Lời kể của thôn nữ miền Tây bị lừa bán qua Malaysia làm “gái”

T. kể trước Tết Quý Tỵ vừa rồi, T. và gia đình có nghe người mợ của T. đang có việc làm ổn định bên Malaysia nói nhiều nhà hàng tại Malaysia có nhu cầu tuyển nhân viên đến từ Việt Nam với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Có một điều là lạ là – theo như lời T. kể, trước khi dẫn T. đi làm thủ tục xuất cảnh, mợ của T. hỏi: “Con còn trinh không?”. Khi nghe T. thú thật, mợ của T. mỉm cười ra vẻ hài lòng về đứa cháu…

Nhà của Nguyễn Lệ T. (tên của nhân vật đã được thay đổi) ở thị trấn cùng tên của huyện U Minh (Cà Mau). Nhờ mối mai của một người quen mà cô gái 20 tuổi này “lần đầu tiên biết đi máy bay” và được đặt chân tới đất nước Malaysia xa xôi. Từ xứ người xa lạ, T. chẳng ngờ rằng mình đã trải qua những ngày đớn đau, tủi nhục nhất. Không chịu nổi thực tế phũ phàng, ngay sau khi được giải thoát về nước, việc đầu tiên là T. lấy bút, giấy viết liền một mạch đầy 3 trang giấy gửi về Công an tỉnh Cà Mau với hy vọng sẽ vạch mặt kẻ buôn người…

T. kể trước Tết Quý Tỵ vừa rồi, T. và gia đình có nghe người mợ của T. đang có việc làm ổn định bên Malaysia nói nhiều nhà hàng tại Malaysia có nhu cầu tuyển nhân viên đến từ Việt Nam với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên khi nghe thế, gia đình T. có ý muốn T. sang Malaysia tìm việc. Có một điều là lạ là – theo như lời T. kể, trước khi dẫn T. đi làm thủ tục xuất cảnh, mợ của T. hỏi: “Con còn trinh không?”. Khi nghe T. thú thật, mợ của T. mỉm cười ra vẻ hài lòng về đứa cháu.

Thôn nữ miền Tây nhiều năm qua vẫn là “con mồi” của những kẻ buôn người xuyên quốc gia. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Sau Tết, cụ thể là ngày 3/3, khi đã nhận được hộ chiếu, mợ của T. cho biết, toàn bộ chi phí đi từ Việt Nam sang Malaysia mợ lo hết. Khi nào sang Malaysia, có việc làm, T. sẽ trả lại cho mợ. “Lúc đó, tôi không hề nghi ngờ lòng tốt của mợ mình”, T. bộc bạch.

“Ngày hôm đó, tôi đón xe đò lên Sài Gòn rồi gặp mợ tôi. Mợ đưa tôi lại một khách sạn rồi căn dặn tôi không được đi ra ngoài, không được cho bất cứ ai biết chỗ này. Chiều đó, mợ tôi giới thiệu cho tôi làm quen một người đàn ông nói rằng đến từ Malaysia. Người đàn ông này nói được vài câu tiếng Việt. Đến chiều đó, khoảng 17h30′, ông này đưa tôi ra sân bay làm thủ tục để bay đi Malaysia. Ông ấy còn nói đi từ Việt Nam qua Malaysia phải bay 3 chặng mới tới”.

T. kể, tới sân bay Malaysia, có tài xế lại rước và đưa T. lại một quán cà phê và gặp vợ chồng của A Trạch. Nhìn từ đầu xuống chân, hỏi han vài câu, vợ chồng A Trạch đồng ý chọn T. làm “đào” cho họ. Xong, T. được đưa đến nơi ở và cho người dẫn T. đi mua sắm một số đồ dùng cá nhân. “Ngay tối hôm đó, vợ chồng A Trạch điện báo cho tôi chuẩn bị tiếp khách. Tài xế đến đón và đưa tôi tới một phòng trong một khách sạn rồi giao cho một ông khách, rồi tài xế ra về. Khi thấy ông khách ra cử chỉ muốn làm chuyện đó, tôi kháng cự nhưng không được. Khoảng 4 tiếng sau, tài xế quay lại đón tôi, quay lại chỗ ở…”.

