Luật đất đai là gì? Những vấn đề cần biết về luật đất đai

Với sự chuyển biến chóng mặt của nền kinh tế thế giới mà xây dựng hệ thống pháp luật đất đai vững chắc chính là chìa khóa để kiểm soát quan hệ đất đai cũng như sự tác động của nó đối với kinh tế tại Việt Nam tránh tình trạng đầu cơ tích trữ đất cũng như có kế hoạch phù hợp trong việc quy hoạch và sử dụng đất. Như vậy, Luật đất đai là gì, ngành luật Đất đai điều chỉnh như thế nào trong quan hệ đất đai,…Hãy cùng Luật Thành Công tìm hiểu dưới bài viết sau đây nhé.

Khái niệm luật đất đai

Khi nói và viết về khái niệm Luật đất đai, học viên và người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy sẽ hiểu khái niệm này với tính cách là một ngành luật, trong khi đó các nhà quản lí, người xây dựng chính sách, đa số doanh nghiệp và người dân sẽ hiểu khái niệm này với tính cách là văn bản luật.

Vì vậy, tuỳ từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể để hiểu khái niệm luật đất đai với tính cách là một ngành luật trong hệ thống ngành luật của nhà nước ta hoặc là văn bản pháp luật quan trọng nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai.

Tìm hiểu thêm: Luật đất đai và những điều cần biết về luật đất đai

Ngành luật đất đai

Trước đây dưới góc độ là một ngành luật, Luật đất đai có tên gọi là Luật ruộng đất. Tuy nhiên, cách hiểu như vậy thiếu tính chính xác bởi khái niệm “đất đai” được hiểu với phạm vi rộng bao gồm tất cả loại đất: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Và mỗi nhóm đất lại được phân nhóm cụ thể theo tính chất và đặc thù của từng loại đất. Cho nên Luật ruộng đất chỉ là một chế định của ngành luật đất đai, cụ thể là chế độ pháp lí nhóm đất nông nghiệp.

Ngày nay, khi xây dựng được một hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với cơ cấu phát triển đất nước thì ngành luật đất đai có nhóm quan hệ xã hội chuyên biệt, được các quy phạm pháp luật điều chỉnh các chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai mà Nhà nước đại diện, sử dụng pháp luật như công cụ tác động để kiểm soát quan hệ pháp luật đất đai

Bởi lẽ đó, Ngành Luật Đất đai được định nghĩa như sau: Luật Đất đai là tổng hợp tất cả quy phạm pháp luật mà Nhà nước ban hành, nhằm thiết lập quan hệ đất đai dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và được đặt dưới sự bảo hộ của Nhà nước đối với quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Luật đất đai là ngành luật quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta trong quá trình phát triển đất nước ở tất cả mọi mặt từ văn hóa, kinh tế, xã hội.

Luật đất đai

Các văn bản Luật đất đai

Việt Nam là nước đi theo chế độ sở hữu toàn dân về đất đai cho nên yêu cầu quản lý đất đai một cách toàn diện bằng công cụ là pháp luật rất cần thiết. Trước sự cấp thiết đó mà Nhà nước ta đã có chủ trương xây dựng dự thảo Luật đất đai từ năm 1987.

Qua nhiều lần tranh luận cũng như chỉnh sửa, tiếp thu trưng cầu ý kiến từ người dân mà ngày 29/12/1987 văn bản Luật đất đai đầu tiên của Việt Nam ra đời và được Nhà nước ký lệnh công bố ngày 08/01/1988. Luật Đất đai ra đời đã mở ra thời kỳ mới của Việt Nam trong việc quản lý đất đai bằng quy hoạch và pháp luật.

Tuy nhiên, do quá trình diễn biến lịch sử bị tác động bởi các yếu tố chính trị, chiến tranh, kinh tế mà Luật Đất đai 1987 vẫn mang nặng dấu ấn của cơ chế cũ và chưa xác định rõ ràng đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ đất đai. Vì thế, sau 5 năm thực hiện Luật Đất đai, Nhà nước xây dựng Luật Đất đai 1993 thay thế cho Luật Đất đai 1987.

