Luật bản quyền trước thách thức từ AI – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Sự kiện bức tranh “Théâtre D’opéra Spatial” đạt giải được vẽ bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) đã thách thức luật bản quyền truyền thống trong thời đại công nghệ số.

AI vẽ tranh đoạt giải nhất: luật bản quyền “đau đầu”

Thế giới xôn xao quanh câu chuyện một bức tranh mang tên “Théâtre D’opéra Spatial” do phần mềm AI(1) có tên Midjourney vẽ. Người sử dụng phần mềm vẽ tranh, anh Jason Allen, ghi ở mục tác giả là “Jason M. Allen via Midjourney”. Bức tranh này đã được trao giải nhất cho hạng mục nghệ thuật tại triển lãm ở bang Colorado, Mỹ vào hôm 29-8-2022. Bức tranh được cộng đồng nhận xét là có những nét vẽ sống động và thật khó để biết đây là sản phẩm của AI. Có vẻ ranh giới giữa các sản phẩm sáng tạo như thế này từ AI và con người ngày càng mờ nhạt dần.

Quá rõ để thấy rằng, bức tranh là do AI trực tiếp vẽ ra, không cần bàn cãi. Nhưng theo luật tác quyền, tác giả của bức tranh là phần mềm Midjourney hay là Jason Allen?

Quyền tác giả trong kỷ nguyên số

Khái niệm “quyền tác giả” (hay còn gọi là “bản quyền” – copyright) đã có từ lâu. Loài người xưa nay đã sớm nhận ra được giá trị thương mại to lớn từ những tác phẩm do mình tạo ra. Việc thừa nhận các quyền đối với các tác phẩm mang lại cho chủ sở hữu những lợi thế kinh tế như mua bán, cho thuê các tác phẩm nghệ thuật.

Năm 1710, Quốc hội Anh thông qua đạo luật bản quyền (Statute of Anne) – nơi đầu tiên trên thế giới ghi nhận chế định “quyền tác giả”. Hơn 80 năm sau, Pháp và Đức cũng đã có đạo luật bản quyền lần lượt vào năm 1793 và 1794.

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) 2019 của Việt Nam định nghĩa “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”(2). Quyền tác giả theo luật này bao gồm hai bộ phận: quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân là một quyền mang tính chất phi tài sản, gắn liền với giá trị tinh thần của người sáng tạo và không thể chuyển giao. Trong khi đó quyền tài sản mang lại những giá trị kinh tế cho chủ sở hữu như công việc xuất bản sách và bán sách.

Quá rõ để thấy rằng, bức tranh là do AI trực tiếp vẽ ra, không cần bàn cãi. Nhưng theo luật tác quyền, tác giả của bức tranh là phần mềm Midjourney hay là Jason Allen?

Khái niệm “tác giả” theo luật bản quyền truyền thống chỉ có thể là con người tự nhiên, là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.

Việc xác định tác giả của tác phẩm có liên quan chặt chẽ đến việc công nhận và bảo hộ tác phẩm. Hiện nay theo Công ước Berne 1886(3), một điều kiện bắt buộc để bảo hộ quyền tác giả đó là tác phẩm phải có “tính nguyên gốc” (originality). Khái niệm chuyên môn này có nhiều cách hiểu khác nhau ở mỗi quốc gia.

Cục Bản quyền tác giả Mỹ quy định tác phẩm có tính nguyên gốc là tác phẩm được tạo ra bởi con người. Trong khi đó luật của Liên minh châu Âu lại có các yêu cầu cao hơn, đòi hỏi tác phẩm phải có sự sáng tạo nhất định, mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả. Tại Việt Nam, tính sáng tạo hay tính nguyên gốc được hiểu như nhau, trong đó phải do chính tác giả tạo ra(4), không sao chép của người khác và tác giả phải là con người.

Trong kỷ nguyên số, quy định về “tính nguyên gốc” dựa trên tiêu chí tác phẩm phải được sáng tạo bởi con người đang bị thách thức bởi AI.

Luật bản quyền của Vương quốc Anh là một điểm sáng hy vọng về hành lang pháp lý tác quyền cho AI. Pháp luật Anh quốc hiện đã công nhận một số trường hợp ngoại lệ bảo hộ quyền tác giả đối với sản phẩm do chương trình máy tính tạo ra (generated-computer works)(5).

Luật Anh đã định nghĩa tác phẩm do chương trình máy tính tạo ra là tác phẩm được tạo ra bằng máy tính trong những trường hợp không có tác giả là con người. Theo đó, chủ đầu tư vẫn có quyền sở hữu bản quyền đối với những tác phẩm “chưa có tác giả là con người”(6). Bước đầu công nhận và bảo hộ quyền tác giả đối với những sản phẩm từ AI của Anh quốc tạo tiền đề rộng mở tiến tới công nhận AI là tác giả của tác phẩm.