T. kể cô đã khóc rất nhiều và cảm thấy có tội với tất cả người thân mình ở quê Cà Mau sau cái đêm đó dù biết rằng T. chỉ là nạn nhân, bị dồn vào đường cùng, không được lựa chọn. T. từng nghĩ đến hành động tiêu cực để tự giải thoát mình nhưng cô kịp tỉnh ngộ và quyết tâm tìm đường về. Và điều mà T. phải đối mặt vẫn là những ngày đen tối, đầy tủi nhục phía trước.

T. kể thêm, sáng hôm đó, A. Trạch lại gọi điện nói rằng, T. muốn có nhiều tiền để gửi về nhà giúp gia đình thì phải vào hẳn trong một khách sạn nào đó của ông ta để làm. Nghe T. từ chối, A Trạch giải thích công việc tưởng rằng rất nhẹ nhàng: “Mày cứ ở trong phòng, không cần đi đâu cả. Khi nào có khách cần, nó gọi điện thoại rồi mày mở cửa, tiếp nó, lấy tiền”.

Không để cho T. phân trần và từ chối, A Trạch lại kêu T. chuẩn bị tiếp khách. Cũng như lần trước, tài xế lại tới chở T. đi. Xong, tưởng được về, tài xế lại ra dấu truyền đạt lại lệnh của A Trạch: “Ông chủ kêu mày phải tiếp khách khác nữa đó”…

T. khóc và chợt nhớ tới người mợ của mình. Chẳng ngờ, từ đầu dây bên kia, mợ của T. lại ra mặt: “Qua đây rồi thì phải đi làm. Không làm là không xong với tụi nó đâu nghe con”.

Nghe người nhà của mình mà còn nói thế, T. càng quyết tâm bỏ trốn. T. quay trở lại phòng, không chuẩn bị để đi khách mà bóc điện thoại gọi về cho người chú ở Việt Nam để xin số điện thoại của một người cô đang ở Malaysia. Qua điện thoại, những người thân của T. hướng dẫn nhưng T. vẫn không thể đón taxi ra sân bay được bởi hộ chiếu của T. bấy giờ đang nằm trong tay người khác. Thế là T. chỉ còn một lựa chọn, cố gắng tìm lấy cho bằng được hộ chiếu của mình để về nhà một người cô tại Malaysia bằng đường hàng không. Nhưng T. chẳng có một xu dính túi.

May mắn cho T. khi câu chuyện của cô được một người đàn ông bản xứ tốt bụng quan tâm. Ông này nói ông có một người bạn làm Công an và có thể nhờ người bạn này đi chuộc lại hộ chiếu cho T.. T. cho biết đã mất khoảng 5.500 ringgit, tức khoảng 44 triệu đồng Việt Nam cho việc vừa kể. T. kể tiếp, sau thời gian tá túc tại nhà của người cô ở Malaysia (địa chỉ Bukit Indahcity Jorhoi), cô đã được đưa về nước theo đúng nguyện vọng.

T. còn kể và cam đoan rằng cô không phải là nạn nhân duy nhất của đường dây buôn người đầy tội lỗi này.

Bà Nguyễn Thị S. – người mà T. gọi bằng cô, cho biết, vào ngày 7/3, bà nhận được tin từ người nhà của T. tại Việt Nam cho biết T. đã bị lường gạt, bắt đi làm gái mại dâm và yêu cầu bà giúp T.. Bà nói do T. không nói được tiếng Anh hoặc tiếng địa phương nên quá trình hướng dẫn T tìm đến nhà bà rất khó khăn và mất thời gian. “May mà T. đã gặp một người đàn ông Malaysia tốt bụng nên đã cho cháu T. tạm trú tại nhà ông chờ tôi đến rước. Ngày hôm sau, tức 8/3, tôi cùng chồng tôi đặt vé máy bay đi tới nơi T. đang tạm trú và được biết, nơi đó thuộc Kuching. Sau khi trả lại khoản chi phí mà cháu tôi đã nhờ những người tốt bụng, chúng tôi đã đặt vé cho T. được bay về Việt Nam” – bà S. tường trình trong đơn.