Lòng yêu nước nhìn từ hiện tại

(HNM) – Lòng yêu nước khơi nguồn từ cuộc sống, tình yêu gia đình, yêu quê hương, làng xóm… là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Lòng yêu nước đã tạo nên khí phách kiên cường, bất khuất của người Việt Nam trước mọi hiểm họa xâm lăng và đồng hóa.

Mỗi khi đất nước lâm nguy, lòng yêu nước như được nhân lên, kết thành khối vững chắc tạo nên sức mạnh vô song. Do vậy, lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng gắn với niềm tự hào, tự tôn dân tộc, là phẩm giá Việt Nam cần được bảo vệ, phát huy và cũng tránh bị ngộ nhận, lợi dụng.

1. Mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trải qua không ít thăng trầm của lịch sử, dân tộc Việt Nam đã làm nên những chiến công hiển hách, vượt qua những khoảng lặng gian lao. Khi lòng yêu nước rực cháy trong mỗi người dân, lớp lớp cha anh kế tiếp nhau đã đập tan mọi cuồng vọng của quân xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử, bảo vệ nền văn hóa và quyền tự chủ. Đây chính là điều kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước là yếu tố cốt lõi chi phối đời sống tinh thần, là nền tảng tạo nên tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Lòng yêu nước Việt Nam mang khí phách, tâm hồn dân tộc với ý chí kiên cường và tư tưởng nhân văn sâu sắc. Tư tưởng nhân văn của lòng yêu nước cũng được thể hiện trong các cuộc chiến bảo vệ quyền tự chủ mang dấu ấn đặc sắc Việt Nam. Sau những “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, khi quân Minh thế cùng, lực kiệt, buông giáo quy hàng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã cởi bỏ oán thù, mở lượng khoan dung, tha cho mười vạn binh “gây lại hòa hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời”. Thần tốc đập tan hai mươi vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long, nhà quân sự kiệt xuất Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ đã toan lo kế sách cởi bỏ đao binh bởi “nếu cứ để lửa binh liên miên, thật không phải phúc của dân”… Các bậc đế vương quân tử hào kiệt ngày xưa đã lấy “nhân hòa” để chuyển hóa thế thời, khoan sức dân làm nền tảng tạo nên sức mạnh, dùng hòa hiếu làm kế ổn định lâu bền.

Lịch sử dân tộc cũng đã trải qua những khúc quanh đau đớn. Khi lòng dân chia lìa cũng là lúc đất nước lâm nguy, ngoại bang đô hộ, trăm họ lầm than. Nền tự chủ của dân tộc được tạo dựng bằng máu và nước mắt của lớp lớp người Việt. Do vậy, dân tộc Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của độc lập, hòa bình… Những bài học về bang giao của cha ông còn nguyên giá trị đối với chúng ta hôm nay.

2. Ngày nay, toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, đất nước ta đã, đang phải đối mặt với những thách thức mới, những hiểm họa mới. “Biên giới mềm”, “quyền lực mềm” không còn là một khái niệm được nói đến trong chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… mà đã trở thành chiến lược của nhiều quốc gia với những bước triển khai cụ thể. Chưa kể, hội nhập sâu rộng cùng thế giới, Việt Nam sẽ phải chấp nhận những “luật chơi” khắc nghiệt trong bối cảnh tiềm lực chưa đủ mạnh để khống chế, gạt bỏ hệ lụy khi cánh cửa thị trường trong nước ngày càng mở rộng. Nguy cơ đang hiện hữu, lòng yêu nước cần được đặt ra những nội hàm và cách thức thể hiện mới.

Xâm nhập bằng văn hóa, chiếm lĩnh thị trường bằng hàng hóa, đẩy những phân khúc tạo giá trị thấp và công nghệ lạc hậu, ô nhiễm sang các quốc gia kém phát triển chính là những yếu tố của biên giới “mềm”. Trong khi hội nhập quốc tế, chúng ta đã phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã từ những cái tưởng như bình thường như thời trang Hàn Quốc, lối sống phương Tây… Sự xa hoa, sính ngoại, tư duy hưởng thụ, “sống gấp” đang hằng ngày tác động, chi phối đời sống tinh thần của người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Văn hóa truyền thống đang bị cuốn trong những cơn bão táp du nhập và chúng ta phải trực diện với một thực tế là những giá trị đã từng làm nên phẩm giá Việt Nam đang bị pha loãng trong lối sống thực dụng, vô cảm. Khẳng định cái riêng của dân tộc trong cái chung của nhân loại cũng là khẳng định bản lĩnh Việt Nam. Đây chính là trách nhiệm của mỗi người dân nước Việt và cũng là một cách biểu hiện lòng yêu nước.

