Lọt top 10 trái cây ngon nhất Việt Nam, cam sành Hàm Yên vẫn gặp khó đầu ra
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản thì quả cam tươi đạt tiêu chuẩn VietGAP cùng sản phẩm chế biến như cam dẻo, cam sấy… chính là chìa khóa nâng cao hiệu quả kinh tế cho các vườn cam ở Hàm Yên.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tĩnh (dân tộc Tày) ở thôn Tháng Mười, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang có hơn 5 ha trồng cam vinh, cam sành. Thế nhưng, cũng như bao người trồng cam khác, nhiều năm để diện tích cam này phát triển tự nhiên nên quả cam thu về thường xấu mã, ít nước. Năm nào thu hoạch khá một chút thì lại rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá” nên có đất, có vườn nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.
HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm hiện có hơn 49 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Năm 2012, những vườn cam Hàm Yên bắt đầu được được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm mang đến những sản phẩm an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng, việc chăm sóc cây cam cũng được bà con chú trọng.
“Khi chúng tôi chuyển từ trồng cam truyền thống sang cam theo tiêu chuẩn VietGap thì chất lượng quả cam đảm bảo hơn, ngọt hơn. Cam được chuyển đến miền Nam, miền Trung được cắt cẩn thận, xếp từng quả vào hộp xốp, không dùng chất bảo quản, đi 2-3 ngày mới tới nơi nhưng quả cam vẫn tươi ngon” – chị Nguyễn Thị Tĩnh cho biết.
Tháng 10/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Theo quy hoạch, vùng cam sành tại Tuyên Quang trải dài trên 15 xã của các huyện Hàm Yên và Chiêm Hoá. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp tại đây đã cho chất lượng quả cam nổi trội hơn các khu vực khác.
Tổng diện tích cam sành Hàm Yên hiện đạt trên 7.500 ha, trong đó gần 7.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng trung bình 80.000 tấn mỗi năm. Để giữ vững và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên thì cùng với việc yêu cầu người trồng tuân thủ đúng quy trình chăm sóc vườn cam, ngành Nông nghiệp đã có những chương trình cụ thể đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn sản phẩm có chất lượng.
Cam sấy với giá bán dao động 150.000 – 200.000 đồng/kg và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Anh Trần Hoài Thương, ở quận Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng lựa chọn cam Hàm Yên qua nhiều năm: “Từ một lần được biếu, tôi được biết đến cam Hàm Yên. Quả cam từ Tuyên Quang gửi vô Sài Gòn vẫn còn tươi, ngon, có tem mác xuất xứ rõ ràng. Tôi rất yên tâm về chất lượng và thực sự cam ăn rất ngon”.
Khi dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội, người trồng cam Hàm Yên một lần nữa đứng trước nguy cơ thất bại do sản phẩm cam tươi không tiêu thụ được. “Cái khó ló cái khôn”, mô hình chế biến cam sấy dẻo đã được lựa chọn bởi phù hợp với nhu cầu thị trường. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và chuẩn bị vốn, chị Nguyễn Thị Tĩnh bắt tay xây dựng HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm chuyên sản xuất, cung ứng sản phẩm “cam sấy” ra thị trường với mức giá 150.000 -200.000 đồng/kg và hiếm khi có hàng tồn kho.
“Thời gian tới, HTX Nông nghiệp xanh Yên Lâm sẽ gia tăng sản lượng cam sấy thành phẩm và chế biến thêm sản phẩm trà túi lọc, nhằm giảm bớt áp lực tiêu thụ cam tươi vào cao điểm thu hoạch rộ. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng xây dựng các phương án xúc tiến thương mại để quả cam sành Hàm Yên tiếp cận với kênh phân phối hiện đại ở nhiều địa phương trong cả nước, hướng đến các trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore” – chị Nguyễn Thị Tĩnh cho biết./.