Lũ lụt và những vấn đề đặt ra: Bài cuối: Giải pháp cấp thiết có tính lâu dài

Theo nhiều chuyên gia về khí tượng thủy văn, lũ ống, lũ quét là những hiện tượng dòng chảy cực đoan khi một khối lượng nước khổng lồ di chuyển nhanh từ địa hình cao xuống thấp. Do dòng nước chảy xiết cuốn theo nhiều vật chất như đất, đá, cây cối trên đường di chuyển nên nó có sức tàn phá lớn. Chính vì thế mà nó được ví như một dạng “tai biến” nguy hiểm có thể tàn phá nặng nề khu vực miền núi, nơi mà hình thái thiên tai này thường xuyên xuất hiện.

Vùng lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An được chia thành 2 khu vực hữu ngạn và tả ngạn hệ thống sông Cả. Trong đó, vùng tả ngạn gồm địa phận các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, một phần phía Tây Bắc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn; phía vùng hữu ngạn sông Cả, gồm khu vực Tây Nam huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Mức độ tập trung các khu vực lũ ống, lũ quét không đồng đều, đạt mật độ rất cao ở huyện Tương Dương (các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa), và phía Nam huyện Quế Phong (Nậm Giải, Tri Lễ)…

Để cảnh báo tình hình mưa lũ, trên hệ thống sông Cả thuộc địa phận Việt Nam, đã có nhiều trạm quan trắc, trạm khí tượng, thủy văn được bố trí dọc sông Cả và các phụ lưu, cho các kết quả dự báo tương đối chính xác về tình hình mưa lũ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tiến – Phó Giám đốc Đài Khí tượng, thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, hiện nay điểm xa nhất đặt trạm khí tượng thủy văn là tại thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), trong khi phần lưu vực sông Cả rộng lớn nằm trên đất Lào thì chưa có một trạm quan trắc nào, việc trao đổi thông tin, dữ liệu cảnh báo mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay hệ thống ra-đa cũng chỉ quét được trong phạm vi 300 km, còn để có thể cảnh báo sớm trong phạm vi xa hơn nữa thì chưa thể.