Hiện nay, có ba quan điểm chính liên quan đến vấn đề công nhận ai là tác giả đối với tác phẩm từ AI:

1. Công nhận lập trình viên của phần mềm AI là tác giả.

2. Công nhận người sử dụng phần mềm AI là tác giả.

3. Công nhận chính AI là tác giả.

Đối với quan điểm thứ (1) các nước trên thế giới đã quy định như Anh, Úc, New Zealand… Còn quan điểm thứ (2) và (3) hiện nay vẫn chưa có cơ chế pháp lý chính thức.

Nên hay không công nhận AI là chủ thể của quyền tác giả?

Về bản chất, AI là một chương trình máy tính hay là phần mềm máy tính. Khái niệm chương trình/phần mềm máy tính hiện nay lại được chia ra làm hai loại: i) Software 1.0 và ii) Software 2.0.

Software 2.0 (phần mềm 2.0) về cơ bản vẫn là một phần mềm máy tính 1.0 nhưng đã có sự nâng cấp. AI chính là một loại phần mềm 2.0. Một ví dụ như công nghệ học máy (Machine learning) – một thuật toán AI có khả năng tự học, tự chủ (autonomy) và tự đưa ra quyết định mà không cần các yêu cầu từ con người.

Thuật toán AI có thể tự mình trực tiếp thực hiện các công đoạn và thể hiện tác phẩm ra một hình thức nhất định (ví dụ như robot vẽ tranh) nhưng không thể thực hiện tất cả. Bởi vì cho đến hiện tại, hoạt động của AI chủ yếu được điều khiển bởi con người. Việc phát triển phần mềm, thiết kế một công cụ thuật toán AI và quá trình sử dụng các công cụ đó vẫn phải thông qua con người dưới tư cách là người nhập các dữ liệu đầu vào (Chen, H.Y, 2021, tr. 330).

Ví dụ trong công việc vẽ tranh, AI tiếp nhận các dòng lệnh của người sử dụng chương trình. Sau đó, chúng sẽ được “học” các thông tin, dữ liệu đầu vào. Trải qua các khâu trung gian như sắp xếp bố cục, chỉnh ánh sáng, xử lý màu sắc, xử lý độ chân thực của hình ảnh từ những tác phẩm đã có sẵn, AI có thể tự hiểu ra quy luật và đưa ra quyết định về kết quả màu sắc, hình ảnh, độ nét, ánh sáng,…

Tư cách chủ thể của AI

Khi “trí thông minh” đang tách dần ra khỏi “ý thức”, nhân loại đang phải đối mặt với sự tiếp nhận các vấn đề mới chưa từng có trong tiền lệ: Các vật thể phi ý thức nhưng có trí thông minh đang đóng góp giá trị rất lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng AI là một robot hoặc chỉ là một phần mềm máy tính không biết tư duy. Nhưng trên thực tế, AI là một thuật ngữ rộng và có nhiều nhánh nghiên cứu khác nhau. Không phải bất cứ thuật toán AI nào cũng có thể đáp ứng điều kiện là chủ thể của luật. Chỉ những thực thể có thuật toán AI đạt đến trình độ xử lý dữ liệu “thông minh” như các robot làm việc thay thế con người mới có thể được cân nhắc.

Tư duy luật truyền thống lâu nay vẫn chỉ thừa nhận duy nhất con người là tác giả. Nhưng trong cuộc đua tác quyền, liệu con người có còn giữ được vị trí độc tôn nữa hay không? Một số thuật toán AI đã đánh bại được con người, thay thế con người trong các hoạt động thường ngày như lái xe, chăm sóc người già và trẻ em, vẽ tranh, làm thơ, sáng tác nhạc.

Các sản phẩm mà AI tạo ra không kém cạnh gì sản phẩm từ con người. Trong tương lai, nếu AI tạo ra ngày càng nhiều các tác phẩm nghệ thuật bắt mắt, liệu AI có được công nhận là tác giả hay không?

Vấn đề một bức tranh được AI vẽ ra và đạt giải đã chỉ ra bức màn đầy hoài nghi về tính hiệu quả của luật tác quyền truyền thống. AI có được coi là chủ thể của luật hay không? Đây là một câu hỏi lớn không chỉ ngành luật SHTT phải giải quyết mà còn là thách thức của toàn bộ hệ thống pháp luật.

(*) Khoa Luật – Đại học Kinh tế TPHCM
(1) AI và phần mềm AI sau đây gọi chung là AI
(2) Khoản 2, Điều 4, Luật SHTT 2019
(3) Công ước Berne là một điều ước quốc tế về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật
(4) Khoản 3, điều 14, Luật SHTT 2019
(5) Copyright, Design and Patents Act (CDPA) 1988
(6) Điều 178 CDPA 1988