Doanh nghiệp nước ngoài tràn vào khai thác các nguồn lực, hàng hóa nước ngoài ầm ập đổ vào các ngõ ngách của thị trường, muốn biến Việt Nam trở thành “công xưởng”, thành “mảnh đất vàng” để sinh lợi. Khi đã chấp nhận tham gia vào chuỗi thị trường toàn cầu, Việt Nam sẽ phải mở cửa rộng hơn. Với tiềm lực, trình độ công nghệ, khả năng quản lý và hoạch định chính sách của các doanh nghiệp hiện nay, nguy cơ không thể đối đầu với những tập đoàn đa quốc gia ngay trên sân nhà đã hiện hữu. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Sự kết nối để quy tụ nguồn lực và sức sáng tạo của chính cộng đồng doanh nhân sẽ làm nên sức mạnh để đàn chim Việt bay cao, bay xa.

Người Việt Nam có quyền đòi hỏi chất lượng hàng hóa trong nước phải tốt, giá thành phải hợp lý, nhưng cũng cần có ý thức để kích thích nền sản xuất. Góp sức cho doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh cũng là chung tay xây dựng nền tự cường dân tộc, và đó là một cách yêu nước.

Lòng yêu nước Việt Nam cần được thể hiện cao độ bằng sức sáng tạo, bằng mỗi việc làm trên tinh thần vì dân tộc, vì cộng đồng. Thách thức phía trước, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo trong từng bước đi, từng hành động để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam, tránh được những hệ lụy xã hội, và xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh, tự chủ đủ sức vượt qua được rủi ro và hệ lụy từ phía ngoài.

3. Yêu nước, mỗi người cần sống có trách nhiệm hơn, trong suy nghĩ và hành động. Mỗi người Việt Nam dù ở vị trí nào, ở bất cứ đâu hãy cố gắng cân nhắc lợi – hại, đúng – sai, giữ nhiệt huyết nhưng phải tỉnh táo để không suy nghĩ ích kỷ và tự mãn. Lòng yêu nước chân chính khác xa với sự mù quáng.

Trước những vấn đề nhạy cảm và phức tạp liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, thời gian gần đây, lòng yêu nước và ý thức dân tộc đã trỗi dậy mạnh mẽ trong mỗi người dân nước Việt. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhiều ý kiến tâm huyết để bảo vệ và phát triển đất nước. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những tài liệu lịch sử quan trọng giúp người dân Việt Nam và bạn bè thế giới hiểu rõ hơn chủ quyền quốc gia của chúng ta trên Biển Đông. Tại các diễn đàn quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã đứng về phía Việt Nam tôn trọng sự thật, chân lý trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Đối lập với cuộc đấu tranh chính nghĩa vì lợi ích dân tộc của Đảng, Nhà nước và những người Việt Nam yêu nước chân chính, các thế lực thù địch và những phần tử chống đối đang ra sức lợi dụng lôi kéo người dân tụ tập, hò hét, nhân danh lòng yêu nước để gây mất trật tự công cộng, truyền bá những tư tưởng xấu nhằm làm rạn vỡ sự gắn bó của Đảng và Nhà nước với nhân dân, kích động hằn thù dân tộc, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân. Do vậy, mỗi người Việt Nam hãy gạt bỏ những định kiến cá nhân, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, tỉnh táo, nhận diện đúng đắn các vấn đề, sự kiện, hiện tượng trong bối cảnh cụ thể, đồng thời nhận thức đúng xu thế tất yếu khách quan của thời đại.

Chúng ta hãy thể hiện lòng yêu nước của mình bằng tình cảm nhiệt huyết nhưng tỉnh táo, quan tâm đến vận mệnh của dân tộc, không để bị lạm dụng, bị lôi kéo vào những bè phái, tổ chức nhân danh lòng yêu nước nhưng thực chất là gây tổn hại tới sức mạnh và lợi ích đất nước, tiếp tay cho những âm mưu kêu gào yêu nước bằng máu xương của người khác…

Tôn trọng hòa hiếu, gìn giữ hòa bình và cũng sẵn sàng đập tan mọi ý đồ xâm lăng, chia rẽ dân tộc là những đúc kết từ mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và còn nguyên giá trị đối với đất nước và con người Việt Nam hôm nay. Mỗi người dân nước Việt hãy kết thành khối vững chắc, thống nhất trong tư duy và hành động, phát huy lòng yêu nước, tính sáng tạo bằng mỗi việc làm cụ thể có lợi cho chính mình, cho cộng đồng, có ích cho đất nước.

Lòng yêu nước chân chính trên tinh thần yêu chuộng hòa bình, sự tôn trọng lẫn nhau dựa trên các giá trị mang tính chuẩn mực quốc tế sẽ giúp mỗi quốc gia, mỗi dân tộc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời bảo đảm hòa bình và sự hưng thịnh của các quốc gia và của toàn nhân loại trong một thế giới toàn cầu hóa…

Trên bất kỳ phương diện nào, thời kỳ lịch sử nào thì lòng yêu nước phải là một giá trị văn hóa sâu sắc, phù hợp với đạo lý, văn minh chứ không thể là sự ngộ nhận, lạm dụng để đánh bóng hoặc bị lợi dụng!