầu, đồng thời quy định cụ thể hơn về các quy trình lựa chọn nhà thầu đối với từng trường hợp cụ thể.
Thứ ba, Luật Đấu thầu 2013 quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung một số phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá để phù hợp với từng loại hình và quy mô của gói thầu, đồng thời khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu.
Thứ tư, Luật Đấu thầu 2013 quy định hình thức mua sắm tập trung để áp dụng rộng rãi trong công tác đấu thầu. Theo hình thức này, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau thì cơ quan mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần. Hình thức này không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm mà còn tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Thứ năm, Luật đấu thầu năm 2013 có một mục quy định về thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập. Riêng đối với đấu thầu mua thuốc, Luật đấu thầu năm 2013 quy định bổ sung hình thức đàm phán đánh giá đối với gói thầu mua thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác theo quy định của Chính phủ.
Thứ sáu, Luật Đấu thầu 2013 bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thủ tục, phương pháp lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế tốt và rút kinh nghiệm từ thực tiễn lựa chọn nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng và dịch vụ công cộng tại VIệt Nam trong thời gian qua. Đi đôi với giải pháp phát triển quyết liệt để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công, quy định này góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu hút, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, cạnh tranh; xây dựng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Thứ bảy, Luật đấu thầu năm 2013 đã sửa đổi một số quy định hiện hành về ký kết thực hiện và quản lý hợp đồng; quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản, khi quyết định áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh thì người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo loại hợp đồng này phù hợp hơn so với hợp đồng trọn gói.
Thứ tám, khác với Luật đấu thầu năm 2005, Luật đấu thầu năm 2013 phân cấp triệt để việc quyết định hình thức chỉ định thầu cho Bộ trưởng , Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp mà không yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Để việc phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình, tránh khép kín trong đấu thầu, Luật đấu thầu năm 2013 đã bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của người dân có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Thứ chín, Luật Đấu thầu 2013 cũng bổ sung quy định về yêu cầu giám sát của cộng đồng trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng, bổ sung trách nhiệm về giám sát của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cá nhân đối với từng hoạt động trong quá trình đấu thầu để có cơ sở quy định chế tài xử lý vi phạm tương ứng với từng hành vi vi phạm.
Thứ mười, Luật đấu thầu năm 2013 bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, đồng thời quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, các biện pháp phạt bổ sung như đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, buộc phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải đáp một số tình huống trong Luật Đấu thầu 2013
3.1. Về hoạt động đấu thầu
Khoản 12, Điều 4 Luật Đấu thầu quy định đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Theo đó, hoạt động đấu thầu là quá trình kéo dài từ khâu lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi thanh lý, quyết toán hợp đồng.
3.2. Quản lý đối với nhà thầu phụ
Khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết.
Khoản 2, Điều 128 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất chỉ được thực hiện khi được chủ đầu tư chấp thuận.
Theo hướng dẫn tại tại Mục 29 Chương I Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhà thầu chính không được sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ nêu trong hồ sơ dự thầu; việc thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt quá tỷ lệ theo quy định tại Mục 29.2 CDNT chỉ được thực hiện khi có lý do xác đáng, hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận; trường hợp sử dụng nhà thầu phụ cho công việc khác ngoài công việc đã kê khai sử dụng nhà thầu phụ, ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu mà chưa được chủ đầu tư chấp thuận được coi là hành vi “chuyển nhượng thầu”.
Đối với vấn đề của Công ty, việc quản lý nhà thầu phụ được thực hiện theo quy định nêu trên.
Theo đó, trường hợp phát hiện nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ thực hiện phần công việc ngoài phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ kê khai trong hồ sơ dự thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) thì đây được coi là hành vi chuyển nhượng thầu theo quy định tại Khoản 8, Điều 89 Luật Đấu thầu và sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
3.3. Xử lý tình huống trong đấu thầu
Khoản 11, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, phần khối lượng công việc chưa thực hiện được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu. Giá trị phần khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đồng trừ đi giá trị của phần khối lượng công việc đã thực hiện trước đó.
Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, người có thẩm quyền phải bảo đảm nhà thầu được chỉ định có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu.
Trường hợp việc thực hiện hợp đồng chậm tiến độ không do lỗi của nhà thầu thì không được phép chấm dứt hợp đồng để thay thế nhà thầu khác.
Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm để thay thế nhà thầu mới, trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải gửi thông báo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo đấu thầu; trong thông báo phải nêu rõ lý do nhà thầu vi phạm dẫn tới phải chấm dứt hợp đồng, hình thức lựa chọn nhà thầu thay thế, tên nhà thầu được chỉ định trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Đối với vấn đề của Công ty, trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm xem xét, xử lý tình huống theo quy định nêu trên.
Trên đây là toàn bộ những điểm mới của Luật Đấu thầu hiện hành so với Luật Đấu thầu cũ và giải đáp một số tình huống trong Luật Đấu thầu 2013 trực tiếp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nếu còn gì băn khoăn không hiểu về các quy định này, hãy liên hệ với ACC để được giúp đỡ!
Đánh giá post