Luận cương Trần Phú – Cương lĩnh Cách mạng của Đảng và nhân dân ta


Cố Tổng Bí thư TRẦN PHÚ
(1/5/1904 – 1/5/2009) 

Trần Phú sinh ngày 1-5-1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, là con thứ 7 của quan tri huyện Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát, người làng Tùng Anh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng ở miền Trung.

Ngày 19-5-1908, sau khi đổi ra làm tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), do không chịu được sự đè nén, áp bức, nhục mạ của tên Đo-đê, Công sứ Pháp và bất lực trước tình cảnh nhân dân đói khổ, lầm than, quan tri huyện Trần Văn Phổ đã thắt cổ tuẫn tiết tại công đường. Do nghèo khổ và buồn phiền, hai năm sau đó, bà Hoàng Thị Cát đã qua đời (1910) tại thị xã Quảng Ngãi. Trần Phú cùng với người em út, khi thì ở với anh trai, khi thì ở với chị gái tại Quảng Trị, và sau đó được một người dì ruột nuôi cho ăn học tại Trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba đến Trường Quốc học Huế. Tại đây, Trần Phú thi đỗ đầu bằng Thành chung, khi 18 tuổi, rồi về dạy học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).

Năm 1926, cùng một số bạn bè trẻ tuổi như Lê Văn Huân, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt… thành lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam, rồi lại đổi ra Tân Việt cách mạng đảng.

Tháng 7-1926, Trần Phú được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để gặp Nguyễn Ái Quốc và đề nghị hợp nhất tổ chức cách mạng trong nước với Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tại đây, Trần Phú đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện về đường lối cách mạng vô sản và đầu năm 1927, Bác Hồ đã cử Trần Phú sang Liên Xô (cũ) theo học Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa.

Năm 1928, Trần Phú là một trong những đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, tháng 4-1930, Trần Phú về nước. Lúc này, Đảng Cộng sản Đông Dương đã thành lập trên cơ sở thống nhất ba tổ chức cộng sản ba miền (Đại hội Hương Cảng 3-2-1930). Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.

Tại Hà Nội, Trần Phú bí mật trú ngụ tại căn gác nhà số 4, phố Hàng Rươi, sau chuyển đến căn hầm nhà 90 phố Thợ Nhuộm (đây là nhà một chủ Pháp, nay là nhà lưu niệm Trần Phú). Tại đây, Trần Phú đã thảo ra bản “Luận cương Chính trị” của Đảng. Luận cương này được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng tháng 10 năm 1930. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu Trần Phú làm Tổng Bí thư.

Luận cương chính trị là sản phẩm của trí tuệ tập thể, trong đó, có phần đóng góp xuất sắc của Trần Phú, người trực tiếp khởi thảo và hoàn chỉnh. Đó kà kết quả của sự vận dụng đúng đắn những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đường lối Quốc tế Cộng sản với thực tiễn cách mạng Việt Nam, bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh hóa “Chính cương và Sách lược tóm tắt” của Nguyễn Ái Quốc khởi thảo hồi tháng 2 năm 1930 trong buổi đầu xây dựng Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, xã hội Việt Nam, các mâu thuẫn giai cấp, đặc điểm cách mạng Đông Dương, Luận cương đã xác định đúng đắn đường lối cách mạng, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, chống đế quốc với chống phong kiến, độc lập dân tộc gắn với người cày có ruộng. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, phương pháp cách mạng, Luận cương chính trị đã thật sự giải quyết vấn đề dân tộc trên lập trường giai cấp, đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên theo hướng chủ nghĩa xã hội.

Luận cương khẳng định cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo, là cách mạng thổ địa đánh đổ các di tích phong kiến, giao ruộng đất cho nông dân, là cách mạng phản đế đánh đổ đế quốc Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Luận cương chính trị và sự ra đời của Đảng ta đã mở ra một thời đại nhân dân ta tham gia vào sự nghiệp vĩ đại giải phóng loài người khỏi mọi chế độ áp bức, bóc lột.

Đặt Luận cương chính trị vào thời điểm năm 1930, mới thấy hết ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của nó, cũng như thông cảm với một số hạn chế do điều kiện lịch sử lúc ấy. Luận cương chính trị năm 1930 đánh dấu những mốc son trong kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nhưng văn kiện ấy là định hướng đúng đắn cho quá trình phát triển đường lối cách mạng Việt Nam cũng là tư tưởng cơ bản mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ra đời tại Đại hội VII của Đảng kế tục. Đó là con đường của sự nghiệp đổi mới đất nước chúng ta.

Ngày nay, nhắc tới tên tuổi Trần Phú, chúng ta đều ghi nhận công lao của lãnh tụ trẻ tuổi đã khởi thảo Luận cương chính trị. Tuy hoàn cảnh của Đảng lúc bấy giờ không cho phép tổ chức Đại hội để thông qua luận cương này, nhưng nó vẫn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Đó là bản Cương lĩnh cách mạng nổi tiếng của Đảng và nhân dân ta.

Đồng chí Trần Phú đã vĩnh biệt đồng chí và nhân dân của mình vào ngày 6-9-1931, khi mới 27 tuổi, nhưng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản vô cùng quý báu, đó là Luận cương chính trị năm 1930, đó là sự nghiệp của tuổi thanh xuân, một tấm gương tuyệt vời của người cộng sản, một lãnh tụ lỗi lạc và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

NGUYỄN XUYẾN