Luật đất đai năm 1993 ra đời giải quyết được việc điều chỉnh các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường,  đồng thời xoá bỏ được tình trạng vô chủ của đất đai, xác lập quyền cụ thể cho người sử dụng đất.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế đến chóng mặt tại thời kỳ đó mà Luật Đất đai 1993 vẫn còn tồn tại những vấn đề không phù hợp. . Cho nên, Luật Đất đai 1993 thông qua 2 lần sửa đổi vào năm 1998 và 2001 đã giải quyết được vấn đề xác định được quyền của chủ thể sử dụng đất ; hình thức giao đất ; khai thác và quản lý quỹ đất.

Sau đó, Nhà nước lại nhận thấy hệ thống pháp luật đất được sửa đổi như vâỳ có tính chắp vá, không đồng bộ và còn lạc hậu. Chính vì thế tại kỳ họp thứ 4 vào ngày 26/11/2003, Quốc hội khoái XI đã thông qua Luật Đất đai mới là Luật Đất đai năm 2003.

Từ năm 2003 trở lại đây, quan hệ pháp luật đất đai ở Việt Nam có nhiều chuyển biến quan trọng tác động mạnh mẽ đến kinh tế thị trường. Quan hệ đất đai dần thoát ly khỏi chế độ cũ, dân sự hóa quan hệ giữa các chủ thể, quyền và lợi ích của người sử dụng đất ngày càng được quan tâm. Bên cạnh đó, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu hướng chung của toàn cầu đồng thời là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới trong đó đất đai là nguồn lực to lớn để thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính vì thế trên tinh thần muốn xây dựng Luật mới thay thế cho Luật Đất đai 2003 mà Luật Đất đai năm 2013 đã ra đời và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2014.

Như vậy hiện nay, trong hệ thống pháp luật đất đai, Luật Đất đai 2013 là văn bản quy phạm pháp luật cơ bản nhất để điều chỉnh quan hệ pháp luật đất đai. Để hiểu được cốt lõi của Luật Đất đai 2013, chúng ta cần nghiên cứu 3 vấn đề sau :

Thứ nhất, Luật Đất đai 2013 đã thể chế hóa những điểm cơ bản trong chính sách và pháp luật trong thời kỳ mà Việt Nam đã hướng tới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ hai, xây dựng Luật Đất đai 2013 chính là dựa trên nền tảng chế độ sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện sở hữu, thống nhất và quản lý đất đai trong phạm vi cả nước

Thứ ba, xây dựng Luật Đất đai 2013 là sự kế thừa và phát triển các văn bản quy phạm pháp luật đất đai trước đất. Luật Đất đai 2013 trên tinh thần góp phần pháp điển hóa hệ thống luật đất đai và giảm thiểu những vấn đề phức tạp tránh tình trạng người dân không nắm được luật.

Cuối cùng tại Luật Đất đai 2013, nhiều quy định của Chính phủ, các bộ ngành qua thực thế đã phù hợp với văn hóa, xã hội bên cạnh đó nâng cao tính pháp lý chặt chẽ, giảm thiểu tính không cần thiết để Luật Đất đai hoàn chỉnh và mang lại hiệu quả cao.

Luật đất đai

Nguyên tắc áp dụng luật qua các thời kỳ

Sự thay đổi của pháp luật biến chuyển qua từng thời kỳ, cho nên để tránh việc áp dụng nhầm lẫn quy định của luật, bạn cần lưu ý những nguyên tắc sau:

  • Áp dụng văn bản vào thời điểm có hiệu lực của nó và đối với các hành vi xảy ra tại thời điểm văn bản đó có hiệu lực/ Trường hợp có quy định áp dụng hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo Luật định.
  • Trường hợp quy định khác nhau cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn.
  • Trường hợp do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau nhưng cùng một vấn đề thì áp dụng quy phạm pháp luật ban hành sau.
  • Trường hợp văn bản quy phạm mới không quy định hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn cho hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới đó.
  • Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật không trái với việc thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp quy định trong nước và điều ước quốc tế quy định cùng vấn đề thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế, trừ Hiến pháp.

Có thể bạn quan tâm: Đặc điểm về việc chiếm hữu ruộng đất trong lịch sử Việt Nam